Home / Bài Viết / Đối phó với nhà trường?

Đối phó với nhà trường?

Thi thoảng trong số những người bạn của tôi lại có vài người lo lắng về một vấn đề lẽ ra không nên có, không nên đặt ra, là “đối phó với nhà trường” mà chúng ta ai cũng biết, phải là “đồng minh” của cha mẹ và xã hội trong việc dạy trẻ nên người. Người thì băn khoăn không biết có nên cho con đi học thêm không khi con còn nhỏ và theo mẹ thì không thực sự cần phải mất thêm thời gian học thêm chính cô giáo ở lớp dù cô thực sự muốn các em đi học để hỗ trợ chúng hiểu bài sâu hơn. Người thì không biết nên phản ứng ra sao trước những vấn đề xảy ra ở trường, đôi khi chỉ đơn giản là cô chấm bài chưa chuẩn khiến bọn trẻ cảm thấy thiếu công bằng. Người thì suốt ngày ca cẩm về những món tiền phải nộp ở trường. Người lại phê phán phương pháp dạy của cô giáo, chẳng hạn, việc học thuộc văn mẫu… Nhưng rồi cuối cùng, tất cả những cảm giác “đối đầu” này đều đưa đến một sự không hài lòng.

Tôi không cho rằng có một giải pháp chung cho tất cả các gia đình. Chỉ muốn thử bàn về những nguyên tắc cần đặt ra để ta nương theo đó mà lựa chọn một phương án và những phương án khác nhau trong những tình huống khác nhau mà vẫn không có cảm giác … đánh mất mình.

1. Nguyên tắc lạc quan: tất nhiên rồi, suy nghĩ tích cực và lạc quan sẽ cho ta nhìn được những khoảng sáng sủa giữa một mảng tối. Hãy có lòng tin vào thiện chí từ phía cá nhân mỗi con người. Theo tôi, chúng ta hoàn toàn có thể, trước khi quyết định một điều gì, tiếp cận cô giáo, nhà trường, chia sẻ những băn khoăn một cách chân thành, cầu thị. Chọn cách bắt đầu bằng trình bày vấn đề của mình, nhấn mạnh “tôi”, “chúng tôi”, “tôi lo lắng”, “tôi nghĩ…”. Chúng ta nhấn mạnh những vấn đề rất cá nhân chứ không khái quát thành một hiện tượng, vô hình trung lại biến thành sự “lên án” những điều không hợp lý ở trường. Điều này dễ gây cảm giác khó chịu và mất đi thiện chí ở người nghe. Chẳng hạn, thay vì nói “Việc cô bắt học sinh học thêm là không ổn..”, hãy nói: “Tôi đang suy nghĩ việc đi học thêm của cháu mà chưa quyết được. Một mặt cũng lo nếu không đi học thêm thì cháu đuối hơn so với các bạn, mặt khác lại muốn cháu có thêm thời gian rảnh rỗi làm việc nhà, xem tivi, tưới cây… vì cháu nhà tôi ít vận động, có vẻ hay ốm…”. Tiếp đó có thể thẳng thắn hỏi ý kiến cô: Cô đánh giá thế nào về học lực của cháu? Liệu không đi học thêm cháu có bị mất tự tin không? V.v…

Có thể, việc trao đổi thẳng thắn, chân thành như thế sẽ khiến bố mẹ và cô giáo tìm được tiếng nói chung hoặc chí ít là thông cảm được với nhau.

Nguyên tắc lạc quan còn thể hiện ở chỗ… không tỏ ra bi quan trước mặt trẻ, đặc biệt là kêu ca, chê bai cô giáo và nhà trường. Bất kỳ phương án nào bố mẹ và con lựa chọn cũng phải cho cảm xúc tích cực trong gia đình, đồng thời khiến trẻ có lòng tin cả vào nhà trường lẫn gia đình.

2. Nguyên tắc tôn trọng sự tham gia của trẻ. Hãy luôn bàn bạc thảo luận với con để con được hiểu vì sao bố mẹ băn khoăn, cùng nhau đưa ra phân tích tình hình và quyết định sẽ là quyết định của cả “team” gia đình chứ không phải của bố mẹ. Đôi khi nghe con trình bày mong muốn, bố mẹ sẽ dễ dành hoá giải được những lo lắng đôi khi quá mức của mình.

Ảnh: Internet

3. Nguyên tắc giải pháp tạm thời và luôn đánh giá lại tình hình sau từng thời gian ngắn. Luôn biết rằng tất cả những vấn đề của chúng ta luôn thay đổi sự thách thức và phức tạp trong vòng 2,3 tháng. Hãy theo dõi những thay đổi sau 2 tháng khi ra một quyết định, đánh giá lại tình hình để có bước tiếp theo hợp lý. Nếu trẻ cảm thấy vui, hạnh phúc, không mệt mỏi thì có nghĩa là phương án bố mẹ đưa ra đã có tác dụng.

Chú ý đến những khía cạnh sau của vấn đề:

– Tâm lý của trẻ, của các thành viên trong gia đình và của các thày cô giáo: nếu đây là vấn đề thuộc lĩnh vực tâm lý, nhanh chóng tìm lý do và giải pháp tập trung vào việc tạm thời gỡ khó các vấn đề tâm lý bằng mọi phương pháp

– Trò chuyện, nghỉ hoặc tách môi trường trong một thời gian ngắn.

– Phương pháp làm việc: nếu là vấn đề phương pháp học, phương pháp dạy, phương pháp tiếp cận vấn đề thì các phụ huynh nên tìm đến một chuyên gia hoặc người có chuyên môn để tư vấn, tham khảo các trường hợp tương tự… và nếu cần có ý kiến thẳng thắn tránh vòng vo, né tránh vấn đề.

4. Nguyên tắc đồng minh. Hãy thử trở thành đồng minh với nhà trường trước khi đòi hỏi nhà trường trở thành đồng minh với mình. Bố mẹ có thể chủ động đưa ra những đề xuất hỗ trợ cô giáo thông qua Ban phụ huynh để cải thiện những vấn đề tồn tại ở lớp. Chẳng hạn, liên hệ được một cuộc đi tham quan bảo tàng với chương trình thú vị, hỗ trợ sức người trong các buổi học thực địa… Ngoài ra, cũng tranh thủ tìm sự đồng cảm ở cô thông qua các buổi gặp gỡ trao đổi dù ngắn ngủi.

Trở lại câu chuyện ban đầu, tôi lấy ví dụ việc giải quyết băn khoăn của một phụ huynh có cho con đi học thêm khi cháu mới học lớp Hai. Đây là phương án của tôi:

Hỏi: – Con gái tôi đang học lớp Hai. Tôi thấy cháu học cũng được, nhận thức nhanh nhẹn và thấy bài vở của lớp Hai vẫn chưa quá khó nên quyết định cho cháu không đi học thêm khi lớp tổ chức học thêm. Thế nhưng sau một thời gian, tôi cảm thấy lo ngại vì cháu có biểu hiện mất tự tin và hay lo sợ khi đến lớp. Hỏi ra thì biết cả lớp chỉ có cháu là không đi học thêm. Vì thế, tự cháu cũng cảm thấy không yên tâm. Một vài lần cô giáo phê bình gì đó là cháu rất sợ. Tôi có nên thoả hiệp: cho cháu đi học thêm như các bạn không? Ở nhà tôi vẫn kèm cháu học hàng ngày.

Đáp: Vấn đề của bé bây giờ, theo như tôi nhận định, là vấn đề tâm lý chứ không phải vấn đề về nhận thức và khả năng tiếp thu bài. Thông qua các bạn cùng lớp của cháu và cô giáo cũng như cảm nhận của mình khi học bài cùng cháu, chị cần làm rõ mấy điểm sau:

– Ở trên lớp, cháu có thực sự hiểu bài không? Có hiện tượng bị “rỗng kiến thức” tạm thời vì một lý do nào đó không? Chẳng hạn, con bị ốm vài hôm không bắt kịp lớp, hoặc lơ đãng không tập trung do đang có một sự việc gì đó khác lạ xảy ra ở trường hay ở nhà? Rất có thể việc bị đuối vài hôm dẫn đến cả chuỗi ngày khó hiểu bài cũng là nguyên nhân khiến cháu lo lắng khi đến lớp. Có nhiều biểu hiện cho việc này, như: cháu bỏ bài không viết, không đưa bố mẹ ký vở Dặn dò, đột nhiên thay vở hoặc để trang vở trống… Ở trường hợp này, đơn giản là hãy làm cháu bình tĩnh bằng cách khẳng định, ngày nhỏ mẹ cũng từng có lúc như vậy, rằng ai cũng có lúc gặp khó khăn trong việc học, không làm được bài, đôi khi nợ bài tập về nhà. Việc trấn tĩnh con rất quan trọng vì hiện giờ chính bé cũng bối rối, ân hận mà không biết giải quyết làm sao. Tuyệt đối không mắng mỏ, trách móc lúc này. Tiếp đén là phải rà lại kiến thức, không phải ngồi làm từng bài mà vẽ một sơ đồ tổng quát về bài học lý thuyết để cháu hiểu bài một cách có hệ thống. Chẳng hạn, cùng cháu vẽ sơ đồ rất to, tô màu xanh đỏ… những tính chất của phép cộng. Cháu sẽ tự nhìn rõ mình đang bị hổng đoạn nào và nhanh chóng lấy lại được “phong độ”. Đương nhiên sau đó, chị hãy tiếp tục hỗ trợ bằng những lời khích lệ hàng ngày.

Ảnh: Internet

– Nếu vấn đề không phải ở chỗ bị hổng kiến thức mà là cháu cảm thấy lạc lõng khi xung quanh các bạn đều học thêm, đến lớp các bạn bàn về một sự gì đó xảy ra ở lớp học thêm mà cháu không biết. Điều này làm trẻ bị áp lực tâm lý nhiều hơn là bố mẹ tưởng. Thường ở tuổi này, chúng không muốn trở nên khác biệt và cũng khó chấp nhận sự khác biệt ở những người xung quanh. Sẽ tệ hơn nếu chính cô giáo không tâm lý, có những lời nhận xét đánh giá theo kiểu “kém, dốt…” trước mặt các bạn. Gặp trường hợp này, tôi nghĩ, chị cần nói chuyện kỹ với cháu, hỏi xem cháu có MUỐN đi học thêm không và vì sao.

Nếu để giải quyết vấn đề tâm lý tạm thời mà đi học thêm khiến cháu an tâm hơn, nơi học không quá xa, cháu có thể sẽ không mệt mỏi gì mấy thì theo tôi, đây cũng là một giải pháp đối phó cần thiết. Sau một thời gian- ngắn thôi, nhìn nhận lại vấn đề: con có vui vẻ tự tin không hay vẫn có những điều bất cập; con có mệt mỏi về mặt thể chất không…v.v… Thì lúc ấy ta sẽ có phương án tiếp theo.

– Trong trường hợp gia đình thực sự phản đối học thêm và cho rằng những biểu hiện của cháu là do áp lực từ phía cô giáo thì đừng ngại đến nói chuyện thẳng thắn, chân thành với cô, trình bày quan điểm của mình, đồng thời bày tỏ lo ngại cho tâm lý của con và nhờ cô hỗ trợ giải quyết. Chú ý không lên án, phê phán cô mà chỉ hướng vào việc cụ thể là những biểu hiện đáng lo của con thôi. Cá nhân tôi cho rằng, là học sinh lớp Hai, con vẫn có quyền có nhiều thời gian rảnh để chơi hay đơn giản chỉ là ngồi ở bàn học mà vẽ linh tinh hay mơ mộng vẩn vơ chứ không cần đi học thêm. Tuy nhiên, đó là một quan điểm. Tuỳ từng thời điểm mà ta linh hoạt xử lý, bảo vệ bé con khỏi những áp lực vô hình mà chính xã hội đem lại. Chúc chị thấy nhẹ nhõm hơn với phương án sắp đưa ra, sau khi đã tham khảo ý kiến của con!

TSGD Nguyễn Thuỵ Anh

About admin2

Scroll To Top