Nói như vậy không sai. Mười lần tôi gặp gỡ các bà mẹ trẻ thì chín lần rưỡi được nghe ca cẩm về chuyện ăn uống của con. Nào trớ, nào biếng ăn, nào phải “nhồi”, nào phải cầm bát đi rong, nào ngậm không chịu nuốt. Có cảm giác như, quá trình nuôi con nhỏ là quá trình đánh vật với sự ăn, và stress cứ từ đó mà tích tụ theo năm tháng.
Những tiêu chí “bất thành văn” và áp lực vô hình đối với cha mẹ trẻ
Ai cũng biết rằng, ngoài các chỉ số chiều cao cân nặng chung mà các tổ chức y tế đưa ra dựa trên những nghiên cứu khoa học thì mỗi đứa trẻ còn có một “chuẩn” phát triển cho riêng mình phụ thuộc vào đặc điểm gene và những yếu tố về địa lý, kinh tế. Vì thế, thật không khoa học khi so sánh đứa trẻ này với đứa trẻ kia thay vì so sánh các chỉ số phát triển của chính đứa bé từ khi sinh ra và hàng tháng.
Tôi nhận thấy việc so sánh – mà thường là một cách rất cảm tính, bằng mắt – đã gây áp lực không nhỏ đối với những người mẹ đang nuôi con. Những bà mẹ có con tròn trịa, tay chân có ngấn, bế “đầm” tay thường được coi là “biết nuôi con” so với những mẹ có đứa con dong dỏng, “roi rói”, gầy gầy. Vô phúc mà mẹ lại đậm người thì thường bị “trách yêu”: – Trời ơi, mẹ ăn hết của con!
Từ áp lực bất thành văn của sự “BIẾT NUÔI CON”, “NUÔI CON KHÉO”, sự so sánh giữa độ bụ bẫm của đứa bé này với đứa bé kia mà xảy ra nhiều vấn đề lệch lạc trong việc “nhồi trẻ ăn”. Mỗi bữa ăn là một sự đánh vật với trẻ. Với nhiều gia đình có em bé 2, 3 tuổi, giờ ăn là một cuộc chiến. Bố quát. Bà nựng. Mẹ chì chiết. Bác giúp việc dỗ dành. Rồi tivi bật quảng cáo để đứa trẻ mải xem mà nuốt. Tôi nhớ mãi hình ảnh một bé 2 tuổi cứ đến giờ ăn là mẹ trịnh trọng đặt bé vào ghế, ghế đặt trước màn hình tivi. Tay bé luôn giơ lên đẩy thức ăn ra. Mẹ thì vừa chỉ tivi vừa lừa lúc bé không để ý đút một thìa cháo to mà đến miệng người lớn cũng khó tải nổi. Đấy là một trong những hình ảnh “kinh hoàng” ám ảnh tôi tôi, minh chứng cho nhận xét “Chuyện ăn uống – nỗi khổ của con, nỗi buồn của mẹ”.
Ở nhà thì thế. Ở trường mẫu giáo thì việc “ăn hết suất” có vẻ như là một tiêu chuẩn quan trọng khi bố mẹ kiểm tra việc nuôi dạy trẻ của các cô giáo ở trường. Tôi còn nhớ, trong bữa ăn ở trại hè chỗ chúng tôi, có bạn nhỏ 8 tuổi đang rất vui vẻ, vừa nghe cô giáo nhắc “Ăn hết suất nhé!” là bỗng nhiên òa khóc, sợ hãi. Hẳn đó cũng là câu bé thường nghe trước đó ở trường. Và đó cũng là câu hỏi của các bố mẹ dành cho cô nuôi trẻ mỗi ngày. Chính từ áp lực ăn uống này mà xảy ra biết bao nhiêu câu chuyện đau lòng – ngược đãi trẻ chỉ vì trẻ không chịu ăn, dọa dẫm trẻ và nhiều hành vi phản giáo dục khác. Đứa cháu tôi có hôm đang ăn ở nhà thì ngây thơ nhắc nhở em nó: “Ăn nhanh lên không cô bắt con gián bỏ vào bát bây giờ!”. Tôi dám cá là không người lớn nào có nổi cảm giác ngon miệng khi nghe những lời nhắc nhở như vậy.
Sự biếng ăn của trẻ và … hành động của chúng ta
Đa dạng thức ăn. Những em bé bước vào quá trình ăn dặm cần được tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm một cách thận trọng để cơ thể học cách phản ứng với từng loại, để tiêu hóa và hấp thụ đồ ăn. Quá trình “học ăn” ấy đặc biệt quan trọng. Tiếp theo, trẻ lớn dần lên, cảm nhận riêng của chúng về mỗi loại thức ăn đã hình thành, cũng như người lớn vậy. Món này con thích, món kia không. Mùi vị món này hấp dẫn, món kia khó… ngửi, khó nuốt. Nhiều bà mẹ cho rằng trẻ thì biết gì, mình cho gì chúng ăn nấy. Theo tôi, đó là một quan niệm sai lầm dẫn đến việc nhồi, ép khiến cơ thể phản ứng càng mạnh, trẻ càng ghét món ăn đó hơn. Từ nhỏ được tiếp xúc thử với đa dạng đồ ăn là cơ sở cho việc trẻ có thể “ăn đa dạng” mà các cụ thường gọi là “sam sưa, dễ ăn”. Nếu có món bột món cháo nào đó có thực phẩm mà trẻ không thấy thích thì có thể dừng không lựa chọn nấu cho trẻ. Một thời gian sau thử lại, cảm nhận có thể sẽ khác.
Ăn là sự bù đắp năng lượng. “Ăn theo nhu cầu” được hiểu là ăn theo nhu cầu bù đắp năng lượng ở trẻ. Trẻ hoạt động nhiều, chơi ngoài trời hào hứng sẽ mất nhiều năng lượng hơn là các bé bị nhốt cả ngày trong nhà, đi lại thơ thẩn, ngồi một chỗ học bài, đọc sách. Vì thế mà sự “thèm ăn” hay “đói ngấu” của chúng hoàn toàn khác nhau. Vậy hãy tôn trọng nhu cầu ăn của trẻ như một quá trình hoàn toàn tự nhiên. Việc chúng ta cần làm chỉ là tạo điều kiện cho trẻ vận động hợp lý hơn trước đó.
Bữa ăn đúng giờ. Có rất nhiều tranh cãi về việc này. Người thì cho rằng ăn uống phải có giờ. Người thì cho rằng thèm ăn lúc nào cho ăn lúc đó, không cần giờ giấc khuôn mẫu. Tôi nghĩ, việc ăn đúng giờ và cảm giác thèm ăn hoàn toàn có thể không mâu thuẫn với nhau. Chúng ta còn nhớ nhà sinh lý học nổi tiếng của Nga Ivan Pavlov với nghiên cứu về phản xạ có điều kiện của mình. Nếu ở nhà tạo được một thói quen đi kèm với giờ ăn thì sẽ tạo được sự tiết dịch vị đúng lúc dựa trên các “điều kiện”. Chẳng hạn, chuẩn bị đến giờ ăn, người lớn dọn bàn; mẹ hát “Giờ ăn đến rồi, giờ ăn đến rồi… Mời bé ra, mời bé ngồi, mời bé xơi…”; mẹ đặt bé ngồi vào ghế ăn riêng; tiếng bát đĩa lanh canh… Mọi điều kiện ấy sẽ hình thành phản xạ tiết dịch vị, cảm giác thèm ăn của bé. Đương nhiên, thói quen luôn cần được xây dựng từ sớm và kiên nhẫn, giữ nguyên tắc. Nếu gia đình tiện lúc nào ăn lúc đó thì cũng khó có được “phản xạ” này.
Tuy vậy, ăn uống rõ ràng vẫn là một hoạt động tự nhiên của con người. Ăn uống, dinh dưỡng rất quan trọng, nhưng nó không quan trọng đặc biệt hơn các hoạt động tự nhiên khác của con người. Thái độ “tự nhiên”, bình tĩnh của bố mẹ trước mỗi bữa ăn của bé cũng trao cho bé cảm giác bình ổn, “tự nhiên”, không thấy đây có thể là một vấn đề mẹ quan tâm hơn và mình có thể … gây áp lực cho mẹ bằng việc ăn hay không ăn món gì đó. Hãy để mỗi bữa ăn diễn ra tự nhiên và là một niềm vui chứ không phải là một cuộc chiến mà vô hình trung đã đẩy đứa trẻ và người cho bé ăn ra hai bên “chiến tuyến” . Trẻ nên được cùng ngồi với cả nhà, chí ít là bữa tối, khi cả nhà đông đủ. Người này nói câu chuyện này, người kia đùa một câu… Sự giao lưu dễ chịu quanh bàn ăn cũng khiến cho sự ăn trở nên thực sự tự nhiên. Một cảm giác tự nhiên cần thiết cho những “cảm xúc ăn uống” của bé. Không phải ngẫu nhiên mà gia đình đông con thường ít vấn đề lo lắng về ăn uống hơn. “Cảm xúc ăn uống” được lây lan. Bố mẹ cũng quá bận để có thể ngồi theo dõi từng thìa cơm và giục hay mắng mỏ đe nẹt. Ăn no rồi thì có thể đứng dậy chứ không phải “ăn hết đã” hay “ăn thêm vài thìa nữa cho mẹ vui”.
Các mẹo mực làm tăng cảm giác thèm ăn, ngon miệng đôi khi cũng cần đến:
– Hình thức bữa ăn – bát đũa xinh đẹp, trang trí món ăn vui mắt, sống động, màu sắc kích thích dịch vị. Đôi khi nhờ bé giúp đặt lát cà chua, dưa chuột vào đâu đó trên đĩa tạo hình, rắc gia vị hay đổ tương cà chua tạo thành má hồng của mặt người trên đĩa thức ăn. Việc được tham gia cũng khiến bé hào hứng ăn “thành quả” của mình hơn;
– Trẻ được chủ động lựa chọn đồ ăn, tự xác định khẩu phần ăn của mình – mẹ xới cơm và hỏi “Con ăn từng này đã đủ chưa?”. Thường xới ít một chút để bé có thể ăn hết suất một cách tự hào, sau đó có thể lấy thêm. “Kỹ thuật” này cũng có thể gây hứng thú với bé.
– Trước khi ăn 15 phút cho uống ¼ cốc nước quả nấu nhẹ, có tác dụng kích thích dịch vị.
– Những thử nghiệm thú vị bên bàn ăn: đôi khi cho phép trẻ kết hợp món này với món kia một cách buồn cười cũng mang lại niềm vui ăn uống của trẻ. Chẳng hạn, ăn cơm với… chuối, bánh mì kẹp xoài, bơ rắc đường, bơ rắc muối..v.v.
Rất nhiều trường hợp biếng ăn liên quan đến các vấn đề tâm lý: trẻ lo lắng vì sự đổi thay nào đó trong cuộc sống. Bố đi công tác; bố mẹ cãi nhau; chuyển nhà; thay đổi cô giáo trên lớp; thay đổi người chăm sóc trẻ..v..v. Chính vì thế, càng nên bình tĩnh, kiên nhẫn với chuyện ăn uống của trẻ. Một vài bữa ăn ít đi không ảnh hưởng gì nhiều lắm đến sức khỏe. Khi bình tâm, trẻ sẽ lại muốn ăn như thường. Một điều nữa cũng có thể tạo ấn tượng tâm lý không có lợi: người lớn luôn than vãn với nhau trước mặt trẻ về việc trẻ “biếng ăn lắm”, “chẳng chịu ăn gì”… Đôi khi biếng ăn thứ phát vẫn xảy ra khi trẻ thường xuyên nghe những “kết luận” về mình như vậy từ người lớn cộng với những thể hiện cảm xúc tiêu cực.
Trong phần lớn trường hợp, việc trẻ mất cảm giác ăn, không muốn ăn một thời gian dài hoặc đột xuất đều cảnh báo về vấn đề sức khỏe, bệnh lý. Cần đưa trẻ đi khám, thử phân đánh giá vấn đề tiêu hóa và phát hiện các vấn đề khác mà chúng ta không thể võ đoán ở nhà. Hãy tin tưởng ở các nhà chuyên môn. Có thể chỉ một “cua” men tiêu hóa hoặc vitamin mà cảm giác ăn uống của bé tốt hơn. Nhưng men hay vitamin cũng nên do bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, khi đột nhiên con chán ăn, có thể là cơ thể mệt mỏi, cảm nhẹ mà nếu chăm sóc đúng cách, không nhồi ăn, trẻ sẽ khỏi rất nhanh. Nhiều người lớn vẫn ép trẻ ăn đủ suất khi người mỏi mệt – điều này chỉ khiến cơ thể mệt thêm và chán ăn thêm. Vấn đề bé mà xé ra to: biếng ăn tạm thời trở thành biếng ăn kéo dài – là vì thế.
Cuối cùng, chính người mẹ cần có cái nhìn tích cực, lạc quan về quá trình lớn lên của con mình, trong đó, ăn uống chỉ là một “công đoạn”. Đừng biến việc nuôi con thành việc … cho ăn, vỗ béo. Nếu con vẫn lên cân dù không nhiều, không đau ốm, da dẻ sáng đẹp, luôn chạy nhảy hạnh phúc – mẹ hãy tự tin vào khả năng nuôi con vốn là bản năng của mình và hạnh phúc cùng con…
TSGD Nguyễn Thụy Anh (Tạp chí Mẹ&Bé, 12/2014)