Home / Bài Viết / Hà Nội bao nhiêu tuổi?

Hà Nội bao nhiêu tuổi?

Bố ơi, thực ra, Hà Nội bao nhiêu tuổi? Chẳng lẽ một nghìn năm thật à?

 Ừ, Hà Nội đã một nghìn năm tuổi. Già quá, phải không con? Con cảm thấy khó hiểu là đúng thôi, vì con mới có 6 năm sống trên đời, so với số 1000 tuổi của Hà Nội, con thật là bé nhỏ. Ngay cả bố, bố đã 36 tuổi rồi, so với số 1000 ấy cũng bé nhỏ làm sao!

Con người nhiều tuổi, người ta gọi người ấy đã già. Thành phố nhiều tuổi, thì chúng mình gọi là thành phố cổ. Cổ. Cổ kính. Nơi đó có những căn nhà cổ, mấy trăm năm đứng đó tháng ngày. Nơi đó có những dãy phố dọc ngang nhỏ nhắn, đã được xây dựng rất nhiều năm, vẫn tấp nập những người là người. Nơi đó có những mặt hồ gương soi bóng biếc, được hình thành từ những đoạn sông, từ những bước dời non chuyển núi sau những trận bão lụt thiên tai.

 Dạo này con hay được nghe đến câu “Chào mừng đại lễ một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội”, là bởi vì chúng ta bắt đầu tính tuổi cho Hà Nội từ năm 1010, con ạ. Ngày ấy, Hà Nội chưa có tên là Hà Nội mà tên là Thăng Long. Hà Nội bây giờ, người hiện đại gọi là Thủ đô, thì Thăng Long ngày ấy, người xưa gọi là Kinh đô. Vua Lý Thái Tổ (còn có tên là Lý Công Uẩn) đã cùng quan dân xây dựng nên một Kinh đô Thăng Long đẹp đẽ. Có truyền thuyết kể lại rằng, nhà vua đang đứng ở bờ sông thì nhìn thấy một con rồng vàng uốn lượn bay lên. Thế là nhà vua đặt tên cho Kinh đô mới là Thăng Long, có nghĩa là Rồng bay lên. Mãi đến năm 1831 thì xuất hiện cái tên Hà Nội – một vùng đất nằm trong những con sông: sông Hồng và sông Đáy.

Một con người sống thật lâu sẽ có biết bao nhiêu chuyện để mà kể. Thành phố cũng vậy. Thành phố cổ có nhiều chuyện hay mà mình cần biết. Sau một nghìn năm thì chuyện kể có thể từ đêm này qua đêm khác không hết! Nhưng ngồi đọc lại sách để kể cho con, bố mới thấy thương Thăng Long, thương Hà Nội, vì thành phố của chúng ta đã phải trải qua biết bao nhiêu năm trận mạc, chiến tranh. Nhìn đâu, nhìn cái gì cũng thấy gợi nhớ đến các chiến công chống ngoại xâm. Bố cứ nghĩ, giả sử không có giặc nhiều như thế, có khi Hà Nội bây giờ đã khác lắm. Mỗi lần quân giặc đến xâm lược là một lần có lửa cháy, có người đánh nhau, có người chết, có người bị thương, nhà cửa bị tàn phá khiến Hà Nội xấu xí đi. Đánh đuổi được giặc, nhân dân mình lại xây dựng lại vùng đất này. Nhưng chưa được bao lâu lại có giặc khác đến. Thật là khổ, phải không con? Con cứ tưởng tượng, suốt ngày mình phải tìm cách đuổi người xấu ra khỏi nhà, thì con còn thời gian nào để trang trí nhà cửa cho đẹp, để dọn nhà trồng cây tưới hoa cho nhà thêm ấm áp? Bây giờ là thế kỷ 21 nhé. Chúng mình sẽ cùng nhau vẽ một đường thẳng, và gạch lên đó từng thế kỷ, người ta gọi là biểu đồ. Thế kỷ 21 này, lùi lại: 20, 19, 18, 17, 16, 15, 14, 13, 12, 11!

11———-12———13——–14——-15——-16——-17——-18——-19——-20——-21

Thăng Long           Trần Hưng Đạo                                      Quang Trung            Hà Nội của chúng ta

của nhà vua                                                                                                                       bây giờ

Lý Thái Tổ

Hà Nội của chúng ta bắt đầu từ chỗ này, con số này: số 11 – thế kỷ 11! Nào con hãy đặt ngón tay trỏ vào đây, di theo đường kẻ để đến với con số 12. Con có biết như thế là bao nhiêu năm đã qua đi không, từ số 11 cho đến số 12? Những một trăm năm đấy con ạ! Thật là kinh khủng, phải không? Thế kỷ nào, con số nào cũng là một câu chuyện dài ơi là dài về Thăng Long – Hà Nội. Bố sẽ kể dần cho con nghe. Nhưng lấy ví dụ, số 13 này nhé? Thế kỷ 13, Thăng Long của mình đã ba lần chống lại quân Nguyên. Có một cụm từ người ta hay nhắc tới, là “vườn không nhà trống”, đố con biết là gì? À…, đúng rồi, nghĩa là vườn không có gì, nhà cũng chẳng có ai. Đó là cách mà dân Thăng Long “chiến đấu” lại với quân giặc. Những người lạ từ xa tới nếu không có thức ăn thì sẽ không sống lâu được, mà những đồ ăn họ mang theo sẽ dần hết, hoặc hỏng đi chứ. Thế mà đến đây, vườn không có gì, nhà không có người, nhân dân tránh đi, tự tay phá vườn phá nhà mình để quân giặc không có chỗ nghỉ, không có thức ăn đồ uống. Thế là một thời gian đành phải bỏ về hoặc khi ra trận sẽ không khỏe mạnh nữa. Thế là, giặc đông như thế mà quân ta vẫn đánh đuổi được ra khỏi đất nước. Mà những ba lần. Hồi đó, có một người mà nhân dân luôn nhắc đến là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, gọi ngắn gọn hơn là Trần Hưng Đạo. Đó là vị tướng vĩ đại đã thống lĩnh các đạo quân đường thủy và đường bộ – nghĩa là những đội quân đi bằng thuyền trên sông và đội quân chạy bộ, đi ngựa trên đất liền- ba lần nghênh chiến và ba lần chiến thắng giặc Nguyên. Bố thấy là con sẽ nhớ ra ở Hà Nội có phố Trần Hưng Đạo, chính là nơi bà An nhà mình ở, bố vẫn hay đưa con đến đó!

 Nào, lấy thêm con số 18. Thế kỷ 18, chúng ta có một cái tên: Quang Trung – Nguyễn Huệ. Phố Quang Trung bố con mình vẫn đến để thu băng đĩa. Đó chính là con phố mang tên người anh hùng Nguyễn Huệ, nhà vua Quang Trung đã cùng nhân dân Thăng Long làm nên chiến thắng Đống Đa năm 1789. Xác giặc chất cao thành gò- gò Đống Đa. Quang Trung đã cùng nhân dân đánh đuổi 30 vạn quân Thanh xâm lược.

Bố chỉ lấy ví dụ mấy con số như thế thôi, chứ ở con số nào chúng mình cũng có biết bao nhiêu chuyện để tìm đọc, để nghe. Con biết đọc rồi, con sẽ tìm đọc về những mốc con số ấy nhé? Rồi hôm nào đó, con sẽ kể lại cho bố nghe, đồng ý không?

Bây giờ, bố con mình đang ở mốc 21 này. Đối với bố, mốc 21 rất quan trọng, vì con sinh ra trong thời điểm này, những năm đầu tiên của thế kỷ 21. Con là công dân nước Việt Nam, và là người Hà Nội. Con sẽ lớn lên ở Hà Nội, con sẽ học hành, vui chơi ở thành phố thân yêu của chúng ta, sẽ cùng bố mẹ đi dự lễ Một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Khi nào con lớn, con sẽ kể cho mọi người nghe, con đã làm gì vào ngày lễ ấy nhé. Chỉ còn vài ngày nữa thôi. Cả thành phố đang được trang hoàng đẹp đẽ. Có bức tường thấp ốp gốm sứ chạy theo con đường mà bố con mình đi lên Hồ Tây. Có hoa xếp thành chữ ở bờ Hồ. Có nhiều đèn sao xung quanh phố chỗ gần Lăng Bác. Hà Nội kỷ niệm sinh nhật 1000 năm sẽ rất vui! Con sẽ tặng cho Hà Nội của chúng mình món quà gì nhân ngày sinh? Em Tép sẽ vẽ một bức tranh đấy. Còn con, con nghĩ xem nhé? Còn bố, bố sẽ đi mua một cây hoa đẹp để mẹ trồng. Nhà mình đẹp là thành phố cũng sẽ đẹp. Đó là món quà của bố mẹ đấy.

Nhưng Hà Nội sẽ không dừng mãi ở con số 1000. Con lớn lên, thành phố cũng mỗi ngày thay đổi. Hôm tới, chúng mình đi chụp thật nhiều ảnh Hà Nội, rồi mấy năm nữa sẽ cùng nhau so sánh xem Hà Nội đã thay đổi thế nào nhé? Bố thích Hà Nội thay đổi ngày càng đẹp hơn, sạch hơn, vui hơn, bớt lộn xộn trên đường phố, không hay tắc đường như bây giờ mỗi buổi chiều tan làm.

 Còn con thì sao? Con mơ ước Hà Nội như thế nào?

About admin2

Scroll To Top