Ngày 23/03/2018 tại trung tâm Trung tâm khoa học và văn hóa Nga đã diễn ra lễ kỷ niệm ngày quốc tế thơ “Văn học Nga tại Việt Nam” với sự tham gia đông đảo của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả và những người yêu văn học Nga.
Đông đảo của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả và những người yêu văn học Nga đã đến tham gia chương trình
Bà Shafinskaya Natalia Valerievna, giám đốc trung tâm khoa học và văn hóa Nga
Trong buổi lễ, dịch giả Thụy Anh đã giao lưu với những độc giả của hai nước, đã chia sẻ về việc được trao giải thưởng “Ngôn từ – sợi chỉ gắn kết” tại trụ sở Hội Nhà văn Nga ở thủ đô Moskva vào ngày 16/02/2018 vừa qua với cuốn sách ” Olga Berggoltz của tôi” (Thụy Anh, NXB Trẻ, 2010).
Dịch giả Thụy Anh cho rằng, Giải thưởng cuối cùng vẫn chỉ là cơ duyên dành cho một vài người; giải thưởng chỉ đến khi ta say mê, nỗ lực mà không nghĩ tới nó. “Tôi biết ơn nhà văn Albert Likhanov đã đề cử cuốn sách Olga Berggoltz của tôi vào Giải. Việc ông quan tâm đến một người dịch, một cuốn sách bé nhỏ khiến tôi tin rằng, lao động của các dịch giả khác cũng sẽ được chú ý tới”.
Vì thế, giải thưởng có giá trị khích lệ, tạo động lực cho người dịch tiếp tục sứ mệnh của mình. Đó là giới thiệu với bạn đọc hiện đại vẻ đẹp của văn hóa, của nền văn học Nga và Xô-viết.
Trao đổi giữa dịch giả Thụy Anh và MC Hoàng Anh
– Chị chia sẻ mình nhận giải thưởng của Hội nhà văn Nga là một cơ duyên. Giải thưởng đem lại cho chị cảm xúc gì?
Năm ngoái, tôi có cơ hội và may mắn được gặp nhà văn Albert Likhanov khi ông sang Việt Nam. Ông là nhà văn tôi yêu mến từ thời thơ ấu. Ông đã giới thiệu với Hội Nhà văn Nga về sự lao động hiện nay của các dịch giả Việt Nam, trong đó có tôi. Được trao giải “Ngôn từ – sợi chỉ kết nối”, tôi nghĩ nhiều hơn về công việc của mình. Giải thưởng cũng là thông điệp với các dịch giả trẻ rằng họ sẽ được quan tâm hơn, và cũng vì thế cần phải chuyên nghiệp hơn trong hoạt động dịch thuật để có sức lan tỏa hơn nữa, tự tạo ra cho mình thêm cơ hội làm được nhiều hơn cho văn học Nga và cho độc giả.
– Nhưng thưa chị, đội ngũ dịch văn học Nga là vấn đề trăn trở lâu nay?
Tôi sẽ không bi quan hay lạc quan trong câu chuyện này. Cùng với sự thay đổi của đời sống chính trị xã hội, nhiều người không chọn học tiếng Nga nữa, vì thế đội ngũ dịch thuật tiếp bước các bậc cha chú đương nhiên có giảm đi. Nhưng tôi biết vẫn còn rất nhiều người yêu nước Nga, yêu văn học Nga và đang làm việc vì tình yêu ấy. Thế thì làm sao lôi cuốn được họ, cùng họ đạt tới sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho bước giới thiệu mạnh mẽ hơn di sản văn học Nga kinh điển và văn học Nga đương đại với thế hệ độc giả mới Việt Nam? Tôi nghĩ, giải pháp có nhiều: các giải thưởng; các cơ hội giao lưu với nhà văn Nga, tạo không khí làm việc tích cực, cho người dịch được đắm chìm trong không gian văn hoá Nga và tiếp cận những sáng tác mới, từ đó tăng động lực làm việc. Tôi nhớ đến giáo sư Tachiana Philimonova, một trong số ít ỏi những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam người Nga. Hàng năm, bà vẫn tự bỏ tiền sang Việt Nam, âm thầm đọc, sống với đời sống ngày thường của người Việt và đời sống văn học của chúng ta, tìm gặp các nhà văn trao đổi trò chuyện. Vậy người dịch trẻ ở Việt Nam cũng cần có cách tiếp cận như thế… Các hội đoàn, các Quỹ văn hoá rất nên hỗ trợ họ trong việc này.
Dịch giả Thụy Anh đã gửi tặng một bài thơ tiếng Nga
– Theo chị, đâu là cơ hội của văn học Nga trong bức tranh chung của văn học nước ngoài tại Việt Nam?
Những năm 70, 80, văn học Nga nở rộ, phần dịch văn học Nga chiếm thị phần rất lớn. Thời ấy, văn học cũng đi liền các vấn đề chính trị, xã hội. Thế nhưng, chính ngày hôm nay, văn học Nga lại có cơ hội lớn hơn trong tương quan “cạnh tranh” với các “món ăn tinh thần” đến từ các nền văn hoá văn học khác. Đó chính là tính đa dạng của thị trường sách và của gu đọc của độc giả!
Độc giả Việt Nam giờ đây là độc giả tiềm năng với một thế hệ trẻ năng động, có nhiều nguồn thông tin và độ mở tri thức. Vì thế, tôi cho rằng, họ sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ tác phẩm thú vị nào của các thời kỳ, miễn sao, các bản dịch chạm được đến bản chất, cái thần của tác giả.
Cá nhân tôi chia sẻ ý kiến của nhà nghiên cứu văn học Đào Tuấn Ảnh trong bài viết gần đây về văn học Nga: mong muốn độc giả Việt Nam được biết một cách hệ thống và đầy đủ hơn về các tác giả Kỷ nguyên bạc của Nga, những tuyển tập chứ không phải lác đác vài tác phẩm để có cái nhìn tổng thể hơn về diện mạo văn chương phong phú thời kỳ ấy . Chúng ta đang có các tuyển thơ của Esenin, Svetaeva và Akhmatova của ngày hôm nay, thật biết ơn các dịch giả. Nhưng còn Pasternak, Mandelshtam, Balmont, Voloshin, Annensky, Gumiliov, Blok… Và cả các tác giả văn học hải ngoại Nga như Brodsky…
– Xem ra cần nhìn xa hơn về con đường kết nối văn học Nga với độc giả Việt?
Tôi nghĩ, chúng ta cần giới thiệu với bạn đọc mới- công chúng mới chứ không chỉ hướng tới những người vốn đã yêu và gắn bó với văn học Nga trong quá khứ, đặc biệt là chuẩn bị cho một “thế hệ độc giả mới” là các bạn đọc nhỏ tuổi tâm thế để đến với những tác giả Nga (NXB Kim Đồng đang làm điều này!). Những người làm sách cần tham khảo thêm ý kiến các nhà nghiên cứu văn học Nga như Phạm Vĩnh Cư, Đào Tuấn Ảnh và có những động thái tập hợp, chia sẻ và khuyến khích các dịch giả văn học Nga hiện vẫn đang làm việc nhưng cũng theo cách nhỏ lẻ, cá nhân, chưa phát huy được nội lực dồi dào của họ. Tôi muốn nhắc đến dịch giả Tạ Phương, Ngô Tự Lập, Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Kim Hiền…
Không người dịch văn học Nga nào ở Việt Nam lại đặt tiêu chí thương mại lên hàng đầu. Tuy nhiên, một thực tế là, đã dịch thì phải được in. Các NXB thì không thể không đặt ra tiêu chí về hiệu quả kinh tế: sách có bán được không. Chính vì thế mà có một vòng luẩn quẩn cho người dịch, người làm sách. Tôi nghĩ, chính ở đây cần sự hỗ trợ của các Quỹ văn hoá, dịch thuật: tổ chức quảng bá tác phẩm văn học Nga một cách chuyên nghiệp để tác phẩm đến được với công chúng, độc giả chọn mua.
Cần khuyến khích, hỗ trợ các nhà xuất bản, các công ty làm sách. Khi họ “vào cuộc”, độc giả mới có nhiều cơ hội “gặp gỡ” với các tác giả Nga, hay nói cách khác, văn học Nga mới có nhiều cơ hội có thêm người đọc mới của mình!
Cũng vì thế mà tiêu chí lựa chọn sách dịch của các dịch giả theo tôi vẫn là đa dạng: lạ (có những khía cạnh chưa được giới thiệu từ trước đến nay), và cả những tác phẩm gần gũi với tâm lý người Việt, dễ tiếp cận, dễ rung động. Nhưng trên hết, vẫn là: hay. Đó phải là những tác phẩm người dịch thấy tâm đắc, rung động, không thể không giới thiệu với độc giả! Nếu chính người dịch không tin vào giá trị của tác phẩm thì không thuyết phục được ai hết.
Các thành viên CLB Đọc sách cùng con đến chúc mừng cô Thụy Anh