Home / Giới thiệu sách / Vũ Hùng và những cuốn sách mang thông điệp cái đẹp

Vũ Hùng và những cuốn sách mang thông điệp cái đẹp

Nhà văn người Bỉ Maurice Maeterlinck, tác giả vở kịch “Con chim xanh”, từng nói: “Cái đẹp không mất đi mà không để lại dấu vết. Chớ sợ gieo hạt mầm cái đẹp khắp nơi trên đường bạn đi qua. Những hạt mầm ấy nằm đó hàng tuần, có thể hàng năm, nhưng chúng không tan biến mà như những viên kim cương, cuối cùng vẫn sẽ có ai đó nhận thấy ánh lấp lánh của chúng, nhặt lên và hạnh phúc bước đi”.

Có thể nói, Vũ Hùng là nhà văn đã cần mẫn “gieo hạt mầm cái đẹp khắp nơi”, qua hơn bốn mươi đầu sách, suốt chặng đường cầm bút của mình. Đọc Vũ Hùng, những câu chuyện kì diệu về rừng Trường Sơn, bầy voi, muông thú khiến người đọc ngợp đi trong cảm giác thăng hoa của vẻ đẹp tâm hồn khi đến với một vùng thiên nhiên lộng lẫy. Vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp có thật đã từng và đang tồn tại đâu đó trên đời này, nhưng cũng có thể là vẻ đẹp hồn nhiên đầy hương sắc trong tâm trí mà mỗi người thuở thiếu thời vẫn thường hướng tới.

Mỗi nhà văn có một lựa chọn riêng cho mình về cách thể hiện quan điểm với thế giới. Có những tác phẩm phơi bày cái xấu, lên án cái ác, khiến người đọc day dứt, trăn trở, muốn thay đổi bản thân, góp phần thay đổi cuộc sống. Còn Vũ Hùng, ông chọn viết về cái đẹp, và chọn cách viết đẹp. Đó là đóng góp của Vũ Hùng vào việc vun đắp cho sự tinh tế, nhân văn của tâm hồn con người, đặc biệt là tâm hồn con trẻ.

Standee_VuHung - final
Bộ sách của nhà văn Vũ Hùng được xuất bản

Những áng văn lộng lẫy đánh thức niềm vui sống

Đọc Vũ Hùng, tôi thường phải dừng lại giữa chừng để lắng nghe niềm hân hoan đang dâng lên trong lòng, niềm hân hoan như hạt mầm được gieo, lớn dần lên cùng từng câu chữ, từng đoạn, từng áng văn thấm đẫm gió ngàn, hơi mưa, hơi đất và những âm thanh kì diệu của tự nhiên. Vũ Hùng đưa thiên nhiên về với người đọc cứ nhẹ nhõm, tỉ mẩn, nhẩn nha, và đầy âu yếm, đến độ thiên nhiên trở nên quen thuộc với tất cả vẻ đẹp kì vĩ của nó, như thể ta vẫn từng sống trong một căn nhà ấy, mà mỗi ngày, cùng nhà văn, ta phát hiện ra những góc đẹp nao lòng.

Tôi đoán rằng Vũ Hùng là người biết chơi nhạc. Hay chí ít, ông cũng có đôi tai thính nhạy với âm nhạc. Ngòi bút của ông khiến âm thanh vang lên hài hòa khắp nơi. Bắt đầu từ những “tiếng rộn ràng, tiếng thăm thẳm, tiếng thánh thót bâng khuâng” của thời thơ ấu nơi phố thị êm ái trong “Mái nhà xưa” đến tiếng cú đêm kêu “hu hu” trong rừng già vắng lạnh, tiếng gió rít qua vách đá, tiếng chim gầm ghì “thở dài phiền muộn”, tiếng đá cuội rơi lóc cóc trên sườn núi, tiếng rộn rã các loài gia cầm gia súc của những ngôi làng bên bìa rừng, tiếng rống “ầm vang, trầm trầm và sang trọng” của loài voi khi trăng lên, tiếng lao xao của lũ chim gọi thu về… Nhà văn lắng nghe rừng và đồng cỏ bằng cảm giác nhạy bén của người từng sống cùng thiên nhiên cả đời.

Bên cạnh âm thanh, vẻ đẹp biến hóa của màu sắc cũng được nhà văn vẽ lại bằng sức mạnh của ngôn từ. Đó là những từ giản dị nhưng mang tính mĩ cảm cao: “Ánh nắng le lói phía chân trời rọi lên những tảng mây khiến chúng tím sẫm. Tôi đi trong những ráng đỏ. Không gian đầy dấu hiệu của một chiều giông bão: những cánh chim bạt gió, những chiếc lá xoáy tròn trong đám bụi. Rồi nắng tắt và tất cả chìm trong bầu trời đen âm u” (Sống giữa bầy voi).

“Sương lam rơi. Mặt trời đã xuống khuất dãy núi, bóng tối tím ngắt buông rộng. Một con bê lạc mẹ chạy xô vào tấm phên rào, gào vài tiếng buồn bã” (Giữ lấy bầu mật).

Khứu giác thính nhạy của người đi rừng không thể không phát hiện ra những mùi hương. Vũ Hùng miêu tả những mùi hương ấy trong một nỗi niềm riêng tư của nhân vật, kể cả có buồn thì cũng tuyệt đẹp: “Đứng trong gióng gỗ, chúng tôi nhớ thảo nguyên bao la. Mỗi khi có làn gió từ công viên thổi vào mang theo mùi hoa lá, chúng tôi lại buồn bã hí lên” (Chú ngựa đồng cỏ).

Đôi khi, đó là mùi hương bình yên của một cuộc sống tưởng chừng phơi phới, vô lo, cho người đọc cảm giác thư thái, tĩnh tại: “Gió lay động những tán hoa đại, đưa hương thơm bay vào những khung cửa mở rộng. Người ta như nhìn thấy hương thơm đó bay đi: chúng quện lấy sương chiều và làn hơi nước mà bầy voi khỏa lên từ mặt sông làm thành những dài màu lam nhè nhẹ như những dải khói chiều” (Sống giữa bầy voi).

Với những áng văn lộng lẫy như thế, không đoạn nào giống đoạn nào, nhiều đến nỗi không thể kể ra được hết, với biến ảo khôn lường của màu sắc, âm thanh, cảm xúc, Vũ Hùng đã dâng hiến cho người đọc qua sự trải nghiệm của mình, tặng cho họ niềm vui lớn lao trước vẻ đẹp cuộc sống mỗi ngày.

Vu hung
 Cuốn “Những truyện hay viết cho thiếu nhi của Vũ Hùng” đã được NXB Kim Đồng ra mắt bạn đọc

Cái đẹp đến từ sự trải nghiệm hết mình

Những trải nghiệm trong cuộc đời hơn ba mươi năm binh nghiệp của Vũ Hùng được ghi lại trong các tác phẩm hầu hết đều quý và sâu. Văn phong điềm tĩnh, không phá cách nhưng lại đầy ắp bất ngờ và gợi được những rung động tự nhiên của tâm hồn. Đó là những trải nghiệm vừa dữ dội vừa êm đềm: sự xúc động trước vẻ đẹp đại ngàn trong một buổi bình minh bên bìa rừng, sự thích thú xen lẫn hồi hộp trước âm thanh rừng đêm bí ẩn, những lay động tinh tế trước những đổi thay của vùng thảo nguyên xa xôi, nơi sự sống cựa quậy từ mùa mênh mông tuyết trắng đến lúc mặt đất rắc đầy cỏ hoa và con người cảm nhận được nhịp di chuyển của đàn gia súc (Chú ngựa đồng cỏ); sự quan sát kĩ lưỡng một con vật và bầy đàn của nó, cách chúng dạy nhau, chơi đùa với nhau, bày tỏ tình cảm và bảo vệ nhau, bảo vệ đàn, dàn xếp những mâu thuẫn (Sống giữa bầy voi, Con voi xa đàn, Bầy voi đen, Giữ lấy bầu mật…); những kiến thức phong phú về từng miền đất và loài vật; những ghi chép tỉ mẩn đến từng chi tiết, từng đường nét khiến cho bức tranh thiên nhiên và cuộc sống hiện lên rõ ràng, chính xác, không chút phân vân. Chính vì thế mà những gì nhà văn viết ra đã chiếm được lòng tin tuyệt đối của người đọc.

Chẳng hạn, nhờ Vũ Hùng, ta biết loài voi “làm gì cũng đúng giờ, cứ như sinh ra chúng đã có sẵn một chiếc đồng hồ trong trí nhớ”, ta biết bọn voi con được nuông chiều thế nào, còn hổ con lại phải tuân theo luật lệ khắc nghiệt ra sao của sự đào thải tự nhiên, ta hiểu sự khác biệt giữa voi đầu đàn và voi đầu trận, khác biệt từ chức năng đến cả cách xa rời cõi đời của chúng…

Qua các trang sách với khối lượng kiến thức khổng lồ ấy, nhà văn đã thổ lộ với người đọc về tuổi trẻ của mình. Đó là tám năm, mười năm, hay suốt một thời trẻ tráng đã qua đi nơi các làng voi, là những đêm quan sát cuộc sống rừng từ những chòi canh, những buổi đi theo các quản tượng, lắng nghe chuyện già làng, đón nhận tất cả những gì xào xạc động cựa xung quanh bằng mọi giác quan. Ông thật sự say mê cuộc sống ấy, cánh rừng ấy, những con người ấy, muông thú ấy. Và sau hơn ba mươi năm gắn bó với những chuyến đi, nhà văn đã hòa hợp sâu xa trong mối quan hệ với rừng.

Đôi khi, đọc những dòng ông viết về voi, tôi có niềm tin chân thành rằng, ông thật sự đã… từng là một con voi! Đó là khi Vũ Hùng không còn là một người quan sát. Ông đã thật sự là một phần của rừng, là người hiểu, chấp nhận và thán phục luật rừng. Ngoài bốn nguyên tắc cơ bản mà Vũ Hùng đúc kết (luật không gây chiến tranh cùng loài; luật thay đổi thói quen để thích nghi; luật giữ gìn sinh cảnh; luật cứu giúp cưu mang) thì rừng hiện ra dưới ngòi bút của ông còn thật sự thú vị với những trật tự không lời của mình: “Trường Sơn trập trùng, rộng mênh mông nhưng không phải là một vùng không ranh giới, ai muốn đi đâu cũng được. Có những đường biên vô hình chia rừng thành từng khoảng giang sơn, mỗi khoảng thuộc quyền một bầy đàn riêng biệt. Bò tót chiếm những đồi tranh và đồi tre. Trâu rừng chiếm những bãi lầy ven suối, nơi họ có thể vừa kiếm được thức ăn vừa tìm được chỗ đằm mình. Còn các bầy voi thì chiếm những rừng chuối ven sông hoặc những đồng cỏ chạy dài dưới các chân núi” (Con voi xa đàn).

Những hành động chủ quan, mù quáng, dựa vào luật lệ của sức mạnh đều bị trả giá. Đó là một thông điệp. Ngay cả giữa con người và muông thú cũng có những thỏa thuận riêng. Những người sống cùng rừng già phải học luật tôn trọng nhau để sống, nương vào nhau mà tồn tại.

 

Cái đẹp cảnh báo cái xấu

Bằng cách miêu tả vẻ đẹp cảnh vật thiên nhiên, vẻ đẹp trong ứng xử của các bầy thú rừng hoang dã với thiên nhiên và với nhau, Vũ Hùng cảnh báo với người đọc về cái xấu, cái bất hợp lí trong cuộc sống loài người, về cách sống bất tuân theo tự nhiên khiến con người đang hại chính mình mà không biết, hoặc biết mà mặc kệ, chỉ nhìn trước mắt, không muốn nghĩ xa hơn. Những cô cậu voi, chó cảnh, ngựa thảo nguyên trong Chú ngựa đồng cỏ, Những kẻ lưu lạc, Con voi xa đàn… những tưởng được con người dạy dỗ để làm việc trong rạp xiếc, hóa ra lại dạy cho con người thật nhiều điều tinh tế, những bài học nho nhỏ về tình yêu thương.

Nhiều triết lí đáng yêu, đáng tin nằm ẩn mình giữa các dòng viết, thay nhà văn phát biểu về rất nhiều vấn đề của cuộc sống. Chẳng hạn thế này: “Phải học cách cư xử đường hoàng, khoan dung: một con voi khi xua đuổi thú dữ thì không phải vì mình mà còn vì những con thú bé bỏng, yếu đuối khác”; hay “Trong những gia đình voi của chúng tôi, lũ voi con không tập chịu khổ. Nếu cuộc đời rồi đây sẽ khó khăn và cực nhọc mà thời thơ ấu không được sống sung sướng thì chúng tôi sẽ sống sung sướng lúc nào?”.

Đặc biệt, trong các câu chuyện, tình mẫu tử, tình bạn luôn được đề cao, được nhắc tới đầy trìu mến. Tình mẹ con là bản năng của muôn loài, sẽ điều chỉnh mọi khắc nghiệt, khổ đau. Còn tình bạn rất có thể là một thái độ sống bền vững, khôn ngoan để có được sự cân bằng trong thế giới này. Thông điệp ấy được tác giả truyền tải đầy thuyết phục qua lời kể gần xa. Chú ngựa Antai quan sát “thấy bác lạc đà mẹ bất hạnh kêu những tiếng rền rĩ. Loài lạc đà yêu con đến chừng nào! Có những bác lạc đà mẹ mất con thổn thức suốt mùa đông. Họ không chịu ăn uống đến nỗi bướu mỡ xẹp xuống, thân hình gầy rạc, chỉ còn da bọc xương” (Chú ngựa đồng cỏ).

Việc lắng nghe mẹ giúp cô chó Krachiê hiểu rằng, “gừ gừ” là tiếng ru, còn những cái “táp” của chó mẹ là những chiếc hôn; là lúc chó mẹ dạy con cư xử, dạy con biết giữ vệ sinh, dạy cả cách biểu lộ tâm tình bằng đôi mắt, bằng cái đuôi (Những kẻ lưu lạc). Còn tình bạn, độc giả sẽ không quên những tình bạn đẹp giữa những con thú cùng loài, khác loài, và cả với con người được miêu tả trong những câu chuyện của Vũ Hùng. Chúng đánh thức góc hiền hậu, dịu dàng, chia sẻ và hi sinh trong mỗi con người. Người ta sẽ nhớ tình bạn giữa con voi Lôm-Luông và Đik trong Người quản tượng và con voi chiến sĩ. Tình bạn ấy thân thiết đến mức vắng Đik, con vật “bỏ ăn, đứng yên, không chịu đụng vòi đến đống cỏ mật cứ chất cao lên mãi, thỉnh thoảng lại rên rỉ”. Còn Đik, khi trở về, thấy một quản tượng khác gây vết thương sau tai để bắt Lôm-Luông tuân phục, cho dù vết thương đã lành, “con voi của anh không đau nữa nhưng nước mắt anh vẫn ứa ra chứa chan”.

Người ta mỉm cười dễ chịu khi đọc về chú bộ đội và con culi bé bỏng nhút nhát, người bạn “có ích mà không lớn tiếng, nhiều lời” trong Con culi của tôi. Rồi tình bạn giữa Lim và Bê, giữa Bê và người quản tượng trong Con voi xa đàn, giữa Bê và chú khỉ Tiên; tình bạn giữa Nai Bông và Hươu Sao trong Sao Sao, tình bạn giữa bầy voi nhà và lũ trẻ người Lào làng Vông Xay, tình bạn giữa nhà văn và chú voi con Bạc Nọi cùng cả bầy voi, giữa nhà văn và rừng già… tất cả đều được Vũ Hùng miêu tả bằng sự tâm đắc của mình.

chuc mung nha van vu hung (6)
Nhà văn Vũ Hùng trong buổi giao lưu với các độc giả nhí tại CLB Đọc sách cùng con

Cái đẹp khuyến khích mọi sự khởi đầu…

Văn chương của Vũ Hùng không chỉ dành cho thiếu nhi. Những trang viết của ông, dù là tản văn, ghi chép, những câu chuyện từ hồi ức êm đềm hay những cuộc phiêu lưu gay cấn đều có thể là cái cớ để mỗi người suy ngẫm về cuộc sống theo cách của mình, kể cả người lớn lẫn trẻ em.

Riêng đối với các độc giả thiếu nhi, trong quan niệm của tôi, một cuốn sách viết điệu nghệ đến đâu, cách tân mới mẻ, lớp lang thú vị đến thế nào mà không gợi cho trẻ được sự rung động trước cái đẹp, không khiến được trẻ bắt đầu nghĩ, bắt đầu nhìn xung quanh, bắt đầu lắng nghe, bắt đầu muốn hiểu, bắt đầu muốn biết thêm, và đương nhiên, bắt đầu muốn đọc và muốn trải nghiệm những gì đã gặp trong cuốn sách, bắt đầu muốn đi xa hơn cả cuốn sách… thì cuốn sách đó chưa phải dành cho tuổi nhỏ.

Thế thì, phải nói, tác phẩm của Vũ Hùng chính là thứ mà các em đang cần. Ngôn ngữ trong sáng, mạch lạc, phong phú, đặc biệt là những từ gợi tả, cung cấp cho các em vốn từ chuẩn xác và sinh động. Câu chuyện đôi khi chỉ là lời kể thật thà nhưng tinh tế về những gì mình đã trải qua, có lúc nhà văn lại để cho trí tưởng tượng bay bổng vẽ nên thế giới lộng lẫy của mình.

Trong thế giới ấy, cái đẹp là chủ đạo. Một thế giới đầy ắp thông tin, cảm xúc, tràn ngập vẻ đẹp của thiên nhiên, xứng đáng là thế giới để trẻ em bước vào.

 

TSGD. Nguyễn Thụy Anh (Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con)

About DuongMy

Scroll To Top