Home / Bài Viết / Để giờ tập làm văn trở nên dễ dàng hơn

Để giờ tập làm văn trở nên dễ dàng hơn

Anh chồng tôi có một cô con gái năm nay lên lớp Ba. Hôm nghỉ hè, cháu khoe với tôi:

– Thím ơi, cháu được điểm 10 môn Tiếng Việt ạ!

– Chà, giỏi quá! Ngoài phần chính tả thì đề tập làm văn là gì vậy cháu?

– Dạ, miêu tả một loại cây thím ạ!

– Cháu tả cây gì?

– Cháu tả cây dừa ạ!

Nhìn ra sân nhà, tôi bảo cháu:

– À, sân nhà ông bà nội có cây hồng xiêm, cháu tả cây hồng xiêm cho thím nghe nào.

– Cháu không biết tả.

– Nhưng cháu tả được cây dừa mà, sao lại không biết cách tả cây hồng xiêm.

– Cây dừa là do cô giáo bảo chúng cháu học thuộc, nếu thi vào đề bài miêu tả cây cối thì cứ chép cây dừa vào là được ạ! Cả lớp cháu đều tả về cây dừa.

Câu chuyện xảy ra trong gia đình tôi nhưng có lẽ nó phản ánh đúng phần nào thực trạng dạy và học môn tiếng Việt, tập làm văn hiện nay. Một năm học mới sắp bắt đầu, hãy giúp con bạn được sáng tạo đúng nghĩa khi tập làm văn mà không phải là học thuộc. Một vài gợi ý dưới đây sẽ giúp các bố mẹ hỗ trợ để môn tập làm văn trở nên dễ dàng hơn với con.

Cùng nhau viết. Hãy tận dụng mọi cơ hội, bất cứ khi nào bạn viết một bức thư, danh sách mua đồ, trả tiền hoá đơn hay điền vào một bảng phiếu, hãy mời con bạn tham gia cùng bạn. Trẻ sẽ học được rằng viết lách là một công việc không thể thiếu hàng ngày.

Viết bằng cát, bột. Hãy cùng con viết chữ bằng các “nguyên vật liệu” khác như cát, bột làm bánh. Và thật tuyệt vời là sau đó cả nhà có thể nếm luôn kết quả là những chiếc “bánh chữ”.

Viết bằng đất sét. Trước tiên, bố mẹ viết các con chữ lên bảng, sau đó hãy nhờ con giúp bạn tô lại các con chữ bằng cách dùng đất sét. Không chỉ giúp bé nhận biết mặt chữ, cụm từ, chơi với đất sét còn giúp bé luyện các ngón tay chắc khoẻ mà sau này khi học đi xe đạp, lái xe máy, ô tô, con bạn sẽ rất cần.

Nhật ký du lịch. Một kỳ nghỉ hè không chỉ là một dịp lý tưởng để cả nhà giải trí, vui chơi, mà còn giúp con bạn “chơi mà học” rất hiệu quả. Ngoài những kỳ nghỉ dài ngày, hãy tận dụng cả những dịp đi chơi cuối tuần ngắn ngày như về quê thăm ông bà, đi chơi vườn thú, công viên. Khuyến khích con bạn mang theo một cuốn sổ ghi chép nhỏ và chúng có thể ghi những gì chúng nhìn thấy, những gì chúng đã làm, thậm chí dù cho có là vài con chữ nguệch ngoạc đi chăng nữa, đó cũng là cách bạn giúp trẻ dần dần tạo lập thói quen và kỹ năng viết lách.

Bạn Hà Huy Quân  lớp Nghĩ và Viết tại CLB Đọc sách cùng con

Con kể, mẹ viết. Hãy khuyến khích con kể lại một câu chuyện và bạn viết lại những gì con kể. Đề tài ư? Một bữa tiệc sinh nhật gần đây nhất mà con tham dự, chuyến du lịch của gia đình mùa hè vừa rồi, chuyến về quê thăm ông bà…v.v. Cho dù con bạn không viết, nhưng ít nhất thì con cũng đang nhìn bạn viết về những gì con kể. Đây cũng là một cách rất tốt để con thấy mối liên hệ giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Và tôi đoan chắc rằng con bạn sẽ rất hào hứng yêu cầu bố mẹ hoán đổi vị trí để chúng có thể trở thành “ký giả”.

Mô tả một bức tranh. Cùng nhìn vào một số bức tranh trong các cuốn tạp chí hoặc sách ảnh. Mời con nói cho bạn biết con nghĩ là mọi người, con vật trong tranh đang làm gì, đồ vật đó hình dáng như thế nào, màu sắc ra sao. Viết lời con mô tả vào giấy và coi đó như một lời thuyết minh, chú thích. Nếu bức tranh có hai người trở lên, hai mẹ có thể mời con tưởng tượng và viết lời thoại cho hai nhân vật.

“Xuất bản” một cuốn sách. Giữ lại cuốn vở vẽ của con trong năm học. Với mỗi bức tranh, hãy mời con giải thích ý nghĩa, thông điệp mà con muốn truyền tải thông qua bức tranh đó là gì và viết vào một tờ giấy, dán vào bên cạnh bức tranh. Sau đó, hãy mời con đặt tên cho cả cuốn vở vẽ để trở thành một “tự truyện” và con chính là tác giả. Hãy coi đó như là một cuốn sách thực sự và đặt lên giá sách cùng các cuốn sách khác.

Làm một tờ báo ảnh. Trong một chuyến dã ngoại của gia đình, của lớp, hãy chụp các bức ảnh của con với các bạn, người thân. Dán các bức ảnh vào một cuốn album, sách ảnh. Mời con nói cho bạn biết có những ai trong bức ảnh, bức ảnh được chụp ở đâu, mọi người đang làm gì và viết những gì con nói xuống giấy như lời chú thích. Đó cũng sẽ là một “tài sản” vô cùng quý giá bạn để lại cho con khi chúng lớn lên.

Viết nhật ký. Trẻ con thích nói về bản thân mình. Thông qua viết nhật ký, trẻ sẽ học cách “nói” về mình thông qua ngôn ngữ viết. Cho dù con bạn mới đi học và đang đánh vật với môn tập viết thì hãy cứ khuyến khích con viết một hoặc hai từ vào nhật ký hàng ngày, khuyến khích con sử dụng cả bút màu, trang trí cho cuốn nhật ký thật đẹp và cố gắng trở thành thói quen hàng ngày (thông thường là trước giờ đi ngủ). Nếu con bạn gặp khó khăn để bắt đầu, bạn có thể:

– Đưa ra những gợi ý cụ thể. Khuyến khích con viết những thông tin cơ bản như ngày mà con đi thăm ông bà, con gặp những ai ở nhà ông bà, địa chỉ nhà ông bà, và dù rằng con còn chưa viết thạo, hoặc viết nguệch ngoạc cũng được.

– Để con nói và bạn giúp viết lại, sẽ không lâu đâu, con bạn sẽ “giành lại quyền” được viết của mình.

Hiếu Nguyễn dịch

Tác giả: Holly Hanke

Nguồn: http://www.babycenter.com

About admin2

Scroll To Top