Home / Bài Viết / BỘ SÁCH CHÀO TIẾNG VIỆT: “TRỢ LÝ” MỚI CHO THẦY CÔ, ÔNG BÀ, BỐ MẸ

BỘ SÁCH CHÀO TIẾNG VIỆT: “TRỢ LÝ” MỚI CHO THẦY CÔ, ÔNG BÀ, BỐ MẸ

Hưởng ứng Ngày tôn vinh tiếng Việt lần đầu được tổ chức vào ngày 8/9 tới, NXB Giáo dục vừa cho ra mắt bộ sách “Chào tiếng Việt”. Nhân dịp này, TS. Nguyễn Thụy Anh, tác giả bộ sách, có cuộc trò chuyện với báo Khoa học và Phát triển về một trong những tài liệu chính thức hiếm hoi dùng cho việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.
🤳 Trong một bài báo, chị từng viết rằng, rất ít người gốc Việt trẻ ở nước ngoài có nhu cầu và động lực học tiếng Việt. Vậy phải chăng việc tạo ra nhu cầu và khơi dậy động lực vừa khiên cưỡng vừa bất khả thi?
📝 Ý tôi không hẳn như vậy. Tôi muốn nói rằng nếu dạy tiếng Việt cho đối tượng trẻ em, người trẻ gốc Việt ở nước ngoài mà chỉ xuất phát từ hướng tiếp cận là mong muốn, ý chí của phụ huynh hay chủ trương của nhà nước thì sẽ không thành công. Nhưng sẽ khả thi nếu người học được hỗ trợ để nảy sinh nhu cầu: muốn học vì tò mò, vì thấy lạ, vì thấy hay, vì thấy vui… – đó là bước đầu. Tiếp theo là quá trình tiếp tục tạo động lực, khiến các em thấy việc học tiếng Việt đáp ứng được nhu cầu thể hiện bản thân, phát triển bản thân, giúp thể nghiệm các cảm xúc tích cực như thấy gắn bó, biết ơn, tự hào… Khi tiếng Việt thực sự trở thành công cụ để các em giao tiếp hiệu quả, có thêm kiến thức và nhận được các giá trị tinh thần nhân văn thì động lực học sẽ được duy trì từ bên trong, việc học tiếng Việt trở thành nhu cầu tự thân, bền vững.
**
🤳 Có phải với suy nghĩ như vậy chị đã quyết định soạn bộ sách “Chào tiếng Việt”? Sau nhiều năm làm việc về ngôn ngữ với trẻ em trong nước và nước ngoài thông qua các hoạt động đọc, viết và trại hè, trại thu…, bộ sách “Chào tiếng Việt” được thừa hưởng những kinh nghiệm nào từ quá trình làm việc đó của chị?
📝 Bộ sách “Chào tiếng Việt” là sự đúc rút hệ thống từ những gì tôi đã trải nghiệm, đã làm cùng cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó có cả những kinh nghiệm tôi có được từ quá trình dạy kèm tiếng Việt cho các bạn nhỏ thời tôi còn là sinh viên của trường Đại học Sư phạm Quốc gia Matxcơva. Cụ thể là, thứ nhất, đưa tiếng Việt vào cuộc sống của người học một cách tự nhiên, không áp đặt. Muốn thế, phải tìm hiểu, nắm bắt được tâm lý, sở thích, cuộc sống của người học để thiết kế nội dung và hoạt động học phù hợp, tạo hứng thú và sự sẵn sàng tham gia.
Thứ hai, dạy tiếng Việt có sự kết nối, so sánh với ngôn ngữ và văn hóa bản địa, nơi các em sinh ra và gắn bó. Việc này giúp các em cảm nhận được những nét tương đồng và khác biệt giữa các dân tộc ở nhiều khía cạnh. Từ cái chung có tính phổ quát của nhân loại, người học dần nhận biết nét riêng độc đáo trong tâm hồn dân tộc Việt và người bản địa. Chẳng hạn, cùng đọc hai bài thơ về mùa Thu của hai nhà thơ hai nước rồi lắng nghe bài thơ đã được dịch ra ngôn ngữ bản địa và tiếng Việt. Các em thích thú phát hiện các chi tiết được miêu tả trong trong các bài thơ mùa Thu có điểm giống, khác nhau như thế nào. Qua đó, các từ mới sẽ được ghi nhớ sâu hơn…
Thứ ba là học thông qua trải nghiệm. Mỗi em nhỏ có cơ hội trải nghiệm tiếng Việt rất khác nhau tùy vào sự sẵn sàng tham gia của người thân và các hoạt động của cộng đồng người Việt ở địa phương nơi em sống. Các nhiệm vụ, “thử thách” đưa ra tạo điều kiện cho các em trải nghiệm thực tế, tự tìm đến môi trường ngôn ngữ xung quanh. Ví dụ, các bài tập quan sát, ghi chép, tham gia… như: phỏng vấn hoặc gọi điện cho người thân; quan sát để phát hiện những gì gợi nhớ đến Việt Nam trong nhà em; tham gia ngày hội cộng đồng, trại hè, lễ Halloween, biểu diễn văn nghệ… bằng tiếng Việt.
Ngoài ra, từ việc thống kê những lỗi phát âm thường gặp, tôi đề xuất phương án giúp các em luyện ngữ âm thông qua câu chuyện, liên tưởng, ngôn ngữ cơ thể và âm nhạc…
Nhìn chung, những gì đưa vào sách đều đã được chúng tôi thực nghiệm và thành công trên thực tế. Ngoài ra, đó cũng là phương pháp được xây dựng trên cơ sở lý thuyết giáo dục hiện đại: lý thuyết kiến tạo và lý thuyết văn hóa xã hội trong quá trình học.
Tôi còn nhớ, sau khi được nghe tôi kể chuyện “Cây tre trăm đốt”, các em nhỏ ở Stuttgart đã rất hào hứng với trò chơi “khắc nhập – khắc xuất”. Tất cả vốn từ học được, các em đều mang ra sử dụng trong quá trình vui chơi, kể chuyện. Điều này khiến các em tự tin và muốn tự mình đọc truyện in. Thế là các em về nhà tìm các cuốn truyện cổ tích bố mẹ đã mua cho từ lâu nhưng… bị bỏ xó. Giờ đây, các em đã có động lực đọc!
**
🤳 Chị mong muốn bộ sách của mình được đón nhận theo cách nào?
📝 Tôi mong muốn bộ sách được đón nhận như một “trợ lý” cho thầy cô, ông bà, bố mẹ trong việc giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài. Các bố mẹ hãy cùng con lật giở từng trang sách để làm quen với các nhân vật. Tôi tin, hình ảnh sinh động, hiện đại sẽ lôi cuốn các em thử xem, đọc, đoán. Trên cơ sở các gợi ý hoạt động học của tác giả, các bố mẹ, thầy cô hoàn toàn có thể thay thế nội dung hoặc mở rộng nội dung mà giữ nguyên quy trình hoạt động.
Bên cạnh đó, tôi mong cuốn sách được sử dụng với quan điểm mở: người lớn dựa trên cuộc sống thực tế của con em mình mà chủ động lựa chọn dạng bài tập, hình thức hoạt động phù hợp. Các chủ đề trong cuốn sách cũng là gợi ý để người lớn trò chuyện với trẻ, giúp bổ sung vốn từ, củng cố ngữ pháp, rèn bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết… nhưng quan trọng hơn, cuốn sách có thể là một cơ hội, cũng là động lực để chính người lớn không ngại tâm tình, chơi và chia sẻ với con nhiều hơn bằng tiếng Việt. Vô hình trung, tiếng Việt vừa là mục đích hướng tới, vừa là phương tiện để các thế hệ trong gia đình cũng như các thế hệ trong cộng đồng Việt ở nước ngoài gần gũi, gắn kết với nhau hơn, cùng xây dựng kỷ niệm, thói quen, truyền thống của mình.
Nếu có một em nhỏ gốc Việt sống ở nước ngoài hỏi chị vì sao em cần biết tiếng Việt, chị sẽ trả lời thế nào?
Trong một bài học, tôi cùng các em nhỏ phân biệt các từ: “phải”, “nên”, “cần” – đi từ những việc bắt buộc phải làm như một nguyên tắc ứng xử, thỏa thuận đến những việc nếu làm thì tốt cho mình và cho mọi người. Từ gợi ý đó, tôi sẽ đặt câu hỏi cho em bé người Việt ấy: Nếu biết tiếng Việt, em có thể làm được những việc gì? Sẽ tốt, có lợi cho những ai? Đây cũng là một hoạt động nhỏ theo công thức: “Nếu em biết (giỏi) tiếng Việt, em sẽ…” Chẳng hạn, em sẽ trò chuyện được nhiều hơn với bà nội, nghe bà kể về những trò nghịch ngợm của bố ngày bé…
Tôi sẽ kể cho em nghe, những công ty lớn đa quốc gia rất chú trọng tìm và ưu tiên những người biết ngôn ngữ gốc của cha mẹ đẻ, hiểu văn hóa cội nguồn. Tôi sẽ đề nghị em suy nghĩ và đoán lý do của việc này… Nói tóm lại, em không bắt buộc phải biết tiếng Việt, nhưng nếu biết, sự hiểu biết ấy làm tâm hồn em thêm rộng mở và sâu sắc, giúp em kết nối được nhiều người trong quá trình làm việc sau này. Ồ, biết tiếng Việt thật sự là một điều có lợi, đặc biệt là đối với người gốc Việt!
🤳 Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Ngọc Nhu thực hiện
Bài viết đăng tải trên: https://khoahocphattrien.vn/…/20220831111112270p1c879.htm
———————————–
🔔 Ngày 3/8/2022, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”, theo đó hằng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt (8/9) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt; tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt; khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam…
———————————–
💼 “Bộ sách Chào tiếng Việt kết hợp được các thành tựu của giáo học pháp hiện đại trong việc giảng dạy tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ với các phương pháp sư phạm mới. Những phương pháp này do chính tác giả tìm tòi và thiết kế trong quá trình thực nghiệm cá nhân với việc dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam tách biệt khỏi môi trường ngôn ngữ Việt.”
Natalia Kraevskaia, Phó Giáo sư tại Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, và Trường Đại học Nhân văn Nga, Moscow.
Đăng ký mua tập 1 và 2 của bộ sách Chào tiếng Việt tại đây!

About DuongMy

Scroll To Top