Home / Tư vấn - Chia sẻ / Trẻ con thời .. quả táo!

Trẻ con thời .. quả táo!

Gần đây, chúng ta đã có thể không gọi một thế hệ trẻ đang lớn lên là thế hệ @ như chục năm trước nữa mà bắt đầu sang thế hệ… quả táo, khi mà công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, dần “lấn sân” vào cuộc sống vật chất và tinh thần của trẻ, một cách tự nhiên nhất.

 

Hình ảnh những em bé bé tí xíu đã cầm iPhone, iPad, vuốt màn hình nhoay nhoáy, hồ hởi chơi điện tử trên đó… đã trở nên rất quen thuộc hàng ngày. Các bạn lớn hơn một chút, tuổi teen hay thậm chí ngay từ tiểu học cũng đã bắt đầu có thể có một khoảng trời riêng trên mạng, là trang Facebook của mình. Chúng cập nhật tin tức, hình ảnh xòe tay chữ V hay dẩu môi xinh xắn, giao lưu với nhau… cũng chẳng khác gì thế giới bên ngoài.

Cuộc sống có vì thế mà phức tạp hơn chăng?

Rất nhiều bậc cha mẹ tỏ ý lo ngại khi con cái dù muốn dù không bắt đầu va chạm với cuộc sống công nghệ này. Họ có nỗi lo rất chính đáng: lo con hỏng mắt, lo thần kinh căng thẳng, lo con chat chit nhiều ảnh hưởng đến học tập, lo con vào web site có nội dung xấu… Vân vân và vân vân. Thế nhưng, lo thì lo, nhiều người vẫn thấy rằng, khó có thể chống lại sự cám dỗ của công nghệ. Cám dỗ vì nó hay ho, thú vị, cho nhiều khám phá, trải nghiệm, kích thích sáng tạo… đã đành. Nó còn cám dỗ ở chỗ: có cho con tiếp xúc với công nghệ, bố mẹ mới rảnh rang hơn để làm các việc của riêng mình. Đôi khi, người lớn cũng lén thở phào khi bọn trẻ gặp nhau, chúi mũi vào màn hình iPad mà quên mất vụ làm ồn ào, chạy nhảy ầm ĩ, hay khiến người lớn đau đầu vì những câu hỏi hoặc những vụ việc cần phân xử. Chúng cứ ôm iPad mà cười khúc khích với nhau, nhẹ cả người!

Thôi thì “thời đại nào có nhân vật ấy”. Tuy nhiên, thiết tưởng, những người làm cha mẹ chúng ta vẫn cần phải lưu ý một vài điểm, sao cho việc tiếp xúc với công nghệ, máy tính, các mạng xã hội không quá ảnh hưởng đến thể chất và sự phát triển nhân cách của các con.
Xin mạn phép đề nghị bạn đọc trả lời một số câu hỏi:

1. Hãy trung thực với mình: Bạn cho con tiếp xúc với công nghệ – iPhone, iPad, máy tính… vì thực sự thấy nó có lợi cho con hay vì cần có thời gian giải quyết một số công việc của mình?

Đương nhiên, việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ trong thời… công nghệ là việc nên làm. Tuy vậy, việc này chỉ nên bắt đầu khi bố mẹ và con cùng thấy nó thực sự cần thiết, là một nhu cầu của đứa trẻ đang muốn tìm hiểu thế giới chứ không phải vì nhu cầu được rảnh tay rảnh mắt… của người lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng quan trọng đến cách hướng dẫn trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ và cách chia sẻ quá trình này giữa bố mẹ và con cái.

2. Con bạn bao nhiêu tuổi khi bắt đầu dùng ngón tay… vuốt màn hình?

Rất nhiều bố mẹ cho bé con của mình nghịch iPhone từ khi mới có 1 tuổi. Bé nhìn màn hình, thích thú với việc bấm, vuốt nó và say mê các trò chơi nhấp nháy trên đó. Chắc chắn việc đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự điều tiết mắt của trẻ. Tôi nghĩ, ít nhất trước 2 tuổi, bố mẹ hãy cố gắng tránh “sự cám dỗ” này. Với trẻ trên 2 tuổi, cũng phải có thời gian hạn chế, chẳng hạn, độ 15-20 phút một ngày.

3. Bạn đã bao giờ cùng con chơi một trò chơi nào đó trên iPad chưa?

Cùng con chơi một trò chơi chung, luân phiên, tranh cãi thắng thua, bàn bạc về trò chơi… cũng là cách giao tiếp thông qua công nghệ. Ngay cả ở lĩnh vực này cũng đừng để đứt gãy mối tương tác với trẻ. Bạn sẽ nhận được nhiều thông điệp thông qua quá trình này: con đang nghĩ gì, thích gì, có dễ nổi nóng hay không, có vui vẻ không, có stress gì không, có khả năng gì đặc biệt, tiềm ẩn (tưởng tượng, phân tích, so sánh, liên tưởng, sáng tạo…). Khi con lớn hơn, việc sử dụng các thiết bị công nghệ, lướt web… không đơn thuần là giải trí mà còn là công cụ để con tìm kiếm tư liệu phục vụ cho việc học, cho cuộc sống. Bố mẹ có thể dần dần dạy con cách dùng từ khóa để tìm thông tin, cách xử lý thông tin, cách đánh giá độ chính xác của thông tin, dùng phương pháp nào để loại trừ những thông tin không xác tín..v..v. Đó là cả một khoa học và là tập hợp những kỹ năng mà chính bố mẹ cũng ở trong quá trình học, rút kinh nghiệm, đồng hành cùng con để hoàn thiện kỹ năng của mình. Đó chẳng phải là những chia sẻ thú vị giữa bố mẹ và con cái hay sao?

4. Con có hay nháy mắt hoặc có những tật nho nhỏ như giật vai, lắc cổ, gật gật đầu… sau một thời gian dùng máy tính, iPad, iPhone?

Khi có những hiện tượng như thế ở một đứa trẻ, bạn hãy nghĩ đến việc điều chỉnh lại thời lượng và kỹ năng sử dụng các thiết bị điện tử, công nghệ. Hãy cùng con lên một thời gian biểu, trong đó ghi rõ thời lượng và thời gian dùng máy. Trẻ lứa tuổi các lớp đầu tiểu học (lớp 1, 2) không nên dùng máy quá 30 phút. Những bạn lớn hơn có thể dùng máy tối đa là 1 tiếng rưỡi, nhưng cũng không nên dùng hàng ngày. Hãy giải thích rõ cho con lý do hạn chế thời gian và cho con lựa chọn “gói” thời gian trong ngày. Hãy làm sao để trẻ được quyền lựa chọn trong khuôn khổ thời lượng đã thống nhất.

Trước khi thời gian trẻ được dùng máy kết thúc độ 5 phút, hãy nhắc nhở trẻ: “Còn 5 phút nữa nhé!” – việc cảnh báo như thế sẽ khiến trẻ dễ dàng chia tay với trò chơi hơn là bị bất ngờ “tước” mất đồ chơi yêu thích.

Hãy nhắc nhở trẻ về độ xa từ mắt đến màn hình (30 cm) và luôn luôn nhắc trẻ chớp mắt vì khi say mê quá, trẻ rất dễ quên việc này. Thi thoảng (15 phút một lần), nhắc trẻ thói quen bỏ máy xuống và đứng dậy vươn vai hoặc nhìn ra xa. Nhắc nhở thường xuyên, sau khoảng 1, 2 tháng, những động tác đó sẽ trở thành thói quen – một trong những thói quen tốt giữ cho trẻ không bị nhiễm các “tật” về thể chất khi tiếp xúc với công nghệ.

5. Với những người có con đang ở lứa tuổi mới lớn (12 tuổi trở lên): bạn đã bao giờ nói chuyện thẳng thắn với con về các nguyên tắc khi tham gia mạng xã hội chưa?

Hãy tự mình lập ra một sơ đồ tư duy nho nhỏ về cái lợi và cái có thể bất lợi khi con hoặc một con người nói chung tham gia mạng xã hội, sau đó có thể đề nghị con và các bạn con chơi trò chơi này. Một nhóm lập sơ đồ về cái có lợi, một nhóm lập sơ đồ về những bất lợi. Sau đó hai nhóm tranh cãi và phản biện những luận cứ mà nhóm kia đưa ra. Đó chỉ là trò chơi, nhưng thông qua đó, một cách rất tự nhiên, đứa trẻ sẽ nhận thức được việc chuẩn bị tinh thần, kỹ năng cho sự tham gia một mạng xã hội là cần thiết. Những tình huống đưa ra có vẻ là trò chơi, kỳ thực lại là tình huống xã hội mang tính chất cảnh báo, khiến trẻ không bỡ ngỡ nếu trên thực tế trong tương lai nó có thể đối mặt.

Ngoài ra, có thể đặt một loạt câu hỏi để cùng nhau trả lời. Chẳng hạn:

– Mục đích bạn chơi FB?
– Bạn thích có bao nhiêu bạn FB?
– Nếu giả sử có người nào đó vào trang của bạn và nói một điều không tốt về bạn, bạn sẽ xử lý ra sao?

– Bạn có biết cách lập một note không?
– Bạn có biết cách hạn chế thông tin, chỉ chia sẻ với một nhóm người không?
– Những thông tin gì về cuộc sống cá nhân không nên chia sẻ public vì có thể bị lợi dụng? Thử nghĩ càng nhiều tình huống càng tốt.
– Nếu có ai đó nhắn PM cho bạn, muốn rủ gặp ngoài đời, bạn có nhận lời không? Nếu có, thì trong các trường hợp nào? Tại sao? Nếu không, thì trong các trường hợp nào? Tại sao?

– Bạn có nghĩ là trên FB được quyền nói tục không? Vì sao?

– Nếu FB để public, có nên viết bất kỳ điều gì mình đang nghĩ không? Nếu ý nghĩ đó liên quan đến một người khác, thì có nên cân nhắc không?

– Những tính năng a, b, c… của FB theo bạn có lợi gì? Có thể tận dụng vào việc học hay công việc gì của bạn không?…

– Một ngày bạn mong muốn chơi FB bao nhiêu thời gian? Tại sao theo bạn như thế là hợp lý? Liệu bạn có đảm bảo mình lướt FB không quá thời gian mình mong muốn không?

– Theo bạn thế nào là nghiện Net? Có hại gì? Có … lợi gì?

Vân vân… Những câu hỏi như thế là bước khởi động thú vị, cần thiết cho một người chuẩn bị tham gia mạng xã hội và thế giới ảo, không chỉ có ích đối với các em, mà cả với những người lớn nữa.

 

6. Bạn có lên kế hoạch trong một tháng cùng con đi chơi, ra ngoài thiên nhiên không?

Hỏi câu này có vẻ không liên quan gì đến chủ đề công nghệ của chúng ta. Thế nhưng, theo tôi, cuối cùng thì Thiên Nhiên vẫn và mãi luôn là người thày vĩ đại nhất, người mang đến niềm vui, sự hưng phấn, những bài học nhỏ và sự thư giãn cho bất kỳ ai ở bất kỳ lứa tuổi nào, thời đại nào. Không một thiết bị công nghệ nào thay thế được cảm xúc, màu sắc, không khí mà Thiên Nhiên trao tặng. Hãy lên kế hoạch hàng tháng hoặc qúy hơn nữa là hàng tuần cùng con tận hưởng thiên nhiên, tìm đến thiên nhiên để nhận những điều quý giá ấy. Bước nghỉ như vậy giữa thế giới công nghệ sẽ khiến cho đầu óc đứa trẻ sáng sủa hơn, sẵn sàng cho việc cập nhật những kỹ thuật hiện đại nhất mà con người có thể nghĩ ra.

TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top