Home / Giới thiệu sách / Mo Willems và “Đừng để bồ câu lái xe buýt”

Mo Willems và “Đừng để bồ câu lái xe buýt”

MO WILLEMS sinh ngày 11 tháng 2 năm 1968, tại New Orleans, USA. Trong sự nghiệp sáng tác picture book của mình, ông đã từng giành nhiều giải quan trọng, trong đó có giải  Caldecott Honor (2004), hay huân chương Theodor Seuss Geisel Medal (2008 &  2009), hay Geisel Honors (2011 & 2012 & 2013).

Các tác phẩm của Mo Willems nổi bật với thủ pháp metafiction rất khéo léo. Metafiction hiểu đơn giản là một cuốn sách tự tìm kiếm sự tương tác với độc giả. Ví dụ như nhân vật trong sách ý thức được nó là một nhân vật tưởng tượng, và nó nói chuyện với bạn. Như trong những cuốn picture book của ông thì các trang truyện liên tiếp có nhân vật chính đang kể chuyện, hoặc hỏi chuyện độc giả, và giữa mỗi câu thoại đó sẽ là một khoảng trống để mỗi độc giả sẽ có một câu trả lời của riêng mình. Bằng cách này, người đọc sẽ thấy mình thực sự được tham gia vào diễn biến của câu chuyện, được đối thoại với nhân vật.

      

Không phải tác phẩm nào của ông cũng sử dụng phương pháp metafiction, có series thỏ Knuffle thì là dạng truyện giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cá nhân mình đặc biệt với các tác phẩm mà ông có sử dụng metafiction, cực kỳ thông minh. Kịch bản được viết khéo léo, tự nhiên vô cùng, bạn sẽ bị kéo vào cuộc đối thoại lúc nào không biết. Sau mỗi câu thoại của nhân vật, trong đầu bạn sẽ tự bật ra câu trả lời, đáp trả nhân vật chính ấy. Nhưng không phải là một cuộc đối thoại lan man, độc giả vẫn sẽ được dẫn dắt tới mục đích cuối cùng, nhận được thông điệp của tác phẩm.

Sách của Mo Willems thường kể những chuyện rất dung dị, gần gũi, những thứ như là lái xe buýt, đi ngủ muộn, nuôi cún con, đọc sách, chia sẻ cái bánh quy….. Nhưng, điểm khác biệt ở đây là ông đã kể những câu chuyện ấy thật đến không thể thật hơn được nữa. Những phản ứng, cảm xúc rất đời thường được diễn tả cực kỳ sinh động và hài hước. Điểm hỗ trợ cho đặc trưng này của ông là cách vẽ cực kỳ đơn giản, đơn giản nhưng rất giàu cảm xúc. Nhìn là thấy nhân vật nếu cười thì cười rất giòn, nếu cáu thì cáu điên, nếu năn nỉ thì thấy muốn cho ngay (⊙‿⊙✿).

Mình tin rằng muốn nói để bọn trẻ con vui vẻ nghe theo thì phải nói… có lý, phải chỉ cho chúng nó biết tường tận vì sao nên làm thế này, chứ không phải dùng vị thế bề trên mà chỉ tay bảo phải thế này hay thế khác. Trong cuốn We’re in a book (trong series bạn voi và bạn lợn), tác giả muốn truyền tải thông điệp là khuyên bọn trẻ con nên đọc sách nhiều hơn. Và Mo đã để hai nhân vật trong sách, tức bạn lợn và bạn voi, trò chuyện với nhau và với độc giả về chính cuốn sách mà chúng nó đang sống. Cứ như câu chuyện nhảm nhảm, tán phét của hai người bạn thân lúc ngồi quán nước ấy. Rất vui.

Cuối cùng thì bạn lợn mới bảo bạn voi một cách buồn bã là: mọi cuốn sách đều cũng hết. Rồi hai bạn cùng ngồi xị mặt ra buồn thiu. Nhưng bạn voi đã nảy ra một ý tưởng sáng suốt để giải quyết vấn đề này là: các bạn hãy đọc lại lần nữa đi, cho chúng tớ lại được vui, lại được chọc cười các bạn lần nữa.  

Thấy chưa, không những kể cho bọn trẻ con nghe là đọc sách cực vui, lại còn dụ chúng nó đọc lại thêm nhiều lần nữa!!!!!

Giới thiệu sơ sơ như vậy, các bạn đã muốn đọc thử picture book của bác Mô chưa :D?

 Thùy Cốm  (Theo Nhã Nam)

About admin2

Scroll To Top