Home / Tin Tức / Giao lưu “Hà Nội trong dòng chảy lịch sử qua tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến”

Giao lưu “Hà Nội trong dòng chảy lịch sử qua tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến”

Trong khuôn khổ Hội sách Mùa thu diễn ra từ 8-12/10 tại Bảo tàng Phụ Nữ, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức buổi giao lưu với 3 tác giả viết về Hà Nội – Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến tại Hội trường Bảo tàng Phụ Nữ, 36 Lý Thường Kiệt vào lúc 10h thứ Bảy 11/10/2014.

 

Buổi giao lưu có chủ đề “Hà Nội trong dòng chảy lịch sử” qua các tác phẩm Ba ngôi của người, Cậu ấmMe Tư Hồng. Nếu Ba ngôi của người trải thời gian trên một vùng đất Thăng Long-Hà Nội 600 năm và đậm đặc thời hiện đại, thì Cậu ấm là mạch thời gian một Hà Nội thời thuộc địa đến những năm chiến tranh, bao cấp, và Me Tư Hồng dựng lại chân dung một người phụ nữ đã chủ động tiếp xúc với bên ngoài trong cuộc giao lưu Việt-Pháp thời thuộc địa, làm biến đổi bộ mặt Hà Nội. Ba cuốn tiểu thuyết có thể xem như một bộ sử bằng văn chương về Hà Nội, với những lối viết nhiều yếu tố hậu hiện đại đan quyện với cảm xúc của những người gắn bó với mảnh đất này.

Cậu ấm – tiểu thuyết của Trần Chiến, thông qua số phận một gia thế Hà thành đi lên từ sự lao động chăm chỉ và sống phong lưu, nhưng không ai dám chắc điều gì là bất biến khi cuộc chiến tranh bùng nổ. Vậy mà “cậu ấm” Vận – người thừa kế tất cả gia tài của người cha cự phú, được học hành cẩn thận – lại nhìn thấy sự bất biến ở lĩnh vực ẩm thực. Những món ăn ngon Hà Nội đã khiến nhiều thế hệ yêu thích đến mức như một phần làm nên chiều sâu lối sống mảnh đất này, đã sớm được Vận nhận ra sức mạnh và chỗ đứng của nó từ thời Pháp thuộc, qua thời kháng chiến ở cả vùng chiến khu lẫn vùng tạm chiếm, và cả ở một Hà Nội bao cấp khốn khó.

Cái nghề làm bếp thay vì làm thầy, làm ông chủ… lại là nghề giúp gia đình và bản thân Vận đi qua bao biến thiên. Từ chỗ giấu ông bố tư sản để theo nghề nấu ăn đến làm anh nuôi cho kháng chiến, từ một chủ quán bún thang được cả người Pháp ưa thích đến làm đầu bếp cho cửa hàng ăn uống mậu dịch… cuộc đời Vận thực sự là tấm gương phản chiếu lịch sử Hà Nội một thời. Những câu chuyện làm báo thời Pháp, chuyện đầu cơ tích trữ, chuyện tài kinh doanh của phụ nữ Hà thành, chuyện cải tạo tư sản, chuyện những ngôi biệt thự bị chia năm xẻ bảy… vừa li kì, vừa nhiều đau đớn và cũng bộc lộ tinh thần an nhiên của người đã chọn một chỗ đứng theo ý mình. Một tinh thần chuộng đẹp, tỉ mỉ, tinh tế và có khả năng chứa đựng, thâu nhận nhiều nguồn ảnh hưởng, đúng như bối cảnh của đô thị này.

Me Tư Hồng – tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tiến có một bối cảnh xưa hơn. Hơn trăm năm rồi, người ta vẫn muốn đặt câu hỏi: Cô Tư Hồng là người có tội hay không? Dựa trên các trang tư liệu, giai thoại dân gian về cuộc đời của người đàn bà có tính cách mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng nữ tính, báo chí trước đây đã khai thác các khía cạnh khác nhau với những góc nhìn khác nhau, đôi khi đối nghịch. Cô Tư Hồng là người nổi danh khắp Bắc Kỳ vì trúng thầu phá tường thành Hà Nội năm 1894, nhưng đời cô Tư Hồng còn nhiều câu chuyện đình đám khác: mở công ty buôn bán đầu tiên của người Việt, làm từ thiện, lấy chồng Tàu, chồng Tây. Xinh đẹp, khêu gợi, thông minh đến độ tinh quái và làm đàn ông say mê, cuộc đời cô Tư Hồng vẫn còn đầy bí ẩn như một huyền thoại đất Hà thành.

Tiểu thuyết Me Tư Hồng của Nguyễn Ngọc Tiến dựa theo cuộc đời của cô Tư Hồng, có sự hư cấu mang “hình dáng tiểu thuyết chân dung”. Tuy nhiên cùng với nhân vật cô Tư Hồng, rất nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết là những người có thật. Bên cạnh đó hoàn cảnh lịch sử trong tiểu thuyết, địa danh, thời gian xảy ra sự kiện… cũng đã được ghi trong chính sử và dã sử, vì vậy có thể gọi Me Tư Hồng là tiểu thuyết tư liệu. Đây là một cố gắng nhìn lại con người và xã hội cách chúng ta đã hơn một thế kỷ. Qua tiểu thuyết Me Tư Hồng, người đọc nhận diện được một xã hội Việt Nam vào thời điểm đã suy vong các giá trị cũ, và cả nỗi bi kịch của con người trong sự va chạm giữa đạo đức truyền thống và văn minh vật chất tân thời, một bi kịch vẫn đậm tính thời sự.

Ba ngôi của người – cuốn tiểu thuyết thứ ba của Nguyễn Việt Hà, trước hết là cuốn sách của không gian và thời gian vô cùng Hà Nội. Tiếp nối mạch chủ đề của Cơ hội của Chúa và Khải huyền muộn, cuốn tiểu thuyết một lần nữa bóc ra những lớp đan cài phức tạp của một Hà Nội dồn dập những “sóng lớp phế hưng” trong thời gian tồn tại. Không chỉ dừng ở một Hà Nội những năm gần đây, cuốn tiểu thuyết còn tham vọng trải thời gian trên cùng mảnh đất, ngược lên 600 năm trước, thông qua 10 kiếp “luân sinh” của nhân vật chính. Những kiếp đời này tựa như những mũi khoan thăm dò thời đại đã qua, bằng những chấm phá của lớp trầm tích khảo lên mà tác giả phác thảo một đôi nét đặc thù của thời ấy – bằng thủ pháp giả lịch sử, hư cấu quyện với những trích dẫn nằm trong mạch viết, tạo nên một không gian xa mà gần, rất đắc dụng để một nhân vật có lí lịch đi xuyên thời gian tung hoành. Theo đuổi đề tài lịch sử là một sự ham thích của Nguyễn Việt Hà, điều này khá nhất quán trong các tác phẩm của anh, dù là tiểu thuyết hay tạp văn. Cách Nguyễn Việt Hà tạo “hồ sơ” cho nhân vật của mình trải qua 10 kiếp luân sinh là cái cớ để anh thi triển những hiểu biết của mình về lịch sử, nhất là lịch sử Hà Nội.

Dẫn dắt giao lưu là nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc.

 NHÀ XUẤT BẢN TRẺ

About DuongMy

Scroll To Top