Ăn vạ ở trẻ là một trạng thái cảm xúc tương tự như một cơn bão mùa hè bất chợt ập đến và thỉnh thoảng vô cùng dữ dội, nhưng thường nó sẽ kết thúc nhanh như khi nó bắt đầu. Để mô tả thì nó sẽ giống như thế này: chỉ một phút trước, bạn và con còn đang rất vui vẻ ăn tối trong nhà hàng, nhưng chỉ phút sau, con bắt đầu khóc lóc, rên rỉ và sau đó là la hét và đòi về nhà ngay lập tức. Điều này đặc biệt hay xảy ra trong độ tuổi khủng hoảng lên 3, có thể bắt đầu từ 2 cho đến 3 tuổi rưỡi.
Có thể bạn sẽ vô cùng lo lắng, con mình sao lại như vậy. Hãy nhớ rằng, ở độ tuổi này, con bạn sẽ không thường xuyên giận dỗi để thu hút sự chú ý của bạn. Nhiều khả năng, con đang khủng hoảng trong việc thể hiện sự thất vọng của mình. Thông thường, kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ lúc này tuổi chưa hoàn thiện, vì thế, cách mà chúng dùng đó là đổ lỗi.
Trẻ 2 tuổi bắt đầu hiểu nhiều hơn những gì chúng nghe được, tuy nhiên, khả năng nói lên cảm xúc và nhu cầu của chúng vẫn còn khá hạn chế. Và như một điều tất yếu, con sẽ cảm thấy thất vọng khi con không thể diễn tả nổi cảm xúc của mình.
Một số chuyên gia cho hay, quá trình chuyển hoá, thay đổi các chất trong não của trẻ mới biết đi có thể là nguồn cơn gây ra sự giận dữ không kiểm soát được này. Dù lý do là gì đi chăng nữa, hãy nhớ rằng, ăn vạ là chuyện bình thường ở độ tuổi này và đứa trẻ của bạn sẽ đi qua giai đoạn này vào giai đoạn cuối 3 tuổi. Thay vì lúng túng không biết phải làm gì mỗi khi con giận hờn, bạn hãy bình tĩnh, hãy nhớ rằng mình là cha mẹ, và mọi bậc cha mẹ đều đã, đang hoặc sẽ phải trải qua tình huống này. Đừng bi kịch hoá mọi chuyện.
Bạn nên làm gì?
Luôn nhẹ nhàng với trẻ. Rõ ràng sự giận dữ ở trẻ chẳng dễ chịu chút nào nhưng hãy luôn “cool” với trẻ. Ngoài việc đấm đá, la hét, nằm vật ra sàn ăn vạ, con bạn có thể ném mọi thứ, đánh và thậm chí là không thở cho đến khi mặt trẻ tím tái, nhợt nhạt. Đừng lo lắng, trẻ sẽ tự lấy không khí để thở. Nếu trẻ thường xuyên nhịn thở thì bạn mới cần lo lắng và đưa con đi khám bác sĩ.
Khi trẻ đã “chìm đắm” vào cơn giận, trẻ sẽ chẳng thể nghe bất kỳ lời nói nào. Mặc dù vậy, con sẽ vẫn phản ứng tiêu cực với lời la hét hay doạ nạt của bạn. Bạn càng quát thì con lại càng khóc to. Vậy thì đừng quát nạt, đừng doạ dẫm, đừng nói gì cả, bạn chỉ cần ngồi bên cạnh con khi con đang “nổi trận lôi đình”.
Nếu bạn giậm chân, la hét, giận dữ đóng sập cửa phòng lại, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi. Cơn bão cảm xúc mà con đang trải qua có thể đe doạ chính con và con cần biết bạn đang ở bên con.
Thay vì mặc kệ con nằm ra sàn ăn vạ, hãy đến bên cạnh con, nếu con không vùng vẫy quá nhiều, có thể bế con dậy và ôm con. Rất có thể con sẽ thấy được an ủi trong vòng tay của bạn và nhanh chóng bình tĩnh trở lại.
Khi trẻ ăn vạ sẽ chẳng dễ chịu chút nào, nhưng hãy “cool” với trẻ nhất có thể (Ảnh: internet)
Nhớ rằng bạn là người lớn. Đừng quan tâm đến việc cơn giận dữ xảy đến trong bao lâu, cũng đừng đáp ứng bất cứ đòi hỏi vô lý nào của con hay thương thuyết điều gì với một đứa trẻ đang la hét. Nếu đang ở nơi công cộng, trẻ lại càng được thế. Càng vào những lúc như vậy, bạn lại càng không được lo lắng về đám đông, đừng quan tâm người khác nghĩ gì. Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng từng trải qua hoàn cảnh như vậy. Nếu bạn đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ, bạn sẽ chỉ dạy trẻ rằng ăn vạ và tức giận là con đường ngắn nhất để vòi vĩnh. Điều này sẽ dẫn đến sự lệch lạc hành vi của trẻ khi lớn lên.
Nếu sự giận dữ của trẻ lên đến đỉnh điểm, trẻ đánh những người xung quanh hay con vật, ném mọi đồ đạc, la hét không ngừng, hãy đưa trẻ vào một nơi an toàn, ví dụ như phòng ngủ của trẻ – mơi mà trẻ không thể làm đau chính mình hay làm hại bất kỳ ai. Giải thích cho trẻ biết tại sao bạn lại đưa trẻ vào trong phòng, cho trẻ biết rằng bạn sẽ ngồi bên cạnh trẻ cho đến khi nào con bình tĩnh trở lại. Nếu bạn đang ở nơi công cộng – địa điểm lý tưởng để trẻ giận dỗi – hãy chuẩn bị mọi thứ để bạn và con di chuyển đến một nơi khác, không ở vị trí hiện tại nữa. Ví dụ như bạn đang ở trong nhà hàng thì có thể đưa con ra ngoài cho đến khi nào con bình tĩnh.
Nói chuyện sau khi con đã bình tĩnh. Khi “cơn bão” qua đi, hãy ngồi gần con và nói với con về những gì vừa xảy ra. Sử dụng ngôn ngữ thật đơn giản, cho trẻ biết là bạn nhận ra cơn giận dữ ở trẻ và giúp trẻ diễn đạt cảm xúc của mình thành từ ngữ, ví dụ như: Vừa rồi con rất tức giận vì đồ ăn không đúng với ý của con,…v.v.
Cho trẻ thấy một khi trẻ diễn tả bằng lời những gì trẻ cảm nhận, câu chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Hãy nói một cách nhẹ nhàng và không quên mỉm cười: Mẹ/Bố xin lỗi vì đã không hiểu ý con. Bây giờ con không la hét nữa, mẹ/bố có thể tìm ra điều con muốn. Và sau đó hãy ôm con.
Cố gắng xoa dịu cơn giận và tình huống gây rắc rối. Chú ý đến những gì gây ra sự giận dữ ở trẻ và xoa dịu từ nguồn gốc.
Nếu trẻ giận dỗi vì đói, hãy mang theo chút đồ ăn nhẹ. Nếu trẻ gặp rắc rối khi chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, hãy thông báo lịch trình các hoạt động với trẻ, cho trẻ thư giãn trước khi thay đổi. Hãy nhắc trẻ thực tế rằng bạn sẽ rời khỏi sân chơi và đi ăn tối. Ví dụ như: Chúng ta sẽ đi ăn tối khi con và bố bàn xong câu chuyện. Cho trẻ cơ hội để điều chỉnh thay vì để phản ứng.
Con bạn đang muốn trở nên độc lập, hãy cho con cơ hội khi bạn có thể. Không ai thích mình cứ bị sai bảo mãi. Hãy nói: Con muốn ăn ngô hay khoai tây? thay vì: hãy ăn ngô đi. Cách bạn nói sẽ khiến trẻ cảm nhận được rằng trẻ có thể chọn lựa, có thể điều khiển tình huống, trẻ cảm thấy mình được tôn trọng.
Bạn cũng hãy kiểm soát số lần mình nói không với trẻ. Đừng chỗ nào cũng “không” mà hãy “có” nếu có thể. Nếu bạn thường xuyên nói không với trẻ, bạn có thể tạo ra những căng thẳng không cần thiết cho cả hai mẹ con. Hãy đơn giản hoá mọi thứ và suy nghĩ: liệu rằng việc con chơi thêm mấy phút có thực sự khiến bạn lỡ dở mọi việc khác?
Theo dõi dấu hiệu bị căng thẳng quá mức. Bạn nghĩ rằng giận hờn vô cớ là “chuyện thường ngày ở huyện” của trẻ lên 2 mà bị bỏ qua các vấn đề lớn hơn khác. Gần đây gia đình bạn có xảy ra chuyện gì không? Bạn có quá bận rộn? Vợ chồng xảy ra xích mích gì không? Mọi điều đều có thể gây ra sự giận hờn ở trẻ.
Nếu trẻ thường xuyên giận dữ, thậm chí là mỗi ngày, sau khi trẻ đã 3,5 tuổi, hãy nói chuyện với chuyên gia. Nếu trẻ chưa đến 3,5 tuổi nhưng mỗi ngày trẻ giận dỗi 3 – 4 lần và không hợp tác trong bất cứ thói quen nào bạn muốn tạo cho trẻ như mặc quần áo, dọn đồ chơi, bạn cũng nên cân nhắc hỏi ý kiến chuyên gia. Chuyên gia sẽ cho bạn biết đó có phải là do ảnh hưởng vật chất và tinh thần đến trẻ hay không và gợi ý cho bạn cách giải quyết.
Hiếu Nguyễn dịch
Tác giả: Bonnie Monte
Thẩm định: Hội đồng Cố vấn BabyCenter
Hội đồng cố vấn của BabyCenter gồm các chuyên gia uy tín và dày dạn kinh nghiệm trong các lĩnh vực nhi khoa, sản khoa, tâm lý học, nuôi dạy con..v.v. Hội đồng chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác và phù hợp của các thông tin trên website babycenter.com.
Nguồn: Babycenter.com