Kiên trì gây dựng CLB sáu năm, đến nay trở thành địa chỉ uy tín và đang lan tỏa phương thức hoạt động đến xã hội, TS giáo dục học, dịch giả, nhà thơ Thụy Anh cho thấy sự sáng tạo và thích ứng để “phục vụ” trẻ thơ. Chị chia sẻ với Thời Nay về hoạt động và hướng đi của CLB.
Phóng viên (PV): Dư luận đang nhận rõ hơn hiệu quả hoạt động của CLB đọc sách cùng con. Với chị, có thể khái quát hiệu quả đó như thế nào?
TS Thụy Anh (TA): Mô hình CLB Đọc sách được thành lập ngày 6-6-2010 nhằm hỗ trợ phát triển văn hóa đọc trong gia đình, tạo cảm xúc và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ từ 12 tháng tuổi thông qua phương pháp đọc – kể tương tác, xây dựng những “cộng đồng đọc” nhỏ, khuyến khích và cổ vũ từng người đọc, từ đó chăm sóc cho một “thế hệ người đọc mới” được trang bị kỹ năng đọc và được trau dồi năng lực rung động với cuộc sống, với văn chương.
Cô Thụy Anh đọc sách cùng các bạn nhỏ tại CLB Đọc sách cùng con
Chúng tôi đã đạt được những mục tiêu ban đầu, và đã bổ sung thêm những tiêu chí mới phù hợp thực tế. Sau sáu năm, hiệu ứng xã hội của phương pháp xây dựng cộng đồng đọc như thế đã ảnh hưởng khá mạnh mẽ. Tôi tự hào là CLB đã nhân rộng mô hình hoạt động đến nhiều tỉnh, thành phố qua các dự án do các tổ chức và cá nhân khởi xướng, mà quan trọng nhất là đã nghiên cứu và xác lập được một quy trình vận hành các CLB cũng như quá trình tiến hành các buổi đọc sách cho trẻ và đưa vào tập huấn cho giáo viên, phụ huynh các trường, hướng dẫn viên các CLB ở hầu hết các huyện của các tỉnh Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Giang, Thái Bình… và những thành phố nhỏ lẻ khác. Quy trình này ngày càng được hoàn thiện và sẽ được chia sẻ trên diện rộng trong những năm tới.
PV: Để xây dựng và từng bước áp dụng quy trình đó có khó khăn gì không, thưa chị?
TA: Nói không thì không đúng, nhưng đây là “nghề” của tôi mà. Tôi được đào tạo về giáo học pháp, hay đúng hơn là phương pháp dạy học. Nhìn bên ngoài, chúng chỉ là những hoạt động đọc, nhưng kỳ thực, phải có một mô hình thống nhất, có nguyên lý vận hành và những bước thực hiện quy củ, linh hoạt ở các bài tập theo từng dạng. Chỉ có khái quát thành quy trình – công nghệ thì mới có thể hoạt động lâu dài, bền bỉ được.
Quy trình đã luôn được sửa đổi qua mỗi buổi đọc cùng các bạn nhỏ, bắt đầu từ những ngày đầu tiên của tháng 6-2010, cho đến khi nó trở thành một quy trình hoàn thiện. Và mức hoàn thiện cao nhất là một quy trình đơn giản nhất có thể, để bất kỳ ai quan tâm cũng có thể thực hiện theo chỉ dẫn, không nhất thiết phải là các thày cô giáo. Với quy trình ở cấp độ cao hơn thì đòi hỏi chuyên môn cao hơn, hiện nay tôi vẫn đang đào tạo các cô giáo của CLB và một số trường mẫu giáo và tiểu học.
Tập huấn quy trình và phương pháp đọc sách cùng trẻ, Hà Giang 10/2015
PV: Theo chị quan sát, phản hồi từ các cháu và phụ huynh thay đổi thế nào với các phương pháp đó?
TA: Tôi rất vui vì phản hồi từ phía các gia đình là rất tốt. Bắt đầu từ triết lý “quyền không đọc” của mỗi người, tôi chỉ tạo động lực đến với việc đọc chứ không “ép”, không nói “phải đọc”, ai đọc là đúng, là giỏi, là hay mà phán xét những người không đọc. Sau một thời gian rất ngắn sinh hoạt ở CLB, tôi có thể nói, 100% các bạn nhỏ đều quan tâm, không bỏ qua các buổi đọc. Nhiều bạn ban đầu không hợp tác, mặt khó đăm đăm, thậm chí… quay mặt đi khi người dẫn dắt hỏi, thì đến vài buổi sau, kể cả quay mặt đi… thì vẫn quay mặt và trả lời! Tạo động lực xong rồi, phải cung cấp kỹ năng, từng kỹ năng nhỏ để các bạn thấy việc đọc thật thú vị và giữ cảm giác thú vị ấy được lâu dài, nhu cầu đọc ngày càng tăng lên, mối quan tâm đến các vấn đề trong sách ngày càng sâu sắc.
Một số phụ huynh thì chia sẻ với tôi, rằng mừng nhất là cháu đọc sách đã biết ghi nhớ những câu mà cháu thấy hay. Khi làm tập làm văn cô giáo giao về nhà, không còn cắn bút khổ sở hoặc nhờ mẹ giúp nữa, thậm chí có bạn còn luôn khẳng định: “Con đã biết phải viết như thế nào rồi!”. Khi tôi đọc các đoạn trích văn học cho các cháu nghe, mỗi lần cảm thấy hay, tâm đắc, xúc động, những cô, cậu bé của chúng tôi còn vỗ tay sôi nổi, như thể hiện sự đồng cảm với tác giả, niềm hân hoan của mình với những phát hiện mới. Với tôi, đấy là thành quả lớn nhất!
PV: Không thể nào thiếu những người đồng hành. Chị có thể nói về họ?
TA: Tôi tự hào về những người bạn, những đồng sự trẻ tuổi, những người hỗ trợ từ xa, những người chia sẻ ý tưởng cùng tôi. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã hỗ trợ tôi trong hoạt động của CLB, đặc biệt, ngay từ những bước chập chững đầu tiên của CLB, là nhà văn Lê Phương Liên. Sự tin tưởng, cổ vũ hết lòng của nhà văn đi trước, sự chăm sóc không câu nệ đến từng buổi sinh hoạt của CLB của bà khiến tôi tự tin hơn, thấy mình không đơn độc.
Còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu đã đến với chúng tôi bằng tấm lòng trân trọng trẻ thơ, quý trọng bạn đọc như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Trương Quý, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Hữu Việt, dịch giả, nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi, dịch giả Tạ Quang Hiệp, Chu Thu Phương… Đội ngũ cộng sự của tôi, nhiều người gắn bó với CLB 5 năm rồi. Và mạng lưới cộng tác viên hầu hết là những người trẻ và rất trẻ, có trình độ và cũng vì thế mà tôi tin vào sự bền vững của sức lan tỏa dòng chảy văn hóa đọc này.
PV: Xin cảm ơn chị!
Hoàng Hoa (Theo báo Thời nay)