Từ vài trăm năm trước đây, con người sống trên trái đất đã mang một khát vọng lớn lao là tiến ra biển cả. Đại dương trùng trùng sóng vỗ với biết bao những hòn đảo hoang vắng và bí ẩn chưa từng có vết chân người đã là giấc mộng ám ảnh nhiều tâm hồn niên thiếu ham phiêu lưu khám phá.
Tác phẩm RO BIN XƠN CƠ RU XÔ (Robinson Crusoe) cuả nhà văn Anh Danien Đê Phô ( Daniel Defoe- 1660-1731) là một câu chuyện về chuyến phiêu lưu của một người thủy thủ bị đắm tầu , trôi giạt và lạc vào một hoang đảo. Nhân vật chính của tác phẩm Robinxon Cơ ru xô vốn là một cậu bé con nhà buôn bán khá giả, sống ở một thành phố nhỏ nước Anh. Cậu được bố mẹ cho ăn học đầy đủ trong những trường học tốt nhất của thành phố và mong mỏi con sẽ nối nghiệp cha mẹ làm ăn yên ổn tại quê nhà. Thế nhưng Ro bin xon lại có ý chí thích đi xaquê , cậu có ước mơ trở thành một thủy thủ để đi khắp các đại dương trên thế giới. Một dịp tình cờ, năm 19 tuổi Robin xơntheo một người bạn lên tầu biển đi thủ đô Luân đôn, thế là từ đó, cậu trở thành một người thủy thủ. Ngay chuyến đi biển đầu tiên, Ro bin xơn đã gặp sóng gió bão bùng, bị say sóng mê tơi cùng những nỗi gian nan đã tưởng chừng cậu sẽ nản chí sợ hãi và trở về với gia đình. Thế rồi lòng ham muốn đã thôi thúc cậu tiếp tục theo những con tầu ra khơi. Cậu rời nước Anh, đi Châu Phi. Gặp nạn ở Châu Phi, cậu lại tiếp tục lênh đênh sang Châu Mỹ. Trong chuyến đi này , chiếc tầu mang theo chàng trai trẻ Robin xơn đã gặp bão lớn và số phận đã đưa cậu đến một hòn đảo hoang vu không một bóng người. Đã sống sót rồi nhưng làm sao Robin xơn có thể tiếp tục tồn tại: để ăn, để ở, để thoát khỏi thú dữ và bệnh tật…và nhiều nỗi đe dọa khác cùng cả sự buồn chán trong bơ vơ trơ trọi không có một giọng cười tiếng nói bên mình?
Cuốn sách do NXB Kim Đồng ấn hành
Bằng lối viết tiểu thuyết dưới hình thức tự truyện với nhân vật chính xưng Tôi, tác giả Danien Đê Phô đã khiến người đọc thú vị hồi hộp theo dõi những tình tiết hấp dẫn khi Robin xơn tìm cách trở lại con tầu đắm để tìm kiếm vớt vát lương thực: bột mì, lúa gạo, lương khô rồi súng, đạn, gươm và đồ dùng lao động như cái búa…Là một người có học Robin xơn còn thu nhặt cả giấy, mực, com pa, kính viễn vọng, bản đồ, sách về hàng hải…Tất cả đều có ích cho một người nuôi ý chí trở về tổ quốc. Trơ trọi giữa thiên nhiên mưa nắng gay gắt , thú dữ có thể tấn công bất chợt…Robin xơn đã dựng lên một nơi “trú ngụ đặc biệt” vừa như một cái nhà lại như một cái hang lại có thành lũy bao bọc.Hết lương khô, anh đã trồng được lúa từ những hạt thóc còn sót trong bao tải gạo. Từ săn bắn dê núi, anh bắt đầu nuôi dê lấy thịt và sữa, lại còn làm được cả bơ và pho mát…Không có nồi , không có bát, anh đã phải tự nặn đất nung lên thành nồi thành bát…Robin xơn tâm sự “ Thật tình, tôi cũng chỉ là anh thợ quèn, nhưng dần dà về sau, nhờ thời gian và nhu cầu tôi trở thành lành nghề. Tôi nghĩ rằng bất cứ ai, khi lâm vào cảnh ngộ như tôi, sớm muộn cũng sẽ được hai ông thầy ấy đào tạo cho trở nên khéo chân khéo tay như thế…”( Trang 59- Robin xơn Cơ ru xô –Danien Đê Phô- NXB Kim Đồng tái bản lần thứ 7- năm 2014).
Điều kỳ diệu nhất mà tác phẩm Robin xơn Cơ ru xô đã đem lại cho người đọc là một thông điệp : Con người khi bị rơi vào một hoàn cảnh hoang dã đã không bị biến thành thú dữ thành “dã nhân : ăn thịt sống, uống nước lã”…mà nhân vật Robin xơn với trí tuệ học thức và bàn tay lao động cần cù đã tự tạo một đời sống văn minh lý thú. Sống cô độc giữa thiên nhiên khắc nghiệt,Robin xơn không hề bị mất đi tính người , chính tấm lòng nhân đạo đã khiến ông sau hơn hai mươi năm sống cô đơn đã cứu sống người thổ dân mà ông đã đặt tên là Man Friday ( Người Thứ sáu), để kỷ niệm ngày thứ sáu là ngày gặp gỡ.
Ảnh sưu tầm
Giây phút gặp gỡ con người đã được nhà văn miêu tả thật cảm động : “ Tôi dịu dàng nắm lấy tay anh, đỡ anh đứng dậy, vuốt ve âu yếm, làm cho anh vững lòng lên hơn. Vì cảm động, anh bỗng thốt lên mấy tiếng tỏ ý vui mừng hết sức. Vừa được nghe mấy tiếng nói của anh, mặc dù chẳng hiểu được anh nói gì, tôi sung sướng run người lên.Đó là tiếng nói đầu tiên của loài người mà sau hai mươi lămnăm trời lưu lạc tôi mới lại được nghe…” ( Trang 128- Robin xơn Cơ ru xô– Danien Đê Phô- NXB Kim Đồng-tái bản lần thứ 7 – năm 2014)
Cũng chính nhờ tấm lòng nhân hậu và trí tuệ thông minh mà Robin xơn Cơ ru xô đã gặp gỡ rồi giải cứu cho một thuyền trưởng người Anh gặp nạn. Giữa biển cả mênh mông, đảo hoang trơ trọi, Robin xơn đã cùng vị thuyền trưởng dẹp tan bọn thủy thủ nổi loạn, lấy lại được con tầu trở về với tổ quốc thân yêu.
Tác phẩm Robinson Crusoe của Danienl Defoe ra đời từ 1719, suốt hơn ba trăm năm qua, tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới được hàng triệu người đọc ngưỡng mộ, tác phẩm đã được nhiều đạo diễn điện ảnh chuyển thành những bộ phim kinh điển thành công nhất trong mọi thời đại. Ở Việt Nam tác phẩm đã được dịch giả Hoàng Thái Anh ( nhà văn Hoàng Nguyên Cát) chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp sang tiếng Việt và được NXB Kim Đồng xuất bản từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX với cách phiên âm Việt hóa Ro bin xơn Cơ ru xô.
Với thế hệ thiếu nhi ngày ấy ( trong đó có người viết bài này) hình tượng Ro bin xơn Cơ ru xô đã trở thành một biểu tượng của nghị lực con người đã đồng hành cùng tuổi thơ tiếp thêm ý chí vượt khó khăn trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Những trang sách Robin xơn Cơ ru xô sẽ còn đồng hành với nhiều thế hệ thiếu niên khi con người đang càng ngày càng tiến ra xa hơn nữa sâu hơn nữa vào biển cả mênh mông trên trái đất này.
Nhà văn Lê Phương Liên, tháng 7/2014