Home / Tư vấn - Chia sẻ / Con chỉ thích học môn phụ?

Con chỉ thích học môn phụ?

Hôm nọ họp lớp phổ thông, tôi gặp anh bạn cũ ngày xưa cùng “cạ” nghịch với nhau ở lớp. Nay anh đã thành đạt, nghe bảo có cả xe hơi lẫn mấy nhà lầu, chỉ có mặt vẫn hơi buồn buồn. Hỏi ra thì anh bảo: “Hai thằng cu nhà tớ nhìn cũng không đến nỗi nào, mà học hành thì chán quá. Học lệch. Chả được học sinh giỏi toàn diện gì cả. Toán, Văn, Hóa, Sinh điểm chả cao, cũng chả thấp, cứ nhàng nhàng, mà cứ nhè Nhạc, Họa, Thể dục mà vác về điểm cao thì cậu bảo có tức không?”Nói rồi thở dài. Tôi thầm nghĩ, hình như ngày xưa, anh cũng từng dẫn đầu cả lớp tôi về môn … Thể Dục! Thế nhưng anh đã quên rồi!

Bắt đầu vào đời từ… môn phụ!

Môn phụ không có lỗi

Một đứa trẻ chỉ thích những môn chính mà học kém các môn phụ thì được phụ huynh thông cảm mỉm cười, bỏ qua. Nhưng em nào học giỏi môn phụ mà thường thường các môn chính lại bị chấn chỉnh, đay nghiến, hoặc chí ít mẹ cha cũng băn khoăn lo lắng. Chao ôi, thật bất công cho những môn được/bị gọi là phụ! Nếu bạn nào giỏi vẽ mà trở thành họa sĩ, giỏi đàn mà thành nhạc sĩ, nhạc công, dẫn đầu trong môn chạy hay bật xa mà sau trở thành vận động viên chuyên nghiệp… thì khi ấy, các môn phụ đó mới được đường hoàng nhắc đến, vinh danh! Khi ấy thì chính chính phụ phụ, phụ phụ chính chính… chẳng còn biết đường nào mà lần nữa!

Theo thiển ý của tôi, vấn đề không phải chuyện chính hay phụ ở đây. Vấn đề là thái độ của các em đối với việc học nói chung, vậy thôi. Còn việc em này thích và dành cho môn này nhiều thời gian hơn cũng là chuyện quá bình thường. Chúng ta có lẽ không nên đòi hỏi các em phải “toàn diện”, phải “học đều các môn” như thời nào xưa cũ nữa. Trên một cái nền cơ bản mà kiến thức các em cần phải có được, các em chỉ cần nắm được những điều sơ đẳng cần thiết của chương trình phổ thông, còn lại, để nâng cao, đào sâu, hãy tôn trọng sự lựa chọn của trẻ!

Tuy nhiên, các bố mẹ trước khi đi đến bất kỳ một kết luận gì, cũng nên để tâm tìm hiểu đôi chút bản chất của sự việc:

Nguyên nhân trẻ không mặn mà với môn chính mà yêu môn phụ. Hướng giải quyết.

Điều này cũng không khó khăn gì có thể biết được. Chỉ cần kín đáo quan sát cách con ngồi làm bài, bố mẹ có thể hiểu được, thật ra, con không mặn mà với Toán, Văn, Sử, Địa… vì con cảm thấy khó, thấy sợ chúng hay vì con vẫn hoàn thành bài dễ dàng, chỉ có không để tâm đến chúng bằng những môn kia mà thôi. Con làm bài rất nhanh, loáng cái là xong, không nhăn mày nhíu trán, không tra cứu, cũng không tỏ ra hài lòng..- đó là dấu hiệu con không sợ môn này, không kém, nhưng thờ ơ, chẳng thích. Còn nếu ngồi làm bài mà thở dài thườn thượt, ra ra vào vào ngó cái nọ, nhấc cái kia lên xem, lúc ngồi xuống lại bặm môi căng thẳng, dập dập xóa xóa, làm nửa chừng gập vở lại lôi vở khác ra xem – đích thị là con bạn đang có khó khăn với cái môn chính “đáng ghét” này.

Trẻ không thích học môn chính vì chúng quá khó đối với sức học của trẻ? Có thể, đó là hậu quả của cả một quá trình. Một vài lần nghỉ học không chép bài, đôi lần mải xem phim không làm bài, con bỗng không theo dõi được mạch bài học trên lớp nữa. Chỉ một thời gian rất ngắn thôi, lượng kiến thức ùn lại khiến con không còn biết bắt đầu gỡ rối từ đâu nữa. Giải quyết việc này là khó, nhưng không quá khó nếu bố mẹ có ý thức trợ lực với con:

  •  Thể hiện sự nghiêm khắc một cách đúng mực, mà tuyệt đối không tỏ ra bực mình, mất kiểm soát về cảm xúc, mắng hay nhiếc móc con thậm tệ. Một vài điểm kém con mang về, bố mẹ hãy đón nhận bình tĩnh và đặt vấn đề một cách thẳng thắn, tôn trọng: “Con có cần mẹ giúp con không? Con thấy có khó khăn gì không?”. Nếu bố mẹ chân thành, trẻ hẳn sẽ sẵn lòng chia sẻ những vướng mắc của mình để tìm sự hậu thuẫn của người thân mà con tin tưởng nhất.
  •  Cùng con vạch ra kế hoạch lấp đầy những khoảng trống kiến thức bằng nhiều cách. Mẹ hoặc nhờ một ai đó, như sinh viên đi dạy kèm chẳng hạn, rà lại những chỗ con không hiểu, cùng con làm bài tập, từ từ tìm ra cách tháo gỡ khó khăn.
  •  Cùng con lập một cuốn sổ be bé bằng lòng bàn tay, gọi là cẩm nang, ghi lại vắn tắt những kiến thức cơ bản của bộ môn ấy trong các bài học của năm học trước và năm học này, để con nhìn thấy kiến thức theo một hệ thống. Mẹ và con có thể dùng bút màu tô, vẽ, kẻ… sao cho cuốn sổ bé nhìn thật đẹp mắt. Ấn tượng thị giác khiến trẻ học vào đầu nhanh hơn. Việc tự mình hệ thống lại kiến thức khiến trẻ cảm thấy mình quan trọng, người lớn hơn, cũng làm trẻ dễ thuộc hơn nhiều so với việc ngồi nhai sách giáo khoa.
  • Bố mẹ có thể trao đổi trực tiếp với cô giáo bộ môn, nhưng tốt nhất là một cách kín đáo để con không cảm thấy khó chịu. Hỏi ý kiến cô cách giúp đỡ con như thế nào cho hiệu quả nhất.
  •  Không hỏi han quá nhiều về chuyện này, nhất là không trao đổi với bạn bè của con nếu không có sự đồng ý của trẻ. Giữ cho trẻ những sự “sĩ diện” cần thiết mà trẻ trung học cơ sở lẫn trung học phổ thông đều coi trọng.
  •  Chú ý cách kiểm tra bài – thể hiện được mình là “đồng minh” với con trong việc học lại kiến thức cũ chứ không phải là người kiểm tra sàn sạt, tệ hơn là tra hỏi, lục vấn xem bài này làm chưa, bài kia đã hiểu chưa. Hãy tỏ ra vững tin ở khả năng của con.

Trẻ không thích học môn chính chỉ vì mải chơi, chủ quan, nghĩ rằng khả năng của mình thừa sức vượt qua các kỳ kiểm tra mà không cần phải luyện tập hay đào sâu suy nghĩ…? Với trường hợp này, bố mẹ hãy thử khơi gợi sự “tự ái” của trẻ bằng cách tìm vài bài tập thật khó, đố mẹo, độc đáo ở một số tài liệu tham khảo. Trẻ có thể sẽ tiếp nhận thách thức và nếu thất bại, trẻ sẽ hiểu ra thực chất khả năng của mình đang ở đâu, kỹ năng của mình chưa chuẩn như thế nào. Có thể thách trẻ làm một bài toán quen thuộc nhưng trong một khoảng thời gian rất gấp rút. Những em không thường xuyên làm bài luyện tập, cho dù là thông minh thì kỹ năng làm việc cũng không thể nhanh nhẹn được. Qua một vài lần như thế, có thể con của bạn sẽ nhìn vấn đề đúng đắn hơn.Trẻ không thích học môn chính vì… không có cảm tình với thày cô bộ môn hoặc thày cô giảng không lôi cuốn. Trong trường hợp này, bố mẹ sẽ phải tìm cách kích thích trí tò mò, gợi hứng thú và động lực học của con, bằng cách:

  • Nếu bạn cũng là người có khả năng về môn học ấy, hãy kể cho con những mẩu chuyện thú vị        xung quanh môn học, những huyền thoại, những danh nhân tiêu biểu, những câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của họ. Hiện nay trên thị trường, những cuốn sách viết về điều này cũng không phải là hiếm.
  • Cuối tuần, bố mẹ có thể cùng con chơi những trò chơi liên quan đến việc học môn học đó. Chẳng hạn, trò chơi nhớ các con số đối với môn Toán, trò nói nhanh tên Thủ đô đối với môn Địa lý, trò viết ra giấy ghép câu để tạo ra những câu văn buồn cười, hài hước, nói về các nhân vật trong các tác phẩm văn học mà con đã học với môn Văn..v…v…
  • Hãy tìm cách đặt vè, làm thơ tổng kết các kiến thức của môn học một cách hài hước, khiến con vừa nhớ lâu, vừa cảm thấy thú vị, kiểu như “Con gà con, gân cổ gáy, cúc cù cu…” (cạnh góc canh, góc cạnh góc, cạnh cạnh cạnh…).
  •  Nếu bố mẹ “hiện đại” một chút, có thể… lên facebook lập Hội những người … sợ Toán, hoặc: Hội những người… sợ Văn… để chia sẻ cùng con và bạn bè cùng lứa, cùng lớp của con. Những thành viên tha hồ kêu ca, phản đối… môn học này. Bạn không có bất kỳ một “động thái” nào phê phán quan điểm của trẻ. Hãy chia sẻ những mẩu chuyện thời thơ ấu, những lần bạn từng “khốn khổ” vì môn học, từng cảm thấy chán ghét môn học, rồi lại kể những tình huống khiến bạn thấy môn học này hóa ra cũng rất cần thiết. Rất có thể sau một thời gian hoạt động, hội của các bạn sẽ được đổi tên!

Và cuối cùng, với những đứa trẻ thực sự chỉ muốn quan tâm đến Nhạc, Họa hay Thể dục – những môn quá phụ đối với bố mẹ và thày cô, lại quá quan trọng đối với chúng, bạn hãy vui mừng theo dõi những bước tiến của trẻ trong những môn này. Có thể, một lớp học năng khiếu nghiêm túc sẽ là giải pháp?Bạn thấy đấy, chính hay phụ hóa ra không còn quan trọng nữa. Sau một thời gian “đấu tranh” với vấn đề này, bạn và con bạn sẽ có được một mối thân tình thắm thiết, đồng cảm và tin cậy lẫn nhau. Nếu được thế, thì dù con vẫn chỉ yêu môn phụ mà chưa yêu môn chính, bạn đã vẫn chiến thắng.

 

Con thích học vẽ hơn học toán ạ!

Chúng mình thích trở thành nghệ sĩ piano, còn nhà văn hay nhà toán học như bác Ngô Bảo Châu thì còn phải suy nghĩ tí đã!
TSGD Nguyễn Thụy Anh

About admin2

Scroll To Top