Tôi thực sự không có nhiều bất ngờ khi cầm trên tay “Ổ thương yêu” bởi tên sách đã phần nào nói lên được cốt truyện. Tôi cũng không thực sự bất ngờ khi biết Nguyễn Ngọc Hoài Nam, tác giả, là một kỹ sư xây dựng bởi có rất nhiều người viết văn cũng là dân “ngoại đạo”, “đá chéo sân”. Biết là sẽ không có nhiều bất ngờ như vậy nhưng tôi đã không thể dứt ra được khỏi cuốn sách cho đến những trang cuối cùng đi qua.
Cuốn sách là câu chuyện của hai anh em Hưn và Hin theo chân bố mẹ rời xa đồi núi, nương rẫy, về Sài Gòn sinh sống cùng bà nội để bắt đầu đi học. Chuyến đi đầy nhọc nhằn nhưng ấm áp tình người xen lẫn những niềm vui bất ngờ cho hai anh em khi được tắm ở “suối khổng lồ”, được chơi đùa trên “xe đò bá chủ”, được tặng thêm một người bạn mới – một chú heo con. Thích nghi với cuộc sống mới bên cạnh bà nội lam lũ, người bác rể cay nghiệt, anh chị họ ghét bỏ, gia đình Hưn, Hin cùng vượt qua những đêm mưa trong căn nhà tranh vách đất dột nát, ọp ẹp; những nhọc nhằn mưu sinh nơi thành thị để hai anh em được đến trường với ước vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Đọc “Ổ thương yêu” tôi thấy đâu đó hình ảnh tuổi thơ của mình, cũng là những đứa bạn cùng xóm, cũng là những que kem đá mát lạnh, cũng là những câu chuyện kể của bố, cũng là những quà vặt từ bà, từ mẹ; thậm chí cũng là những đòn roi khi phạm lỗi, cũng là sự ghét bỏ từ một ai đó. Tất cả đều quá đỗi thân thuộc, quá đỗi bình dị, quá đỗi đắng cay nhưng cũng quá đỗi ngọt ngào!
Với trẻ, “Ổ thương yêu” khơi dậy nhiều cảm xúc về cuộc sống, về con người. Với bố mẹ, “Ổ thương yêu” cho ta những phút giây nhìn lại mình, xoa dịu những căng thẳng của nhịp sống thời hiện đại, để chợt trở lại tuổi thơ và chợt nghe hơi ấm tay mẹ thuở nằm nôi.
Nguyễn Minh Hiếu (CTV CLB Đọc sách cùng con)