Thờinay: Thời gian qua, sự xuất hiện của chuyên mục Sách Ru trên fanpage Câu lạc bộ Đọc sách cùng con (CLB) đã thu hút sự chú ý của nhiều phụ huynh và các bạn nhỏ. TS Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB chia sẻ với Thời Nay về dự án đặc biệt này.
Phóng viên (PV): Sách Ru dường như chọn đúng thời điểm để ra mắt, khi dịch Covid-19 đang khiến nhiều hoạt động trong xã hội bị ngưng trệ. Nhất là với các bạn nhỏ, thật chẳng dễ dàng với việc ở trong nhà lâu như thế.
TS Nguyễn Thụy Anh (TA): Sách Ru – tôi đặt tên cho dự án như vậy vì sách ru bé vào giấc ngủ, sách cũng đưa những điều tốt lành êm ái vào tâm hồn bé thông qua những tưởng tượng mơ màng trước khi bé thiếp đi.
Nhiều người nghĩ đây là ý tưởng của mùa dịch, đọc sách cho trẻ nghe qua mạng khi không gặp nhau được ở CLB. Nhưng kỳ thực, chúng tôi đã nghĩ về dự án này từ lâu, mùa dịch chỉ khiến chúng tôi hiện thực hóa ý tưởng nhanh hơn thôi. Bởi thực tế nhiều bố mẹ vẫn đọc sách cho con trước khi đi ngủ. Đọc sách khiến bố – con, mẹ – con thấy thư giãn hơn, gần gũi nhau hơn trong một câu chuyện nào đó. Đây là cách giao lưu cảm xúc tuyệt vời giữa các thành viên trong gia đình.
PV: Vậy cách CLB triển khai dự án Sách Ru như thế nào?
TA: Nhóm “những phù thủy đọc sách” của CLB với thành viên là các cô phù thủy có tên từ thứ Hai đến Chủ nhật quyết định đồng hành cùng các bố mẹ, đọc sách cho các bé mầm non và những lớp nhỏ của bậc tiểu học. Chúng tôi chọn sách và đọc, theo cách tương tác với bé. Quan trọng không phải là đọc diễn cảm mà là có kỹ thuật tương tác tốt, dựa trên nội dung cuốn sách mà trò chuyện, khơi gợi ý tưởng cho các bé. Những thông điệp bé nhỏ, giản dị về những giá trị tinh thần của cuộc sống sẽ êm êm cùng bé đi vào giấc ngủ, dễ nhớ, dễ hiểu, không áp đặt, lên gân.
Trở ngại nhất trong hoạt động này của chúng tôi là… nhân tố tàng hình virus Covid-19 và sự thiếu hụt trang thiết bị kỹ thuật thu âm chuyên nghiệp. Tình hình dịch bệnh khiến chúng tôi không được gặp nhau nhiều, mỗi lần gặp tranh thủ quay mỗi người 2 – 3 số, cũng toát mồ hôi! Chúng tôi quay và thu bằng smart phone, không lọc được tiếng ồn bên ngoài. Chia sẻ với các bố mẹ phương pháp đọc cho trẻ là mục tiêu chính của CLB, việc mà chúng tôi bền bỉ thực hiện đã 10 năm rồi!
PV: Những cuốn sách như thế nào sẽ được lựa chọn để đọc trong dự án này?
TA: Nhiều năm nay, CLB cần mẫn chia người, kêu gọi cộng tác viên (CTV) đọc và giới thiệu sách trên các kênh truyền thông của mình. Các buổi đọc sách hằng tuần đều đặn được tiến hành. Giờ chỉ là chuyển sang online thôi. Chúng tôi liên hệ chặt chẽ với các nhà xuất bản, đồng thời theo dõi tình hình xuất bản sách thiếu nhi, thường xuyên cập nhật sách mới của cả các tác gia trong nước lẫn nước ngoài – đọc và lựa chọn theo tiêu chí của CLB: Hay và sạch. Thú vị, lôi cuốn, tạo động lực đọc, học và tham gia cuộc sống cho trẻ, đồng thời không có sạn trong trình bày, minh họa và… chính tả. Chúng tôi hỗ trợ người đọc tìm sách hay cho trẻ chứ không phải là kênh truyền thông của các nhà xuất bản.
TSGD Nguyễn Thụy Anh là phủ thủy Chủ Nhật
PV: Chị mong muốn điều gì khi thực hiện dự án Sách Ru?
TA: Tôi mong các bạn nhỏ nào chưa để ý đến sách có thể sẽ quan tâm khi Sách Ru đến với bạn hằng đêm. Tôi mong các bố mẹ chia sẻ cùng chúng tôi niềm vui và những băn khoăn khi chọn sách, đọc sách cùng trẻ. Ước sao Sách Ru sẽ bền bỉ tồn tại, bền bỉ làm bạn với trẻ, như chúng tôi và các CTV của CLB đã từng bền bỉ như thế trong việc dẫn dắt trẻ đến với thế giới lộng lẫy của sách.
PV: Đến nay Sách Ru đã nhận được những phản hồi như thế nào từ phụ huynh học sinh và các bạn nhỏ?
TA: Sách Ru mới lên sóng nhưng những ai cùng nghe với các bạn nhỏ đều nhắn phản hồi đáng yêu lắm! Một mẹ kể, sau khi nghe “Nỗi buồn ốc sên”, thấy cô Chủ nhật nói, khi buồn có thể ôm lấy mẹ, ôm lấy người thân là vơi bớt nỗi buồn – hai bạn nhỏ của mẹ vội vàng ôm chặt lấy mẹ, cảm giác thật hạnh phúc. Nghe câu chuyện chuyển nhà của cô thứ Ba, các bạn nhỏ của một gia đình thấy gần gũi quá, vì nhà bạn cũng vừa chuyển nhà! Có bạn đang ở Pháp, nghe đọc xong thì kêu lên: “Nhớ Việt Nam quá!”… Chừng ấy thôi mà chúng tôi đã hạnh phúc quá rồi. Chắc chắn trong tương lai, khán thính giả của chúng tôi sẽ nhiều lên, và chúng tôi cũng sẽ tự thay đổi, tự hoàn thiện mình sao cho không “tụt hậu” so người nghe của mình.
PV: Chị đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển của loại hình sách nói hiện nay và tính tích cực của loại hình này với đối tượng mầm non và tiểu học?
TA: Thật ra, hiện nay, với sự phát triển vũ bão của công nghệ thì xu hướng sống “online” có vẻ như đang là “mốt”. Việc đưa các nội dung sách, nội dung giáo dục trẻ em lên mạng, trực tuyến và online là điều tất yếu. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, các bậc phụ huynh và những người lớn nói chung vẫn phải lưu ý, quản lý thời gian vào mạng của các bạn nhỏ. Đừng tặc lưỡi vì “xu thế thời đại”, vì thời gian rảnh hơn của bố mẹ, vì mối lợi người lớn khai thác được qua mạng… mà biến một vài thế hệ trẻ của chúng ta trở thành những đứa trẻ của màn hình, ảo nhiều hơn thật.
Những chương trình online hoặc ngay như Sách Ru của chúng tôi cũng có nội dung và phương pháp khuyến khích trẻ ngay sau đó rời màn hình mà ngắm nhìn, quan sát cuộc sống, tham gia vào nó, làm nó sống động lên. Chẳng hạn, câu chuyện về nỗi buồn khiến bạn nhỏ quay ra ôm lấy mẹ; câu chuyện về ngày ra đời của đứa trẻ khiến bạn nhỏ háo hức hỏi bố mẹ xem ngày bố mẹ nhìn thấy mình lần đầu là ngày như thế nào, và cả gia đình có thể cùng ôn lại kỷ niệm, hạnh phúc về điều ấy. Hãy để sách nói, sách nghe, sách nhìn… đều phục vụ cho cuộc sống thật, cho nhu cầu tha thiết được tự mình cầm cuốn sách trên tay, làm quen với các nhà văn và thêm yêu quý những con người quanh mình.
PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc Sách Ru ngày càng lan tỏa trong cộng đồng!
Thi Phong (https://nhandan.com.vn/)