Home / Tin Tức / “Cây thiêng văn hóa đọc” nghiêng ngả trong “bão Giải trí”?

“Cây thiêng văn hóa đọc” nghiêng ngả trong “bão Giải trí”?

Hc sinh không bun mượn sách

Đêm trước kỳ thi đại học năm 2003, Trương Đinh mượn thầy giáo Ngữ văn cuốn tạp ký ‘80 tuổi, nhớ cha mẹ, thầy cô, bạn bè’ (tác giả Tiền Mục [1]) để giảm bớt sự căng thẳng. Tháng 9, cậu được vào học trường Đại học Bắc Kinh như ước nguyện. “Cậu bé nói chính cuốn sách ấy đã giúp cậu vượt qua được kỳ thi, hơn nữa, cậu đã thực sự đọc được một thế giới nhân sinh từ cuốn sách. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng thói quen đọc sách của cậu đã được rèn luyện từ rất sớm, điều tôi làm chẳng qua chỉ là giúp phát huy nó.”- thầy Trình Tân chia sẻ. “Áp lực học đương nhiên gây ảnh hưởng nhất định tới việc đọc của học sinh, nhưng cũng không hẳn là tuyệt đối. Trên thực tế, áp lực chỉ khiến những em yêu thích đọc sách không còn thời gian để đọc nữa. Song những người có thói quen đọc sách tốt thì dù là kỳ thi đại học đầy áp lực cũng không thể ảnh hưởng hoàn toàn tới việc đọc của họ.” “Với những học sinh trung học xuất sắc thì việc thi cử không gây khó khăn cho các em. Các em vẫn có đủ thì giờ rảnh rỗi để lên mạng hoặc đọc sách. Còn những học sinh có sức học bình thường thì quả là không thể có thời gian dư dôi”.- Học giả Hứa Kỷ Lâm người Thượng Hải khẳng định.   

Trong danh sách những cựu học sinh của trường Trung học Nam Khai có Tào Ngu, Lão Xá, Đoan Mộc Hống Lương, Châu Nhữ Xương[2]… Thầy Trình Tân đánh giá truyền thống và hiện trạng đọc của học sinh ngôi trường có hàng trăm năm tuổi này: “Do giáo dục gia đình của phần lớn học sinh trường Trung học Nam Khai tương đối tốt nên tố chất của các em cũng tốt hơn, học sinh có môi trường đọc nhất định, thậm chí một số em còn biết tìm đọc những trước tác có giá trị. Song hiện nay, về tổng thể thì tình hình đọc của học sinh trung học không lý tưởng chút nào.” Những học sinh thực sự yêu thích đọc sách thì thời nào cũng có, thậm chí có một số còn có ý thức đọc những tác phẩm có tính lý luận rất nặng. Ví dụ hiện nay có học sinh đã đọc thông ‘Lịch sử triết học Phương Tây’ của Frank Thilly[3], tuy nhiên trường hợp này là một ví dụ cực đoan. Tỉ lệ học sinh thực sự yêu thích đọc sách khá nhỏ, và con số ấy còn có nguy cơ giảm hơn nữa.” thầy Trình Tân nói.   

Trước kia, thầy Trình Tân thường xuyên cho học trò mượn sách, mỗi lần cho mượn cuốn sách mà bố thầy muốn thầy đọc- ‘Đào Am mộng ức[4], thầy đều phải nhắc đi nhắc lại với học sinh là giữ cẩn thận cho thầy. Thế mà giờ đây chẳng mấy học sinh mượn sách của thầy nữa. Thầy cũng cảm thấy không có gì để nói về sự giao lưu ở mức độ sâu sắc trong việc đọc với đa số học sinh. “Tôi cho rằng trao đổi trong khi đọc có hai cấp độ: nông và sâu. Giao lưu ở tầng mức nông thì có thể tiến hành trên lớp, nhưng ở tầng mức sâu hơn lại cần phải trò chuyện trực tiếp, mặt đối mặt. Cùng với sự trượt dốc của tình hình đọc, tôi có cảm giác cơ hội có thể giao lưu với học sinh một cách sâu sắc ngày càng ít. Chúng tôi chưa bao giờ từ chối việc trao đổi với học sinh, nhưng hiện trạng đọc không ủng hộ chúng tôi. Cái mà thầy cô đọc không cùng tầng mức và không là cái mà học sinh đọc, sân giao lưu trao đổi không còn nữa. Ngay từ chuyện mượn sách của học sinh thì đã có thể nhìn ra, trước đây có học sinh mượn tác phẩm của Tiền Mục, còn bây giờ, ai đến mượn tác phẩm của Sử Thiết Sinh[5] đã là quý lắm rồi.” 

Các nam sinh đặc biệt thích truyện tranh   

“Hiện nay, học sinh nói chung không đọc sách.” – Thầy giáo Nguyễn – giáo viên Ngữ văn cấp II trường Trung học số 96 (Bắc Kinh) – cho biết. “Giáo viên chúng tôi cũng cảm thấy ngày càng khó dạy môn Ngữ văn, không biết dạy như thế nào. Có thể trường chúng tôi chỉ là hạng trung bình trong khu vực, có lẽ học sinh những trường trọng điểm thì không thế”. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề tương tự với các em học sinh thì đáp án lại hoàn toàn không giống với nhận định của thầy Nguyễn. “Chúng em đều thích đọc sách”. – Học sinh Vạn Kinh, lớp 6 trường 96 nói, có điều “phải xem là thể loại sách gì. Các bạn nam ở lớp em đặc biệt thích đọc truyện tranh. Riêng em thì thích “Tottochan bên cửa sổ”, “Chàng trai ấy thật tuyệt”[6] và các truyện mini trong tạp chí “Bạn đọc”. Vạn Kinh cho biết, em thường xuyên đọc trong hiệu sách đến quên cả thời gian.  Bạn của Vạn Kinh là Trần Bác Văn thì thích đọc “Truyện cổ Andersen”, “Ngụ ngôn Êdôp” và “Thanh niên văn cảo”. Cậu nói: “Em hứng thú với các câu chuyện, nhưng chuyện phải không dài quá.” Phần lớn bạn bè của hai em cũng đều thích những truyện nho nhỏ từ báo chí như báo Bắc Kinh buổi chiều, Thời báo Kinh Hoa,…   

Vạn Kinh thích tiểu thuyết Hàn Quốc và tiểu thuyết trên mạng dù em thừa nhận những tác phẩm này “không giúp ích nhiều cho việc học tập”, còn những tác phẩm nổi tiếng thì “kỳ thực có lúc chúng em đọc chỉ để phục vụ cho việc học mà thôi”, các danh tác này “quá sâu xa”. Cô bé cũng không quên bổ sung một câu: “Khi đi nhà sách Tân Hoa ở Vương Phủ Tỉnh[7], mọi người sẽ thấy rõ ràng là lượng khách đứng trước quầy bán tiểu thuyết có nguồn gốc từ trên mạng khá đông”. Thầy Trình Tân phân những loại sách mà các học trò quan tâm thành bốn loại: một là tác phẩm do thần tượng của thanh thiếu niên viết, ví dụ vài năm trước là Hàn Hàn, Quách Kính Minh… và những tạp chí như “Nảy mầm”, “Bạn đọc”… Hai là truyện tranh Nhật Bản, nhóm người đọc loại sách này khá đông đảo. Ba là những sách bán chạy nhất hoặc được giới truyền thông tuyên truyền mạnh nhất. Bốn là những danh tác kinh điển như “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Hồng lâu mộng”,…  

Thầy cũng cho biết thêm: “Loại sách thứ nhất có thể tạo được sự cộng hưởng trong tình cảm của học sinh, loại thứ hai có thể thỏa mãn “trí tưởng tượng” của các em. Hai loại này nghiêng về lựa chọn của cá nhân. Loại thứ ba, trên thực tế là do người khác đọc hộ, nếu những tuyên truyền có thể hấp dẫn học sinh đọc tác phẩm thì rất tốt. Có điều học sinh không có nhiều thời gian, sức lực và trình độ đọc cũng có hạn, thường đọc dở, rất ít người có thể đọc hết nguyên tác. (Các em học sinh có đề nghị tôi gợi ý về việc đọc loại sách này, tôi có đưa ra một vài quan điểm cá nhân, ví dụ như sách của Dịch Trung Thiên thì các em có thể xem, không nên đọc sách của Vu Đan vì sạn quá nhiều, có những chỗ hiểu sai về văn ngôn văn đến học sinh trung học cũng phát hiện được, tóm lại trong đó văn hóa truyền thống đã bị biến tướng.) Các em chủ động đọc loại sách thứ tư không nhiều lắm, song khi đã đọc rồi thì thường rất mê, vì thế, trong giới học trò cũng có những “Hồng học gia” (nhà nghiên cứu về Hồng lâu mộng) hay “chuyên gia về Lỗ Tấn”… của mình. Nữ sinh La Hân Đồng của trường Trung học thuộc Đại học Thanh Hoa rất thích tạp chí “Bạn đọc” và tác phẩm “Hoa sen” của An Ni Bảo Bối. “Cách chị ấy miêu tả rất hấp dẫn. Ngôn ngữ khi miêu tả mặt trời mọc đẹp vô cùng, vừa hoa lệ, vừa mộng ảo.” Một thời gian trước, La Hân Đồng đọc “Hồng lâu mộng”, “đọc khá mệt, trong đó nhiều thơ từ quá.” Thầy Trình Tân nói, trong quá trình dạy học, bản thân thầy đã thuộc làu toàn bộ thơ từ trong tiểu thuyết kinh điển này. 

Áp lực của TV, internet và bài vở 

Khi được hỏi, thường thì thời gian đọc sách nhiều hơn hay thời gian xem ti vi nhiều hơn, phần lớn học sinh đều chọn vế sau. Trong đó, các bộ phim cải biên từ các những tác phẩm văn học nổi tiếng được các em hào hứng đón nhận. “Danh tác được dựng thành phim thì càng sinh động hơn, không giống như đọc sách, chỉ toàn là miêu tả, phải tự mình tưởng tượng”. Vạn Kinh thì cho rằng trong bốn bộ phim được dựng từ các tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc thì “Tây du ký” ý nghĩa nhất, em thấy “có những câu chuyện được thần thánh hóa, đôi khi rất buồn cười”.   “Giáo dục gia đình, tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng đang giữ vai trò bồi đắp thói quen đọc, thực tế sẽ có ảnh hưởng lớn hơn giáo dục trong nhà trường.” Thầy Trình Tân khẳng định, “Các đài truyền hình, báo chí đưa quá nhiều thông tin giải trí để “oanh tạc” tuổi học trò, lợi bất cập hại. »  Đàm Tinh (nữ sinh lớp 10 trường Trung học thuộc Đại học Thanh Hoa) trước đây cũng không thích đọc sách mà chỉ mê ti vi: “trước đây em đặc biệt thích xem ti vi, mẹ em bèn mua những tác phẩm nổi tiếng ở dạng giản lược để em đọc.” Hiện Đàm Tinh đã đọc “Sử ký” và “Chiến Quốc sách”,… Khi được hỏi về cuốn sách yêu thích nhất, Đàm Tinh nhắc đến “Ngôi nhà cỏ” và “Tôtem sói”. Ngôn ngữ trong “Tôtem sói” là ngôn ngữ trần thuật rất phổ thông, rất chân thực”, Đàm Tinh nhận xét.    

Nghỉ đông năm ngoái, Vạn Kinh và bố ở nhà đọc “Thủy Hử truyện”. “Bố em ở nhà nói chuyện với em về các nhân vật, dần dần em cũng muốn biết những câu chuyện phía sau họ, thế là đọc.”

Điều này cho thấy, nếu không ai dẫn dắt các em cách nắm bắt câu chuyện thì các em sẽ không thích đọc. Và cảm giác của các em lúc đó chỉ là “Quyển sách dày cộp thật là dễ sợ. Một bức tranh cũng không có, toàn là chữ, chữ lại nhỏ, không thú vị chút nào.”   

“Thói quen đọc của rất nhiều học trò đã được xây dựng từ tiểu học, đến giai đoạn trung học, đặc biệt là trung học phổ thông, thói quen đọc của các em đã được định hình về cơ bản, khả năng thay đổi là rất nhỏ.” Thầy Trình Tân có cách nhìn riêng về tình hình đọc của học sinh hiện nay, “Tôi cho rằng thói quen đọc phải được nuôi dưỡng từ nhỏ, mà việc đọc của đứa trẻ chủ yếu xuất phát từ hứng thú, mục đích là giải trí. Trước kia, những hình thức giải trí như ti vi, máy vi tính, phim ảnh, ca múa… rất ít tham gia vào cuộc sống của bọn trẻ, vì thế việc đọc cũng theo đó mà trở thành cách giải trí chủ yếu. Song hiện nay giải trí quá phát triển, so với sách, phim hoạt hình/ truyện tranh hấp dẫn các em hơn. Mà khi nhỏ không xây dựng thói quen đọc sách, lớn lên sẽ càng khó mà tạo nên”.  

“Kỳ thực, chúng tôi đều sắp xếp cho các em những tiết học đọc, chúng tôi đề nghị các em đem vài quyển sách của mình tới lớp, song xem qua thì thấy, toàn bộ số sách của các em mang đến đều là Thám tử lừng danh Conan” – Thầy Nguyễn của trường Trung học số 96 Bắc Kinh bất mãn nói.  

Nói tới các môn toán, lý, hóa, Ai Khang- (nam sinh lớp 10 của trường Trung học thuộc Đại học Thanh Hoa) kêu: “Quá nhiều!”. Áp lực bài vở nặng nề, theo một số giáo viên, cũng là “kẻ đầu sỏ” khiến học sinh không còn thời gian đọc. Ai Khang là một cậu bé rất cá tính, bình thường thì cũng lên mạng chơi điện tử, cậu bé cho rằng môn toán lý hóa rất vô vị này khi còn là học sinh cấp II đã đọc gần như tất cả những danh tác thế giới có thể mua được trên thị trường. Cậu đánh giá cao tác phẩm “Người đua diều”[8], “Cuốn sách khá ấn tượng, khá chú trọng không khí, không đều đều như những nhà văn Nga”.   

“Ngày nay học sinh dành quá nhiều thời gian cho việc lên mạng, song phần đông dành thời gian ấy để chơi trò chơi điện tử, đọc những trang giải trí, chat… Những người thật sự đọc trên mạng chỉ là số ít”, thầy Trình Tân đánh giá về tình hình sử dụng Internet của học sinh như vậy. Trong khi phỏng vấn, rất ít học sinh cấp II trường Trung học số 96 (Bắc Kinh) nhận có lên mạng đọc. Vạn Kinh là học sinh thích đọc các tiểu thuyết mạng mà cũng ít lên mạng để đọc sách. Các em chỉ lên mạng để săn những tin mới nhất về các ngôi sao, hoặc hơn nữa là tải bài hát hoặc xem phim. “Internet chỉ dễ dàng cho chúng ta mở rộng, nhưng rất khó giúp chúng ta hiểu sâu. Vì lên mạng là vô vàn tin tức, rất khó tĩnh tâm để đọc một tác phẩm. Trước đây tôi không mấy tán thành các học sinh lên mạng đọc, nhưng bây giờ tôi cho rằng nếu như các em có thể đọc như thế thì cũng rất tốt”, thầy Trình Tân bày tỏ quan điểm về Internet của mình.  

“Học sinh ngày nay có em không thể đọc lưu loát một bài văn Ai Khang quan niệm rằng: đọc một cuốn sách mình tự phát hiện thú vị hơn đọc những cuốn sách nổi tiếng được công nhận hoặc sách bán chạy nhất: “Chỉ cần mình thích là được, không nhất thiết là tác phẩm nổi tiếng, hơn nữa, em thấy rằng có một số tác phẩm nổi tiếng không giống như những gì được ca tụng, ví dụ tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”. Em thấy đấy là đại biểu của cái gọi là hư danh.”   Trong những cuốn sách Ai Khang tự phát hiện, có những tên sách sau: “Cô giáo dạy dương cầm”, “Tiên phong thi thi tuyển”, “Hải Tử thi tuyển”, “Horowitz[9] truyện”… Ai Khang đặc biệt tôi sùng “Horowitz truyện”: “Cuốn sách đó cực kỳ hay, phần kết rất tuyệt, đến bây giờ em vẫn có thể đọc thuộc nó.” Ngoài ra, truyện ký và tiểu thuyết về các nhạc sĩ cũng chiếm phần lớn. “Chuyện về Bethoven”, “Mahler[10] ”, “Franz Liszt[11] ” đều rất thú vị. Cảnh sắc được miêu tả trong phần kết của “Cô giáo dạy dương cầm” thật thê lương”. Ai Khang cũng không quên bình luận thêm: “Gần đây có cuốn ‘Lâu đài trắng’ (Orhan Pamuk) bán rất chạy, em chỉ xem được một nửa, câu chuyện đơn điệu quá. Orhan Pamuk[12] không thể bằng Stephen King, song cũng cần học tập phương thức kể chuyện đó, ‘Những mùa khác’ (Different seasons) của Stephen King là một câu chuyện được viết hết sức giản dị, nhưng rất ý nghĩa. ‘Lâu đài trắng’ (White castle) không tạo được cảm giác đó, mặc dù cũng là một câu chuyện rất giản đơn, nhưng sau khi đọc xong thì không lưu lại ý nghĩa gì.”    

“Không thể nói rằng các em học sinh không có năng lực lựa chọn và phán đoán các xuất bản phẩm, nhưng dù sao vẫn còn hạn chế. Thật ra, không nên nói là học sinh, người trưởng thành chẳng phải cũng vậy sao?” – Một giáo viên nhận định. Trường Trung học thuộc Đại học Thanh Hoa có giảng đường dành riêng cho việc đọc, cứ hai tuần một lần, thầy Thôi Kỳ lại sắp xếp cho học sinh đến tham gia một giờ học đọc. Ngoài ra còn bố trí bài tập thêm mỗi tuần, vào hai kỳ nghỉ đông- hè, nhà trường cũng có danh mục đọc theo quy định.   

Thầy Nguyễn của trường 96 cũng yêu cầu học sinh viết báo cáo khoảng 500 chữ mỗi tuần, đồng thời yêu cầu học sinh viết những tên sách đã đọc trong tuần vào báo cáo. “Chúng tôi muốn học sinh mua những tạp chí như “Thanh niên văn cảo”, “Bạn đọc”,… cổ vũ các em ra sức đọc, hơn nữa, áp dụng mọi biện pháp có thể để học sinh đọc, tuy nhiên những gì được các em đọc không phải là nhiều.” Trong báo cáo tuần của học sinh, chủ yếu xuất hiện những cái tên như: “Bạn đọc”, “Thanh niên văn cảo”, “Thời thơ ấu”, “Tôtem sói”. “Bắt đầu từ lớp 8, học sinh phải chịu áp lực học lên, lớp 6, lớp 7 thì có thể coi như không mấy áp lực, nhưng cho các em đọc những gì, hiện nay dường như vẫn chưa có đáp án thích hợp.”(…) “Đến sinh viên đại học cũng không đọc tác phẩm nổi tiếng, nói gì học sinh cấp II”, Thầy Nguyễn khẳng định. Quả vậy, trong khi phỏng vấn, Vạn Kinh và các bạn của em cũng cho rằng “Các trước tác nổi tiếng thật khó nhằn”. “Tôi cảm thấy trình độ đọc của học sinh càng so càng kém, sự thật là năng lực đọc về tổng thể đang xuống dốc. Trước kia tôi dạy học sinh lớp 6, để học sinh đọc các đoạn trong bài văn, các em rất hứng thú. Nhưng nay dường như học sinh không còn hứng thú đó nữa.” Thầy Nguyễn nói, năng lực đọc xuống dốc kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực khác, “một lớp học có hơn 30 học sinh thì chỉ chừng 10 em có biểu hiện tốt, năng lực biểu đạt ngôn ngữ tàm tạm, còn phần lớn các em không thích phát biểu, thậm chí còn có vẻ khép mình. Học sinh hôm nay có em không thể đọc lưu loát một bài văn.” Lớp trưởng của Vạn Kinh tên là Quách Viễn Tân, cậu bé này thường tìm đọc những tác phẩm được trích giảng trong sách giáo khoa, “bình thường em vẫn đọc những sách phụ trợ cho việc học của mình, ví dụ bài trích giảng lấy từ ‘Hồng lâu mộng’, em sẽ đi tìm ‘Hồng lâu mộng’ để đọc.” Nói về nội dung sách giáo khoa Ngữ văn, thầy Trình Tân cho rằng đã khá hơn so với trước kia, tính văn học cũng mạnh hơn nhiều, nhưng nội dung không đồng đều. “Tôi cho rằng khi biên soạn sách giáo khoa, ít nhất phải chú ý hai điểm: thứ nhất là tính kinh điển; thứ hai là tính tiêu biểu. Đặc biệt là đối với tác phẩm đương đại, sự tuyển chọn cần phải nghiêm khắc. Tác phẩm quá mới, chưa được sự thẩm định của thời gian, tốt nhất không nên đưa vào. Thầy giáo Nguyễn không tìm nổi những cuốn sách thích hợp cho học sinh đọc, “chúng tôi chỉ có thể nghĩ cách để học sinh đọc sách hàng tuần, nhưng học sinh đã không đọc lại không có phương pháp khách quan nào để kiểm tra cả. Phương pháp mà chúng tôi áp dụng khi lên lớp là để học sinh giới thiệu những gì mình đã đọc là gì trước lớp. Mỗi tuần chỉ có một tiết đọc sách. Như những bài Ngữ văn tự đọc, trên lớp cũng không đủ thời gian để học sinh xem lại.” Hơn nữa, giáo viên cũng khó mà kiểm soát được tình hình đọc ở nhà của học sinh. Thầy Trình Tân từng học tại trường Trung học Diệu Hoa ở Thiên Tân, ngôi trường có lịch sử lâu đời với nhiều anh tài, ông nói, “Hồi đó, mọi người trao đổi với nhau rất nhiều điều tâm đắc trong sách, tình hình tốt hơn bây giờ nhiều. Bây giờ văn hóa đọc có thể nói ngắn gọn là: Người đọc ngày càng ít, chất lượng đọc ngày càng thấp.”

 

[1] Tiền Mục (1895-1990), người Vô Tích, Giang Tô, Trung Quốc- sử gia cận đại, một trong những nhân vật đại biểu của Nho gia mới.

[2] Những nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng của Trung Quốc.

[3] Frank Thilly (1865-1934), nhà triết học và lịch sử triết học người Mỹ.

[4] Tác phẩm ra đời vào thời kỳ cuối Minh đầu Thanh của tác giả Trương Đại.

[5] Sử Thiết Sinh sinh năm 1951 tại Bắc Kinh, tiểu thuyết gia nổi tiếng có nhiều tác phẩm được đánh giá cao và được chuyển thể thành phim, trong đó có bộ phim ‘Vừa đi vừa hát’ do Trương Nghệ Mưu đạo diễn. Tại Việt Nam, tác phẩm “Tôi và công viên địa đàng” của ông được giới thiệu trong tập ba bộ sách ’60 cuốn sách nên đọc’ do NXB Hà Nội mới xuất bản năm 2007.

[6] Chàng trai ấy thật tuyệt (That Guy Was Splendid) – tiểu thuyết của nhà văn trẻ người Hàn Quốc Guiyeoni, được biết đến ở Trung Quốc với cái tên Keaitao.

[7] Nơi bán sách nổi tiếng nhất Bắc Kinh.

[8] ‘Người đua diều’ của tác giả Khaled Hosseini, sinh năm 1965 tại Kabul, Afghanistan, hiện sống tại Mỹ. Những hồi ức tuổi thơ, kho tàng thơ ca Afghanistan cùng mối liên hệ với những người Afghan thuộc chủng tộc Hazara đã gợi cảm hứng cho ông viết nên cuốn tiểu thuyết đầu tay xuất sắc này. Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách hiện đã ra mắt bạn đọc Việt Nam.

[9] Vladimir Samoylovych Horowitz (1903-1989), nghệ sĩ pianô Hoa Kì, gốc Ukraina. Tốt nghiệp Nhạc viện Kiep năm 1921. Năm 1925, rời Liên Xô sang cư trú tại New York. Là nghệ sĩ pianô thiên tài cuả thế kỉ 20, được mệnh danh là “Hoàng đế của đàn pianô”; thường được so sánh với nghệ sĩ pianô kiệt xuất bậc nhất cuả Hungari thế kỉ 19 là F. Liszt.

[10] Gustav Mahler (1860-1911), nhạc sĩ, nhạc trưởng người Áo, người kế tục xứng đáng của L.V. Beethoven, Richard Wagner và Anton Bruckner… trong dòng nhạc giao hưởng.

[11] Franz Liszt (1811-1886) nhà nhạc sĩ Hungari vĩ đại, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ biểu diễn piano tài ba của thế kỷ XIX ở châu Âu. Từ Liszt trở đi, nền âm nhạc Hung đứng ngang hàng âm nhạc thế giới.

[12] Orhan Pamuk, nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ, chủ nhân Nobel văn chương 2006.

Nhu Anh (Lược dch t báo Đc sách Trung Hoa s tháng 04/2007)

About DuongMy

Scroll To Top