Anne of Green Gables – cuốn tiểu thuyết đầu tiên nằm trong series tác phẩm về Anne Shirley của nữ nhà văn – nhà báo Lucy Maud Montgomery xuất bản lần đầu năm 1908 đã bất ngờ mang về những thành công vang dội. L.C. Montgomery cùng cô bé tóc đỏ của bà trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, suốt từ thời điểm đó cho đến tận ngày nay, khi hơn một thế kỷ đã trôi qua. Cuốn sách được xuất bản bằng hơn 30 ngôn ngữ, bán được tới hơn 50 triệu bản, đưa Montgomery trở thành một trong những nhà văn bestseller của mọi thời đại.
Anne of Green Gables xoay quanh thời niên thiếu của cô bé mồ côi Anne Shirley – một cô bé vô cùng đặc biệt, với mái tóc đỏ hoe, khuôn mặt đầy tàn nhang và cơ thể gày gò, mảnh khảnh. Cô bé ấy luôn cho rằng chẳng có ai cần mình, cho đến một ngày nó được hai anh em Matthew Cuthbert và Marilla Cullbert nhận nuôi. Anne đã vô cùng vui sướng cho đến khi nhận ra một sự nhầm lẫn khủng khiếp: Chái Nhà Xanh của gia đình Cuthbert thực tế cần một đứa bé trai chứ không phải bé gái. Nhưng cuối cùng, Anne cũng được giữ lại nhờ lòng thương và cảm nhận “thú vị” mà những con người ở Chái Nhà Xanh dành cho cô bé.
Từ đây, một cuộc đời mới mở ra với Anne, và cũng là khi bạn đọc bị lôi cuốn vào một thế giới hấp dẫn, lấy bổi cảnh là ngôi làng nhỏ Avonlea của đảo Hoàng tử Edward, miền đông Canada – cũng là quê hương của chính tác giả.
Anne Shirley là một cô bé đặc biệt cả về hình thức và tính cách. Luôn nổi bật bởi mái tóc đỏ kỳ cục, Anne còn khiến mọi người phải chú ý bởi một cá tính đặc biệt: nói không ngớt, đặc biệt thích dùng những từ “đao to búa lớn”, lúc nào cũng thích tưởng tượng ra mọi chuyện, vô cùng nhạy cảm nên cũng vô cùng dễ bị kích động.
Nhưng chính trong những điều đặc biệt thú vị ấy, người ta nhận ra một Anne thông minh, độc lập, một Anne yêu – ghét rạch ròi, một Anne với trái tim trong sáng và tâm hồn thánh thiện, biết rung động trước mọi cái đẹp của cuộc đời, một Anne lúc nào cũng căng tràn sức sống, nhiều lạc quan, hy vọng và tin tưởng.
Điểm đặc biệt nhất ở Anne là một trí tưởng tượng không giới hạn. Cô bé mơ mộng và lãng mạn này tưởng tượng rằng mọi vật đều có tâm hồn, có cảm xúc. Anne thích tự mình đặt tên cho cái cây, cho hồ nước, cho con đường…, thích vẫy gọi chúng mỗi buổi sáng thức dậy, thích thì thầm tâm sự và vui chơi cùng chúng.
Mồ côi từ nhỏ, phải thường trực đối mặt với cuộc sống muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng Anne bé nhỏ đã vượt lên trên tất cả bằng… trí tưởng tượng của mình. Cô thích tưởng tượng ra những thứ mà mình không có, tự chấp nhận và thỏa mãn với điều đó để lạc quan hơn trong cuộc sống.
Dù đôi khi nhiều tưởng tượng và mơ mộng quá đã đẩy cô bé vào những tình huống trớ trêu, những rắc rối không đáng có, nhưng có lẽ được vẫn nhiều hơn mất. Bởi nhờ có trí tưởng tượng phong phú, tâm hồn cô bé được nuôi dưỡng và lớn lên.
Đọc Anne of Green Gables, người ta dễ dàng tìm thấy những triết lý giản đơn mà sâu sắc của cuộc sống, dưới cái nhìn của một cô bé:
Đó là niềm vui của hy vọng: “Ôi, bác Marilla, trông chờ thứ gì đó cũng là có được một nửa sự thú vị của chúng rồi” – Anne kêu lên. “Có thể bác sẽ không có được chúng, nhưng không gì ngăn bác khỏi niềm vui khi trông chờ chúng. Bà Lynde đã nói “Phép lành là dành cho những người chẳng mong đợi gì vì họ sẽ không bị thất vọng”. Nhưng con nghĩ không có gì để trông đợi còn tệ hơn cả thất vọng”.
Là sự đáng quý của lòng trung thực và thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm: “Bà Lynde nói có lần bà ấy nghe một mục sư thú nhận rằng hồi nhỏ ông ấy đã ăn trộm một cái bánh dâu trong tủ của bà dì và thế là bà chẳng bao giờ còn kính trọng mục sư nữa. Con không nghĩ theo cách đó. Con nghĩ ông ấy rất cao quý khi dám thú nhận chuyện đó. Con nghĩ điều này là một sự khích lệ lớn lao đối với những cậu bé thời nay, những đứa bé đã bày ra những trò nghịch ngợm nhưng sẽ hối hận khi biết rằng cho dù nghịch thế nhưng lớn lên chúng vẫn có thể thành mục sư. Con cảm thấy thế đấy, bác Marilla”.
Là sự giàu có – đôi khi cũng có những hạn chế của nó: “”Thảm nhung”, Anne thở dài vui sướng, “và rèm lụa”! Mình từng mơ đến những thứ này, Diana. Nhưng cậu biết không, rốt cuộc mình không thấy thoải mái lắm. Có quá nhiều thứ trong phòng này và tất cả đều lộng lẫy đến mức chẳng còn chỗ cho trí tưởng tượng nữa. Có một điều an ủi khi cậu nghèo – sẽ có nhiều thứ để cậu tưởng tượng hơn”.
Annes of Green Grables có được những chân thực như vậy cũng bởi nó xuất phát từ những trải nghiệm của Lucy Maud Montgomery – một người con lớn lên từ đảo Hoàng tử Edward. Tuổi thơ của Montgomery cũng có nhiều nét tương đồng với cô bé Anne. Bà mồ côi mẹ khi chưa đầy hai tuổi. Người cha kết hôn với một phụ nữ khác và Montgomery sống trong sự bao bọc của ông bà ngoại vô cùng nghiêm khắc. Tuổi thơ của Montgomery trải qua trong sự thanh bình ở trang trại đồng quê của ông bà ngoại, nhưng cũng không ít cô đơn và thiếu thốn tình cảm. Cô bé đã vượt qua tất cả bằng việc để cho đôi cánh của trí tưởng tượng thỏa sức bay bổng đến những xứ sở thần tiên…
Hoàng Hải Anh
(Nguồn: Báo Tuần Việt Nam)