Vẫn những câu chuyện dễ thương viết cho tuổi học trò, những mối tình non, những tấm lòng nồng nhiệt thật thà, và vẫn được kể bằng một giọng văn điềm tĩnh không vội vã, không chạy theo… tốc độ của cuộc sống thời @, lại vẫn luôn luôn khiến mình hình dung ra miệng cười dí dỏm của người viết, giọng cười hi hi ha ha của người đọc… để thấy rằng cuộc đời này vẫn có sự hòa hợp giữa người lớn và con trẻ!
Vẫn thế! Nhưng không thể không đọc từ đầu đến cuối.
Viết về Lá nằm trong lá, tôi nghĩ có thể gói gọn trong vài câu như vậy. Còn cốt truyện, tình tiết… có cần phải kể lể không khi mà mỗi một cuốn sách của nhà văn đều có một cuộc sống riêng và người đọc nhỏ tuổi không cần nghe kể tóm tắt mà cần được mở trang sách ra, bắt đầu gặp gỡ với những nhân vật của mình? Chỉ bấy giờ, họ – người đọc và nhân vật, bắt đầu sống, nghĩ, nói, cười, đau khổ, nhớ thương, giận hờn… cùng nhau.
Nguyễn Nhật Ánh viết truyện cho trẻ con hay về trẻ con? Cả hai. Hoặc không gì cả. Truyện của anh không phải là những câu chuyện vui vui ngồ ngộ của các cô cậu nhỏ được sắp xếp lại, có thể viết dài bất tận, để mà… xuất bản nhiều thế! Mỗi cuốn truyện là một tuổi thơ trọn vẹn, lần nào cũng như bắt đầu lại từ đầu, với ký ức lung linh hoa lá và những trải nghiệm khóc cười rất thật tưởng chừng không có bóng dáng của “hư cấu văn học”. Cũng vì thế mà khó có thể xác định nhà văn viết cho/về thế hệ nào, thời đại nào. Có cảm tưởng người đọc sau trăm năm nữa vẫn sẽ có được một Nguyễn Nhật Ánh đồng hành với ký ức tuổi thơ của mình như thế này mà thôi!
Nguyễn Nhật Ánh có cái tài của người dẫn chuyện, thường chọn đứng ở ngôi thứ nhất để hóa thân vào một cậu chàng nào đó, anh có thể khôn ngoan hé lộ cho người – đọc – người – lớn thế giới tâm hồn của các cô cậu học trò tuổi teen – cái thế giới mà người lớn vẫn thì thầm nói với nhau rằng nó rất phức tạp, rối tung, đầy bế tắc hoặc phá phách, chỉ chực nhăm nhe bung ra khỏi vòng kiềm tỏa của gia đình, xã hội. Hóa ra nó giản dị hơn thế rất nhiều và cũng phong phú, sinh động hơn thế rất nhiều. Song le, nhà văn vẫn kềm được lòng mà không can thiệp vào tất cả những gì đang diễn ra nơi ấy, không né tránh điều gì, không “định hướng giáo dục”: những chuyện vớ vẩn tầm phào, những thú nhận thật thà về các trò nghịch dại, khoe mẽ, sĩ diện, gàn dở…, những suy nghĩ buồn cười ngồ ngộ về tình bạn khác giới, về tình yêu.
Tình yêu bắt đầu từ tình người, tình bạn. Mơ hồ – có đấy mà cũng không phải, lãng mạn, kịch tính và đẹp. Như vẫn luôn thế.
Thụy Anh