Có cuốn sách sẽ chỉ mang lại tiếng cười vui giúp ta giảm đi những căng thẳng, mệt mỏi nhưng có những cuốn sách sẽ để lại ấn tượng mãi trong ta bởi những bài học sâu sắc. Và “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ” (Lê Văn Nghĩa, cây viết máy và con chó nhỏ, NXB Trẻ, 2017) là một cuốn sách như thế…
Đến với những trang viết của tác giả Lê Văn Nghĩa, độc giả dễ dàng cảm nhận được bầu không khí của một thời đã qua – Sài Gòn của thập niên 60 thế kỉ trước với những hình ảnh thân thương: Trường trung học, bến xe bus, những cửa hàng đầy sắc màu, từng cử chỉ, ngôn ngữ của những con nười gắn bó với mảnh đất này.
Đặc biệt, nơi ấy chan chứa bao kỉ niệm về những đứa trẻ đáng yêu với đủ trò mang đậm dấu ấn học trò, gắn với vụ mất tích của những nạn nhân thật đặc biệt “chú chó nhỏ”, “cây bút máy”. Để rồi, thông qua câu chuyện bình dị ấy, tác giả đã trao gửi đến bạn đọc những bài học thật sâu sắc, ý nghĩa.
Đó là bài học về tình yêu thương. Trao đi yêu thương và đón nhận yêu thương, tưởng chừng là việc rất tự nhiên nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Nếu không có tình cảm chân thành giữa những người bạn thì sẽ chẳng có phiên tòa đầy ắp niềm vui và sự rộng lượng ở cuối tác phẩm. Dù cùng chung cảnh nghèo nhưng nếu không thật sự coi trọng tình bạn thì Hải, Hiệp, …sẽ chẳng thể hết lòng đi lang thang khắp phố tìm con chó nhỏ cho Lượm. Cũng chính tình cảm thiêng liêng ấy đã xóa nhòa ranh giới giàu, nghèo giữa những bạn nhỏ, giúp cho liên toán trưởng Vân nhận ra sai lầm của mình. Cùng với đó là tình thày trò đáng trân trọng giữa cô giáo An Khê và học sinh, tình người mộc mạc, cao đẹp giữa những người dưng như ông “cá rô cây”, ông Hai nghiền,…Ở đó còn có tình nhân ái dành cho loài vật. Lượm và các bạn của mình là những tấm gương sáng trong cách đối xử với những con vật bằng tình yêu thương.
Không chỉ có vậy, ta còn học được bài học về lòng trung thực, dũng cảm,…Trong phiên tòa do Cảnh hù triệu tập ở chương cuối, Lượm đáng khen vì đã làm tờ thú tội “nhặt được của rơi tạm thời đem bán” nhưng có lẽ đáng ngợi ca nhất chính là hành động tự thú của Vân. Cậu không bị triệu tập đến tòa bởi chẳng ai nghi ngờ, chẳng ai hay biết hành động “gắp lửa bỏ tay người” của cậu nhưng Vân đã tự vạch tội mình và sẵn sàng chịu sự phán xét. Rồi với những suy nghĩ chín chắn của Lượm, Hải, những lời nói rất “ông cụ non” của Hiệp mập trong truyện, tác giả đã khéo léo ngợi ca phẩm chất đáng quý của con người.
Bằng nghệ thuật viết truyện độc đáo. Lê Văn nghĩa chinh phục độc giả trước hết là ở cách lựa chọn và đặt tên nhân vật: Lượm, Mót, Cảnh hù, Són, Hiệp mập,…Những cái tên ấy giản dị, có phần hài hước và giàu ý nghĩa khiến bạn đọc chẳng thể quên. Lượm, Mót- người và chó, đôi bạn thân thiết đã gắn bó với nhau bằng tình cảm yêu thương của những mảnh đời bất hạnh. Hai cái tên ấy khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến hoàn cảnh của nhân vật. Bên cạnh đó là lối kể chuyện tự nhiên, giọng điệu hài hước xen lẫn chất trinh thám li kì. Sức hấp dẫn của tác phẩm còn ở việc nhà văn đã sử dụng thành công ngôn ngữ nhân vật. Bạn đọc không thể nín cười khi nghe những câu nói văn vẻ của Hiệp mập và nhất là lời nói của ông “cá rô cây” với chất giọng đặc trưng của quê hương “Lam Định”.
Quá khứ là những kỉ niệm, những gì đã qua, nhưng đôi khi, nó luôn nhắc nhớ ta nhớ để biết nâng niu, trân trọng hiện tại, để ta biết sống trọn vẹn hơn…
Vũ Hiển (viết cho CLB Đọc sách cùng con)