TNTP – Đây là câu chuyện về cô gái với cái tên Olia dễ thương, sinh năm 1989 và hành trình đi tìm giấc mơ trên đất Việt của mình.
Mới chỉ nghe kể về Việt Nam đã thấy Việt Nam gần gũi như quê hương xứ sở của mình. Mới đến Việt Nam lần đầu đã quyết định mình sẽ phải quay trở lại. Và khi được làm việc cùng các cộng sự tại Câu lạc bộ Đọc sách cùng con đã cảm nhận đây là ngôi nhà mình muốn được ở lại và đất nước Việt Nam là quê hương mình hạnh phúc khi được sống, làm việc, được trở về như trở về ngôi nhà trên đất nước Nga.
Olia với nét duyên tà áo dài cách điệu.
Từ những rung cảm đầu tiên…
Những năm học Đại học Quốc gia tại Thủ đô Mátxcơva, Olia đã kết bạn với một cô gái Việt Nam tên là Thu. Được Thu mời về ăn cơm cùng gia đình, nghe những câu chuyện quanh bữa ăn, quanh bàn trà về quê hương, con người, phong tục, nếp sống của người Việt Nam, Olia bỗng cảm thấy gần gũi như câu chuyện đang kể về chính quê hương mình vậy.
Làm quen với các bạn sinh viên Việt Nam khác nữa, càng ngày Olia càng thêm yêu mến Việt Nam và ước mơ được đến Việt Nam cũng càng thôi thúc.
Học xong Đại học ngành đồ họa, làm thêm và tiết kiệm mọi chi phí, Olia đã có chuyến du lịch đầu tiên đến Việt Nam. Thật kỳ lạ, ngay sau khi đặt chân xuống sân bay trở về, Olia đã có quyết định: Nhất định mình sẽ phải sớm quay trở lại mảnh đất này!
Những dấu ấn Việt Nam trên bưu thiếp qua nét vẽ của Olia.
“Mấy ai cắt nghĩa được tình yêu?”
Olia với tâm hồn Nga đặc biệt yêu thơ ca, đó là tình yêu đã ngấm trong dòng máu. Và chị giải thích tình yêu với Việt Nam cũng vậy, nó không phải ở cái nhìn đầu tiên, ở những điều được nghe kể, nó ở thẳm sâu bên trong tâm hồn và chúng ta chẳng thể cắt nghĩa.
Như việc Olia gặp gỡ bao con người, đi qua nhiều vùng đất nhưng chỉ ở Việt Nam chị dường như mới tìm thấy tình yêu thực sự của mình. Olia yêu Việt Nam từ những điều rất cụ thể và giản dị: Kiến trúc Việt Nam, Ca trù, Quan họ Kinh Bắc, nét duyên dáng của tà áo dài hay thậm chí sự lộn xộn của chợ quê, ngõ phố hoặc thời tiết thay đổi một cách thất thường gây khó chịu về vấn đề hô hấp, Olia cũng thấy thật thú vị!
Giấc mơ mang tên “Cổ tích”
Trước khi đến Việt Nam, Olia từng ấp ủ sau khi tốt nghiệp Đại học sẽ được dạy vẽ cho thiếu nhi. Olia muốn gieo những hạt giống nghệ thuật vào mảnh đất trong trẻo nhất. Và khi đến Việt Nam, ước mơ ấy càng rõ ràng hơn. Lần thứ ba trở lại Việt Nam bằng cách du lịch, Olia đã bày tỏ nguyện vọng này với một người bạn Việt và được kết nối với Câu lạc bộ Đọc sách cùng con. Cơ duyên đặc biệt, Tiến sĩ Thụy Anh, Chủ nhiệm câu lạc bộ cũng là người đã sinh sống, học tập, làm việc ở Nga hàng chục năm trời. Và từ đó câu lạc bộ thực sự trở thành ngôi nhà mơ ước cho Olia. Ở đó chị dạy các em nhỏ học vẽ, chị chơi và học làm người Việt cùng cộng sự với những tâm hồn trẻ thơ.
Thật hạnh phúc được sống trên quê hương Việt Nam.
Olia chia sẻ, được sống ở Việt Nam với công việc hiện tại, với chị đó như một giấc mơ hạnh phúc trong cổ tích, là sự sắp đặt kỳ diệu. Không thể nói trước được mọi điều nhưng Olia mong muốn Việt Nam sẽ là nơi chị ở lại mãi mãi.
Còn người kể lại câu chuyện của Olia thì chợt nhận ra rằng, tình yêu của chị – cô gái Nga mang tâm hồn Việt, sẽ nhắc nhớ mỗi người Việt biết yêu hơn Tổ quốc mình…
Bảo Lâm (ghi)
Thụy Anh (phiên dịch)
Nguồn: http://thieunien.vn