Home / Bài Viết / Câu chuyện tiếng nước mình và rất nhiều khoảnh khắc

Câu chuyện tiếng nước mình và rất nhiều khoảnh khắc

Philip là một cậu bé người Việt. Bố Việt, mẹ Việt. Sống ở Na Uy. Đã lâu rồi. Năm nay cậu 9 tuổi. Cậu có nước da ngăm ngăm đặc trưng người miền Trung, gương mặt dễ mến và nụ cười cực kỳ thân thiện. Nhưng chúng tôi chỉ giao tiếp với nhau được bằng tiếng Anh.

Tháng 7/2013, Philip cùng bố và các anh trai ghé Warszawa tham dự Trại hè “Vui cùng tiếng Việt – Warszawa 2013” do trường tiếng Việt Lạc Long Quân tổ chức. Ban đầu cậu khá ngại ngần. Sau đó thì hòa mình rất nhanh trong các hoạt động, trò chơi, thể thao… Cậu đặc biệt thích ngày có chủ đề “Vòng quanh thế giới”, cậu có cơ hội được giới thiệu về đất nước Na Uy, được vẽ tranh bằng màu sắc quen thuộc của lá cờ Na Uy, hát một giai điệu Na Uy cho các bạn trong trại nghe. Ở trại có nhóm Đức, Czech, Ba Lan, Nga và tất nhiên, Việt Nam nữa. Cậu ngạc nhiên nhận ra, tất cả các nhóm, dù mang tên các quốc gia khác nhau thì “công dân” ở đó vẫn là người Việt Nam. Có hai bạn ở trại cũng không nói được câu tiếng Việt nào giống Philip. Các cậu ấy có bố người Việt, mẹ người Ba Lan.

Thời gian nhanh chóng trôi qua. Đến ngày Philip về lại Na Uy. Cậu buồn rầu nói với bố, bằng tiếng Na Uy:

– Mai mình không được đến trại nữa à bố?- Con thích đến trại hè à? – Bố cậu là một trí thức Việt kiều sống nhiều năm ở Na Uy và định cư ở đó. Ông rất ngạc nhiên vì không nghĩ cậu bé có thể thích được khi cậu còn chưa nói được tiếng Việt.

Philip hỏi:

– Sao ở đây lại nói tiếng Việt mà không nói tiếng Anh thế hả bố? Giá các bạn nói tiếng Anh thì tốt hơn, con sẽ hiểu hết.Bố Philip giảng giải cho con về ý nghĩa của một trại hè tiếng Việt dành cho những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước khác mà không phải Việt Nam. Anh nói về quê hương, về mong muốn của anh là con mình cũng nói được đôi chút tiếng Việt, dù không giỏi. Anh không chắc bé Philip hiểu mình. Chỉ thấy cậu bé im lặng rất lâu rồi quả quyết:- Bố ạ, từ mai con sẽ qua nhà bà ngoại thường xuyên. Con sẽ nhờ bà dạy tiếng Việt. Con sẽ nói tiếng Việt.Bà ngoại bọn trẻ là người duy nhất trong cộng đồng gia đình anh ở Na Uy chỉ giao tiếp bằng tiếng Việt.

Câu chuyện này anh đem kể lại cho tôi, người phụ trách phần nội dung chuyên môn ở trại hè “Vui cùng tiếng Việt”. Những lời nói của Philip làm tôi cảm động. Thực sự cảm động khi một đứa trẻ hồn nhiên nghĩ về nguồn gốc của mình, một khái niệm vẫn còn xa xôi đối với nó.

Niềm vui của Philip

Philip từ Na Uy và Anh Phong từ Đức

Tôi có thể kể thêm những câu chuyện tương tự như vậy ở trại hè. Hai cậu bé “lai” mà ta nhắc đến trên kia – Trung và Kiên – trong ngày tổng kết trại đã say sưa cùng các bạn hát bài “Tiếng Việt vui” mà nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm sáng tác riêng cho trại hè. Hát rõ nét, hiểu mình đang hát về cái gì, và hát một cách hứng thú, tình cảm:

“Dấu sắc mà trèo lên cao, kìa dấu sắc mà trèo lên cao Tính tang tính tang ơ tang tình Đến bá vai ông mặt trời Ồ tiếng Việt vui vui, ồ tiếng Việt vui vui…

Tiếng nói mẹ dành cho em thật thánh thót, rộn ràng êm êm Tính tang tính tang ơ tang tình Như cánh chim trên ruộng đồng Ồ tiếng Việt vui vui, ồ tiếng Việt vui vui…”

Cũng hôm ấy, mẹ của một trong hai cậu bé, một phụ nữ người Ba Lan lấy chồng Việt, tìm gặp tôi, đề nghị chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Việt. Chị bảo: “Tôi muốn cháu nói được tiếng của bố cháu”.

Lại một lần nữa có thêm khoảnh khắc ở trại hè làm tôi cảm động.

Trại hè “Vui cùng tiếng Việt” năm 2013 ở Warszawa đã là mùa trại thứ hai của chúng tôi. Năm 2012, lần đầu tiên bắt tay vào việc với đầy rẫy những khó khăn và những điều chưa lường được trước, chúng tôi cũng đã từng có những khoảnh khắc thú vị khiến những người tham gia tổ chức thêm quyết tâm “thử nghiệm” tiếp lần thứ hai. Tôi nói là “thử nghiệm” vì chúng tôi hướng tới sự chuyên nghiệp trong phương pháp truyền đạt, tiếp cận trẻ, trong các hoạt động, trò chơi, bài tập được xây dựng một cách có hệ thống, vì thế mà cho dù tổ chức lần thứ hai thì vẫn là rất mới mẻ, còn nhiều chông chênh, vẫn cần rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần quy trình thực hiện. Tôi đã từng đùa, rằng tất cả chúng tôi, những người tổ chức, những giáo viên, những phụ huynh tâm huyết “dự phần” vào việc này đều là những người thật sự lãng mạn. Phải rồi, lãng mạn là một phẩm chất cần thiết để làm những việc mà đôi khi vẫn bị cho là kỳ quặc.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ hết lòng thì cũng không ít lời bàn ra nói vào không phải là không ảnh hưởng đến tinh thần của Ban tổ chức. Thậm chí, có người cho rằng chúng tôi “mưu lợi” khá nhiều ở đây khi thu phí của các phụ huynh và mức chi phí không nhỏ trong bối cảnh chúng tôi không có một nguồn tài trợ nào. Tuy vậy, cứ nhìn gương mặt rạng rỡ của bọn trẻ là tôi có thể quên tất cả những điều vụn mọn ấy. Chúng tôi vẫn làm, còn say mê hơn, gắng sức hơn, vừa lắng nghe bọn trẻ, vừa lắng nghe được “tiếng lòng trong” từ chính sâu xa mỗi con người, vừa gạn lọc giữ lại cho mình từng khoảnh khắc đáng nhớ.

Tôi không thể quên được ánh mắt háo hức của mấy cậu bé người Việt tham dự trại hè của Ba Lan bấy giờ tổ chức song song cùng một địa điểm với chúng tôi. Các cậu bé mon men đến xem chúng tôi hoạt động: những trò đồng dao, những bài thơ, trò chơi Tìm kho báu… Một cậu năn nỉ xin ở lại, nói với một giọng tiếng Việt lơ lớ: “Cô ơi, cháu cũng là người Việt đấy!”. Không cảm động sao lời thú nhận ngọt ngào này?!

Cũng như ở nhiều nước khác, phần lớn người Việt sinh sống ở Warszawa làm việc tại các trung tâm buôn bán. Có bà mẹ than phiền với tôi rằng, trẻ cứ lớn dần lên, hòa nhập vào cuộc sống bản địa đến mức nhiều khi có cảm giác… chúng bắt đầu coi thường bố mẹ. Công việc buôn bán vất vả, tiếng Ba Lan biết không vững bằng bọn trẻ, lại trở nên lạc hậu với những gì mới mẻ con đang được tiếp cận… lâu rồi chẳng còn câu chuyện chung với nhau nữa. – Chị than thở vậy. Và khi trong lịch trình trại hè có kế hoạch cho các cháu đến thăm một số trung tâm, nơi bố mẹ các cháu có quầy bán hàng, thì không ít phụ huynh tỏ ra lo ngại. Trước khi thực hiện kế hoạch này, chúng tôi có một buổi thảo luận cùng các bạn nhỏ về chủ đề lao động, giá trị đồng tiền, nghề nghiệp. Sau đó, mỗi nhóm được giao một nhiệm vụ cụ thể khi đi xuống trung tâm thương mại. Nhóm lớn thì phải phỏng vấn những người bán hàng và một vài doanh nghiệp Việt. Nhóm bé hơn thì được giao nhiệm vụ quan sát, ghi chép lại những đồ vật các cháu nhìn thấy. Nhóm khác lại tìm hiểu công việc của một người bán hàng và những mong muốn của họ… Kết quả là, chúng tôi lại thu được những khoảnh khắc khó quên. Một vài em bé tự hào nói với tôi: “Cô ơi, bố cháu làm việc ở kia”. Trong khi các quầy hàng tíu tít đón tiếp “phái đoàn đặc biệt”, tôi thấy lấp lánh  niềm vui hòa hợp của mỗi gia đình. Tôi cho rằng, gắn kết cộng đồng vẫn là một giá trị quan trọng kể cả khi ta đã trở thành “công dân thế giới”!

Thế đấy. Việc xây dựng một trại hè quy củ, có phương pháp hiện đại, kích thích động cơ học tiếng và mang lại niềm vui mùa hè cho các bạn nhỏ thông qua tiếng Việt… là một việc không dễ chút nào, cần đến sự đóng góp tâm sức của biết bao nhiêu con người. Tôi không rõ những người khác đánh giá thành công của trại hè bằng một tiêu chuẩn định lượng thế nào, nhưng những khoảnh khắc vừa kể trên đối với tôi là những tiêu chí đánh giá xác thực đầy lay động.

Suy cho cùng, những gì chúng ta làm cho cuộc đời này, đôi khi tính được bằng rất nhiều khoảnh khắc.

 

TSGD Nguyễn Thụy Anh

 

Với mục đích tạo một sân chơi vui nhộn cho các cháu bé sinh ra và lớn lên ở Ba Lan, để các cháu tìm thấy niềm vui học Tiếng Việt, sử dụng Tiếng Việt, đồng thời tạo động lực để các cháu tự tìm hiểu thông tin về quê hương, TRẠI HÈ “VUI CÙNG TIẾNG VIỆT – Warszawa 2012” lần đầu tiên được tổ chức tại Ba Lan và châu Âu, dưới sự điều hành của thầy Lê Xuân Lâm, hiệu trưởng trường Tiếng Việt Lạc Long Quân (Warszawa), với thiết kế nội dung và phương pháp của TSGD Nguyễn Thụy Anh đến từ câu lạc bộ Đọc sách cùng con (Hà Nội) và có sự phối hợp tổ chức của công ty TTH(Warszawa) đã thành công tốt đẹp, để lại dư âm dài lâu ấm áp trong cộng đồng người Việt.

Trại hè lần thứ hai ở Warszawa diễn ra từ 15/7 đến 21/7/2013 có sự tham gia của cả các bạn nhỏ và cộng tác viên đến từ Đức, Na Uy, Czech.

Trại hè Vui cùng tiếng Việt lần thứ 3 sẽ diễn ra từ ngày 3/8/2014 đến 11/8/2014 tại Warszawa, Ba Lan.

About admin2

Scroll To Top