Hôm vừa rồi, tôi đi Đồ Sơn dự trại. Tận hưởng các hương vị từ thế giới tuổi thơ qua các “quốc gia” tí hon, trò chuyện với các cô cậu tí hon về văn học, hội họa, tôi được trở về với ký ức và đi tới một thế giới bay bổng của trí tưởng tượng trong mình.
Xuống đến nơi, một em đại diện cho “nhóm lễ tân” đưa ra tấm giấy mời tự các em vẽ thiết kế, nói: “Chúng tôi xin mời bà dự Hội nghị G6 của chúng tôi chiều nay. Mời bà tham gia Ban giám khảo”. Các em nói bằng giọng nói của người trong thế giới mà các em đang sống.
TSGD Nguyễn Thụy Anh – ở trại hè được các bạn trẻ gọi bằng “Thuyền trưởng”
Có 3 giám khảo, nhiệm vụ là nghe các “đại sứ” đại diện cho quốc gia của mình đưa ra quan điểm dự hội nghị lần này, nghe phản biện của các quốc gia khác rồi trả lời phản biện. Nghe xong, Ban Giám khảo (BGK) sẽ đánh giá: vấn đề họ đưa ra, khả năng diễn giải, trình độ lập luận, thái độ tiếp thu phản biện, khả năng phản biện của các vị đại sứ đó…
Có 6 quốc gia tham dự gồm: Eco Kitchen, Trứng đánh kem, Scieco, Disneyland, Athens – Tuyệt cú sách, Eco Color (tên quốc gia là các em tự đặt theo mối quan tâm của “dân chúng” vương quốc của mình).
Chương trình nghị sự gồm 6 vấn đề của 6 vương quốc:
1/ Thay đổi cách dạy, thay đổi cách học (Disneyland).
2/ Bố mẹ có nên ép con học bất chấp hạnh phúc tức thời của con hay không? (Scieco).
3/ Môi trường & rác thải nhựa- (Athens – Tuyệt cú sách).
4/ Sự suy thoái của thiên nhiên (Eco Color).
5/ Vấn đề bình đẳng giới (Eco Kitchen).
6/ Bình đẳng giới & sự công bằng giữa nam và nữ ( Trứng đánh kem).
Toàn những vấn đề hóc búa, làm bỏng óc người lớn toàn thế giới hiện tại. Ngay chỉ việc dùng ngôn ngữ, hiểu cho đúng các khái niệm phải dùng đến trong diễn ngôn, thanh biện đã làm choáng những người như chúng tôi rồi. Các đại sứ tham gia, tuổi chỉ từ 6- đến 15. Đại sứ 6 tuổi chỉ đọc dòng chữ trên bảng điện tử, còn các bạn trưởng đoàn tuổi 12-15 thì không những không cầm giấy, không đọc trên bảng điện tử, người nào cũng hùng hồn – nói “vo” mà rất hay.
Các thủy thủ EcoCamp đưa ra ý kiến của mình tại Hội nghị bàn tròn
Một “đại sứ” đề nghị cho biết số liệu mà tham luận đưa ra lấy từ đâu? Nguồn nào?
– Chúng tôi khảo sát thực tế quan sát được hàng ngày, còn số liệu chúng tôi tham khảo trên internet nhưng chúng tôi đối chiếu từ các nguồn tin khác nhau, từ những hãng thông tấn nổi tiếng và uy tín quốc tế…
– Hãy cho biết quốc gia của các vị đã có giải pháp gì cho vấn đề các bạn đưa ra?
– Chúng tôi biết đó là vấn đề nóng, cần phải có giải pháp đồng bộ và đủ mạnh mới giải quyết được. Nhưng trong phạm vi của mình, chúng tôi bảo nhau hãy làm sạch môi trường bằng những điều nhỏ nhất: Vứt rác phải đúng chỗ, phân loại rác từ nguồn, giảm thiểu dùng đồ nhựa một lần…
– Bạn sẽ thay đổi cách học như thế nào?
– Chúng tôi sẽ vừa học trên lớp vừa học ở những trải nghiệm thực tế. Chúng tôi biến những giờ học thụ động thành học chủ động.
– Học thuộc lòng cũng tốt đấy chứ. Bao nhiêu bài thơ chúng ta phải thuộc, đọc lên thấy hay đấy thôi.
– Chúng tôi đã thấy nếu cứ chỉ thuộc lòng thì trí tưởng tượng của chúng ta bị hạn chế.
– Tôi hỏi lại các bạn học chủ động là như thế nào?
– Bạn biết đấy, có người mạnh về nghe, có người lại tiếp thu bằng nhìn. Chúng tôi cho rằng khi người ta hiểu điểm mạnh của mình, chủ động tiếp thu với điểm mạnh đó thì sẽ đem về hiệu quả hơn cả. Ngoài ra, chúng tôi đọc những cuốn sách như: “Học cách học tập”, “Tôi tự học”… rồi chọn cho mình một cách học riêng, qua hình ảnh, qua nghe giảng, qua đối thoại hoặc tự học, mỗi người mỗi cách, nhưng chúng tôi giống nhau ở trải nghiệm. Trải nghiệm sẽ giúp những điều học ở trong sách, trên lớp sẽ in sâu hơn trong trí nhớ của mỗi người.
Mỗi Quốc gia tại EcoCamp lựa chọn một vấn đề riêng để trình bày tại Hội nghị
Các khách mời cùng thảo luận, chia sẻ với các thủy thủ trẻ về quan điểm của họ khi nghe bài tham luận trình bày tại Hội nghị bàn tròn
Tuổi chưa đến 15, chỉ học thuộc, nói như vẹt những câu như trên đã khó rồi, nhưng trong tương quan câu hỏi tranh luận và phản biện thấy rõ các em tư duy độc lập, không thông đồng đưa câu hỏi trước cho nhau. (Cũng có đại sứ ngây ra không trả lời được). Có nghĩa rằng cuộc trình bày và đối thoại ở G6 hôm nay không phải là cuộc diễn với những câu thoại học thuộc mà là điều trăn trở thực trong nhận thức của các em. Câu hỏi nào vượt quá tầm hiểu biết thì các em ngây ra, im lặng chịu trận, mất điểm. Tôi cũng đưa ra nhiều câu hỏi khó, song các em đều trả lời đúng và diễn đạt rất mạch lạc.
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho biết, những vấn đề được các em đưa ra là sự hiểu biết thực sự của các em, có được nhờ đọc sách, nhờ các cuộc trao đổi trong không gian đọc sách cùng con mà các em thấy. CLB giúp các em phương pháp thực hành hàng ngày: thực hành quan sát thế giới xung quanh, thực hành làm việc, thực hành trải nghiệm. Chuyến đi trại này là một phần để trải nghiệm. Và hội nghị là để cọ sát những trải nghiệm đó.
Tôi vào “cửa hàng” của Trại, mua một ly nước, “nhân viên” nói: Ly này chúng tôi mời khách danh dự. Chúng tôi cũng bán nhưng bằng tiền Eco. Tiền Eco là lương trả cho các lao động trải nghiệm của các em. Kết thúc trại, các em sẽ mua đồ lưu niệm tặng bố mẹ bằng tiền đó. Hàng lưu niệm do các bạn có năng khiếu thiết kế thời trang, mỹ thuật ứng dụng, mỹ nghệ thủ công làm ra. Năng khiếu ấy cũng được bồi dưỡng và khuyến khích phát triển tại CLB và mỗi lần đi trại.
Tôi rủ một em mua bánh ăn. Em nói, bánh cũng rất ngon, nhưng chờ được khao, còn tiền thì dành để mai sẽ mua đồ giảm giá cho được nhiều.
Ở trại, ai cũng thích làm việc để được trải nghiệm và có tiền: Các anh chị lớn thì làm bánh. Đầu bếp và tất cả mọi người đều đọc sách của các tác giả về món ăn Việt Nam, món ăn thế giới, đọc cả Thạch Lam, Vũ Bằng… đọc rồi thực hành để nhớ. Ở đây có cả máy khâu để may, thêu, vẽ, đan, làm đồ thủ công mỹ nghệ… Sản phẩm làm ra được thanh toán bằng tiền Eco. Không tiêu hết ở trại lần này có thể tiêu ở lần sau.
Có em kể cho tôi kinh nghiệm làm việc ở lãnh sự quán, cấp hộ chiếu, visa cho các bạn đi công tác, du lịch sang các quốc gia khác… Có em kể về “Xưởng phát kiến kinh hoàng” là nơi những phát kiến táo bạo nhất được đưa ra thảo luận và thử nghiệm.
Tôi rất xúc động và kể câu chuyện về trại này để bạn đọc hình dung ra chân dung người sáng lập CLB “Đọc sách cùng con” và tổ chức những trại hè tầm mức quốc tế như thế – Tiến sĩ – nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Thụy Anh.
11 năm qua, TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh nỗ lực giúp trẻ em coi đọc sách là hoạt động cá nhân yêu thích, tự nguyện, hình thành một thói quen cả đời.
Sinh năm 1974, học trường chuyên Amsterdam rồi du học ở Nga 17 năm, nhận học vị tiến sĩ, chị trở về, thành lập câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”. Trong ngày đầu ra mắt thu hút hơn 200 gia đình đăng ký cho con tham gia. Nhiều cuốn sách trở thành chất xúc tác gắn kết mối quan hệ cha mẹ – con cái, và khơi gợi sự tò mò, ham hiểu biết của con trẻ. Nguyễn Thụy Anh là một nhà sư phạm không chỉ có phương pháp tốt mà còn rất tâm huyết. Chị đào tạo các cộng sự, tạo ra những không gian để thực hành phương pháp đó của mình. Các cộng sự tiếp thu từ chị cách đặt vấn đề, tạo ra những câu hỏi, và cách “chơi” cùng cuốn sách để lôi cuốn, kích thích trí tò mò cũng như sự hứng thú của trẻ nhỏ. Hoặc có những cuộc thi nhỏ về những “trích dẫn để đời”. Từ đó các em càng ham đọc sách hơn để có được ngân hàng trích dẫn những câu nói, những châm ngôn nổi tiếng. Bước sau đó là trải nghiệm thực tế để đưa các trích dẫn vào cuộc đời thực… Trại hè kể trên là một ví dụ về trải nghiệm. Đến trại, tất cả điện thoại của các em được thu lại để các em hòa đồng cùng nhau (mỗi buổi tối các em được trả lại để liên hệ với gia đình bạn bè…). Ai cũng biết rằng các thiết bị thông minh tạo ra hai thái cực, vừa siêu kết nối nhưng cùng lúc cũng làm đứt gãy nhiều mối quan hệ xã hội và gia đình. Trẻ em luôn bị điện thoại, máy tính bảng và tivi lôi cuốn. Khi đắm chìm trong đó các em sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp thông thường, trí tưởng tượng không phát triển và dễ bị tư duy thụ động.
Thuyền trưởng Thụy Anh với hoạt động được các thủy thủ mong đợi – “Thuyền trưởng mời trà” ở EcoCamp
Trại hè Eco Camp được mở từ 2013 đến nay, trước COVID có cả thiếu nhi quốc tế tham dự trại. Năm nay, trại 1 có 106 em từ các tỉnh thành tham dự. Cứ 4 em lại có một anh hoặc chị phụ trách để bảo vệ sức khỏe và nắm bắt nguyện vọng. Nhiều em dự trại về đã khiến cho gia đình rất ngạc nhiên, em đã biết gấp chăn màn, lau bát đĩa, dọn cơm và rửa bát, những việc ngày thường các em chưa bao giờ biết tới…
Năm 2021, Nguyễn Thụy Anh được Forbes Vietnam bình chọn là 1 trong 20 gương mặt phụ nữ truyền cảm hứng của Việt Nam.
Nhà văn Trần Thị Trường (Bài viết đăng tải trên Công an nhân dân Online)