Home / Tư vấn - Chia sẻ / Đọc như một đứa trẻ…

Đọc như một đứa trẻ…

Tôi còn nhớ, năm ngoái, trong ngày sách Việt Nam, Ban công tác nhà văn trẻ Hội nhà văn Việt Nam tổ chức trình diễn truyện ngắn với thông điệp “Văn chương nhiều cách đọc”. Quả là có nhiều cách tiếp cận văn bản, đặc biệt là tác phẩm văn học. Mục đích mở rộng “góc độ” đọc chỉ là có thêm trải nghiệm để độc giả cảm tác phẩm và chia sẻ với người viết nhiều hơn. Cứ ngỡ khái niệm “nhiều cách đọc” nó có gì đó mới mẻ cần cổ suý. Ấy vậy mà không phải! Nhìn lại việc đọc của trẻ con bây giờ, tôi có cảm giác ở đâu đó chúng ta đã làm ngược: ra sức cản trở, xoá bỏ mọi cách đọc khác, chuẩn hoá một cách duy nhất, để rồi nhiều năm sau lại phải dạy nhau … những cách đọc khác!

Quan sát một đứa trẻ chưa đi học “đọc” sách. Nó nhìn tranh, nhíu mày, và hỏi. Nó lật sang trang ở những chỗ không quan tâm, dừng rất lâu để “phân tích” một bức tranh có chữ, đôi khi vài ngày chỉ đọc một chỗ. Có lúc người lớn đọc cho nó phần lời rồi, nó vẫn chưa muốn rời. Nó đặt câu hỏi ngoài cốt truyện. Nó tưởng tượng thêm nhân vật để câu chuyện bỗng nhiên có một nút thắt mới. Nó không hài lòng khi nhà văn lại để nhân vật khóc, vì theo nó, nhân vật dũng cảm hơn nhiều. Lắm khi nổi hứng, đứa bé còn ghé mũi vào thơm nhân vật một cái… Có nghĩa là, vừa đọc vừa tư duy. Vừa đọc vừa tưởng tượng. Vừa đọc vừa phản biện. Vừa đọc vừa tương tác. Sự đọc ấy ngập tràn cảm xúc và cũng có tính… định hướng, mục đích rõ ràng: chỉ đọc những gì vào thời điểm đó nó quan tâm.

Hai bạn nhỏ đọc sách tại trụ sở CLB Đọc sách cùng con (K7 – Bách Khoa)

Sự đọc gợi cho nó nhiều suy nghĩ, liên tưởng, đem lại một “quá trình sống” thú vị cùng nhân vật và câu chuyện, khiến nó nảy ra thêm nhiều ý vui vui, khiến nó nhìn thế giới quanh nó cũng vui theo, chỗ nào cũng gợi cho nó về bối cảnh câu chuyện. Có người mẹ kể cho tôi, con gái chị sau khi đọc xong bài thơ “Chuột túi” thì đi đâu thấy cái túi cũng bảo: Túi của mẹ chuột túi! Những ví dụ tương tự rất nhiều, diễn ra hàng ngày, hẳn ai để ý cũng đều ghi nhận

Thế nhưng, đến khi đứa trẻ vào trường học, cái sự đọc nằm trong khuôn khổ lớp học đã có một “quy trình”. Việc di tay theo chữ, việc giải thích từ theo kiểu từ điển, việc tìm ý nghĩa và thuộc tóm tắt câu chuyện… những gì bé phải làm để “học” đã khiến bé dần dần không còn “đọc” như trước nữa. Cái bản năng muốn khám phá, thích tưởng tượng, cảm nhận cuộc sống và cả ngôn ngữ bằng mọi giác quan của đứa bé hoá ra lại cần cho việc đọc hơn là việc bẻ chữ, tách đoạn, phân tích… như chúng ta đang dạy các em xử lý các câu chuyện trong sách giáo khoa. Dần dà, một thế hệ người đọc lớn lên, mất dần “nhiều cách đọc” họ từng có. Và chỉ còn lại một kiểu đọc, chăm chăm tìm hiện thực trong văn bản, lục lọi ý tứ của tác giả để, hoặc là tiếp nhận mù quáng, hoặc là phê phán đến cùng. Hiếm khi có sự rung động đặc biệt khi một từ ngân lên trong tâm trí. Hiếm khi nghe được âm thanh, cảm được mùi vị của từ ấy. Tất cả chỉ còn lại một định nghĩa! Một nhà văn kể cho tôi nghe câu chuyện, vị lãnh đạo nọ đọc xong tác phẩm của chị về một sinh viên mất mát niềm tin kéo theo hành vi tiêu cực. Đọc xong, vị này nhắn tờ báo “gọi… cô sinh viên ấy đến cho tôi nói chuyện”! Hoặc đôi khi tôi nhận được câu hỏi của bạn đọc về một bài thơ, một truyện ngắn, chất vấn “nhân vật chính là ai”, “chị có ở thành phố đó đâu mà viết thế”, “vì sao…?” và rất nhiều những “vì sao”. Với câu chuyện Thánh Gióng trong tưởng tượng của nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng vậy, nếu không có một cách đọc khác, chăm chăm lấy một chuẩn “không được chỉnh”, thì sẽ khó hiểu và khó chấp nhận việc nhân vật có thể đi lại, nói năng, hành động rất khác trong trí tưởng tượng của một con người! Khác những gì mình từng biết và từng được đọc.

Vì là sách 3D nên cần phải đeo kính mới có thể đọc được

Cuối cùng, tôi cảm thấy, chúng ta sẽ không phải vất vả gầy dựng văn hoá đọc như bây giờ mọi người hô hào, lo lắng nếu việc đọc trong nhà trường được xây dựng nương theo cách đọc của một đứa trẻ hồn nhiên: mở rộng vòng tay, ánh mắt, trái tim đón nhận thế giới, đồng thời cũng không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình theo cách của mình. Quá trình đọc cũng là quá trình suy ngẫm, và sách chỉ là cái cớ để chúng ta bắt đầu quá trình ấy mà thôi.

Giống như học giả Nguyễn Duy Cần từng nói trong cuốn sách “Để trở thành nhà văn”, rằng người viết không được nghĩ thay cho độc giả, mà chỉ khơi gợi. Thế thì khi đọc, độc giả cũng phải hiểu giá trị “khơi gợi” của tác phẩm, không đòi hỏi tác giả phải có trách nhiệm nghĩ thay cho mình. Sự đồng cảm cao nhất sẽ đạt được khi dòng suy tưởng của tác giả chạm đến mạch tâm sự của người đọc, nhắc nhớ họ điều gì, cho họ cơ sở để tiếp tục nghĩ và sống.

Bố mẹ đọc sách cùng con

Hãy xem các bạn nhỏ câu lạc bộ Đọc sách cùng con viết gì về “mưa” sau khi đọc tản văn “Sài Gòn sáng sớm mưa bay” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Các em không học thuộc “mưa” của nhà văn mà nghĩ đên “mưa của mình” là bởi các em đọc theo kiểu của mình!

“Mỗi khi nhắc đến từ này, tôi lại nghĩ đến mùa xuân. Tôi như ngửi thấy mùi tanh của những giọt nước. Tôi như nhìn thấy những giọt nước đang chơi. Tôi như nghe thấy tiếng lách tách trên mái nhà. Tôi cảm thấy lạnh lẽo và ẩm ướt. Từ đó đồng nghĩa với những giọt nước đang bay lất phất trên bầu trời”. (Bạn Châu Giang, 8 tuổi viết về mưa phùn)

Với cách đọc như thế, sẽ không còn ai lo sợ khi tiếp cận văn bản vì những lệch lạc nó có thể mang đến. Và cũng sẽ không còn tác giả nào lo sợ đứa con tinh thần của mình bị chụp một cái mũ nào đó mà họ không muốn đội.Sự đọc luôn là một việc làm rất cá nhân, độc lập, không phụ thuộc. Đó chính là tự do vậy!

TSGD Nguyễn Thuỵ Anh

About admin2

Scroll To Top