Home / Bài Viết / Con đường gian khổ

Con đường gian khổ

CLB Đọc sách cùng con xin chia sẻ bài viết “Con đường gian khổ” của TSGD. Nguyễn Thuỵ Anh, chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, một người mẹ. Đây là tâm sự của Chị viết cho cậu con trai bé bỏng những ngày cháu mới đi học mẫu giáo nhưng cũng là những nhắn nhủ tới các bạn nhỏ và các bố mẹ – những người đang có con trong độ tuổi mầm non.

Viết cho Dế…

Con đường ấy bình thường chỉ có cỏ và hoa, có kiến và những con bọ đốm màu đỏ chấm đen, có cát và những vũng nước đọng sau đêm… Nghĩa là có biết bao nhiêu điều kỳ diệu, lôi cuốn…

Cách đây độ gần ba tuần, con đường ấy bỗng nhiên đổi khác. Nó như lạ lẫm hẳn ra, như thuộc về một thế giới khác. Thậm chí, nó trở thành giấc mơ ác ám ảnh người ta. Người ta có thể giật mình trong đêm, và sáng thức dậy nước mắt lưng tròng.

Con đường đó chính là con đường đi đến trường mẫu giáo của Dế.

Dế là một bạn nhỏ người Việt, đang cùng bố mẹ sống tại một thành phố nhỏ ở Liên bang Nga. Bạn ấy mới bắt đầu đi học Mẫu Giáo, và cái quãng thời gian “bắt đầu” này thật là mệt mỏi đối với Dế. Dế chưa biết viết, nhưng đã biết nói lên ý nghĩ của mình rồi. Và đây là bức thư mẹ bạn ấy viết hộ, để gửi một người em đang ở Việt Nam – bạn Mon. Mon cũng đương “bắt đầu” như Dế, vì thế, hai nhân vật bé tẹo này của chúng ta hẳn có những “tâm sự” gần gũi với nhau:

be di mau giao (3)

Thư gửi em Mon…

Em Mon,

Anh chưa biết viết thư, nhưng anh có thể nói chuyện với em được. Anh nghe thấy mẹ anh bảo là em Mon cũng không thích đi học như anh. Lại còn giả vờ ốm để được nghỉ học nữa. Bực thật đấy! Sao người lớn cứ nghĩ mình giả vờ nhỉ? Đang được ở nhà, muốn làm gì thì làm, đòi gì được nấy, nay phải đi đến một nơi ầm ĩ, nhức cả đầu, lại còn phải ngồi, phải im lặng…. đến anh cũng phát ốm chứ có phải là giả vờ đâu! Anh đi học bên này còn khổ hơn em, cứ phải đoán xem cô giáo nói gì. Anh nói tiếng Việt, còn cô giáo thì chưa biết tiếng Việt, em ạ. Vì thế mà cô giáo anh chẳng hiểu anh lắm. Anh bảo bánh mì thì cô đưa nước, bảo muốn ra chơi cát thì cô bảo mẹ chưa đến đâu… Bực lắm!

Anh có hai cô giáo. Một cô hiền lắm. Hôm đầu thấy giọng cô hơi ồm ồm, anh cứ tưởng cô ác, mà hóa ra lại không phải. Đầu tiên anh có nhớ được tên cô ấy đâu. Tên tiếng Nga, khó nhớ lắm em ạ. Anh cứ gọi đại là “Bà tốt tóc dài”. Hì hì, tại vì mẹ anh cứ hay nói “bà tây, bà Tây” nên anh quen gọi các cô Tây là “bà” cho nó dễ. Bây giờ thì anh biết cô ấy tên là Liđia rồi. Cô ấy rất vui vẻ, chẳng hay bực bội gì cả. Hôm đầu cô ép anh ăn, anh còn giơ nắm đấm ra với cô ấy cơ, mà cô ấy vẫn cười. Hay nhể? Chứ phải tay mẹ anh á, thể nào cũng tròn mắt lên cho mà xem. Mẹ anh mà tròn mắt cũng sợ ra phết. Nhưng anh vẫn cứ bắt nạt được. Giỏi không?

Cô thứ hai thì mặt lạnh lạnh, anh chẳng thích gì cả. Hôm đầu tiên, cô ấy còn quát anh: “Chikhờ!”*. Nói nhẹ nhàng thì anh nghe ngay, chứ quát anh thế, anh chẳng vui gì… Không biết em có như thế không. Anh là anh ghét rồi đấy, nên đêm về, anh còn mơ thấy một mụ phù thủy, mà mặt lại đúng là mặt cô giáo đấy mới kinh chứ. Anh đã khóc ầm cả lên, đã xin mẹ anh: “Mẹ ơi, mẹ nhốt con ở nhà cũng được, mẹ đi mua thức ăn một mình cũng được… Con không đi học đâu.. Con không thích cô bắt con chikhờ”… Khóc ướt cả cái áo, thế mà mẹ anh vẫn kiên quyết đưa anh ra khỏi nhà. Anh cũng hơi ngạc nhiên, vì bình thường, mẹ anh cũng không kiến quyết đến như thế. Con gái mà! Mẹ anh là con gái, còn bố anh là con trai. Con trai thì kinh hơn, không lơ mơ vói con trai được!

Đi học kể cũng hay ở chỗ, lắm đồ chơi lạ. Nhưng mà có nhiều cái không giống ở nhà anh. Ví dụ như là, không có khăn ướt để sẵn để anh lau mồm. Anh thì cứ hay thích, ăn xong một món là phải lau mồm, rồi mới chuyển sang ăn cái món khác. Nhá, anh ăn buliôn – tức là xúp nước ấy mà, ăn xong, cô bắt ăn khoai tây nghiền, mà mồm dính đầy nước xúp. Bẩn nhỉ? Anh chẳng thích gì cả. Có giấy lau mồm, nhưng anh không quen lau khô. Mấy hôm đầu tiên anh nhất định không ăn. Em có biết vì sao không? Vì khi cô “báo thông”* với mẹ, anh thấy mẹ anh có vẻ lo lắm. Hi hi, nếu mà anh ăn, mẹ anh yên tâm thì sẽ để anh ở đó lâu hơn à?

Thế, rồi đi ngủ, cô cứ bắt cởi hết cả quần dài, quần tất ra. Mặc có mỗi cái xịp. Xấu hổ người ta! Anh chán lắm. Anh cũng nhớ mẹ anh nữa. Nhớ thật mà mẹ anh không tin. Mẹ anh bảo cũng nhớ anh, nhưng nhớ, mà sao lại bắt đi học. Chẳng hiểu nổi người lớn nữa.

À, chỗ anh có một bác bảo vệ, tên là bác Sasha. Bác ấy có vẻ là người tốt, vì hay hỏi anh có ăn không. Lần nào về anh cũng phải “báo thông”* là ăn hay là chưa ăn. Trông thì bác ấy hiền thế thôi, chứ còn, mẹ anh bảo, nếu mà ai hư, bác ấy vẫn xử lý như thường! Hôm trước anh chơi cát, ném cát vào mấy đứa, nghĩ cũng sợ bác bảo vệ bắt, nhưng chẳng hiểu sao chưa bắt. Chắc là mẹ anh có xin trước rồi. Hì hì…

À, nhưng hôm nay, anh cũng hơi thấy thích đi học. Vì là hôm nay được chơi cái trò ô tô đi trên đường, vui ra phết. Với lại anh cũng chơi được với mấy đứa rồi. Có đứa hay đập đồ chơi vào đầu anh, nhưng là con gái nên anh chẳng biết nên làm gì. Mà bố anh bảo nếu ai đánh anh, anh cứ đánh lại. Thế cũng hơi ngại, nhể? Chiều anh đã hỏi mẹ rồi. Hóa ra là con trai đánh mình thì mình đánh lại được, còn con gái thì không nên. Chắc là do bọn nó hay khóc to, rắc rối lắm.

Mai anh vẫn được đi học, nhưng mẹ anh bảo sẽ đến đón anh sớm hơn, vì ngày mai là ngày Nhà giáo. Nhưng anh vẫn thích những ngày không được đi học hơn. Là thứ Bảy, và chủ nhật. Em có thích giống như là anh không?

Nói chuyện mệt quá rồi. Anh đi chơi đây. Chào em Mon nhé!

Anh Dế.

——-

NHẬT KÝ CỦA MẸ DẾ:

Còn đây là mấy chữ mẹ Dế viết cho Dế trong Nhật Ký. Mẹ Dế hẳn lại có những “tâm sự” giống với tâm sự của biết bao bà mẹ khác khi lần đầu tiên đem con đến lớp, gửi lại cho các cô: thương, xót ruột khi thấy con khóc, con không ăn, nhưng vẫn phải kiên quyết để con mình có thể trưởng thành hơn trong tập thể mới.

“Con đường gian khổ”

Để “ngộ” ra được một điều rằng, có khóc lè nhè mấy thì mẹ vẫn khoác lên người cho cái áo, bố vẫn đưa xuống đường…, Dế mất cũng cả tuần liền.

Để ngộ ra rằng, ở mẫu giáo, nếu Dế “bày trò” không ăn thì mẹ vẫn không đến đón sớm, Dế cũng mất ngót nghét 2 tuần. Giờ, Dế đã nhúc nhắc ăn, chưa nhiều nhưng thế là có tiến bộ rồi.

Để ngộ ra rằng, việc của Dế bây giờ là đi học, là vẽ, là hát, là vui cùng các bạn ở trường, chứ không phải cứ bám váy mẹ mãi, Dế cũng mất gần 3 tuần.

Và thế là, “con đường gian khổ” đi đến chân lý của Dế đã sáng sủa ra.

Chiều nay, mẹ đến đón Dế muộn hơn chút nữa, thấy Dế hớn hở, vui vẻ, khoe đang chơi với các bạn thích lắm. Cô giáo bảo con ngủ được, ăn được… mẹ cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Thương Dế phải đi trẻ ở một xứ sở lạ, chung quanh ai cũng nói thứ tiếng lạ. Nếu là mẹ, mẹ cũng xì-chét lắm chứ chẳng chơi. Nhưng ai rồi cũng phải có một tập thể bạn bè, cùng học, cùng chơi, cùng chia sẻ vui buồn, cùng theo một kỷ luật nhất định. Vì thế, mẹ vẫn kiên trì cùng con trên “con đường gian khổ” này. Con đường ấy sẽ ngày càng bớt “gian khổ” và ngày càng thêm nhiều điều thú vị hơn, có phải không con?

Nhà Dế, từ Liên bang Nga.

Chú thích:

* chi-khờ – Im lặng (tiếng Nga)

* báo thông – nghĩa là “thông báo”, Dế chưa sõi tiếng Việt nên hay nói ngược.

Thuỵ Anh

About admin

Scroll To Top