Home / Tin Tức / Dịch giả Việt Nam đang đơn độc

Dịch giả Việt Nam đang đơn độc

Trong các ngày từ 16 đến 18-5, festival “Văn học Nga khu vực Thái Bình Dương 2019” (LiTR – 2019) đã diễn ra tại thành phố Viễn Đông Vladivostok (Nga) với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, các nhà Nga học đến từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Trung Quốc. Dịch giả Nguyễn Thụy Anh, đại diện của Việt Nam đã chia sẻ với Thời Nay về hoạt động ý nghĩa này.

Phóng viên (PV): Chị có thể cho biết cảm nhận của mình về festival “Văn học Nga khu vực Thái Bình Dương 2019”?

Dịch giả Nguyễn Thụy Anh (NTA): Đây là festival thứ hai nhưng trên thực tế, là hoạt động văn chương lần đầu tiên của vùng Viễn Đông nước Nga có quy mô rộng lớn với mục tiêu: tạo ra không gian văn học chung, kết nối văn chương vùng Viễn Đông với vùng trung tâm nước Nga, nâng cao tầm ảnh hưởng của văn học, văn hóa Nga đến văn hóa các nước trong khu vực.

Tham gia festival không chỉ có các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, các nhà nghiên cứu văn học mà còn có các đạo diễn kịch nói, nhà biên kịch, các họa sĩ minh họa, các nhà hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nhà phê bình văn học, nhà xuất bản, công ty phát hành sách, đại diện các quỹ và khu bảo tồn, bảo tàng… Nhiều nhà văn đương đại có tên tuổi từ Matxcơva đã bay xuống vùng Viễn Đông, tích cực tiếp xúc, giao lưu với độc giả và phát biểu ý kiến sôi nổi ở các hội thảo bàn tròn như: Sergei Lukianenko, Zakhar Prilepin, Andrei Gelasimov, Tachiana Taran, Andrei Rubanov, Iuri Poliakov, Sergei Sargunov, Mikhail Tarkovski…

Đặc biệt, festival rất quan tâm các độc giả trẻ. Nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn được chào đón trọng thị: Anastasia Orlova, Seraphima Orlova, Natasha Dashevskaia… Nhà văn betseller của văn học đương đại Nga trong vòng hơn 10 năm trở lại đây – Sergei Lukianenko, cũng có một buổi giao lưu nồng nhiệt với các bạn trẻ tại thư viện thiếu nhi vùng duyên hải.

Hoạt động festival diễn ra trong các nhà hát, các trung tâm văn hóa, các thư viện lớn nhỏ của thành phố, các nhà sách, bảo tàng, vườn hoa, quảng trường,… giúp cho một festival văn chương mở rộng được tầm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa chung của người dân thành phố.

PV: Là đại diện của Việt Nam tham gia festival, chị mong muốn điều gì?

NTA: Đến với festival, tôi đã trình bày một số tham luận, trong đó tập trung ba vấn đề chính:

Thứ nhất, tôi bày tỏ kỳ vọng có được sự tổ chức dịch văn học Nga ở Việt Nam một cách hệ thống. Các dịch giả Việt Nam hiện nay vẫn còn đơn độc làm việc cùng các NXB. Cả họ, cả các NXB, các đơn vị làm sách cần được hỗ trợ về thông tin, về khía cạnh chuyên môn và cả tài chính. Các dịch giả đích thực cần được tham gia các khóa học ngắn hạn tại Nga về dịch thuật hoặc các chuyến đi ngắn đến những nơi các nhà văn Nga đã sống và làm việc để không khí văn học Nga tạo động lực cho họ, giúp họ có nhiệt huyết để dành thời gian, tâm lực của mình cho văn học Nga một cách chuyên nghiệp.

Thứ hai, tôi mong được tiếp xúc nhiều hơn với các nhà văn đương đại để tìm ra tiếng nói chung giữa người dịch và người viết, cảm nhận một phần sự sôi động và sinh động của đời sống văn học Nga mà trong nước chúng ta chưa thật sự hình dung được hết.

Thứ ba, tôi giới thiệu và tìm cách tiếp cận các nhà làm sách Nga, giới thiệu và thuyết phục họ thử đọc và phát hành một số tác phẩm của những cây bút đang sung sức của văn học Việt Nam hiện đại. Tôi cho rằng, các nhà văn Việt Nam phải tích cực tìm thị trường giới thiệu mình với đông đảo bạn đọc chứ không thể trông đợi ở hoạt động in ấn của các Quỹ văn hóa, hạn chế ở số lượng ấn bản và quy mô phát hành, sách cho và tặng! Nhà văn Việt Nam cũng phải được và phải chịu sự đánh giá khách quan từ phía người làm sách, nhà xuất bản Nga, phải tạo được ấn tượng cho họ bằng chính chất lượng tác phẩm của mình. Lần này, tôi mang theo cuốn “Chúa đất” của nhà văn Đỗ Bích Thúy và một số truyện ngắn của các tác giả Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Trương Quý… qua bản dịch và hiệu đính tiếng Nga của dịch giả Quỳnh Hương và Irina Vinskovskaia.

anh dich gia viet nam dang don doc

Dịch giả Nguyễn Thụy Anh cùng các học viên người Việt Trường ĐH Tổng hợp Hàng hải mang tên Đô đốc Nevelsky đến dự Festival.

PV: Ấn tượng sâu đậm nhất của chị đối với festival lần này là gì?

NTA: Tôi đặc biệt ấn tượng với những câu chuyện của giáo sư Kim Hyun Taek, Phó Chủ tịch cơ quan đối ngoại và phát triển, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ Hankuk (Seoul), đồng thời là giáo sư Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc. Qua ông, tôi biết được thêm nhiều thông tin về Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc, nơi đào tạo phiên dịch như một đề án lâu dài, hiệu quả nhằm giải quyết đến cùng các vấn đề dịch và quảng bá văn học Hàn Quốc ra nước ngoài.

Cụ thể mỗi năm, Viện mời dự tuyển khoảng sáu – bảy phiên dịch mỗi nước trong số các nước châu Âu (Nga, Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha) và Trung Quốc, Nhật Bản. Học viên được mời sang Hàn Quốc có tiêu chuẩn đài thọ khá tốt: ngoài việc được lo ăn ở, học tập theo chương trình, họ được nhận mỗi tháng 1.500 USD. Với chế độ ấy, họ không phải lo lắng gì về cuộc sống sinh hoạt, tập trung hoàn toàn vào học, cảm nhận văn học Hàn Quốc, vượt qua các kỳ “sát hạch” nghiêm ngặt của viện. Học kỳ đầu tiên, mọi người dịch nghiên cứu lý luận dịch thuật. Học kỳ thứ hai, họ bắt đầu thực hành dịch và học môn Tu từ học và tìm hiểu văn phong, phong cách của các nhà văn. Vừa dịch các phần tác phẩm, họ vừa được thảo luận, phân tích, phản biện cùng các giáo sư, chuyên gia ngôn ngữ và văn học và cùng chính tác giả đương đại. Mỗi học kỳ sau đó, việc thực hành dịch được tiến hành song song việc nghiên cứu đất nước học và gặp gỡ với các nhà văn Hàn Quốc, cuối học kỳ, viện đều ra tuyển tập những bản dịch của học viên.

Về việc xuất bản và giới thiệu văn học Hàn Quốc, chẳng hạn tại Nga, GS Kim cho biết: Viện dịch thuật gửi 20 trang bản thảo cho đối tác, không có bất kỳ bình luận hoặc giới thiệu gì trước. Nếu NXB quan tâm, cảm thấy có sức lôi cuốn với độc giả của họ, cuốn sách sẽ được tiếp tục dịch và được xuất bản tại Nga. Và một điều thú vị là, viện lựa chọn các tác giả hiện đại trước, kinh điển sau! Bằng cách đó, văn học Hàn Quốc thâm nhập thị trường các nước châu Âu và có cơ hội được đón nhận. Tôi cho rằng, đó là cách làm rất chuyên nghiệp và hiệu quả.

PV: Những chia sẻ của chị khiến tôi liên tưởng đến mô hình hoạt động Trung tâm dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam và các hội nghị quảng bá văn học Việt Nam được tổ chức thời gian qua với kỳ vọng đưa văn học Việt ra với bạn bè thế giới…

NTA: À, ở Hàn Quốc thì hơi khác. Theo GS Kim, các hội nghị quảng bá văn học không tổ chức những hoạt động quá quy mô và tốn tiền. Bởi việc gặp gỡ, giao tiếp giữa nhà văn và dịch giả rất quan trọng, nhưng đó là quy mô của các festival. Theo đó, Hàn Quốc có một festival nhà văn quốc tế, tiền thân là festival Nhà văn trẻ tại Seoul (2006), tạo điều kiện cho nhà văn Hàn Quốc giao lưu cùng các nhà văn thế giới. Ngoài ra, họ gửi nhà văn trong nước đều đặn đi dự các festival văn học ở các nước để có cơ hội lắng nghe và học hỏi. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ đầu tư cho dự án quảng bá văn học Hàn Quốc ra nước ngoài cùng Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc, một thư viện được xây dựng đa dạng gồm 19.970 đầu sách, trong đó, các tác giả Hàn Quốc góp mặt đều có đủ trọn bộ tác phẩm đã xuất bản và nhiều ấn phẩm thông tin kèm theo bằng ngôn ngữ gốc và bản chuyển ngữ. Một tạp chí chuyên sâu online có tên “Korean Literature Now” (Văn học Hàn Quốc ngày nay) bằng tiếng Anh được liên tục cập nhật tác phẩm, tác giả, các bài phỏng vấn và chia sẻ.

Thật sự câu chuyện của GS Kim cho tôi nhiều suy ngẫm về công tác dịch thuật hiện nay. Có thể thấy các dịch giả quốc tế dịch văn học Việt Nam và các dịch giả Việt Nam dịch văn học thế giới đang làm việc đơn độc quá dù họ có cả một hội nghị quảng bá văn học quy mô đồ sộ, số lượng người tham gia rất đông. Thế nhưng, họ chưa được hậu thuẫn bằng sự đào tạo chuyên môn bài bản, bằng những buổi thảo luận bàn tròn “tay ba” giữa tác giả, nhà văn, dịch giả, phân tích rốt ráo một tác phẩm dịch nào đó. Họ bị đứt gãy kết nối giữa các dịch giả nhiều thế hệ, không truyền, không trao kinh nghiệm và động lực làm việc được cho nhau…

PV: Mong rằng những kinh nghiệm quý giá này sẽ có ích cho công việc chuyên môn của chị, cũng như sẽ được cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp lắng nghe để có những điều chỉnh phù hợp, giúp thúc đẩy công tác quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài!

Thi Phong (Theo nhandan.com.vn)

About admin2

Scroll To Top