Home / Bài Viết / Thơ Võ Quảng

Thơ Võ Quảng

Võ Quảng ( 1920-2007) bước vào Thi đàn Việt Nam khác hẳn nhiều nhà thơ đồng trang lứa cùng là học sinh trường Quốc học Huế nổi tiếng như Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu…Tập thơ đầu tiên của Võ QuảngGà mái hoa (1957), khi ấy ông đã ở tuổi ba bẩy đã là một trí thức chững chạc và từng trải. Ông đã sống qua thử thách sinh tử của chiến tranh cách mạng, vượt qua mọi trăn trở danh lợi “một mất một còn”của cõi đời để đắm say một cõi riêng: Cõi thơ cho trẻ em. Với ý chí cao Võ Quảng không rơi vào bị kịch “lực bất tòng tâm”, ông có tâm và lại có tài để thể hiện tâm tình của mình . Nhà văn Tô Hoài đã nhận xét khi đọc thơ Võ Quảng: “Tôi không còn tuổi nhỏ đọc thơ anh. Nhưng trong tôi nguyên vẹn cái háo hức trẻ thơ. Tôi không phải ngỡ mình là em bé để vào thơ anh mà tôi được tỏa hết sức vào thơ- câu thơ, chữ thơ, ý thơ…” (1)

Ngay từ tập thơ đầu tiên xuất hiện năm 1957, Võ Quảng đã tạo ra đặc trưng của thơ thiếu nhi. Bài Gà mái hoa miêu tả con gà mái nhảy ổ đẻ trứng bằng một cái nhìn trẻ thơ bình dị gợi lên âm điệu ca dao miền Trung:

Bỗng Mái hoa đổi nết

Cái đầu nó nghênh nghếch.

Cái cổ nó thon thót

Nó kêu: Tốt, tốt, tốt!

Nó nhảy lên bàn

Nó đạp ngã bát

Bát rơi đánh đốp…! (2)

Đúng là bài thơ không có liên tưởng mới mẻ bay bổng, nhưng ngay lập tức người đọc nhận ra đó là thơ trẻ em, là “ nguyên vẹn cái háo hức trẻ thơ” dù cho người làm thơ “không phải ngỡ mình là em bé”. Tài năng của Võ Quảng chính là ở chỗ ông đã vượt qua được khoảng cách tuổi tác để làm trẻ thơ! Tài năng đặc biệt này về sau có một người đồng hương Quảng Nam với ông đã kế tục rất thành công trong các tác phẩm văn xuôi đó là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Thơ Võ Quảng đạt tới nghệ thuật linh diệu như thơ Đường (Trung Quốc), thơ Haiku ( Nhật Bản) mở ra ba chiều của vũ trụ và chiều thứ tư dành cho người đọc:

Một chú chẫu chàng

Ngồi trên lá sen

Mải nhìn hồ nước

Thấy trời lộn ngược

Mây trắng rung rinh

Chú ngồi lặng thinh

Như đang mơ tưởng.

 Thơ Võ Quảng lấy tĩnh tâm là chủ đạo, khi biến động lại rất nhanh không chần chừ rất quyết đoán:

Chợt: cạc, cạc, cạc!

Có tiếng đàn vịt…

Chú Chẫu Chàng

Nhanh như chớp,

Đánh một phóc

Vụt biến mất! (3)

Thơ Võ Quảng là thơ cho trẻ em! Cả mấy chục năm qua, các nhà lý luận phê bình và các nhà giáo dục đã phát biểu và chứng mình đầy đủ rõ ràng rồi. Thơ Võ Quảng hàm chứa những thông điệp mà đến thế kỷ 21 này được gọi là “giáo dục kỹ năng sống”. Thơ của ông được đưa vào sách giáo khoa và phổ biến rất rộng rãi với chức năng giáo dục như ca dao, đồng dao. Riêng tôi muốn được nói thêm rằng triết lý sống mà Võ Quảng đã gửi gắm trong từng câu thơ xinh xinh, hồn nhiên như trẻ lên ba ấy lại thấm đẫm triết học phương Đông. Tôi tin rằng nhà văn Võ Quảng chịu ảnh thưởng sâu sắc Phật học và Nho học cùng tư tưởng Lão Trang.

Bài thơ AI DẬY SỚM của ông đã được đưa vào chương trình tiểu học trong nhiều năm qua và không ít người hiểu bài thơ đó đơn giản là: Đánh thức các bé dậy tập thể dục.  Đó là bài Thơ ba chữ:

Ai dậy sớm

Bước ra nhà,

Cau ra hoa

Đang chờ đón!

Toàn bài thơ có ba khổ, cảnh thứ nhất: “Bước ra nhà/ Cau ra hoa…”, cảnh thứ hai: “Đi ra đồng/Cả vừng đông…”, cảnh thứ ba: “Chạy lên đồi/ Cả đất trời…”. Điệp khúc: “Ai dậy sớm ” được nhắc đi nhắc lại ba lần, mỗi lần nhân vật em bé trong bài thơ được hoạt động mạnh hơn : khổ thứ nhất là “Bước”, khổ thứ hai là “ Đi”, khổ thứ ba là “Chạy”

Cảm xúc của bài thơ được nâng dần từ cảm nhận hương hoa cau thơm, đến khi nhận ra ông mặt trời mọc ở đàng đông…Đến khổ thơ cuối cùng:

Ai dậy sớm

Chạy lên đồi

Cả đất trời

Đang chờ đón!(4)

“Cả đất, trời đang chờ đón!”. Câu kết đã nâng tư thế em bé giữa TRỜI và ĐẤT. Đứa trẻ bước ra đời là phải sống với trời, đất. Trời đất đón nhận em như là một vật tự nhiên do chính trời đất sinh ra vậy. Nhà thơ đã nói đến mối quan hệ NHÂN (con người) với THIÊN (trời) và ĐỊA (đất). Con người là do tự nhiên sinh ra. Con người tôn trọng tự nhiên thì tự nhiên sẽ tôn trọng con người.

Thông qua việc tìm hiểu thơ Võ Quảng, tôi mong muốn bày tỏ suy nghĩ của mình về tính giáo dục trong văn học thiếu nhi. Thơ, văn cho trẻ em cần đặt tính giáo dục là căn bản. Tuy nhiên cần hiểu tính giáo dục không chỉ là giáo dục “kỹ năng sống”, giáo dục trẻ thành những con người chỉ biết hành động như những công cụ. Thơ, văn cho trẻ em cần giúp các em “ngộ ra” ý thức làm người, biết nhận thức rõ sự tồn tại và mọi hành động của bản thân, nghĩa là văn học thiếu nhi có một thiên chức trọng yếu nhất là bồi dưỡng tâm hồn cho các em thành những CON NGƯỜI NHÂN VĂN.

Trong hơn trăm bài thơ thiếu nhi của Võ Quảng không thể không nhắc đến bài thơ tiêu biểu Anh đom đóm (1970). Đó là bài thơ đã được ông Pierre Gamarra (nhà thơ, nhà tiểu thuyết , tổng biên tập tạp chí Europe) dịch giới thiệu Võ Quảng với trẻ em Pháp và thế giới. Dịch giả Vũ Ngọc Bình (cựu biên tập NXB Kim Đồng) đã giới thiệu lời phát biểu của Pierre Gamarra như sau:

Đọc một bài không phải là đọc ấp úng, nhấm nháp nó như một cốc nước đường mà là thâm nhập vào nó, tìm thấy tinh lực và vẻ óng ả của nó. Có thể ta không nhận ra gì cả, thậm chí không nhìn rõ sắc mầu của nó. Bởi vậy một lần đọc sẽ không đủ để thu nhận mọi hương vị của nó. Có bài thơ của nhà thơ cần trăm nghìn lượt đọc. Người đọc là người cộng tác, khám phá, sáng tạo.”(5)

Ai-day-som

Tập thơ “Ai dậy sớm” (Võ Quảng, NXB Kim Đồng, 2015)

Bài thơ Anh Đom Đóm có thể hiểu đơn giản là câu chuyện một anh Đom Đóm đêm đêm lên đèn đi gác cho các chim non ngủ ngon giấc, đến hừng đông thì tắt đèn về nghỉ. Nhà thơ, dịch giả Vũ Ngọc Bình (người bạn đồng nghiệp thân thiết của nhà thơ Võ Quảng) đã có nhận xét rất sâu sắc rằng: Đó là sự phát hiện của nhà thơ Võ Quảng với một hình ảnh một sinh vật nhỏ nhoi, lặng lẽ phát sáng, chuyên cần, tự nguyện giúp ích cho đời. Kẻ hậu sinh (LPL) học trò của các ông đọc lại đoạn suy tư này chợt cho rằng anh Đom Đóm phần nào đã gửi gắm tâm sự của Võ Quảng. Hình ảnh một sinh thể nhỏ nhoi, chỉ phát sáng vào ban đêm le lói với một tâm nguyện nhân văn tạo nên một đêm tối bình yên, giấc mơ an lành đẹp đẽ cho trẻ em. Chúng ta nhớ rằng bài thơ được viết năm 1970, một năm mà cuộc chiến tranh Việt Nam còn vô cùng ác liệt thì đây chính là mơ ước hòa bình của các gia đình sống gian nan trong chiến tranh ngày ấy. Anh Đom Đóm sau một cuộc hành trình khắp bờ tre, ao chuôm, lau lách, ra sông, về vườn cam, vườn xoan, vườn mít…gửi tình yêu thương đến Cò con, chim Khuyên, cò Bợ, thím Vạc… đoạn thơ cuối cùng tâm trạng anh sao mà vô cùng thanh thản:

Gà đâu rộn rịp

Gáy sáng đằng đông,

Tắt ngọn đèn lồng

Đóm lui về nghỉ. (6)

Tôi nghĩ rằng tâm trạng của anh Đom Đóm chính là tâm trạng của nhà văn Võ Quảng khi đã làm việc, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp mà mình yêu thích nhất, ông đã rất thanh thản

lui về nghỉ”  và tạm biệt tất cả.

Trong bài viết về Anh Đom Đóm, ông Vũ Ngọc Bình còn nói thêm: “…Con người vẫn là bí ẩn với con người. Dù cho con người đó là anh Đom đóm đã tận tình phát sáng, tỏa sáng thì anh vẫn còn bí ẩn với ta, huống chi nếu anh không là anh Đom đóm mà cứ lặng im không phát quang, phát âm gì thì cái bí ẩn kia còn lớn đến đâu. Vậy thì phải chăng chức năng thiêng liêng của văn thơ là đánh thức khả năng, mọi năng lực trong con người vì lẽ gì đó còn nằm trong thế tiềm năng, tiềm lực”.(5)

Tôi muốn được trích câu này của ông Vũ Ngọc Bình để gửi lại các bạn đọc thế hệ sau, để các bạn hiểu thêm một thế hệ trí thức đầy nhiệt huyết và mơ ước đã từng cả đời yêu quý sự nghiệp văn học thiếu nhi Việt Nam.

Tháng 8/2019.

Nhà văn Lê Phương Liên (Viết cho Đọc sách cùng con)

Chú thích:

(1) Tô Hoài- Thơ của Võ Quảng cho các em– Trang 208-Võ Quảng con người, tác phẩm-NXB Đà Nẵng 2008.

(2) Trích theo Sáng tác cho thiếu nhi của Võ Quảng, trang 272,  Sách đã dẫn ở trên.

(3) Trích “Chú Chẫu Chàng” – Tập thơ “Ai dậy sớm”, Võ Quảng, NXB Kim Đồng, 2016

(5) Trích theo Vũ Ngọc Bình- Vài cảm nghĩ về thơ văn Võ Quảng, trang 259, Sách đã dẫn ở trên.

(4), (6) Trích theo Anh Đom đóm- Tập thơ Võ Quảng, NXB Kim Đồng, 2000.

 

About Bui Huong Lien

Scroll To Top