1. Sáng nay tôi rửa rau để chuẩn bị nấu nướng. Rau sạch đặt của “Rau hữu cơ 5.0”. Công việc nấu nướng rau dưa hàng ngày nó khiến ta cứ hoạt động “automatic”, như thể vô thức, mà không dừng lại nghĩ tách bạch xem từng động tác của mình có ý nghĩa gì. Vì thế, lúc đứng trong bếp là lúc thư giãn nhất!
Trong một tích tắc định thần, tôi thấy mình bê chậu nước rửa rau ra tưới cây. Bỗng nhiên sực nghĩ, mới cách đây vài năm, tôi có thể vô tư đổ ào hàng chậu nước rửa rau (sạch) như vậy mà không tiếc. Bây giờ thì không những tiếc, mà còn tự thấy khó chịu… Cũng như vậy với các việc khác, tôi sẽ bứt rứt nếu ra khỏi phòng không để ý đèn còn sáng không. Tôi đã có thói quen sử dụng hoá chất sinh hoạt sao cho ít nhất. Tôi bắt đầu thầm nhẩm cách phân loại rác tuy… không làm triệt để (chỉ tách mỗi rác giấy) vì chẳng có ý nghĩa gì khi các đơn vị thu gom rác lại vẫn đổ dồn mọi loại rác vào nhau! Tôi đã rất tiếc nếu không thể tái sử dụng giấy… Tôi không bao giờ cho phép mình vứt rác ra đường, bất kể đường núi đường rừng hay đường phố… Tôi đã có thói quen nghĩ đến sự phát triển bền vững trong mọi sự…
Không phải vì tôi đang trở thành người tốt hơn trước mà vì tôi đã thay đổi được đôi chút lối sống của mình sau một thời gian 4 năm tham gia dự án “Giáo dục vì sự phát triển bền vững” của tổ chức Kế hoạch hành động toàn cầu (GAP) tiến hành tại Việt Nam thông qua hoạt động của Trung tâm phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường (C&E) và Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD). Ở dự án này, với tư cách là cố vấn giáo dục, tôi tham gia biên soạn và chuyển ngữ giáo trình của nhóm tác giả GAP, đứng đầu là viện sĩ viện hàn lâm khoa học quốc gia Ukraine Olena Pometun – sao cho phù hợp với học sinh Việt Nam, biên soạn các bài giảng mẫu và bộ công cụ hỗ trợ giáo viên Việt Nam. Và trong 4 năm đó, tôi liên tục tham gia giảng dạy theo giáo trình này.
Việc dạy học đã khiến chính tôi thay đổi hành vi. Điều này cũng xảy ra ở các thày cô giáo khác, những người dù ít dù nhiều tham gia dự án – ở Hà Nội, Huế, Hội An, Thái Bình…
Còn các bạn nhỏ thì sao? – Chúng cũng dần có chung nỗi bứt rứt như tôi, khi không tắt bớt điện, không vặn nhỏ vòi nước lúc rửa bát, không tái sử dụng giấy, nước… Nhiều em đã từng nói như vậy trong các phóng sự của VTV1, VTV2, truyền hình Hà Nội…
Cách dạy dựa trên nguyên lý hành vi và hình thành thói quen khiến những hành động tiết kiệm tài nguyên ở trẻ trở thành như thể là … vô thức, cứ tự động làm, không làm… không được. Y như tôi dùng nước rửa rau để tưới cây sáng nay vậy.
2. Bí kíp thay đổi hành vi thật ra nằm ở Phương pháp truyền thông – giảng dạy: không theo mô hình tuyến tính (đưa thông tin -> thay đổi thái độ -> thay đổi hành vi) vì nhiều thập kỷ nay người ta vẫn tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thông tin về trái đất ô nhiễm, biển chết, rừng chết, trái đất trở thành… trái rác, ai cũng có thể nói vanh vách, nhưng không nhiều người điều chỉnh hành vi của mình, đơn giản vì câu chuyện môi trường nó cứ lơ mơ ở đâu ấy, không liên quan gì đến cuộc sống của mình. Giống như thể chưa bị ốm thì chưa có động lực phòng bệnh vậy! Thậm chí có hôm đi qua một góc phố, tôi thấy bọn trẻ kêu gọi tắt máy xe để giảm ô nhiễm khói xăng khi dừng lâu ở đèn đỏ, hàng chục người lớn đã không làm theo thì chớ, còn lớn tiếng… chửi bới vì sự bất tiện lũ trẻ gây ra cho mình.
Phương pháp truyền thông mô hình vòng xoáy khiến cho sự thay đổi trong hành vi trở nên có thật, từng bước, có phản hồi, tạo được động lực hành động – mà lại là động lực tự thân, không phải để báo cáo thành tích, không làm vì phong trào, cho nó rầm rộ, cho nó vui, cho có việc để làm.
Chúng tôi tự hào vì cách dạy, cách truyền đạt và từng bài học xây dựng trên cơ sở khoa học giáo học pháp, đã thay đổi và xây dựng một loạt thói quen tích cực ở trẻ, ở chính chúng tôi, trong những năm qua.
3. Trong hoạt động ở EcoCamp do clb Đọc sách cùng con tổ chức thường niên, chúng tôi cũng luôn đưa các nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững vào. Thật thú vị khi thấy bọn trẻ nói về việc bảo vệ nguồn nước thông qua các câu chuyện sáng tạo đầy rung động của mình. Một cô công chúa Cá biển héo hắt dần không lấy được chồng vì… biển ô nhiễm. Thế rồi lũ cá biển nổi giận cùng nhau chiến đấu với người, những con người không biết thế nào là “sự phát triển bền vững”, chỉ biết hiện tại mà không nghĩ đến tương lai. Thậm chí, còn cho rằng, tương lai của mình là ai đó có trách nhiệm đảm bảo, không phải mình!
Vở kịch của Trọng Tiến (đạo diễn thứ 2 của sân thơ Thiếu nhi 2016) cùng các bạn nhỏ EcoCamp cũng khiến chúng tôi cười to vì sự dí dỏm đáng yêu của các bạn – nhưng sau cái cười là những suy nghĩ không đơn giản. Đó là câu chuyện của Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Sơn Tinh năm nào cũng đấu tay đôi với Thuỷ Tinh vì mối tình cùng Mỵ Nương. Thế rồi Thuỷ Tinh bị con người đầu độc, và Sơn Tinh cũng đau khổ héo hon, không còn Thuỷ Tinh để giao đấu trong sự phát triển tự nhiên vô tận nữa.
4. Vụ cá chết, tôi không đủ khả năng và thông tin để phân tích mọi nguyên nhân, cũng hoảng sợ vì sự nhiễu loạn truyền thông, các tuyên bố khác nhau trên báo, trên mạng. Tôi chỉ chạnh nghĩ, đây đã là lúc, sau khi những làn sóng phản đối, yêu cầu hành động… lắng xuống, thì hãy có những làn sóng hành động VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG!
Không chỉ đấu tranh đòi hỏi hành động vì một sự vụ, liệu mỗi người có sẵn sàng thay đổi hành vi của mình hàng ngày, vì chính mình hay không???
Liệu ta có sẵn lòng không xả rác lung tung, dùng vừa đủ mọi thứ, nghĩ đến việc ô nhiễm nguồn nước khi ta dùng quá nhiều hoá chất… chưa?
Dự án GIÁO DỤC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG của chúng tôi chắc chắn sẽ giúp được bạn, khi bạn muốn thay đổi lối sống mà chưa biết bắt đầu từ đâu! Có thể bắt đầu từ một … bài tập đo lường, kiểm toán thú vị! Thú vị thật đấy – ai tham gia cũng ngạc nhiên và tò mò vì những kết quả ban đầu của bài kiểm toán!
Chương trình này ở Việt Nam được gọi một cách nhỏ nhẹ là Em học sống xanh nó chưa bật lên được tính chất lâu dài, bền vững của nó, dễ lẫn với mọi phong trào bề nổi. Nó là bề sâu – cung cấp phương pháp dạy cho thày cô, hướng dẫn kỹ năng cho học trò, thậm chí còn có nhiều mảng thay thế rất tốt cho những tiết học kỹ năng sống theo kiểu lý thuyết. Nó hướng dẫn trẻ biết sống để tâm hơn đến gia đình, cộng đồng, rồi mới đến môi trường. Nó giúp xây dựng một bộ giá trị không chỉ trên lời nói hoa mỹ, mà dựa vào hành động, có phản hồi, có kế hoạch từng tuần…
Thật tiếc vô cùng nếu cũng như nhiều dự án khác, hết tài trợ là dự án chấm dứt!
Tuy nhiên, may thay, nó vẫn đang được bền bỉ thực hiện nhờ những người tâm huyết dù dự án đã kết thúc từ lâu.
5. Tôi chỉ ngạc nhiên, một mô hình tuyên truyền, giáo dục vì sự phát triển bền vững một cách bền vững như thế này lại không nhận được sự quan tâm của Bộ giáo dục, Bộ Tài nguyên và môi trường! Có lẽ do phương pháp tiếp cận của những người làm dự án chưa được chuẩn, chưa tuyên truyền đủ, chưa “gõ đúng cửa” để một chương trình được hơn 20 quốc gia sử dụng có thể đưa vào nhà trường Việt Nam! Sau 4-5 năm, dự án mới đến được một số rất rất ít trường THCS ở Hà Nội, Thái Bình – ít đến nỗi ngại nói ra con số!. Ở Huế thì tốt hơn nhiều, do sự tích cực và chủ động của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo các trường học ở Huế. Những trường tham gia dự án đã nghĩ đến sự BỀN VỮNG cả trong giáo dục. Họ đã “thức thời”!
Nhưng chương trình này ở các trường thức thời ấy vẫn chỉ được xếp vào tiết ngoài giờ, giờ sinh hoạt. Nếu được phê duyệt đưa vào chương trình học chính thống, kiểu như kỹ năng sống chẳng hạn, nó sẽ có hiệu quả hơn lại không tạo thêm áp lực học hành cho học sinh. Đã đến lúc phải giảm cái thừa và thêm cái thiếu vào nhà trường rồi!
6. Lên mạng đọc về cá chết, chỉ nghĩ về chuyện của mình, thế đấy.
Hôm nay, tôi sẽ làm thêm thùng rác hữu cơ. Điều quan trọng là làm vì chính mình muốn làm.
TSGD Nguyễn Thụy Anh