Home / Giới thiệu sách / Ba mẹ ơi, con bị bắt nạt (Barbara Coloroso, dịch giả Đỗ Liên Hương, Nhã Nam & NXB Thế Giới, 2017)

Ba mẹ ơi, con bị bắt nạt (Barbara Coloroso, dịch giả Đỗ Liên Hương, Nhã Nam & NXB Thế Giới, 2017)

Sống cho đến tuổi này mới biết, người bị bắt nạt có thể là một đứa trẻ ngây ngô chân ướt chân ráo bước vào trường học, cũng có thể là lũ trẻ choai choai mới lớn với thế giới phức tạp của chúng, lại hoàn toàn có thể là một người trưởng thành, trung niên, hoặc nhiều tuổi hơn nữa.

Và kẻ bắt nạt người cũng có thể là bất kỳ ai, kể cả chúng ta!

Cuốn sách này hay ở chỗ, tác giả phân tích kỹ lưỡng các hành vi bắt nạt, phân loại những kẻ bắt nạt – bởi có rất nhiều người bị bắt nạt mà không hiểu người ta đang làm gì mình, muốn gì ở mình. Rồi tệ thay, có vô cùng nhiều người bắt nạt, ức hiếp người khác một cách vô tình, không ý thức được hành vi của mình!

Tác giả có cái nhìn bao quát, khái quát “bức tranh toàn cảnh” của hiện tượng bắt nạt nhau ở các lứa tuổi, đồng thời cũng mô tả nhiều tình huống, đưa ra nhiều lý giải để đưa đến các giải pháp, kết hợp trích dẫn nhiều nguồn nghiên cứu khác. Tác giả khiến người bị bắt nạt bình tĩnh lại, biết được phải tự bảo vệ mình như thế nào, còn những kẻ bắt nạt cũng chùn tay nhìn lại mình, bắt đầu từ việc tìm hiểu luật pháp.

Tác giả cũng giúp bố mẹ một hướng nghĩ sáng sủa, logic, để sáng tạo ra nhiều cách trò chuyện, câu chuyện kể, trò chơi hướng dẫn các con nhận biết hiện tượng bắt nạt và cách ứng xử hợp lý, tự tin, không sợ hãi, biết mình nên dựa vào ai, nên nói điều gì khi gặp những tình huống cụ thể trong tương lai…

Cuốn sách “Ba mẹ ơi, con bị bắt nạt” (Barbara Coloroso, dịch giả Đỗ Liên Hương, Nhã Nam & NXB Thế Giới, 2017)

Những người bị bắt nạt hôm nay có thể trở thành kẻ bắt nạt người khác ngay ngày mai!

Và cả những người thờ ơ đứng ngoài, những người xem video clip với nội dung làm nhục người khác để mà bàn tán đưa chuyện – kể chuyện khốn khổ của người “như kể chuyện vui”, những người có thể can thiệp mà lại im lặng – họ cũng được nhắc đến ở đây!

Tôi muốn giới thiệu để bạn bè tôi lưu ý đến cuốn sách này của Nhã Nam, không chỉ những ai là thày cô giáo, là bố mẹ, như lời nhắc trên bìa sách. Bởi lẽ, đấu tranh với hiện tượng bắt nạt, từ đó dẫn đến bạo lực học đường, bạo lực xã hội, xâm hại tình dục… là trách nhiệm không chỉ riêng ai!

Đừng cứ thấy có một vụ việc xảy ra là cả xã hội vội vàng đổ lỗi cho nhau, đình chỉ công tác dăm ba người liên quan, cho thêm vài tiêu chí vào việc thanh tra giám sát – siết chặt cái nọ cái kia (khiến người ta có thêm cái cớ để hành nhau chứ thực chất có giải quyết gì được đâu?!!!)! Đọc cuốn này để điều chỉnh tư duy của mình, thái độ và hành vi của mình khi đối mặt với những nguy cơ “bắt nạt”, bạo lực tiềm ẩn trong mỗi nhóm người, cộng đồng, và chính bản thân mình nữa!

TSGD Nguyễn Thụy Anh  (Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con)

About Bui Huong Lien

Scroll To Top