Home / Bài Viết / Tâm lý giáo dục / Tôn trọng, công bằng và yêu thương

Tôn trọng, công bằng và yêu thương

Khi câu chuyện về vụ cô giáo phạt học trò quỳ, rồi phụ huynh ép cô giáo quỳ chưa hết nóng thì tuần này, câu chuyện nữ sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Đức Mậu (Quỳnh Lưu, Nghệ An) tự tử vì bị phát tán clip hôn bạn trai trong lớp học lên mạng lại khiến nhiều người hết sức lo lắng về chuyện ứng xử trong học đường. Thế giới học đường đang tiềm ẩn nhiều sự bất an và đáng báo động? Có nên hạn chế học sinh sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội? Quan niệm yêu cho roi cho vọt liệu có còn đúng trong môi trường giáo dục ngày nay.

Tham gia Diễn đàn kỳ này, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh góp thêm một góc nhìn thẳng thắn.

Hành vi lệch chuẩn của trẻ – hệ quả cách ứng xử của người lớn 

Tôi cho rằng, chúng ta đang chưa thật sự quan tâm đến trẻ em hoặc ứng xử xã hội chưa thỏa đáng trong câu chuyện bảo vệ trẻ em, chỉ khi “có chuyện” mới phát biểu, bàn tán, và các biện pháp xử lý hầu như chạy theo hướng “xử lý khủng hoảng truyền thông” để dư luận dịu đi, mọi việc lắng xuống chứ chưa nhìn nhận đến tận cùng nguyên nhân của sự việc mà chân thành tìm hiểu bản chất vấn đề, đưa ra giải pháp cho những sai lầm, thiếu sót tận gốc rễ.

Khi nhắc đến “quyền trẻ em”, vẫn quá nhiều người lớn thốt lên: cho chúng lắm quyền quá rồi bắt nạt người lớn, hỗn láo… Trên thực tế, mọi hành vi lệch chuẩn của trẻ đều có thể là hệ quả của chính cách ứng xử hàng ngày của những người lớn với chúng và với nhau.

Tôi cho rằng, cần tổ chức thêm nhiều hội thảo, các chương trình truyền thông cung cấp cho những người lớn, những bố mẹ trẻ các kiến thức cơ bản về tâm sinh lý trẻ, hướng dẫn họ phân biệt được giữa “tôn trọng” và “chiều thái quá”, giữa “yêu thương” và “chiều vô nguyên tắc”, giữa “nghiêm khắc” và “khắc nghiệt”… Bên cạnh đó, hướng dẫn họ cách bảo vệ trẻ em nói chung và đứa trẻ nhà mình nói riêng. Không chỉ có hành vi xâm hại từ bên ngoài mới là nguy hiểm. Nguy hiểm có thể tiềm ẩn trong mọi mối quan hệ, trong áp lực mà chính người lớn vô tình tạo ra cho trẻ, trong các thông tin trẻ tiếp cận trên mạng hoặc những thông tin của trẻ được/bị đưa lên mạng. Mỗi một vấn đề, một nội dung đều cần thiết kế các tình huống đi kèm và được truyền thông rộng rãi để các phụ huynh tiếp cận, tiếp thu và dễ dàng biết cách đối mặt với những tình huống khó.

Cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong học đường.

Đừng bỏ mặc trẻ với mạng xã hội

Có lần, tôi đề xuất những câu hỏi mà bố mẹ nên cùng con đặt ra khi quyết định cho con tham gia mạng xã hội. Một số ý kiến của phụ huynh cho rằng “lắm chuyện”, “lằng nhằng”, “cứ kệ nó rồi tự nó biết”… Tôi cho rằng, chính vì tâm lý “kệ” ấy mà con chúng ta có thể rơi vào những tình huống xấu mà ta không lường trước được. Nó có thể là nạn nhân bị phát tán thông tin trên mạng. Nó cũng lại có thể là người quay và phát tán thông tin của người khác mà không hề biết, việc đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến thế nào. Cả phụ huynh lẫn các em nhỏ đều cần được biết về quyền trẻ em, về những quy định của pháp luật về những vấn đề liên quan trong ứng xử với việc tôn trọng nhâm phẩm của mình và của người khác.

Kiến thức về việc bảo vệ trẻ em không đơn giản: từ những nguy hiểm nhìn thấy được như đồ điện trong gia đình, cháy nổ, hoá chất, nước sôi… đến nguy cơ xa xôi khác như xâm hại, bị bắt nạt, bị gây áp lực, bị lăng nhục trước đám đông, bị ép học… đến mức trầm cảm… Vậy thì, tôi nghĩ, hãy tin tưởng vào các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, cho họ được cơ hội chia sẻ để mỗi người có thể trang bị cho mình kiến thức nền trong việc nuôi dạy con, bảo vệ con, đặc biệt là các ông bố, bà mẹ trẻ. Trong mỗi trường học mà có được một góc hoặc phòng tư vấn tâm lý học đường, hay một số điện thoại hotline chia sẻ với học sinh trong lúc khó khăn, trong khi tuyệt vọng nhất, thì nhiều trường hợp đáng tiếc đe dọa tính mạng trẻ có thể được hóa giải.

Yêu cho roi cho vọt: Không phải là phương pháp giáo dục hay

Quay lại việc “yêu cho roi cho vọt” có phải là phương pháp giáo dục không, tôi vẫn cho rằng, ở thời buổi văn minh hiện đại, khi ngành sư phạm, tâm lý giáo dục phát triển mạnh mẽ, tiến bộ, thì không những đánh trẻ không còn là phương pháp (dù là phương pháp tồi!) nữa mà không được quyền dùng nó trong nhà trường hoặc tiến tới, cả ở nhà.

Tôi nhớ dạo trước, một trang báo mạng mở cuộc tranh luận về chuyện đánh hay không đánh trẻ? Kết quả là 67% ý kiến đòi đánh. Tôi thấy thật đáng buồn cho khái niệm quyền trẻ em, quyền con người và quan niệm, hiểu biết về tâm lý, phương pháp giáo dục ở người lớn. Đó là phụ huynh thì có thể thông cảm, bởi họ không được học nghiệp vụ sư phạm và cái lý thuyết “yêu cho roi cho vọt” đã bị hiểu sai lệch theo nghĩa đen, ăn quá sâu vào tâm trí. Nhưng còn giáo viên – những người được học về tâm lý lứa tuổi, có phương pháp giáo dục – mà vẫn lười nhác không thể tìm cách tiếp cận khác? Nếu họ không có gì hơn việc đe nẹt, hạ nhục hoặc xâm phạm thân thể của trẻ, đó là những giáo viên kém chuyên môn, không có lòng tin vào chính mình, thiếu hiểu biết về đứa trẻ, không màng đến tự trọng của người. Từ đó, họ đánh mất tự trọng của mình, trong nhiều trường hợp có thể vô tình (vì thiếu hiểu biết) mà phạm tội.

Nhiều thầy cô, cha mẹ phản hồi với ý này của tôi rằng chắc tôi không có con hoặc không đi dạy nên mới nói vậy. Tôi thấy buồn khi nghe mọi người có phản ứng tiêu cực như thế. Giá họ bình tĩnh lắng nghe, tìm hiểu xem có phương pháp nào khác hơn không, thì các chuyên gia sẵn sàng chia sẻ! Chúng ta có thể trao đổi lại để hoàn thiện hơn ứng xử của mình. Tôi vừa là cô giáo, vừa là phụ huynh, tôi quá đồng cảm với bức xúc của các bố mẹ, khó khăn của các giáo viên chứ! Nhưng chính vì thế mà cần cùng nhau tìm cách chứ không phải mặc định, không cách nào khác hơn là mắng, là đánh, là đuổi học… Có rất nhiều phương pháp có thể cho kết quả tốt dựa trên các nguyên tắc: thỏa thuận, cho phép lựa chọn, thưởng phạt phân minh, phản hồi tích cực ở mỗi biểu hiện tiến bộ của trẻ, trao quyền, bày tỏ sự tin tưởng, và trên hết là tôn trọng, công bằng, yêu thương.

Ai cũng đã từng là đứa trẻ. Mong những người lớn nhớ lại tuổi thơ để hiểu hơn nỗi lòng của chúng. Đương nhiên, chúng ta cũng không phải là “tiên” để không bao giờ nóng giận, không sai, luôn kiềm chế được cảm xúc! Chỉ cần chúng ta hiểu rằng, chỉ riêng góc nhìn vấn đề này thay đổi là chúng ta đã có cơ hội bảo vệ con mình, là mọi điều sẽ ổn.

Những hình phạt như đánh, mắng dữ dội, mỉa mai, đem bêu trước trường, đuổi ra khỏi lớp, trừ điểm, đuổi học là những hình thức tương đối nặng và có khả năng tạo được cảm giác sợ, xấu hổ, từ đó trẻ sẽ nhớ mà có thể không dám lặp lại nữa. Nhưng trên thực tế, những cách phạt này có thể đem đến cho trẻ cú sốc về tâm lý, nhẹ hơn là cảm xúc rất tiêu cực khiến trẻ mất hứng thú với việc học, với tập thể. Tệ hơn nữa, trẻ có thể tự đánh giá mình thấp đi, cảm thấy mình mất giá trị trước cộng đồng.

Những hình phạt có vẻ như đơn giản: đứng lên, đứng góc lớp, đứng ngoài cửa lớp, chép phạt… tưởng chừng không có vấn đề gì, rất “phổ biến” nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây áp lực tâm lý, ảnh hưởng đến hành vi của trẻ không kém các hình phạt vừa nêu trên – nếu không đi kèm với những điều kiện khác.

Những đứa trẻ hôm nay phải chịu đựng các hình phạt hạ nhục như quỳ gối, “bị bêu” trước lớp… rồi lớn lên cũng lại có lúc đổ lỗi cho hoàn cảnh để đánh đổi lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh làm người mà quỳ gối, bởi ngay ở trên ghế nhà trường, người ta đã không dạy chúng tôn trọng chính mình.

TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh

Hoàng Thu Phố (Theo báo Đại Đoàn Kết)

About admin2

Scroll To Top