Càng ngày cuộc sống càng căng thẳng, dễ xảy ra xung đột hơn: từ người hàng xóm trót lỡ để quên vòi nước làm nước chảy ướt nhà chúng ta, từ việc ra đường va vào nhau nhẹ nhẹ, từ chuyện hai đứa trẻ xích mích cãi cọ gì nho nhỏ – tất cả đều có thể ngay lập tức bé xé ra to. Nhẹ thì cãi nhau, dùng lời làm nhau mệt mỏi. Nặng hơn thì ẩu đả, đánh nhau. Trong những năm gần đây, đã biết tới nhiều trường hợp chỉ vì một lời nói mà các bạn trẻ đánh nhau đến chết, nhiều gia đình mất con hoặc con vào tù, bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn không mong muốn.
Vì thế, tôi cảm thấy, rất cần phải trở thành một người biết nghe để hiểu người khác, nghĩ cho cả người khác để chính mình cảm thấy bớt tổn thương. Đây không phải là “AQ” mà là những thao tác cần thiết trong việc kiểm soát cảm xúc bản thân, đồng thời cũng là một cơ chế tự bảo vệ mình, tránh cho mình khỏi những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực lẽ ra không nên có.
Dạy NGHE thông qua tấm gương của bố mẹ
Để dạy con biết NGHE người khác, chính bố mẹ cũng phải học cách NGHE con. Chính trong quá trình đối xử với đứa trẻ ở nhà, muốn hay không muốn, chúng ta dạy cho nó rất nhiều – kể cả những điều tích cực lẫn tiêu cực. Có trò chơi này tôi xin mời các bố mẹ tham gia: bạn hãy quan sát, lắng nghe vợ hoặc chồng bạn khi cô ấy (anh ấy) đang trò chuyện với con. Hãy ghi lại câu trả lời cho những câu hỏi dưới đây:
- Người mẹ (bố) có dừng mọi việc mình đang làm để quay sang nhìn con một phút nào không?
- Người ấy lắng nghe nó kể một câu chuyện, kiên nhẫn không ngắt lời?
- Bạn có thấy người ấy gật đầu – mỉm cười – giơ ngón tay cái tán thưởng – đập bàn tay vào tay con – vỗ vai – ôm? – dù chỉ một trong những động tác đó?
- Bạn có thấy người ấy ừ hữ, à lên, hay có phản ứng gì khác bằng lời nói khi con bạn kể chuyện?
- Nếu bạn trả lời CÓ với 2 trong 4 câu hỏi trên thôi, thì người mẹ (bố) ấy có khả năng trở thành phụ huynh biết lắng nghe.
Lắng nghe và quan sát từ mọi phía như hươu cao cổ
Tuy nhiên, biết NGHE TÍCH CỰC còn cần phải biết những kỹ năng liên quan đến từ KHÔNG:
- KHÔNG cho rằng mình biết tất cả, biết đâu người kia sẽ cho mình một thông tin hay! Tôi có một anh bạn hồi nhỏ luôn bị ghét vì có thói quen nói “À, biết rồi! Có phải….?” khi người khác đang kể câu chuyện mà chưa dứt lời, trong khi bản chất anh bạn này là người rất tốt.
- KHÔNG phủ nhận cảm xúc của người nói. Người nói có mọi quyền có cảm xúc và nói ra cảm xúc của mình. Việc nghi ngờ hoặc phủ nhận cảm xúc của ai đó là việc dễ gây tổn thương cho họ nhất và tạo nên một cớ cho mối xung đột về sau. Chẳng hạn, đứa trẻ bảo sợ thì bố mẹ lại “Có gì mà sợ! Chả có gì đáng sợ cả!”; đứa trẻ thấy bực mình khi một người bạn làm mất sách đã mượn nó, bố mẹ lại bảo: “Chỉ có cuốn sách thôi mà, có gì mà phải bực mình!”..v.v.. Phủ nhận cảm xúc là điều khiến người nói chuyện cùng bạn dễ cảm thấy bị xúc phạm. Nếu là đứa trẻ, đôi khi nó sẽ hoang mang và không hiểu thực sự nó phải hành xử thế nào khi mà rõ ràng nó cảm thấy giận dữ, bực bội, sợ hãi, lo lắng, đau, ghen tức … mà bố mẹ lại gạt đi, không công nhận điêu đó.
- KHÔNG phán xét đứa trẻ khi nó đang kể chuyện. Đó là thói quen khiến chúng ta mất đi mọi giao cảm tốt đẹp với người đối diện. Hẳn không ai thích nói chuyện, chia sẻ với một người lúc nào cũng đứng ở vị trí “quan toà” đưa ra kết luận ta đã sai, hay đơn giản là bênh vực người trong câu chuyện ta kể. Mọi phân tích đúng sai, lý giải logic không nhất thiết phải sử dụng khi trò chuyện, lắng nghe.
- KHÔNG đưa ra lời khuyên một cách kẻ cả. Ngay cả khi ở vị trí người lớn, là bố mẹ, cũng không phải lúc nào mình cũng “biết tuốt”. Nếu đứa trẻ, đặc biệt là nhóm tuổi teen không nghiêm túc đề nghị bố mẹ giúp một lời khuyên thì việc nó kể lể gì đó với chúng ta với thái độ buồn bực hay thất vọng cũng chỉ để trút bớt nặng nề, tìm một sự đồng cảm, nếu được hơn thế – là đồng minh. Nếu hiểu được điều đó, bạn sẽ là người nghe tuyệt vời, người luôn được tin tưởng trao gửi bí mật.
- KHÔNG so sánh. Trong các câu chuyện với đứa trẻ, việc so sánh người này với người kia bằng mọi hình thức đều đem đến cảm xúc tiêu cực. Thậm chí chỉ là nêu một tấm gương nào đó để nó noi theo, khen tấm tắc một ai đó có cách hành xử khác nó – tất cả đều là thiếu tế nhị. Bố mẹ hãy kiềm chế không thực hiện điều này bởi mỗi người, mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng, không ai muốn mình bị/phải giống hay bắt chước tác phong của người khác. So sánh là việc dễ gây phản ứng tiêu cực khó giải toả nhất.
- KHÔNG mỉa mai, giễu cợt. Không nói thì ai cũng biết, điều này khó chịu đến thế nào. Không chỉ gây khó chịu, nó trực tiếp kích động, là tác nhân gây xung đột tức thời. Nguy hiểm hơn nữa nếu những đứa trẻ thường xuyên phải nghe lời mỉa mai, “chọc ngoáy”, chúng dễ có xu hướng nói những lời như thế với người khác mà không biết. Không hay ho gì việc dùng lời cay nghiệt làm người khác mất kiểm soát hành vi. Chúng sẽ tự làm mất bạn bè, dễ gây xích mích, thậm chí là nguy hiểm cho bản thân từ thói quen vô tình đó.
Trên thực tế, dạy trẻ NGHE thông qua cách NGHE con của bố mẹ là ta giúp cả chính bản thân mình tìm được sự đồng cảm với con, từ đó có được sự đồng thuận trong gia đình. Ngược lại, đó cũng là cách trẻ, rất tự nhiên, học được kỹ năng giao tiếp và tinh tế trong ứng xử: tôn trọng người khác. Điều này là phương pháp hoá giải mọi mâu thuẫn.
Những kỹ năng chỉ là kỹ năng của mình nếu mình thực hiện nhuần nhuyễn, không phải lên gân cố gắng và rất chân thành. Muốn thế, hãy nghĩ trước về điều này khi bạn chuẩn bị nói chuyện với con hoặc khi đứa trẻ sắp trở về sau giờ học. Việc “luyện tập” trước cũng là điều cần làm.
Tuy nhiên, để có được sự tích cực từ hai phía, ta còn phải biết cách chia sẻ cảm xúc, mong muốn, thậm chí sự bức xúc hay ý kiến phản biện của mình để người ta hiểu mình. Đó mới là sự đồng cảm trọn vẹn.
TSGD Nguyễn Thụy Anh (Tạp chí Mẹ&Bé 03/2018)