Nếu nói về thể loại, khó có thể gọi chính xác “Quyền sư” thuộc thể loại nào. Đây là một cuốn tiểu thuyết có lớp lang, chương hồi, có nhân vật, cốt truyện. Nhưng đây cũng đồng thời là những câu chuyện cuộc đời có thật của hai vị “quyền sư” đáng kính được kể lại qua góc nhìn của tác giả – một học trò nghiêm cẩn, được may mắn tiếp xúc, gần gũi và học võ từ một trong hai vị. Trong cuốn sách vì thế mà đầy ắp những tư liệu sống động, người viết không giấu giếm cảm xúc cá nhân, đôi lúc đắm chìm với những suy tưởng riêng tư khi xây dựng hình tượng văn học trong tác phẩm. Lại nữa, nhiều người coi “Quyền sư” là một cuốn cẩm nang cung cấp những kiến thức cơ bản về võ thuật và sự tinh tế trong thuật dụng quyền và binh khí. Cũng có thể vì thế mà cuốn sách có được một sự hấp dẫn đặc biệt: vừa diễn vừa giải, vừa rành mạch giản dị lại vừa gây hồi hộp, tò mò cho người đọc. Người lớn quan tâm đến “Quyền sư” là điều dễ hiểu, nhưng cá nhân tôi cho rằng, những độc giả trẻ tuổi cũng khó có thể thờ ơ với một thế giới mới mẻ, bí ẩn mà “Quyền sư” mở ra cho họ.
Quầng sáng bung nở rộng dần…
Giọng văn “Quyền sư” điềm đạm, trong sáng, đôi chỗ hài hước nhẹ nhàng, hấp dẫn ở những câu chuyện nhân tình thế thái nho nhỏ, được kể nhẩn nha, như là tiện thể, như là không sắp xếp, kỳ thực nếu đọc một lần rồi nhìn lại thì thấy tác giả Trần Việt Trung đã rất dụng công. Những chi tiết mang tính huyền thoại xoay quanh nhân vật bí ẩn của phái võ Vịnh Xuân quyền ở Việt Nam là cụ Nguyễn Tế Công; những chiêm nghiệm thông qua cuộc đời của một trong những bậc thầy của môn phái, người mà tác giả trân trọng gọi là Thầy Ngô Sĩ Quý; những kiến thức võ thuật đan xen những cảm xúc được thể hiện một cách tiết chế đằng sau câu chữ – tất cả đều có bố cục rõ ràng, thanh thoát và logic. Cuốn sách vì thế không đưa người đọc vào ma trận của những “chiêu thức” võ nghệ hay những tích truyện huyền bí khó lường mà như đối diện đàm tâm với ta bên một bàn trà buổi tối trăng thanh gió mát vậy. Tư duy sáng sủa và mạch văn sảng khoái trong “Quyền sư” dẫn dắt người chưa có khái niệm gì mấy về võ học hào hứng đi theo câu chuyện cuộc đời, như một người trong bóng đêm đi theo quầng sáng đèn dầu bung nở dần, mở rộng dần. Không gây chấn động, không chói lòa, thế mà đi đến cuối sách thì trí thêm sáng, tâm thêm tĩnh.
…và lấp lánh những tia sáng lôi cuốn tuổi trẻĐọc đến trang cuối cùng, tôi thốt hiểu vì sao, xuyên suốt thời gian đọc “Quyền sư”, tôi cứ có một sự ám ảnh rất “nghề nghiệp” là vận những câu chuyện trong cuốn sách vào việc tìm thông điệp gửi gắm đến người trẻ – đồng thời đến những nhà sư phạm, những người quan tâm đến việc xây dựng, vun đắp một thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ có tư chất về trí tuệ mà thể chất ngày càng khỏe mạnh, dẻo dai, đủ sức đi xa.Thật vậy. Những người trẻ tuổi đến với cuốn sách này có lẽ khó thờ ơ với những bài học mà tác giả khái quát ngắn gọn, dễ hiểu qua những câu chuyện và cả cách đặt tên từng chương, hồi của cuốn tiểu thuyết. Đó là “những đúc kết tinh túy” của bậc thầy nhà võ, thông qua việc tập luyện, dạy học, đối nhân xử thế, các chiêu thức “ứng xử giang hồ” linh hoạt khôn lường, tất cả đều dựa trên một nền tảng: “Võ thuật cao cường, võ cách cao thượng”.Lâu nay nhiều người lớn bày tỏ nỗi lo ngại về một thế hệ trẻ quá thực dụng, chỉ lo kiếm tiền không biết nghĩ việc lớn, thiếu niềm tin, lý tưởng, hoài bão. Cho dù lo ngại đó thực sự chưa hoàn toàn có cơ sở thì việc cổ vũ cho những ước mơ lớn lao của tuổi trẻ, thúc giục họ nghĩ rộng, nghĩ xa, nhìn ra chân trời chứ không phải với cái tôi nhỏ bé… cũng vẫn là điều cần làm và nên làm. “Quyền sư” là một trong những cuốn sách có thể giúp ta gửi đến các bạn trẻ thông điệp ấy. Những giá trị tinh thần như tình bạn, đạo thầy trò, lòng tự trọng, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, thái độ đối với nghề nghiệp, lòng dũng cảm, sự chân thành, chia sẻ cộng đồng…và rất nhiều phẩm chất hào sảng khác cần có ở một thanh niên, thông qua cuốn sách, người đọc đều có thể nhận được và thấm thía. Thấm thía bởi cách tiếp cận rất trực diện: mỗi bài học là một câu chuyện nhỏ, có xuất xứ, có cao trào, có thắt và mở nút. Vừa rất thật, lại vừa ly kỳ, tạo cảm xúc mạnh cho tuổi trẻ. Vì thế, bài học không dễ quên. Có thể lấy rất nhiều ví dụ. Chẳng hạn, bài học “tình bạn và lòng tự hào của người Việt” qua chi tiết chiếc mũ ca-rê được đội để khẳng định dũng khí của đất nước mình và cách giải quyết tình huống đàng hoàng, kiên quyết của thầy Quý hoặc câu chuyện “Đánh Kim vá”, kể về cuộc “thu phục” một nhân vật hung tợn của đường phố một cách ngoạn mục v.v… Những câu chuyện nho nhỏ tương tự trong “Quyền sư” có rất nhiều. Đây chính là những tia sáng lấp lánh gieo vào lòng người đọc trẻ, thậm chí nhỏ tuổi, những suy ngẫm nhẹ nhàng, không giáo điều, khuôn mẫu mà lại sâu sắc.Đằng sau những bài học ấy, người đọc dường như nhận được một lời kêu gọi kín đáo về việc rèn luyện thể lực mà học võ là một cách. Cốt cách mạnh mẽ, tinh thần khoáng đạt – đó là những gì người trẻ cần hướng tới.
Lại ngẫm đến một thế hệ đang ngồi nhiều hơn hoạt động trong thế giới công nghệ phát triển, có lẽ thật sự cần một lần nữa đặt vấn đề rèn luyện thể chất cho phần đông thanh thiếu niên Việt Nam thông qua võ thuật. Bài toán này được đặt ra cách đây gần 40 năm, từ năm 1975, mà trong cuốn sách, tác giả Trần Việt Trung kể lại khá tỉ mỉ qua chương viết về đại hội đại biểu võ sư các môn phái bấy giờ đang “hành nghề” ở mọi miền đất nước. Với tinh thần trách nhiệm vì “nền tảng tương lai của xã hội”, vì công việc chung của đất nước, với tinh thần thượng võ, các võ sư đã tập hợp lại biểu diễn tuyệt kỹ từng môn phái, đồng thời bàn luận về phương pháp đưa võ thuật vào trường phổ thông nhằm rèn luyện thể lực cho học sinh. Giá kể bây giờ có lại một đại hội như thế hay một hướng hành động như thế vì một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh, dẻo dai thì thật đúng lúc!
… với những “bí kíp”
Trong “Quyền sư” không chỉ có những “bí kíp” về “hệ thống chiến đấu của quyền thuật, vũ khí, con đường xây dựng khí lực và linh giác” (chữ dùng của tác giả), không chỉ có “bí kíp” về đối nhân xử thế, chuyện đạo chuyện đời mà, một cách khúc chiết, tác giả còn nêu bật được các “bí kíp” giáo dục của những người Thầy đáng kính. Đó là cách mà tác giả gọi là phương pháp giáo dục “phi truyền thống” dùng cho các trường hợp cá biệt mà thầy Ngô Sỹ Quý đã dùng. Trên thực tế, đây là một trong những phương pháp kinh điển: tùy vào đối tượng mà tìm con đường tiếp cận riêng. Lấy võ thuật tạo sự tâm phục khẩu phục ở người học biết võ và mê võ cũng là một con đường vậy.
Toàn bộ phần ghi âm lời thầy Quý được trích dẫn trong phần phụ lục I là những đúc kết cô đọng và có ích cho những người theo đuổi nghề giáo. Mà thú vị hơn, đây lại là những đúc kết qua cách nói của các bậc thầy võ học: hình tượng, dễ hiểu và mới mẻ. Từ chuyện “chỉ” hay “bảo”, việc áp dụng hai mặt “tĩnh” và “động”… cho đến “tách các yếu tố để dạy” rồi tổng hợp, khái quát, đưa ra tình huống giải quyết… – tất cả đều rất khớp với các phương pháp giáo dục hiện đại mà người phương Tây vẫn nói đến.
Có một lưu ý của thầy Quý khiến ta giật mình: “… đừng để sau đây 30-40 năm nữa, người nước ngoài vào dạy lại cho người Việt Nam những kiến thức của cha ông mình”. Bây giờ, điều cảnh báo này hình như ở đây đó đã thành sự thật. Và đây cũng là một trong những “vĩ thanh” day dứt để lại trong tôi khi đọc “Quyền sư”.
Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-hoa-nghe-thuat/570248/quyen-su-va-cau-chuyen-giao-duc.html