Home / Tin Tức / Chia sẻ của TSGD Nguyễn Thụy Anh tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

Chia sẻ của TSGD Nguyễn Thụy Anh tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

 “Làm thế nào để con thích đọc sách?”, “Làm thế nào để tổ chức đọc sách và tìm được những đầu sách hay và phù hợp lứa tuổi?”, “Làm thế nào để đọc sách nhanh và hiệu quả?”… là một trong số rất nhiều câu hỏi đã được TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh giải đáp và chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Giao lưu văn hóa đọc” diễn ra vào chiều ngày 10/4/2014 tại huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình.

Mở đầu chương trình, TS GD Nguyễn Thụy Anh đã có phần khởi động “phá tan băng” – làm quen với khán giả qua một câu hỏi: “Hãy kể tên một nhân vật mà bạn yêu thích hoặc ấn tượng trong câu chuyện hoặc cuốn sách bạn đã từng đọc?”. Mỗi người khi nhận bóng đều nói lên một cái tên: Dế mèn, Tôn Ngộ Không, LeNin, Bác Hồ, Eric, Conan, Đoraemon… Quả thật mỗi thế hệ một nhân vật, tham gia buổi tọa đàm có rất nhiều các đối tượng khác nhau: Các bác cựu chiến binh, các ông bà, bố mẹ và cả các bạn học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường… bởi vậy các vấn đề mà khán giả quan tâm cũng rất khác nhau. Những người lớn tuổi bày tỏ sự băn khoăn và lo lắng về chất lượng sách hiện nay, có quá nhiều các đầu sách nhưng không biết đầu sách nào thật hay và phù hợp, có nhiều người tự xưng là “Nhà văn” và xuất bản sách nhưng lại có cách viết chưa được đào sâu và nội dung sách chưa thực sự chất lượng. Đồng cảm với những chia sẻ của Bác, TSGD Nguyễn Thụy Anh đã đưa ra từ khóa “Nhà văn”, theo chị để trở thành một Nhà văn thực sự thì người viết không được áp đặt nhân vật, cũng như không được áp đặt suy nghĩ cá nhân của mình lên người đọc.

  

Một vấn đề cũng được đông đảo khán giả và đặc biệt các mẹ quan tâm là con từ mấy tuổi có thể đọc sách và làm thế nào để các con thích đọc sách?”. Để trả lời câu hỏi này, TSGD Nguyễn Thụy Anh đã giới thiệu tới phụ huynh Tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần và chị cũng chia sẻ một câu mà chị thấy thích trong cuốn sách và rất phù hợp để trả lời các thắc mắc của phụ huynh: “Hãy để cây hường nở ra hoa hường, cây lan nở ra hoa lan”. Nếu ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ dành thời gian để đọc sách và kể chuyện cho con nghe thì bọn  trẻ sẽ coi đó là một hoạt động không thể thiếu hàng ngày và từ đó hình thành thói quen đọc sách sau này của trẻ. Mỗi đứa trẻ đều có quyền tự do để lựa chọn những câu chuyện, cuốn sách mà chúng yêu thích, có bé sẽ thích đọc truyện tranh, có bạn sẽ chọn truyện lịch sử, truyện cổ tích hay truyện văn học… hãy để chúng được tự lựa chọn loại truyện mà chúng yêu thích, bố mẹ không nên áp đặt, bắt buộc hay tạo áp lực bắt trẻ phải đọc cuốn sách theo lựa chọn của bố mẹ mà không tôn trọng quyền lựa chọn cá nhân của trẻ. Bố mẹ hãy sử dụng việc lựa chọn giới thiệu cuốn sách khéo léo để các khơi gợi ở trẻ sự tò mò và niềm ham thích với các cuốn sách.

Một câu hỏi thú vị được gửi tới TSGD Nguyễn Thụy Anh từ một bạn học sinh: “Em rất thích đọc sách nhưng thời gian để đọc sách không được nhiều, làm thế nào để đọc và hiểu được cuốn sách đó mà không tốn thời gian học tập?”. Bình thường khi đọc một cuốn sách chúng ta thường hay đọc từ trên xuống và đọc ngang, tuy nhiên để tiết kiệm thời gian TSGD Nguyễn Thụy Anh đã gợi ý cho các bạn cách đọc khác thật hiệu quả đó là đọc chéo trang sách, đánh dấu những từ quan trọng và dừng lại ở đoạn mà bạn cảm thấy thú vị để đọc kĩ hơn. Đương nhiên để đọc hiểu cuốn sách khi mở sách ra chúng ta nên đọc phần mở đầu, và mục lục của cuốn sách, nhờ đó phần nào ta cũng có thể hiểu được nội dung cơ bản của cuốn sách đó.

  

Việc đọc sách là một hình thức hữu ích giúp cho mỗi người thu thập vốn từ, phát triển ngôn ngữ, khả năng tư duy và trí tưởng tượng, đặc biệt đọc sách rất cần thiết cho các bạn nhỏ.

Cũng trong chương trình này với mục đích hỗ trợ việc tổ chức các buổi đọc sách tại địa phương và gia đình, TSGD Nguyễn Thụy Anh đã chia sẻ cách thức tổ chức một buổi đọc sách thông qua việc hướng dẫn và giới thiệu một đoạn truyện ngắn trong câu chuyện Dế Mèn phiêu lưu kí của Nhà văn Tô Hoài. Sau khi lắng nghe đoạn truyện, bài tập đặt ra cho khán giả đó là ghi nhớ những từ ngữ mà tác giả dùng để tả Dế Mèn và sau đó giải thích nghĩa của từ đó theo cách hiểu của mình. Bài tập này không chỉ đòi hỏi sự tập trung lắng nghe, ghi nhớ mà còn giúp phát triển trí tưởng tượng, cung cấp vốn từ ngữ. Bên cạnh đó trong các buổi đọc sách Thẻ từ là một chìa khóa quan trọng giúp cho việc ghi nhớ tốt nhất, đặc biệt là ở trẻ.

           Dưới đây là một vài hình ảnh buổi Tọa đàm:      

PV CLB Đọc sách cùng con 

About DuongMy

Scroll To Top