Home / Giới thiệu sách / Nhà văn Trần Quốc Toàn – “Một người lớn khác”

Nhà văn Trần Quốc Toàn – “Một người lớn khác”

anh nha van trang quoc toan (5)

Cuốn sách mới nhất của nhà văn Trần Quốc Toàn

Lâu nay, nhiều người đã quen với hình ảnh nhà văn Trần Quốc Toàn sốt sắng đến dự những cuộc giao lưu trò chuyện với tuổi nhỏ, đố vui bằng thơ được sắp xếp chuẩn bị công phu, tóc bạc hân hoan bên tóc xanh, người như hoà vào tuổi thơ làm một!

Trong nhiều sáng tác của mình, và trong cả tập thơ truyện – món quà mới tinh còn thơm mùi mực và “hương cuộc sống” này, Trần Quốc Toàn dường như “biến hình” thành nhân vật “ba trong một”: nhà văn, nhà giáo, phụ huynh – một người ông. Ông thủ thỉ tâm tình, kể chuyện mà cứ không quên cắt nghĩa chuyện nọ chuyện kia, đem cả “rừng và biển”, cả xưa và nay, cả đùa vui và nghiêm túc, cả tưởng tượng và hiện thực… vào thế giới của riêng mình mà chia sẻ với riêng người đọc nhí.

Phải rồi, đây là câu chuyện chỉ riêng họ với nhau: ông và cháu, một người lớn đã đi qua, nếm trải mọi buồn vui cuộc đời đang trải lòng hồn nhiên với những đứa trẻ ngây thơ chưa bắt đầu cuộc đi thực sự. Ấy vậy mà họ gần như hiểu nhau, và chỉ họ mới hiểu nhau! “Những người lớn bình thường” đã quên tuổi mơ màng, quên cách nghĩ mông lung kiểu trẻ con, sẽ chẳng hiểu được vì sao lũ chuột lại nhăm nhe tổ chức một nhạc viện trong hộp đàn dương cầm, vì sao trâu đêm nằm lại đập đuôi áy náy, vì sao cá linh bay tận lên tầng 4 khách sạn nhăm nhe đòi “hoá rồng”, vì sao gà cũng có nhà hộ sanh, vì sao trong nhà cũng có một dàn xiếc thú tức cười – đứa thì biến hoá đùa giỡn với cái đuôi mình, đứa lại ngất ngây say trong cái hũ đặc biệt… vì sao và vì sao…

anh nha van trang quoc toan (2)

Nhà văn Trần Quốc Toàn

Chỉ những người viết cho trẻ mới nhìn thấy những thứ mà những người lớn bình thường chẳng nhìn thấy được như vậy, để rồi lại loay hoay tìm cách lý giải khiến các bạn nhỏ bụm miệng cười khúc khích. Trần Quốc Toàn nhìn được tất cả những điều kỳ lạ và kỳ diệu ấy, vì ông là “một-người-lớn-khác”. Không giống những người lớn bình thường, ông muốn và học được cách nhìn thế giới như Hoàng tử Bé, không bằng mắt mà bằng trái tim, và lại phải là trái tim non biết ngỡ ngàng, biết thán phục, biết xót thương và ủ ấm…

Tuy vậy, trong ba nhân vật mình hoá thân, trước nhất ông vẫn luôn là một nhà giáo. Phân tách chữ, giải nghĩa, chơi chữ, hoán dụ – đó là “sở trường” của thày giáo dạy văn, vì thế, các bài thơ đều có bóng dáng của những trò chơi đáng yêu ấy. Trẻ con là phải chơi mà! Chơi mới hiểu, chơi mới vỡ lẽ nhiều điều! Mọi thao tác quan sát, so sánh, tưởng tượng, liên tưởng và tư duy logic đều được tác giả dẫn dắt người đọc nhỏ theo trò chơi của mình. Có lúc, những liên tưởng rộng mở, tạo cho các em một không gian lung linh thế này của sách, của chữ, của sự học sự hành:

“… Mênh mông đất mở rộng trang
Trời làm bảng viết hàng hàng mây bay…” (Học trong vườn)

Đó lại là liên tưởng bất ngờ trẻ thơ trong một hình ảnh lung linh tuyệt đẹp, hình ảnh nâng cao mỹ cảm của người đọc nhỏ tuổi:
“Kìa ong đang hút
Giọt mặt trời hồng!”
(Ong mật rừng U Minh)

Hoặc ví von thú vị rất… ngon ngọt thế này, đúng góc nhìn thân thuộc của trẻ với những sự vật xung quanh:
“Trăng tròn đã treo
Miếng đường thốt nốt…”
(Trung thu bảy núi)

Rồi suy diễn dí dủm “không thể tin được” về chị mèo xinh đẹp “Răng trắng tinh/ Mắt xanh trong/ Lông mịn mượt/ Đến lão chuột/ Cũng ham nhìn!” (Chị mèo đỏm dáng).

Với thơ, tác giả Trần Quốc Toàn dường như muốn kéo gần thiên nhiên và thế giới loài vật đến gần các bạn nhỏ vốn đang bắt đầu lơ đãng với cảnh vật, con vật, sự vật mà khư khư các thiết bị công nghệ thông minh mà ngắm cảnh ảo, con vật ảo, trò chơi ảo – ông muốn khều khều tay mấy đứa nhỏ, nhắc chúng ngẩng lên nhìn trời, nghe cây, ngắm thạch sùng, tắc kè, chăm gà đùa với mèo… Ông nhắc chúng nhìn xuống, ngồi xuống mà nghịch đất, nặn đất, những “đất hồng đất hào, đất mịn đất màng, đất ngọt đất ngào, đất dẻo đất dai…” (Những con gà đất).

Ông muốn các cháu ông, học trò ông, bạn nhỏ của ông, bạn đọc của ông được sống hết mình với cuộc sống này, dang tay nhận những gì đất trời hoa lá sẵn sàng trao cho các em như đã từng trao cho tuổi thơ ông. Trong những câu thơ thấp thoáng nét đồng dao có thể nhìn thấy một “cậu bé” Trần Quốc Toàn với thiên nhiên mênh mông phóng khoáng là chỗ dựa tinh thần, là bạn tâm giao, là trường học để rèn luyện, là cả thế giới mà bây giờ ông đem tặng các em.

anh nha van trang quoc toan (3)

Chơi chữ cùng nhà văn

Có lẽ, người đã viết cho trẻ em, vì trẻ em, đã gắn bó với tuổi thơ như Trần Quốc Toàn luôn mãi ở lại cùng tuổi thơ. Cũng vì thế mà ông “theo” đứa trẻ đi chơi, ông được tuổi thơ dẫn dắt, để rồi mỗi ước mơ của đứa trẻ – bạn đọc của ông bây giờ – ông đều muốn được tham gia khơi gợi, xây đắp, đôi khi bắt đầu từ những câu chuyện mà nhà văn tự nhận là “viển vông”:

“Ba theo con đi chơi với sông
Phơi lưng úp mặt thả theo dòng
Đua cùng thuyền giấy tay con xếp
Bằng tờ cha viết truyện viển vông…”
(Đi chơi với con)

Cũng vì thế mà ông không ngừng viết, không ngừng chơi, không ngừng đến với bọn trẻ!

Cũng vì thế mà ông là một trong số không nhiều những “người-lớn-khác” giữa muôn vàn những người lớn bình thường chúng ta…

Thuỵ Anh

About admin2

Scroll To Top