VOV.VN – Mua sách cho con từ lúc bé còn nằm trong bụng mẹ… là chia sẻ đầy thú vị của Tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh.
Dịch giả, Tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, người sáng lập mô hình CLB Đọc sách cùng con luôn là người tâm huyết trong việc xây dựng thế giới bổ ích cho con trẻ thông qua những cuốn sách. Với chị sách có tầm quan trong vô cùng với tuổi thơ, những cuốn sách như một góc riêng nuôi dưỡng tâm hồn.
Tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh chia sẻ kinh nghiệm dạy con qua sách tại một sự kiện do ADC Book tổ chức
Khi nói về văn hóa đọc, trước hết phải xây dựng quan hệ con cái với bố mẹ. Sách là một góc giúp chúng ta khơi gợi cảm xúc trong gia đình giữa bố, mẹ và con cái. Không có cảm xúc đó trong mỗi con người thì lớn lên dù có học kỹ năng sống mấy đi chăng nữa cũng vô nghĩa lý. Vậy nên chúng ta nên xây dựng một tủ sách, không gian sách trong nhà, là xây dựng kỷ niệm đầu đời cho trẻ.TS Thụy Anh hoài niệm: “Thời chúng tôi chưa có nhiều tivi và cũng thường chỉ được xem mỗi chương trình Những Bông hoa nhỏ thôi. Thế hệ bây giờ rất khác với chúng tôi, nên chuyện xây dựng văn hóa đọc sẽ rất khác.
Mua sách cho con thì cũng nên mua trước khi con chào đời. Đứa trẻ sau này lớn lên mà có thấy dòng chữ ghi là “bố (hay mẹ) tặng con”, lúc con đang trong bụng mẹ… thì chắc chắn em bé đó rất là cảm động. Sau này có lúc nào đó con cãi lại mình mà con đọc lại cuốn sách với dòng chữ ấy cảm xúc dâng trào con sẽ thấy hối hận… Đấy là điều đã xảy ra với tôi khi tôi còn nhỏ”.
“Bố tôi mua cho tôi những cuốn sách đầu tiên vào năm 1973, tức là lúc đó tôi đang ở trong bụng mẹ, năm 1974 tôi mới ra đời và ông đã đặt tên cho tôi rồi. Tôi sung sướng vì đã có tên trước đó, tôi có rất nhiều thứ được ghi là “tặng cho Thụy Anh”, điều đấy là điều tuyệt vời.
Cảm xúc đi với chúng ta suốt cả cuộc đời này, người trong gia đình cảm thấy hạnh phúc với nhau, nếu làm cho nhau buồn sẽ ân hận”.
Tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh ký tặng sách cho độc giả.
TS Thụy Anh chia sẻ về việc nuôi dạy con: “Không phải tôi là mẹ, tôi phải nuôi con, mà tôi được làm mẹ, tôi được nuôi con và được cùng con lớn lên, cùng chia sẻ cảm xúc. Và cũng có lúc… cãi nhau, có lúc không hài lòng với nhau, nhưng cảm xúc lớn nhất là được đồng hành cùng nhau trong cuộc đời này, và dạy con qua sách”.
“Cuốn sách đầu tiên tôi dành cho con tôi là cuốn sách tôi tự làm. Tôi đọc sách cho con nghe khi bé mới 3-4 tháng tuổi. Con tôi lớn dần lên, đến khi cháu biết nói thì đã thuộc những câu thơ, chuyện đơn giản tôi đọc cho cháu nghe từ lúc nào rồi.
Em bé có thể tiếp thu câu chuyện của người mẹ từ lúc 3 – 4 tháng tuổi. Khi tôi đọc chuyện cho cháu nghe thì không quan trọng về nội dung, mà quan trọng nhất là cảm xúc, bé được giao lưu với mẹ.
Những đứa trẻ sinh ra đã có những nhận biết nhất định, ta đọc sách, những câu chuyện đi vào tâm trí của đứa trẻ và nó tự điều chỉnh hành vi của đứa trẻ từ lúc nào mình không biết. Tôi dạy con tương đối dễ chịu, thông qua các hành vi kể chuyện”.
Theo quan điểm của TS Thụy Anh, cũng cần có kỹ năng và văn hóa đọc để dạy con cần, xây dựng thói quen đọc sách sớm chứ không phải lúc trẻ đi học lớp 1 mới cho con đọc sách, lúc ấy sẽ rất vất vả. Bố mẹ hay đọc, chắc chắn con nhìn thấy cũng phải có phản ứng, đầu tiên là thói quen đọc sau đó là sở thích đọc.
Chọn sách cũng rất quan trọng, chúng ta cũng có thể chia sẻ với các con, tôn trọng sở thích của đứa trẻ, những chúng ta cũng chia sẻ sở thích của mình, biết đâu cách chúng ta tiếp cận cũng khiến cho đứa trẻ thú vị. Khuyến khích con đọc những gì con yêu thích ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta cũng phải để ý nhu cầu của đứa trẻ nữa.
Người dẫn dắt là cha mẹ nên hướng dẫn các con kỹ năng đọc sách từng chút một. Cha mẹ qua sách biết các thời kỳ phát triển tâm sinh lý của con. Nếu bố mẹ bỏ thời gian tìm hiểu thì sẽ bình tĩnh hơn rất nhiều trong quá trình nuôi dạy con.
Kỹ năng hướng dẫn hành vi, là hành vi theo lối sống của mình. Nếu như chúng ta chuẩn bị có con thì rất nên đọc sách Kỹ năng đối với cả cha lẫn mẹ. Nhiều người mất khả năng tự tin làm bố, làm mẹ của mình vì đám đông. Đám đông không chỉ là đám đông bên ngoài mà còn là đám đông thân yêu (ông, bà, cô, dì, chú, bác…) mỗi người một ý. Đặc biệt là chưa gì đã bàn tán đến kết quả (ôi béo thế, gầy thế, học kém thế…) gây áp lực vô cùng lớn cho người bố, người mẹ.
Vậy những người bố người mẹ hãy chuẩn bị cho mình tâm thế bình tĩnh bằng cách đọc sách. Tất nhiên mình phải chọn sách, mình chọn những sách nào đã được kiểm chứng, những tên tuổi trong lĩnh vực tâm lý học giáo dục. Và bạn hoàn toàn có thể mỉm cuời khi người ta chê bai cách dạy con…
Dạy trẻ con kỹ năng phải thông qua câu chuyện, thông qua cả trải nghiệm, con phải có thời gian cùng bố mẹ đọc sách, phải có thời gian rút ra một câu chuyện đến khi đối mặt với một tình huống trên thực tế, con sẽ nhớ lại, con sẽ biết cách xử lý như thế nào.
Có nhiều bố mẹ luôn chất vấn mình xem mình có phải là bố mẹ tốt hay không. Cũng đừng dằn vặt mình nhiều quá, khi sinh ra không ai làm cha mẹ giỏi ngay được. Hãy lạc quan và tự tin vào bản thân của mình, hãy tìm hiểu qua sách để biết thêm thông tin, điều chỉnh hành vi của con, có rất nhiều phương án, thông qua sách chúng ta sẽ có nhiều biện pháp dạy con.
Sách như những người bạn đồng hành với mỗi giai đoạn trong cuộc đời của mỗi con người, nhất là trẻ em cần được nuôi dưỡng tâm hồn bằng thế giới lý thú, đầy sắc màu trong những trang sách.
TS Thụy Anh chia sẻ thêm: “Ban đầu tôi xây dựng cuộc sống xung quanh con mình bằng cách viết những câu chuyện về con để khơi gợi cảm xúc và tạo sự gần gũi cho con với cuộc sống xung quanh, vì tôi quan niệm rằng không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng là một tờ giấy trắng mà người lớn muốn viết thế nào thì viết. Tôi cho rằng bên trong mỗi đứa trẻ đã chứa đựng một phần nào đó, một phần tâm hồn của sự tò mò, ham hiểu biết về thế giới xung quanh. Chính vì lẽ đó mà tôi nghĩ rằng, việc xây dựng thế giới xung quanh con như viết một cuốn sách, kể những câu chuyện để từ đó làm cơ sở điều chỉnh hành vi của trẻ. Đồng thời, chính bố mẹ cũng phải là những người đam mê đọc sách thì mới có thể truyền lại cảm hứng cho con”./.
Là những nghệ sĩ sống nơi đất khách quê người nhưng họ luôn dạy con hướng về nguồn cội và gìn giữ truyền thống trong những ngày năm hết Tết đến.
Trà My/VOV.VN