Bắt đầu từ câu chuyện những tâm hồn trẻ con! Trẻ con đều được lớn lên từ một thế giới cổ tích. Cổ tích đã đi vào ký ức của mỗi thế giới tuổi thơ và theo chúng đến suốt cuộc đời. Giáo dục trẻ con cũng như mang đến cho trẻ một thế giới cổ tích vậy. Nếu ta mang đến cho trẻ thơ chỉ cần một điều ác, nghĩa là đã gài một lưỡi dao vào tâm hồn chúng, và lưỡi dao ấy sẽ có ngày được vung lên, để lại những vết thương đau. Ngược lại, nếu ta biết xây dựng cho trẻ một thế giới nhân lành, trẻ sẽ lớn lên được được nhân lành…
Thế giới cổ tích ngày nay?
Trong thế giới cổ tích ngày nay, bố và mẹ luôn là những người thật bận rộn, tất bật trong công việc và các mối quan hệ chồng chéo lên nhau. Trong thế giới cổ tích ngày nay, trẻ em trở nên cô độc ngay từ ngôi nhà của mình, đến trường lớp, bạn bè… Sự chông chênh của tâm hồn non nớt cũng giống như sự mỏng manh của tờ giấy trắng, để những nét mực đầu tiên viết lên câu chuyện cuộc đời…
Cũng trong thế giới cổ tích ngày nay, trẻ em ngập ngụa với học và học, không còn được lớn lên thật tự nhiên, không còn những ước mơ thật trong sáng và giản dị. Trẻ tự kỷ, trẻ lưu manh hóa, trẻ bị biến dạng về mặt nhân cách và tâm hồn… Tất cả những điều đó đang hiện hữu ngày một rõ ràng với cuộc sống hiện đại, công nghiệp và chóng vánh. Và, những hệ lụy do sự bào mòn thế giới tuổi thơ mang lại đã thực sự gây “sốc” cho toàn xã hội.
Tôi nhớ có câu chuyện mà nhà văn Phong Điệp có lần vui miệng kể cho chúng tôi nghe. Chị có hai cô con gái đang học mẫu giáo. Cô bé chị học lớp lớn, luôn nhận được phiếu bé ngoan. Cô bé em học sau một lớp, có hơi bướng bỉnh quậy phá nên không được phiếu bé ngoan. Mọi người đến nhà thường trêu cô bé em không giỏi, không ngoan bằng cô bé chị. Nhiều lần như thế, cô bé em trả lời: “Cháu cần gì phải có phiếu bé ngoan? Là cháu không thích đó chứ”. Nói thế, nhưng nhà văn biết con gái tủi thân và buồn. Một lần, chị nghe con thủ thỉ trò chuyện với bà nội: “Bà ơi, tại sao cháu không được phiếu bé ngoan? Cũng có nhiều lúc cháu ngoan đấy chứ”?
Có thể thấy, từ lúc bắt đầu, phiếu bé ngoan không phải là điều quan trọng nhất khi bé đến trường. Nhưng khi người lớn chúng ta nói nhiều về phiếu bé ngoan, xem đó như một chuẩn mực để đánh giá bé, thì dẫu câu chuyện so sánh giữa hai chị em là chuyện đùa, trong bé vẫn dần hình thành nên một thế lực đối phó… với phiếu bé ngoan và người lớn. Cũng muốn được khen, cũng muốn được có phiếu bé ngoan, nhưng trước người lớn, bé thách thức rằng… cháu không cần.
Lại một câu chuyện nữa mà tôi thu nhặt được từ câu chuyện của một anh bạn. Anh kể chuyện anh có một đứa cháu tên là Đức Hải đang học lớp 5. Trong đợt thi học kỳ vừa rồi, cô giáo gọi phụ huynh đến, họp và ra đề thi trước cho phụ huynh về nhà làm. Nhiệm vụ của các con là phải học thuộc lòng bài bố mẹ đã làm cho, để hôm đi thi làm bài đúng y như thế, thật tốt, và sẽ được điểm cao.
Cháu của anh bạn tôi, trước khi đi thi, mẹ nó dặn: “con phải nhớ viết đúng như những gì mẹ bảo đấy”. Và đề bài hôm đó là: “Hãy kể về một việc tốt em đã làm”. Rất nhiều, rất nhiều các em đã viết đúng như bố mẹ chỉ bảo, rằng một hôm mẹ em đi làm về mệt, em đã giúp mẹ gấp quần áo, pha nước chanh cho mẹ uống… Nhưng Đức Hải lại không thể học thuộc được những gì mẹ viết cho, nó đành kể riêng câu chuyện của nó, rằng một hôm em tan học, mẹ đến đón muộn, em phải đứng chờ ở cổng trường. Chờ lâu quá, đến khi trời mưa to mà mẹ vẫn chưa đến. Lúc đó, bạn Phúc cũng đừng chờ bố mẹ giống như em, nhưng bạn ấy không có áo mưa. Thấy bạn bị ướt, em bèn lấy áo mưa của mình, hai đứa cùng mặc chung và tự đi về nhà…
Cũng rất may, câu chuyện lạc điệu đó lại được điểm cao nhất lớp, điểm 10. Đức Hải có thể tự tin vào bản thân mình, nói những điều mình muốn, không khoa trương, không sáo rỗng, máy móc. Và thật không hay, những em còn lại trong lớp đó đã bê nguyên xi bài làm của phụ huynh đều được nhận điểm 9. Tương lai của các em được đặt nền một cách đáng lo ngại như thế này, thử hỏi lớn lên, các em sẽ đi đến đâu, làm được gì, hay chỉ gây ra những hậu quả đáng tiếc?
Đó chỉ là những vấn đề rất nhỏ, nhưng tồn tại trong xã hội hiện nay là những hệ lụy lớn hơn nhiều.
Nổi cộm lên và gây nhức nhối gần đây nhất là chuyện bạo lực học đường đang bùng phát và lây lan trên diện rộng, ngày càng khốc liệt hơn. Mới đầu, người ta không hiểu nổi tại sao những nữ sinh lớp 7 còn ngây thơ, nhỏ bé mà đã nắm đầu, giật tóc và dùng cả lưỡi lam để hăm doạ bạn học để “dằn mặt” chỉ vì cho rằng bạn này “nhiều chuyện, lẻo mép”? Hay mới đây nhất, dư luận cả nước xôn xao vì vụ nữ sinh đánh hội đồng bạn học ở Hà Nội, không chỉ đơn thuần vì vụ đánh nhau, mà còn vì thái độ thờ ơ của bạn bè xung quanh khi chứng kiến ẩu đả, thậm chí còn quay clip tung lên mạng. Xót xa hơn, tòa án nhân dân Tp Hà Nội vừa mở phiên toà sơ thẩm vụ án hình sự đối với 10 bị cáo tuổi teen (lớn nhất SN 1988 và nhỏ nhất SN 1990) về tội giết người. Sau hai ngày xét xử, phiên tòa đã kết thúc bằng tuyên phạt cho các bị cáo từ 6 đến 16 năm tù.
Có lẽ rằng, chỉ đến khi thấy rõ những “vết thương” do “lưỡi dao” đặt lệch mang lại, người ta mới giật mình nhận ra chữ “Thiện” đang dần dần bị xóa đi trong tâm hồn con trẻ?
Cho con một khởi đầu chuẩn mực
Và bây giờ, các bậc phụ huynh bắt đầu lo lắng, không biết nên cho con mình bắt đầu từ đâu khi mà mình không thể lúc nào cũng ở bên con. Đẩy con thêm một bước ra ngoài xã hội, là cộng thêm nhiều cái giật mình.
Tôi nhớ một câu chuyện, khi tôi vào nhà sách Tràng Tiền cách đây một năm trước. Lúc tôi đang mải mê đứng xem sách thì có đám trẻ nhỏ chạy ùa từ ngoài đường vào, có đứa lật đật tụt từ trên xe máy xuống, thoát khỏi vòng tay bố mẹ để tràn vào quầy sách hoạt hình. Tiếng cười trong trẻo rộn rã của các bé khiến tôi rời mắt khỏi cuốn sách đang đọc và quay lại nhìn. Bốn đứa trẻ và bốn người lớn. Và, khi bốn đứa trẻ sà đến bên những cuốn truyện tranh, hăm hở reo lên: “A, Đô-rê-mon, Đô-rê-mon. Mẹ ơi, cho con mua Đô-rê-mon nhé…” thì tôi bất chợt mỉm cười. Nhưng, nụ cười nhanh chóng bị dập tắt khi các bậc bố mẹ cau mặt mắng phản lại các em: “Bỏ xuống. Học không lo học, Đô-rê-mon cái gì? Tao đánh cho bây giờ”. Một trong số các em phụng phịu, cầm cuốn truyện không nỡ bỏ xuống, rơm rớm nước mắt nhìn bố mẹ. Nhưng, vẫn là: “Có bỏ xuống ngay không thì bảo. Tí tuổi đầu không lo học suốt ngày lo đọc truyện tranh”. Bọn trẻ cụt hứng, bé nào cũng tiu nghỉu đi theo bố mẹ, không dám đòi hỏi gì nữa.
Không tránh khỏi vài điều băn khoăn, tôi nhận ra rằng, thật khó để các bậc bố mẹ nhận thức được phải bắt đầu bằng cách nào để tạo dựng tương lai cho trẻ? Chỉ đơn giản từ câu chuyện trên, có thể thấy rõ được hai vấn đề nhức nhối như sau:
Thứ nhất, giữa bố mẹ và con không có mối giao hòa, để có thể lắng nghe và hiểu lẫn nhau. Trong tư duy của bố mẹ, “nuôi dạy” con, nghĩa là cho con ăn học đầy đủ, không thiếu thứ gì, học càng nhiều càng tốt. Trong tư duy của con trẻ, ngây thơ và muốn được chia sẻ, đó chính là niềm vui khi “vòi” bố mẹ mua cho một cuốn truyện mà con yêu thích. Với thái độ đáp trả đó, chắc hẳn từ lần sau, trẻ sẽ đâm ra tự ti, không dám nói lên sở thích, ước mơ của mình. Trẻ co mình vào, phòng vệ bằng thái độ tự kỷ.
Thứ hai, hạn chế về nhận thức của bố mẹ cũng là một đòn đau để gài vào tâm hồn con mình một lưỡi dao nguy hiểm. Chưa kể đến lời nói, thái độ đối với con, chỉ nói đến cách họ dẫn con vào nhà sách, cũng đã là một hạn chế. Dường như bố mẹ không quan tâm xem hiện nay, trẻ con nói chung đang đọc sách gì, đang yêu thích nhân vật nào, và cuốn sách đó có thực sự nên là người bạn đồng hành của con hay không? Lẽ tất nhiên, truyện tranh dành cho thiếu nhi bây giờ tồn tại đa sắc và đa chất, rất nhiều những chất độc hại cho tâm hồn trẻ thơ. Nhưng như vậy không có nghĩa, cứ nhắc đến “truyện tranh” là bố mẹ lại xù lông xù cánh lên đề phòng, mắng mỏ con mình.
Đô-rê-mon là chú mèo máy thông minh với những người bạn dễ thương, gần gũi với rất nhiều thế hệ bạn đọc và cho đến nay, câu chuyện về chú mèo máy đáng yêu đặc biệt này vẫn dẫn đầu trong số những nhân vật hoạt hình được yêu thích mọi thời đại. Ở đó có một Đô-rê-mon tròn vo, không có ngón tay, thích ăn bánh rán, dũng cảm, nhưng lại sợ chuột. Đô-rê-mon có chiếc túi thần kỳ trước bụng, chứa đến hơn 4000 bảo bối. Cậu cũng thường than thở rằng các món bảo bối mua từ tương lai rất đắt, nhưng vẫn có thể mua bằng cách trả góp. Bên cạnh Đô-rê-mon là cậu chàng Nobita hậu đậu, ngốc nghếch, chuyên bị bạn bè bắt nạt, nhưng lại tốt bụng, thật thà. Và ở đó còn có bạn Xuka trong sáng, thánh thiện, xinh đẹp; bạn Xê-kô lẻo mép, bạn Chai-en to béo hay uy hiếp bạn bè… Nhưng tất cả các bạn ấy đều chân thành, dũng cảm, biết hy sinh, đoàn kết và yêu thương nhau. Không chỉ hài hước, mà Đô-rê-mon còn là câu chuyện đầy tính nhân văn, trong sáng, rất cần cho những tâm hồn non trẻ chập chững nhìn vào cuộc đời.
Nói dài dòng một chút về Đô-rê-mon, thực chất tôi muốn nhận định lại một chút quan hệ giữa bố mẹ và con trẻ. Nếu, giả sử khi nghe con “vòi” mua cuốn sách nào đó, bố mẹ chịu khó lắng nghe, tìm hiểu xem cuốn sách đó là như thế nào rồi trả lời con (nên đọc hay không nên đọc), thì trẻ đã không phải có cảm giác xấu hổ, tự ti, đối phó với người lớn. Rất ít bố mẹ nhận thức được rằng, câu chuyện rất nhỏ ấy sẽ ám ảnh tâm hồn con trẻ và đóng đinh thành một trong những yếu tố hình thành nên tính cách chúng sau này. Và càng ít hơn những bố mẹ biết cùng con mình đọc sách, để tạo cho con một nền tảng nhận thức đúng đắn, nhân văn.
“Đọc sách là cách học tốt nhất” – điều đó đúng với mọi trường hợp, và đối với trẻ lại càng đúng hơn. Với tư duy còn ngây thơ và đơn giản, nhồi nhét kiến thức vào đầu bé không phải là cách dạy cho trẻ học tốt nhất. Ngược lại, hãy thử dành một chút thời gian, đọc sách cho con nghe, lắng nghe con nói về những nhân vật, câu chuyện mà con biết… rồi từ đó chỉ cho con điều nên học, điều nên tránh… Hãy thử “học” từ chính con mình, bố mẹ sẽ thấy điều gì nên làm, điều gì nên tránh.
Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn – một trong những câu chuyện nhân ái… Ảnh: TA
Ta hãy thử lấy một ví dụ: Trong Đô-rê-mon, có câu chuyện kể rằng một ngày nọ, nhóm bạn của Nô-bi-ta chơi bóng chày, không may quả bóng bay vào nhà một bác rất khó tính, làm vỡ cửa kính nhà bác ấy. Dĩ nhiên, lỗi không phải của Nô-bi-ta vì Nô-bi-ta không đánh quả bóng ấy, nhưng mọi người đều đổ lỗi cho cậu. Cậu chàng hay bị bắt nạt chạy về nhà kêu cứu Đô-rê-mon. Chú bạn mèo máy thông minh đã cho cậu một bảo bối, để khi gắn nó vào người thì bất cứ ai có lỗi cũng phải tự mình nhận lỗi. Nô-bi-ta định áp dụng cho Xê-kô và Chai-en, nhưng chính cậu lại hậu đậu gắn bảo bối lên người mình. Thế là cậu chàng chạy một mạch đến nhà bác hàng xóm để xin lỗi. Tưởng sẽ bị một trận đòn, nhưng không ngờ bác hàng xóm khó tính lại mỉm cười, xoa đầu cậu chàng, tha lỗi cho cậu và còn trả cho cậu rất nhiều quả bóng từ trước tới nay bay vào nhà bác. Cũng lúc ấy, Xê-kô và Chai-en thấy hối lỗi, quyết định đi xin lỗi. Hai bạn rất ngạc nhiên khi thấy Nô-bi-ta được bác hàng xóm khó tính khen ngợi.
Thưa các bố mẹ. Nếu cùng con mình ngồi đọc câu chuyện rất giản dị trên, hẳn các bố mẹ sẽ biết gợi cho con điều gì tốt nhất. Có lỗi thì phải biết nhận lỗi và sửa sai, như vậy mới thật đáng khen, đó là điều con cần ghi nhớ và học hỏi. Nói dối và giấu diếm quanh co sẽ khiến mọi người xung quanh tức giận và mất niềm tin, đó là điều con nên tránh.
Cho con một khởi đầu chuẩn mực, hẳn đó là điều mà bất cứ bố mẹ nào cũng mong muốn, và hãy làm điều đó từ tình yêu thương, những trăn trở dành cho con, bố mẹ nhé.
Hạnh Giăng