Chúng mình làm bạn, con nhé?
(Viết cho con)
Còn nhớ, lúc mới sinh con, mẹ còn vụng về đến mức không biết bế con như thế nào cho đúng cách. Con nặng chưa đầy 3kg, mà mẹ cứ xoay trở đến khổ, chân tay cứng đờ. Mẹ mỏi dừ cả người mỗi khi cho con bú. Mẹ ngượng nghịu mỗi khi hát ru con ngủ. Mẹ lóng ngóng mỗi lần tắm cho con. Tất cả, mẹ đều phải học. Mỗi ngày một chút. Và bây giờ, khi con đã lớn, mẹ lại học cách làm bạn với con…
Tại sao con không được đánh em?
Em giằng đồ chơi của con, con chẳng chút đắn đo, tát bốp vào em. Mẹ lao đến, vụt vào tay con và quát: “Ai cho phép con được đánh em?”Ngay lập tức con gào lên trong sự phẫn nộ: tại sao lúc mẹ giận con, mẹ được đánh con mà con giận em thì con không được đánh em? Mẹ có biết lúc này con đang rất tức giận em không? Con không thể tha thứ cho em được.Mẹ sững người lại. Lúc ấy con đang cơn tức giận, và mẹ thì chưa tìm được cách để trả lời thỏa đáng câu hỏi của con. Mẹ cố gắng tìm cách cải thiện tình hình, bằng cách giải thích với con rằng, nếu có khúc mắc gì giữa hai chị em thì phải nói để mẹ giải quyết. Rằng con là chị. Nhất định con không được đánh em như thế. Nhưng con không chấp nhận lời giải thích ấy. Con không cho mẹ động vào người con. Mẹ càng cố đến gần, con càng tìm cách tránh xa.
Con nhất quyết không theo mẹ về nhà. Con bảo, con muốn ở lại nhà bà, mai mẹ đón con. Bây giờ con không muốn nói chuyện với mẹ. Con đang tức giận mẹ.Mẹ biết, con phản ứng đến mức này là căng thẳng rồi. Nhưng mẹ không thể để con lại nhà bà cho con nguôi giận, vì sáng hôm sau con phải đi học sớm. Hơn nữa, để tình trạng tâm lý này của con kéo dài sang ngày hôm sau là điều không nên.Vì con không chịu đi về, nên mẹ buộc phải quát để thị uy con: “Con về ngay!”.May có bố. Con lên xe bố, nhất định không chịu ngồi sau xe mẹ. Về đến nhà, con ngồi lì ở ghế đá dưới sân. Bố dỗ dành kiểu gì cũng không lên. Bố hỏi, con chỉ nói: con giận mẹ. Con không muốn lên nhà.Lúc này thì mẹ đã bình tĩnh hơn.Mẹ bảo bố, mẹ sẽ nói chuyện với con. Chỉ hai mẹ con thôi.
Con quay mặt đi khi thấy mẹ đến gần.Mẹ ngồi cạnh con, bảo: mẹ muốn nói chuyện với con. Nếu mẹ sai, mẹ xin lỗi con. Nếu có gì con hiểu chưa đúng về mẹ, mẹ sẽ giải thích để con hiểu. Nếu có gì con chưa đúng, thì con cũng phải rút kinh nghiệm nhé?
Con giận mẹ. Con rất giận mẹ -con nhắc đi nhắc lại câu ấy.
Mẹ tìm cách bắt đầu câu chuyện của mình. Rằng mẹ không đánh con lúc giận con. Mẹ đánh con lúc con sai. Mẹ nói không được con, mẹ buộc phải đánh con cho con nhớ. Mẹ đánh con, mẹ cũng rất đau. Vì con do mẹ sinh ra. Thịt da con cũng là thịt da của mẹ. Mẹ không hề muốn đánh con.Con bảo: em cũng sai với con, con cũng phải được đánh em.Thắc mắc của con khiến mẹ nhận ra rằng, cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của trẻ. Con tư duy theo đúng kiểu quan sát của trẻ con là: hư – bị đánh. Sai – bị đánh. Làm người lớn tức giận – bị đánh. Dù thực ra, mẹ rất ít đánh con. Chỉ những lúc mẹ quá tức giận vì một việc gì đó sai trái của con. Nhưng rõ ràng mẹ hoàn toàn có thể giải quyết bằng cách khác. Việc đánh con, vô tình làm nảy sinh một tư duy bạo lực trong đầu óc con.
Người lớn, thường giải quyết sự bực dọc, tức giận với con trẻ bằng hành vi tạm gọi là đàn áp. Tức là dùng quyền của người lớn để đàn áp con trẻ. Trong sự đàn áp ấy thì người lớn luôn đúng và trẻ em luôn sai.Thực ra, người lớn ít khi thừa nhận sự vô lý của mình. Đang xem phim, bị con làm phiền, lập tức nổi cáu. Đang ngồi máy tính, bị con làm phiền, lập tức quát tháo. Có khi lúc đó con đang buồn,muốn rủ bố mẹ chơi cùng. Có khi lúc đó con có thắc mắc gì đó muốn được bố mẹ giải đáp. Một nhu cầu chính đáng, nhưng bị bố mẹ khước từ phũ phàng. Và những bức xúc dồn nén trong lòng chúng, ắt sẽ có lúc nào đó bùng phát ra.
Thực ra, nếu biết bình tĩnh, kìm giữ cơn nóng giận, lắng nghe khúc mắc của con trẻ, sẽ tránh được những xung đột giữa cha mẹ và con. Con trẻ, khi bị cha mẹ đánh mắng, đã nảy sinh tư tưởng tiêu cực như chống đối ngấm ngầm bố mẹ, sống theo kiểu đối phó với bố mẹ, thậm chí có tâm lý muốn bỏ nhà đi. Vì con cảm thấy ngôi nhà không có chỗ cho mình nữa.
Câu chuyện hôm ấy của hai mẹ con trên ghế đá, kéo dài đến tận lúc mẹ bị muỗi đốt sưng cả hai chân. Con đã đồng ý giảng hòa với mẹ.Suốt cuộc nói chuyện ấy, mẹ đã không hề coi con là trẻ con. Mẹ lắng nghe con nói. Mẹ nhận ra rằng khi trẻ đã hiểu được bản chất vấn đề, được người lớn lắng nghe và được tôn trọng ý kiến cá nhân, thì con sẽ rất thoải mái về tâm lý và tránh được những hành vi tiêu cực.
Cảm ơn con cho mẹ thêm những bài học để mẹ có thể làm bạn được với con.
Nhà văn Phong Điệp
(Trích trong cuốn “Chúng mình làm bạn, con nhé? – Vì sao mẹ sinh ra con trên đời này?” – NXB Phụ nữ)