Home / Giới thiệu sách / Đọc: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh

Đọc: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh từ lâu đã được những độc giả nhỏ tuổi nhắc đến với tình cảm trìu mến bởi anh là một nhà văn của các em, viết vì các em, cho các em.

Thế nhưng, cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, đúng như chính nhà văn đã tự “thú nhận” trong chương Năm của cuốn sách, nó “không hề giống với bất cứ cuốn sách nào” anh từng viết và độc giả từng đọc trước đây.

Cuốn sách mở đầu bằng một nhận xét về cuộc đời của nhân vật chính là Mùi, một chú bé mới tám tuổi: “Cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt”. Với một loạt dẫn chứng hùng hồn, cậu cho rằng “cuộc sống thật là cũ kỹ”. Mở đầu như thế, cuốn sách khiến độc giả giật mình, tự hỏi, tuổi thơ thời bây giờ phải chăng đã già đi mất rồi? Và cu Mùi chỉ “trẻ” lại khi cậu bé cùng các bạn mình bắt đầu loay hoay tìm mọi cách thoát khỏi sự buồn chán, vô vị bằng một “bảo bối” sẵn có của trẻ thơ – đó là trí tưởng tượng. Với bảo bối ấy, các em chơi trò “vợ chồng, bố mẹ, con cái” nhưng nội dung của xã hội bé bỏng đó lại không sao chép cuộc sống của người lớn, mà hoàn toàn lật ngược lại, đảo tung hết mọi trật tự quen thuộc.

Với bảo bối ấy, cu Mùi đã “tập tành làm một nhà cách mạng tí hon”, quyết không gọi “con gà là con gà, cuốn tập là cuốn tập, cây viết là cây viết” nữa. Ngay đến cả bảng cửu chương, 2 nhân 4 chúng cũng không muốn là 8, mà “phải là cái gì cũng được, miễn là khác đi!”. Thậm chí, cu Mùi còn cho rằng, cả chuyện trái đất ngày ngày quay quanh mặt trời cũng là một việc hết sức buồn tẻ mà nếu nó là trái đất, nó sẽ … “tìm cách quay theo hướng khác”! Đứa trẻ trong cuốn sách này thể hiện mình không ngây thơ. Nó quan sát, phân tích cuộc sống chung quanh, đôi khi đưa ra những triết lý sắc bén về các quan hệ trong xã hội, về các khái niệm đối nghịch như con ngoan và con hưsự đơn điệu và ổn định, sự êm đềm và vô vị, sự giống nhau và tính cá biệttri thức và bằng cấp. Nó thử định nghĩa cả tình yêu, rằng “yêu cũng như học bơi vậy, ai lười sẽ bị chìm”! Và cuối cùng, đứa trẻ còn phán xét những người lớn nữa! Phiên tòa “trẻ con xử người lớn” ban đầu, một cách thông thường, có thể tạo cho người đọc cảm giác hơi khó chịu, người lớn sẽ nhăn mặt vì sự thẳng thắn quá đáng của bọn trẻ. Thế nhưng, phiên tòa ấy phản ánh rất thật, rất đúng một đòi hỏi chính đáng của tuổi thơ – đó là sự công bằng. Ở các em, “đòi hỏi sự công bằng” không đồng nghĩa với “vô lễ” – hai khái niệm mà người lớn chúng ta thường nhầm lẫn, cũng như, với các em, “tình thương” và “sự tôn trọng” mà cha mẹ dành cho con cái hoàn toàn không là một!

Cho dù cuốn sách có một nội dung khác thường như thế, Nguyễn Nhật Ánh vẫn cứ là Nguyễn Nhật Ánh khi anh luôn giữ nét đặc biệt trong văn phong của mình – chất hài hước nhẹ nhõm, đáng yêu – khiến trong khi đọc từ đầu tới cuối cuốn sách, nụ cười thú vị không rời môi ta. Song, cũng lại khác với các tác phẩm trước, cuốn sách không dừng lại ở chương thứ 12. Nó có phần “vĩ thanh” vô hình với rất nhiều điều khiến độc giả-người lớn day dứt.

Đây, đúng như tác giả nói, là “một bản tham luận” về đề tài xã hội, phân tích mọi khía cạnh tâm sinh lý trẻ em dưới con mắt của một- đứa- trẻ -đã -trưởng- thành, hay nói cách khác, một người lớn chưa thoát khỏi tuổi thơ của mình. Có cảm giác, không còn phân biệt được câu chuyện này là của quá khứ và hiện tại hay là câu chuyện của hiện tại và tương lai. Những thời thể ấy cứ đan xen, giằng néo trong lời kể nhẩn nha của tác giả. Và hình như, đó là cách duy nhất có thể chuyển tải hiệu quả ý tưởng của anh: lý giải những hành động “kỳ quặc” của trẻ con (trong mắt phụ huynh) lẫn những hành động “khó hiểu” của người lớn (trong mắt lũ trẻ)!

Có thể nói, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là cuốn truyện hữu ích cho cả người lớn và trẻ con. Tác giả đã kéo các thế hệ lại gần nhau hơn. Đọc nó, những người lớn vô tâm mải miết với cuộc sống cơm áo gạo tiền có thể sẽ dừng bước đôi chút mà ngoái về phía sau, nhớ lại mình thời thơ ấu, cùng nhà văn gắng hiểu con em mình để rồi có một phương cách tiếp cận chúng từ một tư thế khác – tư thế của những người bạn – để có thể xóa đi được cái “lằn ranh giữa trẻ con và người lớn” mà nhà văn cho là “khó ngang với xóa bỏ ranh giới giàu nghèo trong xã hội”. Và không chỉ vậy, cuốn sách cũng cho độc giả-người lớn có cơ hội hiểu rõ mình hơn bằng cách “chịu đựng” sự phán xét xác đáng của trẻ thơ với một loạt những so sánh về ‘các trò chơi” của trẻ con và người lớn!

Còn với lứa tuổi thiếu niên, cuốn sách hẳn cũng sẽ đem lại cho các em niềm vui thích, nhưng ở góc độ khác và cung bậc khác. Các em nhìn thấy mình trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” với tư cách là những người ngang hàng với nhà văn! Ở đây, “ngang hàng” có nghĩa là “được trân trọng và thấu hiểu”!

Thụy Anh, 3-2008, từ LB Nga.

About admin2

Scroll To Top