Home / Bài Viết / Chuyện của Tim: TIM HỌC NGOẠI NGỮ

Chuyện của Tim: TIM HỌC NGOẠI NGỮ

Mẹ Hằng thỉnh thoảng ba hoa với Tim bằng tiếng Anh nghe cũng vui tai. Chẳng hại gì vài câu đùa , nhưng bố Tâm cũng lưu ý rằng tiếng Anh chẳng quan trọng gì với đứa trẻ 3 tuổi, nếu không nói là sẽ làm nhiễu loạn thói quen tiếng Việt đang hình thành mà lẽ ra cần phải trong veo.

Trẻ em 3 tuổi cần phải biết, giỏi ngay lập tức những kỹ năng: làm sao biết bơi khi rơi xuống ao; khi ngã biết cuộn thân mình vòng tròn tránh va đập; gặp nạn lửa, nước, điện , dao, vật nhọn, kim loại cứng, biết khôn khéo tìm cách tránh né thật an toàn, biết kể lại những chuyện khó nói của bản thân, biết chia sẻ, thân thiện trong giao tiếp.

Quan trọng nhất là các kỹ năng khi bị lạc và kỹ năng quan sát trong giao thông (Chỉ cần phạm vi vỉa hè hoặc sân chơi chung). Khi nào bị lạc, được người lớn hỏi: Bố cháu tên là gì? Phải nói là bố Tâm kèm số điện thoại ; Mẹ tên là gì? Phải biết nói là mẹ Hằng kèm số điện thoại. Bài này, bố cháu đã huấn luyện kỹ rồi.

 

“Mình đã tròn 3 tuổi! Hoan hô… (Ura..a…a! Gr….eat…!)

Gần đây, Tim bắt đầu được học tiếng Anh tại trường mẫu giáo. Cứ thứ sáu hàng tuần có cô giáo trẻ măng đến dạy. Thế là Tim biết chào hỏi bằng tiếng Anh cùng một số từ mới.

Bà ngoại thích lắm, cứ ngỡ cháu bà là siêu nhân, thỉnh thoảng lại hỏi Tim về tiếng Anh: Mũi là gì?

Tim bảo: Nầu xịt.

Thế là bà lại vỗ tay khen Tim giỏi quá! Tim chẳng biết đọc phụ âm cuối “s” thế nào mà cứ thành chữ xịt.

Bà lại hỏi: Mồm là gì?

Tim đáp : Mao xịt.

Bà hỏi: Mắt là gì?

Tim đáp: Ài xịt

Tim thì chẳng thấy điều đó có gì là giỏi cả nhưng được khen vẫn tốt hơn là không. Người lớn còn thích lên sân khấu nhận bằng khen huống chi Tim. Tuần nào, truyền hình chả truyền hình trực tiếp những cuộc trao giải, tuyên dương mà bản chất là người lớn thích được phổng mũi.

Nhà mình thỉnh thoảng lại xuất hiện một chú chuột đi hiên ngang từ bếp đi lên, hoặc từ ban công đi vào, đi một cách “mục hạ vô nhân”, không coi ai ra gì. Mỗi lần như thế, bố Tâm lại phải hì hụi gài bẫy. Hàng mấy chục con đã bị bố Tâm tóm gọn. Tim thích lắm. Bẵng đi một thời gian, tre già măng mọc, lại có con mới. Hễ thấy con nào mới xuất hiện là mẹ lại ra chỉ thị: Bố Tâm phải giải quyết con Maossss đi nhé.

Bố Tâm bảo: Tuân lệnh!

Tim thắc mắc: Con mao là con mồm hả mẹ? Con mồm là con gì?

Ôi trời. Lại còn biết dịch tiếng Anh nữa cơ đấy.

Mẹ Hằng phá lên cười: Khổ thân con trai. Bé tý mới gần 3 tuổi đầu mà đã bị nhồi tiếng Anh rồi. Mao này là mao chuột chứ không phải mao mồm.

Bố Tâm bảo: Em thật rắc rối, sao không gọi thẳng nó là con chuột cho nhanh. Mao, Mủng cái gì.

Mẹ Hằng trố mắt: Ông chồng mình hay nhỉ. Nguyên tắc của đánh bẫy chuột là không được nhắc đến tên nó. Nó nghe được là teo. Em nói “Mouse” là có một chút hy vọng mong manh là con chuột này chưa được bồi dưỡng tiếng Anh.

Đoạn này thì đến lượt bố Tâm cười rung cửa kính. Xưa nay, trước khi bắt chuột, bố Tâm đều đứng giữa nhà nói oang oang: Đồng chí chuột thân mến. Nhân danh pháp luật, bảo trước cho mà biết. Nội nhật ngày hôm nay, đồng chí sẽ bị bắt.

Kết quả là tất tần tật, chưa có đồng chí nào chạy thoát. Thế nên bố cho rằng chuyện không dám nói tên chuột là thói quen vớ vẩn của những người không biết đánh bẫy mà thôi. Xét cho cùng thì con người vẫn khôn hơn con chuột.

Đây là con mèo đấy. Không hiểu Tim có đang nghĩ, “con mèo” tiếng Anh là gì không nhỉ?

 Hàng ngày, bà cháu trò chuyện với nhau, Bà lại hỏi: Cô giáo là gì?

Tim đáp: Tít trời

Chữ teacher có chứ “r” đằng sau nên âm thanh cong lưỡi cũng méo kiểu “trời” thật. Tai tinh phết đấy.

Bà lại hỏi: Giầy là gì?

Tim bảo: Su xịt.

Bà lại hỏi thế chân là gì?

Tim đáp: Không có “chân là gì?”

Liều thật cơ. Tim dám khẳng định không có câu “chân là gì?”. À. Bố Tâm nghĩ ra rồi. Có lẽ phải hiểu là Tim chưa bao giờ nghe thấy cô giáo hỏi câu “chân là gì?” Nhưng mà  Tim đã sõi tiếng Việt đâu mà biết diễn đạt. Khổ thế!

Học hành kiểu Tim gọi là Việt – Anh phối kết hợp, tương tự Đông – Tây y kết hợp với Cúng.

Bà vẫn thích thú hỏi: Con trai là gì?

Tim bảo : Bỏ ói

Bà hỏi tiếp: Con gái là gì?

Tim: Gở ớ

Bà sung sướng như gặp thần đồng, lại hỏi:

Mẹ là gì?

Tim trả lời: Mẹ là Hằng.

Bà không thỏa mãn, lại hỏi: Bà hỏi mẹ là gì tiếng Anh cơ.

Tim nhăn nhó trả lời: Mẹ là mẹ Hằng. Mẹ là mẹ Hằng…

Nói xong câu này Tim nhảy cẫng lên hoan hô. Đúng rồi nhỉ. Mẹ thì là mẹ Hằng chứ còn ai nữa!

Bố Tâm thì khen: Chính xác. Mẹ là mẹ Hằng. Thế thôi, không phải tiếng Anh tiếng ủng gì hết. Bao giờ đến cấp 2 Tim mới nên học tiếng Anh. Mẫu giáo và cấp 1 hãy dùng tốt tiếng Việt đi đã.

Bây giờ cứ ai hỏi “mẹ” là gì? Tim cứ bảo mẹ là Hằng nhé.

Bé Tim – diễn viên nhí trong Clip bài hát “Tiếng Việt”(Lời thơ: Lưu Quang Vũ, nhạc: Lê Tâm)

Tiếng Việt của Tim bây giờ đang “trong veo…”

About admin2

Scroll To Top