Các nhà văn nổi tiếng viết cho thiếu nhi có lẽ đều có một nét chung là rất hóm hỉnh. Nhà văn Tô Hoài có lối tủm tỉm cười, cặp mắt nheo lại rồi chợt nói như chơi một câu rất sâu sắc khiến người nghe bật cười rồi nghĩ ngợi mãi. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì có lối cười như thư sinh, người xứ Quảng mà nói nhỏ nhẹ, khi nói mặt mày trang trọng, thế mà người nghe cười lăn cười bò.
Nhà văn Võ Quảng có nụ cười rất hiền, có người còn nói ông hiền như Bụt. Ồ, hình như không phải là…”như Bụt”. Ông cười khẽ mà cặp mắt tinh nghịch lắm. Chả thế mà ông làm thơ về con Gà Mái hoa với những câu rất hiếu động:
Bỗng Mái hoa đổi nết
Cái đầu nó nghếch nghếch
Cái cổ nó thon thót
Nó kêu: Tót, tót, tót…
( Trích Gà Mái hoa– 1957)
Tả con gà mái sắp đẻ trứng như vậy thì thật là vừa đúng vừa hay lại vừa vui.
Chân dung nhà văn Võ Quảng (ảnh st)
Tôi được gặp nhà văn Võ Quảng lần đầu tiên vào mùa xuân năm 1979, khi tham gia Trại sáng tác văn học thiếu nhi ở thành phố biển Nha Trang. Khi ấy tôi đang là giáo viên cấp II, mặc dù đã có sách in lần đầu từ năm 1971 và vẫn thường xuyên sáng tác, nhưng 9 năm qua vẫn là cô giáo…Nhà văn Võ Quảng cười rất hiền và hóm hỉnh rồi nói với tôi:
– Phải có cái nhìn sâu rồi mới nhìn xa…
Tôi thầm cám ơn ông về ý nghĩa câu nói ấy, biết là ông nói đến việc tôi đã ở lâu trong ngành giáo dục để…”nhìn sâu”…Rồi, ngay sau đó năm 1980, tôi đã bước hẳn vào công việc văn học chuyên nghiệp để…” nhìn xa”.
Nói chuyện với nhà văn Võ Quảng, khi nào tôi cũng được cười. Khi ấy có một thời báo chí nói hơi quá về tác dụng của việc uống một cốc nước to vào buổi sáng sớm có lợi cho sức khỏe. Ông không phê phán báo chí chi cả mà vừa tủm tỉm vừa nói:
– Ui chao ơi! Nước lã bổ tuyệt!!!
Những trang văn của Võ Quảng là những trang văn trong sáng, đẹp từng câu từng chữ nhưng ông rất thích làm vui , nhìn mọi người mọi vật thật hồn nhiên.
Ngay trang đầu tiên của truyện dài Quê nội , ông đã nói chuyện giỡn:
” Sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám, tôi thường thức dậy sớm. Khi thức giấc, tôi cứ tưởng mình vừa chợp mắt, tai còn nghe tiếng hô tập tự vệ của chú Năm Mùi:
– Tất cả quay bên phải! Bên phải là bên tay ta cầm đũa, nghe chưa?
Chị Ba tôi đang tập liền hỏi to:
– Tôi cầm đũa tay trái, tôi quay bên nào?
Chú Năm Mùi quát:
– Đây không phải là việc cô giỡn đâu! Đây là việc quân! Chú quắc mắt, hô đúng là to:- Nghiêm! Quay!
….”( trích Quê nội)
Văn đúng là Người, nhà văn Võ Quảng một người thật hiền hậu, nhưng trong tâm hồn ông, trong ánh mắt ông luôn luôn là cái nhìn hồn nhiên vui vẻ của trẻ thơ.
Buổi đọc sách “Những chiếc áo ấm” (Những chuyện hay viết cho thiếu nhi – Võ Quảng, NXB Kim Đồng, 2013) tại CLB Đọc sách cùng con, 25/01/2014
Nhớ đến ông là tôi nhớ đến nụ cười vừa hiền lại vừa hóm hỉnh của ông. Ngay cả trong một cuộc hội thảo lớn được tổ chức khi ông còn khỏe, nghe những bản tham luận trao đổi về văn chương của mình, ông chỉ tủm tỉm cười hiền hậu và hóm hỉnh trước tất cả mọi lời khen chê. Tôi tin rằng khi đi vào cõi vĩnh hằng, ông cũng đã cười như thế.
Nhà văn Lê Phương Liên, tháng 6/2013