Home / EcoCamp / Để nhận ra mùa hè

Để nhận ra mùa hè

Tôi còn nhớ những năm xưa, khi chúng tôi còn học phổ thông, Hè đến rất dễ nhận ra. Ngẩng lên là nắng, là trời xanh, là phượng đỏ rực trời và tiếng ve lúc thì tha thiết, lúc lại đinh tai nhức óc. Và háo hức. Háo hức với những tiếng còi gọi tập thể dục buổi sáng của các anh chị phụ trách Đội trong khu phố, với tiếng xôn xao buổi tối sinh hoạt dưới sân nhà, với những buổi đi thư viện mượn cả chồng sách về chia nhau đọc… Và mồ hôi mướt mải bên những trò chơi ngoài sân, ngoài vườn…

Bây giờ, tôi nhắc mấy lần, cậu con trai tôi mới ngó lên, thờ ơ: “Vâng, Hè rồi!”. Hoa phượng vẫn thắm như thế, ve vẫn kêu inh ỏi như thế, nhưng trẻ con không mấy đứa nhận ra hay reo lên háo hức. Chúng còn phải cúi xuống những trang vở đề cương thi cuối cấp hoặc vội vã ngồi đằng sau xe bố mẹ chở đi đến một lớp học nào đó. Đôi khi chỉ là lớp học về kỹ năng, hoặc đàn, vẽ, học võ… cũng thật là phong phú và hữu ích.

Nhưng mà mùa Hè rồi sẽ lại trôi qua nhẹ bẫng, gần như không nhận ra nó đến và đi thế nào. Mùa Hè bị co ngắn lại đã đành. Mùa Hè cũng lại chỉ là một cái mốc nho nhỏ để nhiều bạn nhỏ gấp gáp bù đắp lại những gì còn thiếu hụt trong năm. Và những giờ học, cho dù là về thể chất hoặc ngoại khóa, thì vẫn là những giờ học triền miên. Cái từ “học” vang lên nhiều đến nỗi bọn trẻ sợ nó. Tôi nhớ một trường hợp, một cậu bé nhất định không vào câu lạc bộ Đọc sách cùng con của chúng tôi chỉ vì mẹ cậu lỡ nói một câu: vào đây để.. học đọc sách!

Bản thân từ “học” là một từ hay mà đứa trẻ nào hết tuổi mầm non cũng sẵn sàng đón nhận nó. Thế nhưng, bị lạm dụng, sử dụng nhiều quá, kể cả vào thời điểm người ta có thể nghỉ mà không phải học, than ôi, giờ cái từ đáng yêu sẽ đi cùng ta suốt đời ấy vô hình trung đã trở thành “ngáo ộp” trong tâm trí bọn trẻ mất rồi! Cộng thêm với áp lực thi cử, chọn trường hay trường tốt, những phàn nàn về các vấn đề giáo dục từ phía phụ huynh mà trẻ con cũng nghe được, thì thái độ ngại học, sợ học, mất hứng thú với việc học cũng là điều dễ hiểu ở một bộ phận học sinh.

Quyền được im lặng và quyền được… rỗng

Lên mạng xã hội những ngày cuối năm học này, ngoài những thông tin tiêu cực chung của xã hội là nhan nhản những luận bàn về việc học việc thi, điểm số. Con về đến nhà, bố mẹ sắm nắm hỏi điểm thế nào, chuẩn bị cho thi cuối cấp được bao nhiêu phần trăm, đề cương thuộc đến đâu rồi. Bố mẹ thì dồn, hỏi, kiểm tra bài vở. Bà thì hỗ trợ bằng cách làm hết hộ việc nhà của cháu để thằng bé/con bé tập trung học hành.

Đôi khi tôi nghĩ, có phải mình quan tâm đến con bằng cách ấy? Hay chính cách ấy đang mang đến một áp lực vô hình, nhưng ngột ngạt, về không gian sống của đứa trẻ. Nó thấy nó là tâm điểm của thế giới, nhưng với sự kỳ vọng, hay chí ít cũng là một sự đòi hỏi từ phía người lớn, rằng nó phải vượt qua kỳ thi này mới có thể thành người, mới có một giá trị.

Tôi đồng ý việc bố mẹ cần để tâm đến con, sẵn sàng tạo cho con một không gian an toàn, thuận lợi để học, để chơi, để lao động vừa sức. Tôi không mấy đồng tình với việc các cô giáo thi thoảng lại nhắn tin, đề nghị bố mẹ học cùng con chủ đề này, sao sát kiểm tra con ở mảng kia. Đương nhiên, các cô giáo không có lỗi. Với một lớp học đến 50-60 học sinh thì cô giáo không trông vào sự hỗ trợ của bố mẹ thì còn biết trông vào đâu! Và thế là lại có một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát, mà trong đó, trẻ em chúng ta đứng ngay giữa vòng, không thể có đường ra.

Vậy thì, để giải quyết vấn đề theo kiểu đối phó, nên chăng các bố mẹ nghĩ đến “quyền im lặng và quyền được… rỗng” của trẻ. Đó là, đứa trẻ có quyền chia sẻ hoặc không chia sẻ những thông tin về việc thi cử, điểm số; nó có quyền khi về đến nhà, nằm lăn ra nhìn lên trần nhà, không nghĩ ngợi gì. Nó im lặng. Nó thấy đầu rỗng không. Đó là lúc con người đang tái tạo lại năng lượng. Trong một ngày, nếu có ít nhất khoảng hai tiếng được ở trong im lặng hoặc chính mình im lặng, hoạt động của bộ não sẽ tích cực hơn nhiều sau đó. Về phần cảm xúc và động lực hoạt động cũng vậy, giống như ta nghe một bản nhạc, khi nhạc dừng, trong im lặng, ta vẫn đang tiếp tục nghe thấy vĩ thanh. Vì thế, muốn trẻ thấm thía một bài học, tiếp tục nghĩ hoặc đào sâu hơn về một thông điệp nào đó chúng nhận từ nhà trường, từ thày cô, thì xin các bậc phụ huynh hãy cho con một khoảng lặng khi chúng rời trường về đến nhà. Khoảng lặng ấy không nhất thiết là sự im lặng hoàn toàn mà đơn giản là chúng ta bỏ việc học ra khỏi chủ đề câu chuyện trong vòng hai tiếng.

Và cái sự “rỗng” cũng thế. Đó là lúc con người có thể lắng nghe chính mình hơn là nghe thế giới xung quanh. Con người cũng loay hoay sắp xếp lại những gì mình có, những kiến thức thật sự còn lại trong đầu mình, một hồi ức đẹp từ chuyến đi nào đó, ký ức thuở nhỏ về bà ngoại, một vài bài học thú vị từ các chuyến đi xa… Trong cái đầu đang “tạm thời rỗng”, khi người ta không lăm le bắt đứa trẻ nhồi tiếp kiến thức khác, lấp đầy nó, thì việc sắp xếp những thứ thú vị kia sẽ dễ dàng biết bao!

Chắc chắn, nó sẽ nảy ra nhiều ý tưởng, thậm chí, sẽ xuất hiện nhu cầu tự thân làm đầy những điều chưa có đủ. Có thể, nó sẽ quyết định mượn thêm sách về khoa học để đọc, hay tìm hiểu về rừng rậm Amazon, hoặc bỗng muốn đi tìm sách về chó mà đọc như Tiếng gọi nơi hoang dã, Ca-dăng, con Bim trắng tai đen… mà có lần một chú hàng xóm khuyên đọc chẳng hạn… Sự im lặng và sự rỗng nhất thời sẽ làm nảy sinh nhu cầu được nghe, được nói, được “làm đầy” là như thế.

Lại nói đến mùa Hè, tôi cho rằng, đó là mùa hợp lý nhất để trẻ được im lặng và được rỗng, với nghĩa tạm thời không nói đến việc làm Toán, học Văn, cân bằng phương trình phản ứng Hóa học nữa để dành cho những việc khác. Và hãy thử để một lần trong năm, trong một tháng hè, đứa trẻ tự quyết định lựa chọn hoạt động của mình. Một tháng thôi mà, có đáng sợ lắm không?

Quyền năng của mùa Hè

Ngay cả việc khuyến khích con tham gia các hoạt động xã hội hay một sự kiện sôi nổi nào đó, các bố mẹ cũng đừng vội vã. Mỗi đứa trẻ một lựa chọn. Có những đứa có vẻ như nhút nhát, sống hướng nội, thì chưa hẳn cách sống ấy là thụ động. Đơn giản là nó thấy thoải mái với mình trong phong cách ấy. Việc của bố mẹ là quan sát và thảo luận xem con có thiên hướng gì, muốn gì, thích gì, để hỗ trợ bằng cách tìm kiếm một môi trường mùa Hè thân thiện và dễ chịu nhất cho con chứ không phải chạy đua cùng xã hội với những khuôn mẫu giống nhau: những tiếng Anh, những Văn Toán, những “cầm kỳ thi họa” kín hết cả lịch một ngày khiến thấp thoáng trong đầu đứa trẻ là một cái đích xa xôi, tuy không nói ra, nhưng nó biết bố mẹ đang hướng tới: một con người phát triển toàn diện! Nghe cái từ “toàn diện” với lịch sử một cô học trò bao năm là học sinh giỏi toàn diện, tôi thật sự cảm thấy rã rời.

Quyền năng của mùa Hè rất lớn. Nó cho đứa trẻ cảm thức tự do trong không gian và thời gian của nó. Có thể về quê, có thể ở nhà ông bà vài ngày, có thể đến nhà cô chú bác vài hôm, có thể đi xa cùng cả nhà, có thể đi trại hè một khóa 10 ngày, lại cũng có thể tha thẩn loay hoay trong góc của mình, hay rủ một vài người bạn thân đến tán gẫu…

Mùa Hè ư? – Làm gì mà chẳng được! Phải có ý nghĩ như thế thì mùa Hè mới mong là mùa tái tạo năng lượng, chuẩn bị cho một mùa Học thật sự lôi cuốn, hào hứng, không miễn cưỡng.

Và cuộc đời thật đáng yêu khi tuổi thơ ta nhận ra, mỗi năm ta có MỘT MÙA HÈ!

Thụy Anh

About DuongMy

Scroll To Top