Home / Bài Viết / Dạo này con tôi ương bướng

Dạo này con tôi ương bướng

Ở độ tuổi lên 3 và 4, trẻ rất hay “từ chối” các yêu cầu của bạn, ví dụ như bạn yêu cầu trẻ dừng chơi, rửa tay và đi ăn cơm thì trẻ vẫn nhất mực ngồi chơi như chưa hề nghe thấy những gì bạn nói. Một loạt các tình huống oái ăm khác có thể xảy đến. Bạn vô cùng bực mình và quát con: “Sao dạo này con ương thế không biết!”.

Bạn rất nên biết rằng, lúc này, trẻ đã có thể tự do đi lại trên đôi chân của chính mình, vì vậy mà chúng ít phụ thuộc vào bạn hơn, chúng cũng cảm thấy mình mạnh mẽ hơn. Thậm chí, trẻ bắt đầu “nổi loạn”. Ương bướng chính là cách trẻ đánh giá bản thân mình.

Bạn có thể làm gì?

Luôn thấu hiểu. Khi bạn yêu cầu con vào bàn ngồi ăn trưa, con nói “Không phải bây giờ”, “Con không ăn” rồi khóc lóc khi bạn lôi bằng được con vào chỗ ăn. Hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của con. Hãy ôm con vào lòng, nói với con rằng thật khó để con ngừng chơi một trò chơi thú vị như vậy, mẹ biết điều ấy là rất khó khăn với con, nhưng bây giờ bữa trưa đã sẵn sàng và chúng ta cần ăn trưa.

 Ý tưởng ở đây là hãy cho con thấy, thay vì bạn là người đem đến vấn đề cho con, mà thực ra bạn luôn ở bên cạnh con. Cố gắng không “nổi cơn tam bành”. Hãy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết yêu cầu con thực hiện lời bạn khi con phải làm như thế.

Đặt ra các giới hạn. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo cần và muốn các giới hạn, vì vậy hãy là người đặt ra các giới hạn và đảm bảo rằng con bạn biết các giới hạn ấy. Hãy nói thật rõ ràng với con: Chúng ta sẽ không đánh nhau khi con chơi với bạn. Nếu con tức giận, hãy sử dụng lời nói cho bạn biết, không dùng nắm đấm. Hoặc khi hai mẹ con đi ra ngoài: Hãy nhớ rằng con luôn nắm tay mẹ ở nơi đông người.

Nếu con không tuân theo các nguyên tắc (hầu hết trẻ ở độ tuổi này đều như vậy), hãy tìm ra giải pháp. Nếu con đánh em vì con cảm thấy mẹ chỉ chăm em, thấy mình bị bỏ rơi, hãy giao cho con nhiệm vụ gì đó để cùng chăm em nhỏ với bạn, ví dụ như cùng mẹ cho em ăn, tắm cho em. Đó là cách mà hai mẹ con sẽ có khoảng thời gian đặc biệt với những kỷ niệm đặc biệt bên nhau. Nếu con không dám ngủ một mình vì sợ tối, hãy cho con một chiếc đèn pin để ở đầu giường.

Ảnh: Internet

Nhấn mạnh những hành vi tốt. Thay vì chỉ chú ý đến những lỗi lầm của trẻ, hãy cố gắng ghi nhận những hành vi tốt của con. Một cách đơn giản và cụ thể, chẳng hạn như “Cảm ơn con vì đã treo áo khoác lên móc áo”, “Thật tuyệt vời vì con chia sẻ đồ chơi với em”. Những khích lệ cụ thể như vậy sẽ khuyến khích con làm nhiều điều tốt hơn nữa.

Khi trẻ hành xử chưa tốt, chính trẻ cũng cảm thấy tồi tệ. Vì vậy mà đừng chì chiết trẻ. Những lời nói trong lúc nóng giận có sức gây tổn thương ghê gớm. Bạn cứ nghĩ rằng là bạn đang nói để trẻ hành xử tốt hơn, nhưng rốt cục bạn chỉ làm cho trẻ cảm thấy tồi tệ hơn nữa mà thôi, càng như vậy, trẻ lại càng sản sinh ra nhiều hành vi tiêu cực.

Còn một điều bạn cũng cần ghi nhớ, đặt ra kỷ luật với trẻ không có nghĩa là bạn điều khiển trẻ, nó có nghĩa là bạn đang dạy trẻ cách tự điều khiển chính mình. Các hình phạt có thể giúp trong một vài trường hợp cụ thể, nhưng chỉ dùng khi trẻ không sợ. Kịch bản tuyệt vời nhất là trẻ làm những điều đúng đắn vì trẻ muốn như vậy, trẻ sẽ có một ngày nhiều niềm vui với nhiều cảm xúc tích cực.

“Chỉnh” trẻ một cách tích cực. Ý tưởng ở đây là thông báo một điều mà trẻ không thích theo một cách “cool” nhất có thể. Thay vì ra lệnh: Hết giờ chơi rồi, đi về phòng con ngay, hãy mời trẻ đến ngồi trên sofa êm ái, hoặc ngồi ở một góc mà trẻ thích trong phòng, có thể coi như “góc bình tĩnh”, một chiếc gối, một chiếc chăn mềm mại và một vài cuốn sách trẻ yêu thích. Nếu trẻ từ chối, bạn có thể đi cùng. Nếu trẻ vẫn từ chối thì hãy thực hiện một mình, chỉ là thư giãn thôi mà. Đừng tham vọng cho trẻ thấy bạn đang làm mẫu cho trẻ, chỉ là bạn rất cần khoảng thời gian nghỉ ngơi như vậy. Khi hai mẹ con cảm thấy tốt hơn, đó chính là thời điểm thích hợp để cùng nói chuyện về những hành vi ứng xử phù hợp.

Nâng cao tự tin cho trẻ. Cho trẻ cơ hội được lựa chọn khiến trẻ cảm thấy tự tin hơn trong một môi trường có kiểm soát. Thay vì yêu cầu trẻ mặc chiếc quần bạn chọn cho trẻ, hãy để trẻ lựa chọn giữa 2 – 3 chiếc mà bạn đã chọn ra lần thứ nhất. Một cách nữa cũng có thể giúp trẻ cảm thấy có thể kiểm soát mọi thứ đó là nói cho trẻ biết những gì trẻ có thể làm thay vì chỉ nói những gì không thể. Chẳng hạn như không nên nói “Đừng có cầm gậy chơi trong nhà”, hãy nói “Con có thể ra ngoài và chơi với gậy”. Nếu con muốn ăn kem trước khi đi ngủ, nói với con rằng con có thể chọn lựa giữa một miếng pho mát hoặc một quả táo.

Lựa chọn “tác chiến”. Nếu con rất muốn mặc quần áo con tự chọn mà rõ ràng bạn thấy chẳng phù hợp chút nào, bạn sẽ làm gì? Nếu con thích trộn đủ thứ “hầm bà lằng” vào bát cơm, bạn sẽ thấy thế nào? Đó chính là thời điểm bạn nhìn mọi thứ theo một cách khác – mình có cách của mình, còn con có cách của con, mỗi người có phương pháp khác nhau để khám phá mọi thứ, từ đồ ăn thức uống cho đến quần áo, thời trang.

Phân tâm và chuyển hướng. Hãy tránh những tình huống châm ngòi cho việc trẻ ương bướng. Nếu hai mẹ con đang đi mua sắm và sắp sửa đi ngang qua cửa hàng đồ chơi mà rõ ràng là bạn chưa hề muốn mua đồ chơi mới cho bé con, bạn có thể rẽ sang một hướng khác, hoặc chỉ cho con thấy bạn đang cần mua đồ gia dụng, mẹ con ta sẽ đi thật nhanh qua khu vực này.

Tôn trọng lứa tuổi và giai đoạn của con. Khi bạn yêu cầu con dọn dẹp giường ngủ, hãy chắc chắn là con hiểu những gì bạn nói và biết cách làm. Dành thời gian dạy con các việc mới, làm cùng con cho đến khi con thành thục. Nhưng cũng hãy nhớ, đừng ngay lập tức dạy con những việc quá khó, đi từ dễ đến khó luôn là điều mà các chuyên gia gợi ý trong trường hợp này.

Cuối cùng, hãy tôn trọng thế giới “có một không hai” mà trẻ đang sống, đặc biệt là cách con nhận biết về thời gian. Thay vì mong đợi con vừa mới kết thúc một trò chơi ở trường đã ngay lập tức ngoan ngoãn theo bạn về nhà, hãy cho con vài phút “đệm” để con biết rằng mình đã kết thúc thời gian chơi, đến lúc cần về nhà với mẹ. Dù rằng chẳng có gì đảm bảo là con sẽ về nhà với bạn mà không càu nhàu một chút. Nhưng hãy nhẫn nại và kiên quyết, con bạn sẽ nhận ra rằng ương bướng không phải là cách để đạt được những gì mình muốn.

 

Hiếu Nguyễn dịch (Tác giả: Karen Miles – Thẩm định: Hội đồng Cố vấn BabyCenter)

Hội đồng cố vấn của BabyCenter gồm các chuyên gia uy tín và dày dạn kinh nghiệm trong các lĩnh vực nhi khoa, sản khoa, tâm lý học, nuôi dạy con..v.v. Hội đồng chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác và phù hợp của các thông tin trên website babycenter.com.

About admin2

Scroll To Top