Home / Bài Viết / Cánh cửa tìm về cội nguồn dân tộc Việt Nam khắp năm châu

Cánh cửa tìm về cội nguồn dân tộc Việt Nam khắp năm châu

(VTC News) – Học tiếng Việt mở ra cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài sự thú vị về cội nguồn, cơ hội phát triển và sự khẳng định mình của những người con dân tộc Việt Nam.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang ngày càng mở rộng, thể hiện vai trò và đóng góp vào nền kinh tế hội nhập toàn cầu, đưa dân tộc Việt Nam tới một kỷ nguyên vươn mình mới. Cùng với đó là câu chuyện làm thế nào để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Việt, trong đó có tiếng Việt, không để những giá trị này bị mai một cho các thế hệ tương lai.

Tiếng Việt giúp giới trẻ “biết mình là ai”

Bà Nguyễn Thụy Anh, Tiến sĩ Giáo dục học, chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con chia sẻ, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài muốn cho con học và biết tiếng Việt, hoặc những bạn trẻ người Việt lớn lên ở nước ngoài muốn quay trở về tìm hiểu ngôn ngữ và văn hóa Việt, đang tăng lên rất mạnh, thậm chí có phần đột ngột.

“Đây là kết quả của tuyên truyền của Nhà nước. Bên cạnh đó trong bà con cũng có những nhu cầu sâu sắc”, bà Nguyễn Thuỵ Anh cho biết, nhấn mạnh đây là nhu cầu tìm về cội nguồn của giới trẻ. Khi có ngôn ngữ và văn hóa, các bạn trẻ có thể trả lời được câu hỏi về việc mình là ai, mình sinh ra ở đâu trên thế giới này.

Đối với các gia đình có ông, bà, bố mẹ người Việt, còn con cháu sinh ra ở nước ngoài, đó là mong muốn, cũng là nhu cầu gìn giữ các thế hệ, để sự trò chuyện, kết nối trong gia đình không bị đứt gãy.

Dưới quan sát của chuyên gia, tiếng Việt khiến các bạn trẻ F1 (thế hệ người Việt đầu tiên) sinh ra ở nước ngoài rất hạnh phúc. Sự kết nối trong gia đình, khi mọi thành viên thuộc các thế hệ có thể trò chuyện và chia sẻ với nhau bằng tiếng Việt, không chỉ dừng lại ở những câu chào hỏi thông thường mà còn những lời tâm sự và sẻ chia có chiều sâu, đem lại giá trị tinh thần rất lớn.

“Có lần chỉ sau một đợt trại hè, phụ huynh gọi điện thoại cho tôi hào hứng kể, lần đầu tiên thấy con em nói “cho con xin một mẩu gừng” để pha trà cho mẹ, chứ không phải “cái gừng” nữa, tức là bạn ấy đã sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt tinh tế hơn, và chị ấy rất là xúc động”, bà Thuỵ Anh kể.

Khi một số gia đình ông bà, bố mẹ không nói chuyện được nhiều với con, với cháu, và phải chấp nhận sự mất kết nối đó, tạo ra khoảng trống mất mát lớn. Giờ đây, nhờ tiếng Việt, họ dần tìm lại được sự ấm áp đó.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ với VTC News. (Ảnh: Trà Khánh)

Thứ hai, đó là sự tự hào về quê hương và nguồn gốc, mỗi một người đều thuộc về một miền đất. Cho dù sinh ra ở Đức, sống rất giống người Đức, trong gene của người Việt đều có những đặc tính khó có thể mất đi như tóc đen, da vàng… Khi biết tiếng và hiểu được về đất nước của mình một cách kỹ lưỡng, thế hệ trẻ có thể cảm thấy tự hào và hạnh phúc.

Một điều thú vị, với sự phong phú đặc biệt, tiếng Việt tạo ra cho giới trẻ những khía cạnh khám phá thú vị so với những ngôn từ khác.

Ví dụ như về các đại từ nhân xưng, tiếng Anh chỉ có “you” (bạn) và “I” (tôi) nên không mang nhiều sắc thái cảm xúc. Khi giới trẻ tìm hiểu và chơi trò chơi với các đại từ nhân xưng trong tiếng Việt như anh”, “em”, rồi “cô”, “dì”, “chú”, “bác”…, các bạn trẻ rất thích, cảm thấy tiếng Việt sao mà bí ẩn, thú vị đến thế.

“Khi tôi kể chuyện về Trường Sa cho các em nhỏ ở Đức, và các em được các chú bộ đội tặng cho lá cờ đã được cắm trên tàu. Các em gửi tặng lại các chú bộ đội một quả bóng mà sau đó các chú trang trọng bày trong phòng. Đó đều là những câu chuyện chứa đựng rất nhiều tình cảm”, tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ.

Theo bà, những sự yêu thích đó nuôi dưỡng niềm tự hào của các bạn trẻ. Nếu trước đây, khi việc có sự khác biệt với bạn bè khác ở nước ngoài là điều khiến giới trẻ xấu hổ, thì bây giờ đó là niềm tự hào, là điểm mạnh phát sáng trong tim họ, tự nhiên khiến họ tự tin và hạnh phúc hơn. “Khi bạn đã có niềm tự hào rồi thì dù ai có tác động thế nào cũng không thể lấy đi được điều đó”.

 

Không nhất thiết ‘đóng khung’ ở không gian Việt

Với tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Anh, nếu chúng ta vẫn đi theo cách truyền thống như mang một bộ sách ở Việt Nam sang dạy thì rất cứng nhắc, trong khi điều kiện và môi trường ở mỗi cộng đồng khác nhau, đòi hỏi phương pháp linh hoạt.

Bộ sách “Chào tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Thụy Anh với hai cuốn đầu là “Cấp độ 1: Ra khơi”, “Cấp độ 2: Khám phá”,

do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, đoạt giải A – Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ sáu năm 2023.

Bộ sách “Chào tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Thụy Anh với hai cuốn đầu là “Cấp độ 1: Ra khơi”, “Cấp độ 2: Khám phá”, do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, đoạt giải A – Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ sáu năm 2023.

“Khi xây dựng bộ sách Chào tiếng Việt, tôi nhắm đến việc bộ sách có thể cung cấp những tư liệu mẫu, dựa vào đó người ta có thể thay thế câu chuyện riêng của mình vào. Và thậm chí ban đầu khi chưa cá nhân hóa được thì những câu chuyện, tư liệu này vẫn có thể được sử dụng một cách khéo léo ở nhiều quốc gia, không nhất thiết phải đóng khung trong không gian ở Việt Nam”, bà Thuỵ Anh nhận định.

Nữ tiến sĩ cho rằng, cần tạo dựng những nhân vật như một bạn mèo “gốc Việt” tên là Miu Nguyễn, một bạn dế, một gia đình sống ở nước châu Âu nào đó, hoặc một khu rừng, một vùng biển,… v.v những không gian gần gũi với kí ức của bất cứ đứa trẻ nào ở bất cứ đâu để trẻ có thể dễ dàng tiếp cận và chuyển đổi phong cách văn hoá nơi trẻ đang sống với quê hương gốc gác của mình.

Bên cạnh đó là cách chia lớp theo độ tuổi, phương thức truyền đạt, cách giúp trẻ nâng cao niềm tự hào. Với các bạn sinh ra ở nước ngoài, tiếng Việt vừa như một ngôn ngữ mới, có phần không giống tiếng mẹ đẻ, vừa có sự gắn bó về mặt cảm xúc vì sâu bên trong các bạn vẫn là người Việt Nam, có cái gốc máu mủ và hướng về nguồn cội. Nên cách tiếp cận cần là làm thế nào để các bạn ấy nhận ra và có thể bộc lộ ra những cảm xúc tự hào và tình yêu đó.

Ở các trại hè tiếng Việt, đơn vị tổ chức không nên buộc các thành viên tham gia chỉ dùng tiếng Việt. Trẻ vẫn thoải mái nói tiếng nước ngoài như bình thường, sự chia sẻ của người lớn và chuyên gia sẽ giúp chuyển tải thông điệp tôn trọng cá nhân, vừa tạo ra môi trường sinh ngữ. Dần dần các thành viên mở lòng hơn, nói và hát tiếng Việt. Thậm chí tìm hiểu các bài thơ, giúp thầy cô dịch các bài thơ sang tiếng Việt hay ngược lại. Thông qua các hoạt động, trò chơi hết sức tự nhiên thì các con được hiểu và “hít thở” với tiếng Việt.

Trên hết, theo nữ tiến sĩ, dạy tiếng Việt cho các thế hệ trẻ ở nước ngoài nên đi từ những gì sẵn có, như ngày xưa khi bình dân học vụ. Đang có sinh viên thì mời sinh viên, có sinh viên sư phạm thì mời sinh viên sư phạm, không nhất thiết phải là giáo viên thì mới có thể tham gia. Cứ tận dụng điều có sẵn và triển khai từng bước một, đặt ra những mục tiêu vừa phải từ thấp lên cao.

Đồng thời, tìm sự hỗ trợ khác như kết nối và cung cấp thông tin, sách và tài liệu để làm thế nào đến được với những người có nhu cầu.

Khai mạc chương trình Trại hè Việt Nam 2024. (Ảnh: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài)

Khi đánh giá về vai trò của Nhà nước và chuyên gia trong việc phối hợp thực hiện các đề án về giữ gìn và phát huy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, bà Thuỵ Anh khẳng định, đó là điều rất đáng quý. Nhà nước đã làm rất tốt việc kết hợp với những chuyên gia độc lập, chuyên gia cộng đồng, những người có nghiên cứu về lĩnh vực này, và hỗ trợ họ để lan tỏa hơn nữa việc dạy và học tiếng Việt.

 

Cần những đề án tôn vinh tiếng Việt

“Khi hiểu được rõ nhu cầu và khó khăn của từng cộng đồng là gì, của trẻ con ở đó khi học tiếng Việt là gì, phù hợp với phương pháp nào thì nếu chúng ta đưa những kiến thức đó vào tập huấn cho giáo viên cũng sẽ hiệu quả hơn”, bà Thuỵ Anh nhận định.

Nỗ lực của những chuyên gia, các cấp quản lý Nhà nước trong quá trình gìn giữ và phát triển tiếng Việt ở nước ngoài đã có những thành quả đáng ghi nhận. Mới đây, tại Lễ Thượng cờ nhân kỷ niệm quốc khánh Việt Nam tại Tòa Thị chính Thành phố San Francisco, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Lê Thị Thu Hằng đã thay mặt Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco tiếp nhận bản tuyên bố do thị trưởng thành phố San Francisco ký. Bản tuyên bố công nhận ngày 2/9/2024 là Ngày Di sản hữu nghị Việt Nam – Mỹ tại thành phố và địa hạt San Francisco năm 2024.

Đây là một trong những dấu mốc quan trọng và có ý nghĩa nổi bật đối với cộng đồng người Việt Nam tại San Francisco nói riêng, cộng đồng NVNONN nói chung. Sự kiện thể hiện sự hội nhập mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Được công nhận là một trong những ngôn ngữ chính thức tại San Francisco, tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp của riêng cộng đồng người Việt mà còn là phương tiện để cộng đồng có tiếng nói trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và chính trị của sở tại. Qua đó, tạo thuận lợi cho việc duy trì, quảng bá tiếng Việt và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng. Thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có thể tiếp tục học và sử dụng tiếng mẹ đẻ, qua đó giữ vững mối liên hệ với nguồn cội và văn hóa dân tộc.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc tiếng Việt được công nhận tại San Francisco có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ, giúp tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa hai quốc gia, đồng thời thúc đẩy quảng bá hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên thế giới. Đây cũng có thể là tiền đề cho việc công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ hành chính chính thức ở những nơi khác có đông người Việt Nam sinh sống.

 

Xây dựng nhiều hơn nữa các trung tâm văn hóa Việt Nam

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết, xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là một trong các nhiệm vụ được đề xuất tại dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 của Chính phủ, nhằm mục đích khẳng định vị thế đất nước, quảng bá các thành tựu phát triển của đất nước, con người Việt Nam, lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Theo bà Hằng, để các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài có thể phát huy vai trò trong việc tổ chức dạy và học tiếng Việt một cách hệ thống, bài bản và hiệu quả hơn thì cần có những định hướng rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ nhất, đối với người dân sở tại, các trung tâm văn hóa là nơi quảng bá văn hóa Việt Nam, khuyến khích bạn bè quốc tế tìm hiểu, trân trọng văn hóa Việt Nam, phần nào tiếp cận với tiếng Việt qua các tủ sách tiếng Việt, các hoạt động trình diễn nghệ thuật, triển lãm, hội thảo, ngày hội văn hóa Việt Nam, v.v.

Thứ hai, với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, đây sẽ là mái nhà chung, là nơi bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp văn hóa Việt Nam, nơi kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ học và thực hành tiếng Việt và tìm về với cội nguồn dân tộc. Điều quan trọng là tạo không gian và môi trường cho kiều bào ở các lứa tuổi, trình độ khác nhau tìm hiểu và khám phá văn hóa dân tộc qua các hoạt động được thiết kế phù hợp, qua đó khơi dậy tình yêu đối với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

Thứ ba, việc phát triển các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần có lộ trình, đi từng bước, có trọng tâm trọng điểm, lựa chọn địa bàn và cách thức triển khai phù hợp.

Lễ tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Pháp. (Ảnh: UBNV)

Sự tôn vinh các sứ giả tiếng Việt tại các chương trình tôn vinh tiếng Việt do NVNONN tổ chức không chỉ nhắm đến một số lượng rất nhỏ “Sứ giả tiếng Việt” trong chương trình mà bao gồm cả đội ngũ giáo viên rộng lớn (gồm cả người không chuyên) tình nguyện dạy tiếng Việt ở bất cứ nơi nào có người Việt Nam sinh sống.

 

Vinh danh các sứ giả tiếng Việt

Đội ngũ “sứ giả tiếng Việt” đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Họ không chỉ là những người trực tiếp giảng dạy ngôn ngữ, mà còn là những nhân tố then chốt trong việc giữ gìn và truyền tải bản sắc văn hóa Việt Nam đến thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài và cả bạn bè quốc tế.

Họ giúp người học, đặc biệt là thế hệ trẻ người Việt sinh ra ở nước ngoài, hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ. Việc học tiếng Việt không chỉ là học một ngôn ngữ, mà còn là tiếp thu những truyền thống, phong tục tập quán của quê hương.

Các thầy cô đóng vai trò như những người truyền cảm hứng, khơi dậy và lan tỏa tình yêu đối với tiếng Việt trong cộng đồng. Đối với nhiều người học, đặc biệt là những người trẻ sinh ra trong môi trường không nói tiếng Việt, việc học ngôn ngữ mẹ đẻ có thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nhiệt huyết và tận tâm của các giáo viên tình nguyện, các em có thể dần yêu thích và gắn bó với tiếng Việt.

“Chúng ta đều biết rằng, sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng bền vững phụ thuộc vào việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa gốc. Các ‘sứ giả tiếng Việt’ này đã góp phần xây dựng nền tảng cho cộng đồng NVNONN thông qua việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt. Điều này không chỉ giúp thế hệ trẻ có thể giữ liên kết với cội nguồn, mà còn tạo điều kiện cho sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa các thành viên trong cộng đồng”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Đồng thời, bà Hằng chia sẻ thêm, các “sứ giả” hoạt động hoàn toàn tình nguyện, nhiều người không nhận thù lao nhưng vẫn tận tụy cống hiến thời gian và công sức của mình vì mục tiêu gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng, với đất nước, và là nguồn động viên lớn cho NVNONN trong việc duy trì tiếng Việt trong môi trường quốc tế.

“Chúng tôi rất trân trọng, biết ơn và nguyện sẽ đồng hành cùng các thầy cô trong sự nghiệp cao cả của mình”, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhận định.

 

– Phương Anh – Phan Sương (Đồ họa: Huy Mạnh; Ảnh: Trà Khánh) –

Bài đăng trên VTC NEWS ngày 25/10/2024.

 

About DuongMy

Scroll To Top