Home / Giới thiệu sách / Chút hoa vàng trên cỏ biếc

Chút hoa vàng trên cỏ biếc

Đến tận bây giờ, nghĩa là đã 24 tuổi, tôi vẫn còn giữ cảm giác chờ đón những tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh gần bằng hồi … 12 năm trước. Gọi là “chờ đón một tác phẩm mới”, nhưng trái với thói quen chờ đợi những thay đổi lạ lùng, những không lặp lại ở một người viết, tôi lại chờ đợi một Nguyễn Nhật Ánh như – cũ, hay đúng hơn, tôi không bận tâm “ổng” đem lại cái gì mới. Tôi đợi, để được đọc ngay các tác phẩm mới ra lò, được cười thỏa thích một buổi chiều, một buổi trưa, một buổi tối. Được huyên thuyên thực hành vài câu lơ ngơ của mấy nhỏ trong truyện. Được giỡn chơi nhau chút. Rồi thôi. Nhưng tôi luôn thấy sảng khoái, và nhất là ấm áp.

Bạn tôi nói: Kì cục, mọi tác phẩm của ổng, kể cả cái mới nhất là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có khác gì Kính Vạn Hoa đâu, mà vẫn cứ nằm đọc say sưa và cười thànhtiếng? Em thử đọc một trang mà không cười được không? 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Tôi cũng nói: Y chang Kính vạn hoa. Dù Nguyễn Nhật Ánh có xây dựng nhân vật phản diện xấu tới độ nào.

Hình như mọi tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, với tôi, đều là Kính vạn hoa kéo dài.

Vậy thì tại sao tôi vẫn bị lôi kéo đến không hạ sách xuống?

Tôi đã giật mình, hình như tôi đọc chính vì cái Y CHANG ấy. Tôi không tìm một nhà văn. Tôi không tìm một người thầy về bút pháp để học tập. Tôi chỉ tìm một người bạn, nhất là một người bạn cũ, một người bạn tuổi nhỏ – mà dù cuộc đời có làm người ta tan tác và làm cho những người bạn tuổi thơ, ở một ngôi làng nhỏ nào đó đã rất xa xôi, xa cách nhau đến nỗi như không bao giờ nói chuyện được với nhau nữa, thì những kí ức về chúng vẫn đẹp và bền vững kì lạ.

Ở thị trấn nhỏ và buồn khi tôi 11, 12 tuổi, cùng độ tuổi của Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh khi ấy, niềm vui lớn lao của tôi dồn hết vào những cái hiệu cho thuê truyện. Thỉnh thoảng chúng tôi phải trốn học, hoặc vừa trống ra chơi, tôi đã thủ thế sẵn, chạy như bay đến quán truyện nhà cô Thắm (nhưng người trông coi quán truyện lại thường là chồng cô), cướp lấy cuốn Kính vạn hoa bìa tím nhỏ bằng cái lá bàng, để được là người sở hữu cái số 1 của cuốn truyện cho thuê, mà trang cuối trắng tinh tươm sau này sẽ bị đầy lên dài dằng dặc những con số – cách để ghi nhớ và tính tiền những người thuê truyện sau khi trả. Có nhiều cuốn truyện khác, đôi khi nấn ná mãi mới đọc xong, làm tôi phải bù thêm tiền theo ngày. Nhưng truyện của Nguyễn Nhật Ánh thì dù đọc vèo vèo, tôi vẫn cứ hay bị bù tiền thêm ngày, vì… bị bạn bè giành giật hoặc tự bản thân… không muốn trả. Tôi thường là người được cười đầu tiên, sằng sặc, nhưng cũng nhiều khi tôi đến được quán truyện, thì một đứa khác đã đứng nhe nhởn cười, giơ ra cuốn bìa tím đó trêu ngươi. Tất nhiên, ngoài Kính vạn hoa, tôi ngốn vô số những cuốn khác, của những tác giả khác, và của Nguyễn Nhật Ánh (như Trại hoa vàng, Đi qua hoa cúc, Bàn có năm chỗ ngồi…) nhưng những cuốn sách bìa tím đánh số tập vẫn có sức hấp dẫn kì lạ, dù thường xuyên, chúng tôi không được đọc theo thứ tự các tập mà nhảy cóc lung tung.

Có điều gì làm tôi không cưỡng được đến nỗi, cuốn truyện thuê được là lật ra đọc ngay tại trận, chờ cho chú chủ quán ghi nợ xong vào cuốn vở như tập vở của học sinh lại đọc tiếp, vừa đi vào lớp vừa đọc, vừa đi vừa cười. Đến lớp, (thường là đã trống vào lớp rồi), đôi lúc tôi phải giấu trong áo, rồi cho vào ngăn bàn hay trong cặp. Cuốn truyện cứ nhảy choi choi trong ngăn bàn, trong cặp, không yên được. Nó bảo: “Đọc đi chứ, đang dở dang mà”. Tôi lấm lét nhìn lên bảng, tay mò vào ngăn bàn lật trang. Về sau tôi nghĩ ra một cách: tôi đặt cuốn truyện vào trong lòng cuốn sách giáo khoa mở đôi, tôi nghiêm ngắn mở sách đọc mà thực ra là… đọc truyện, thỉnh thoảng ngước nhìn lên bảng rất.. ngây thơ. Cách này tôi đã duy trì được một thời gian khá dài, và qua mặt được kha khá những ánh mắt đầy quyền lực của thầy cô, hình như cũng bởi tôi học khá nhiều môn trong lớp nên không ai nỡ nghi ngờ tôi cả và bạn bè cũng không nỡ lòng tố giác. Những cuốn truyện vẫn cứ nhảy choi choi trong cặp ngay cả khi tôi đi xe đạp trên đường về một mình. Tôi lại nghĩ ra cách đi xe một tay, đặt những tập truyện lên tay lái và vừa đi vừa đọc. Kết quả là, một lần, tôi ngã quay đơ khi xe lao vào hàng rào ngăn làn đường cho ôtô và xe đạp. Tôi vẫn còn nhớ bố tôi, không rõ được cấp báo từ ai, về việc tôi đi học một mình (từ chối việc đưa đón bằng xe máy), thường vừa đi vừa cười, nói chuyện lảm nhảm,… đã cho người theo dõi bí mật. (Mà tất nhiên, theo dõi thì phải bí mật, nên tôi cũng không biết được những ngày tôi đạp xe từ nhà đến trường lại bị theo trăm phần trăm cho đến khi tôi vào lớp như thế). Tôi cũng không sao quên được những lúc ăn cơm quấy quá để chui ngay vào phòng riêng, nằm khểnh đọc, và giữa trưa, những tiếng cười thành tiếng của tôi cứ vang lên làm cho những người xung quanh không sao hiểu nổi. Anh trai tôi, hơn tôi 3 tuổi, cũng giằng lấy mặc cả, hoặc là hắn đọc trước, hoặc là con búp bê của tôi bị tung lên trời và …xoạc hai cẳng. Tôi đã phải lao ra giằng lấy em búp bê bị xoạc ngang quái ác. Anh trai tôi cũng là kẻ đã gán cho tôi biệt danh “Thi sĩ hạng ruồi Quý ròm” và luôn miệng chế giễu khi phát hiện ra cái phong bì tôi gửi thơ lên báo Thiếu niên tiền phong mà chờ hoài không có hồi âm, làm tôi vô cùng khổ sở. Hết năm học lớp 6 của tôi (năm 1997), bố cho tôi đi thi vào lớp chuyên trên thành phố. Lúc chờ đến giờ thi Văn, chẳng hiểu sao tôi đứng tám với một người bạn xinh xắn xa lạ, và cuối cùng, gọi tên vào thi rồi, hai đứa vẫn say sưa nói về… Kính vạn hoa. Run rủi sao chúng tôi ngồi thi gần cạnh nhau, và câu chuyện không sao dứt được. Tôi vẫn còn nhớ bạn ấy cứ lúc lắc đầu quay xuống, cười với tôi và hẹn nhau lát thi xong nói chuyện tiếp về… tập 45. Cơn hào hứng bám chặt lấy tôi, đến nỗi, đề thi về Tô Hoài, mà tôi nhất quyết tìm cách “trích dẫn” cho bằng được một câu của Nguyễn Nhật Ánh, kèm dòng quảng cáo “tác giả của bộ truyện Kính vạn hoa”, in trên bìa sách một tập nào đó, tôi còn nhớ láng máng là “Hạnh phúc lớn nhất là được sống lại tuổi thơ lần thứ hai của mình”. Thi xong, vội vàng vì người thân đón, tôi không kịp gặp người bạn chưa kịp biết tên ấy. Chúng tôi cũng không có cơ hội học cùng nhau, vì kết quả của tôi, mặc dù bài thi Văn được “á khoa”, nhưng bài thi toán lại be bét, và theo lời bố tôi, các thầy rất tiếc vì năm ấy không mở lớp chuyên văn nữa, nếu không, tôi sẽ được… chiếu cố.

Đến giờ, niềm yêu thích của tôi với Nguyễn Nhật Ánh, tôi vẫn không thật sự hiểu được. Tôi đọc Tôi là Bêtô, đọc Đảo mộng mơ… đã kém hưng phấn đi nhiều, nhưng những tác phẩm của ông vẫn tặng tôi những tiếng cười trong trẻo. Tôi vẫn nghĩ Nguyễn Nhật Ánh sẽ không bao giờ viết được một tác phẩm kiểu… fantasy. Đọc Đảo mộng mơ, cứ bần thần nghĩ sao ổng không cho đó là cái đảo thật luôn, cuối cùng lại vẫn là… đống cát.Tôi đọc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đến đoạn gặp công chúa, qua mấy trang truyện vẫn là công chúa và đức vua, lòng hồi hộp vô cùng… rồi lại biết ngay là những con người quen quen nào đó mà thôi. Có điều, Nguyễn Nhật Ánh đã sống sâu với cái hiện thực của ông đến nỗi nó cứ tự nhiên chảy vào văn chương ông như cát chảy trong lòng tay. Cái sức quyến rũ lớn nhất của Nguyễn Nhật Ánh chính là cái hiện thực tưởng phổ biến và rất quen thuộc đó, nhưng chỉ có ông phơi bày, chứ không phải cất giấu, trong những trang truyện. Tôi không biết nếu dịch sang một ngôn ngữ khác, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh sẽ như thế nào?

Khi học lớp 6, tôi đã từng bắt chước viết những truyện kiểu Kính vạn hoa, mà nhân vật tất nhiên là tôi và nhóm bạn thân, có đứa trong lớp vô tình đọc được, tỏ ra rất thích thú. Nhưng rồi, đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa viết lại, chưa kể lại tuổi thơ mình, điều mà tôi đã từng ba hoa với không ít bạn bè, điều mà không ít bạn bè ngày xưa lắc lơ – biết tôi viết lách – vẫn đang đợi và nhắc nhở. Nhưng cũng biết, tôi không bao giờ viết theo kiểu của Nguyễn Nhật Ánh được. Sự sống động tự nhiên và quyến rũ của đời thường, qua ngôn ngữ của Nguyễn Nhật Ánh, đã là một thứ đặc sản, một thức quà ngon từ kí ức, ngon vì kí ức… Cũng như đôi khi thèm ăn một chiếc bánh quế tuổi nhỏ, một miếng bánh đa kê hay một chiếc kem bông, biết là bây giờ ăn không thể ngon được như xưa nữa, nhưng cái cảm giác ngon lành và sung sướng ấy thì cứ như, mà tôi muốn so sánh biến báo đi, những chút hoa vàng trên cỏ biếc, bền bỉ sống trong tâm hồn….

Nhã Thuyên, nhóm Nhiệt đới.

About admin2

Scroll To Top