Tại Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6 được tổ chức tối 29/12, Ban Tổ chức đã trao 2 giải A cho tác phẩm “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển và bộ sách “Chào tiếng Việt”.
Theo đó, “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển” của tác giả: Bùi Công Quế (Chủ biên), Phùng Văn Phách, Đỗ Huy Cường, Trần Tuấn Dũng, Lê Đức Anh, được Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ ấn hành. Đây là sách chuyên khảo, tổng hợp kết quả của cụm công trình điều tra nghiên cứu về vùng biển Việt Nam trong hơn 20 năm qua về chủ đề quản lý biển và xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Tác phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao vì lần đầu tiên xây dựng cơ sở khoa học cập nhật và hiện đại, phù hợp các quy chuẩn quốc tế được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận để xác định ranh giới thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982. Do đó, tác phẩm được sử dụng chính thức trong quản lý biển đảo, phục vụ khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh và quốc phòng trên vùng biển Việt Nam.
Hình ảnh: Ông Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải A cho các tác giả.
Trong khi đó, bộ sách “Chào tiếng Việt” (Cấp độ 1: Ra khơi, Cấp độ 2: Khám phá) của tác giả Nguyễn Thụy Anh là tác phẩm xuất sắc trong danh mục sách thiếu nhi đoạt giải A, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
“Chào tiếng Việt” được tác giả biên soạn theo Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài tương ứng với trình độ sơ cấp, dành cho học sinh thuộc hai nhóm tuổi là từ 6-10 và 10-15 tuổi. Bộ sách là công cụ giúp học sinh phát triển, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt, đồng thời là tài liệu dạy học tiếng Việt của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.
Sau hơn một năm ra mắt, “Chào tiếng Việt” đã đến được với cộng đồng ở nhiều nước trên thế giới. Bộ sách cũng đã vinh dự được trở thành món quà của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi tặng cộng đồng người Việt tại một số quốc gia (Nhật, Luxembourg, Vương quốc Bỉ, Na Uy,…) và đưa vào hệ thống thư viện công tại nhiều nước sở tại để bà con người Việt có thể tới mượn và sử dụng linh hoạt theo nhu cầu của mình.
Với kinh nghiệm sau 30 năm theo đuổi công việc dạy học, trải qua những hoạt động thực tế cùng cộng đồng người Việt ở một số nước trong hơn 10 năm trở lại đây, tác giả Thụy Anh muốn ghi lại và trao lại những tổng kết của mình trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt kiều để hỗ trợ các thầy cô giáo, các phụ huynh vẫn ngày đêm tâm huyết với câu chuyện tiếng Việt cho con qua bộ sách, hướng đến nhóm tuổi 6 đến 15.
Trong bộ sách, các hoạt động học được thiết kế vui nhộn, thú vị, kết hợp với hình minh họa dẫn dắt người học một cách tự nhiên vào câu chuyện của các nhân vật Miu Nguyễn, Dế và Bé.
Hình ảnh: Hai tác phẩm đoạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6
“Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển”
và bộ sách “Chào tiếng Việt”
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhận xét trải qua các mùa giải, Giải thưởng sách quốc gia đã tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận, đánh giá cao.
“Chúng ta tôn vinh các tác giả, dịch giả, người làm công tác xuất bản, cũng chính là tôn vinh văn hóa đọc. Ở Giải thưởng lần thứ sáu này, với nhiều đổi mới, từ quy chế đến công tác chấm giải, tổ chức Lễ trao giải, Giải thưởng đã có bước phát triển mới, có sự tương tác với người đọc, xứng tầm là giải thưởng cấp quốc gia” – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Ban tổ chức giải thưởng phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, để giải thưởng thật sự là một trong những giải thưởng uy tín, hàng đầu, góp phần thúc đẩy lĩnh vực xuất bản không ngừng phát triển. Bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn, báo chí – truyền thông tích cực hỗ trợ để lan toả sâu rộng hơn nữa giá trị sách, nhất là sách được giải thưởng quốc gia.
Cũng tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao giải B cho 10 tác phẩm và giải C cho 11 tên sách, bộ sách. 8 giải khuyến khích cũng được trao cho các tác giả, dịch giả, nhà xuất bản và công ty sách.
1. Hồ Chí Minh – Cơ hội cuối cùng (Tác giả: Henri Azeau, người dịch: Trần Xuân Trí, Ninh Xuân Thao, hiệu đính: Nguyễn Thị Hạnh, Dương Văn Quảng; NXB Đại học Sư phạm).
2. Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Tác giả: Bùi Xuân Đính; NXB Chính trị Quốc gia Sự thật).
3. Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858-1954 (Tác giả: Pierre Brocheux, Daniel Hémery, người dịch: Phạm Văn Tuân, hiệu đính: Thư Nguyễn; NXB Thế giới liên kết Công ty CP sách Omega Việt Nam)
4. Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tác giả: Kiều Thu Hoạch; NXB Khoa học xã hội liên kết Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam).
5. Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ da đầu (Tác giả: Trần Thiết Sơn – chủ biên; NXB Y học).
6. Chuyển đổi số thế nào? (Tác giả: Hồ Tú Bảo, Nguyễn Nhật Quang; NXB Thông tin và Truyền thông).
7. Mỹ thuật Việt soi từ phía khác (Tác giả: Trần Hậu Yên Thế; NXB Mỹ thuật).
8. Nghệ thuật dessin (Tác giả: Nguyễn Đình Đăng; Nhà xuất bản: Dân trí liên kết Công ty CP Văn hóa Đông A).
9. Bộ sách: Hít hà mùi đất nước (6 cuốn) (Tác giả: Mình là Hũ – viết, Trúc Nhi Hoàng – vẽ); NXB Hà Nội liên kết Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam).
10. Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch (Tác giả: Nguyễn Khắc Cường; NXB Trẻ).
11 tên sách, bộ sách đoạt giải C:
1. Kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản giám sát – Cuộc chiến vì tương lai loài người ở biên giới mới của quyền lực (Tác giả: Shoshana Zuboff, biên dịch: Mai Chí Trung; NXB Chính trị Quốc gia Sự thật).
2. Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam (Tác giả: Dương Thanh Mừng; NXB Đà Nẵng).
3. Bảo vật quốc gia – Lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Tác giả: Bảo tàng Lịch sử quốc gia; NXB: Văn hóa dân tộc).
4. Bệnh học nội khoa (2 tập) (Tập 1 – chủ biên: PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển, GS.TS. Ngô Quý Châu, PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, TS. Nguyễn Trung Anh, Tập 2 – chủ biên: PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển, PGS.TS. Trần Ngọc Ánh, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, PGS.TS. Nguyễn Khoa Diệu Vân, PGS.TS. Đặng Quốc Tuấn, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng; NXB Y học).
5. Cây thuốc của dân tộc Vân Kiều và dân tộc Pa Kô ở Quảng Trị (Tác giả: Ninh Khắc Bản – chủ biên, Phan Văn Kiệm, Ninh Khắc Thanh Tùng; NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ).
6. Cơ cấu trí khôn (Tác giả: Howard Gardner, người dịch: Phạm Toàn, hiệu đính: Nguyễn Dương Khuê, Phạm Anh Tuấn; Nhà xuất bản: Tri thức).
7. Chơi Jazz ở Việt Nam (Tác giả: Stan BH Tan – Tangbau, Quyền Văn Minh; NXB Hội Nhà văn liên kết Công ty CP Sách Omega Việt Nam).
8. Linh ứng: Hành trình của kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh (Tác giả: Nguyễn Mạnh Tuấn; NXB Dân trí liên kết Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News).
9. Kể chuyện trên mặt nước (Tác giả: Lương Linh; NXB Hà Nội liên kết Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội SUNBOX). 10. Mùa hè đáng nhớ của Vàng A Lềnh và Vừ Mí Lùng (Tác giả: Dương Đình Lộc; NXB Dân trí).
11. Bộ sách: 15 bí kíp giúp tớ an toàn (7 cuốn) (Tác giả: Nguyễn Hương Linh, Hoàng Anh, Dương Thùy Ly, Nguyễn Trọng An, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Hồng Ánh, Thu Thủy; NXB Kim Đồng).
18 sách, bộ sách đoạt giải Khuyến khích:
1. FPT bí lục – Khám phá văn hóa doanh nghiệp tại FPT (Tác giả: Nguyễn Thành Nam, Phan Phương Đạt, Lê Đình Lộc, Nông Thị Bích Vân, Nguyễn Thu Huệ; NXB Hà Nội liên kết Công ty CP Sách Thái Hà).
2. Chủ nghĩa tư bản không có tư bản – Sự trỗi dậy của nền kinh tế vô hình (Tác giả: Jonathan Haskel, Stian Westlake, biên dịch: Nguyễn Thanh Sơn, hiệu đính: Phùng Đức Tường; NXB Chính trị Quốc gia Sự thật).
3. Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc: Biến đổi kinh tế và xung đột quân sự từ năm 1500 đến năm 2000 (Tác giả: Paul Kennedy, người dịch: Nguyễn Thanh Xuân; NXB Thế giới liên kết Công ty CP Sách Omega Việt Nam).
4. Phi châu thịnh vượng – Lịch sử 5000 năm của sự giàu có, tham vọng và nỗ lực (Tác giả: Martin Meredith, người dịch: Nguyễn Sinh Viện, Nguyễn Hoàng Minh, Đỗ Hoàng; NXB Thế giới liên kết Công ty CP Sách Omega Việt Nam).
5. Bí mật của thung lũng Silicon và những bài học từ thần kỳ kinh tế Hi -Tech (Tác giả: Deborah Perry Piscione, người dịch: Đỗ Thị Thu Trà, Lê Tùng Quân, chủ trương và hiệu đính: Nguyễn Xuân Xanh; NXB Tổng hợp TP. HCM).
6. Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới (Tác giả: Jane Pilcher, Imelda Whelehan, Người dịch: Nguyễn Thị Minh; NXB Phụ nữ Việt Nam).
7. Giá trị văn hóa của Đạo Cao Đài (Đinh Quang Tiến – chủ biên); NXB Tôn giáo.
8. Hai nhà máy thủy điện ngầm của Việt Nam (Tác giả: A.V. Sklyarenko, O.D. Zvyagin, Người dịch: Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Xuân Hòa, Lê Đức Mẫn, Trần Quốc Tiến, Bùi Sỹ Hùng, Phạm Hồng Hải. NXB Khoa học và Kỹ thuật)
9. Nghệ thuật tư duy dựa trên dữ liệu – Để ra quyết định thông minh hơn trong một thế giới không chắc chắn (Tác giả: Hoàng Hữu Đà; NXB Trẻ).
10. Nguyên lý và cấu trúc các cơ cấu máy (Tác giả: PGS. Hà Văn Vui, PGS.TS. Nguyễn Chỉ Sáng, TS. Phan Đăng Phong; NXB Bách khoa Hà Nội).
11. Kiến trúc nhà cổ Hội An qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích (Tác giả: Viện Bảo tồn di tích, Chủ biên: Ths. Đặng Khánh Ngọc; NXB Văn hóa dân tộc).
12. Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam (tác giả: Đỗ Đức; NXB Mỹ thuật).
13. Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn – Ký ức rực rỡ (Tác giả: Tranh: Lâm Nguyễn Kha Liên, Bài: Phạm Công Luận; NXB Văn hóa dân tộc liên kết Công ty CP Văn hóa Phương Nam).
14. Nam Kỳ kiến trúc khảo lược (Tác giả: Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính; NXB Thuận Hóa)
15. EGO – NGƯỜI (EGO – Bản thể – EGO cộng đồng – Không gian nghệ thuật đại đô thị cộng đồng (03 tập) (Tác giả: Ngô Xuân Bính; NXB Thế giới).
16. Bộ sách: Những đứa trẻ hạnh phúc (10 cuốn) (Tác giả: Lê Anh Vinh – chủ biên), Bùi Thị Diển – nội dung, Bùi Việt Duy – minh họa; NXB Kim Đồng).
17. Bộ sách: Em yêu Việt Nam mình (1. Mái nhà trên cao nguyên, 2. Tiếng rừng, 3. Trở về); (Tác giả: Chiều Xuân, họa sĩ Heg; NXB Hà Nội liên kết Công ty TNHH Truyền thông LionBooks Việt Nam).
18. Chuồn chuồn ớt tìm mẹ (Tác giả: Nguyễn Hồng Chiến; NXB Kim Đồng).
Ngân Thường – Bài viết trên https://congthuong.vn/ ngày 31/12/2024.