Tôi không đọc nhiều truyện cho lắm. Nếu có đọc thì phần lớn là truyện tranh hoặc là truyện chữ to có rất nhiều tranh. Tôi đã 16 tuổi rồi. Và thế đấy.
Tôi là người chọn sách theo bìa. Tôi nhìn bìa, nhìn giá, tôi đọc mấy đoạn trích đằng sau quyển sách, đọc những lời khen ngợi. Nhiều người cười và bảo, sao mà nông cạn, đây là kiểu chọn sách ngớ ngẩn nhất mà tôi thấy, mua sách về để ngắm à… Tôi biết thế, nhưng không sao sửa được. Bìa của cuốn “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) có một bầu trời xanh lá mạ. Màu yêu thích của tôi. Tên truyện ánh lên màu xanh rực rỡ như đá sapphire. Tôi rất thích bìa cuốn sách này, nó khiến tôi hứng thú đọc. Đọc quyển này, nhiều người cứ chỉ để ý chuyện con Mận.
Thì chuyện con Mận cũng đầy bi kịch, đầy yêu thương, đầy niềm vui, đầy nức nở. Tôi đã khóc khi Thiều khóc, khi Thiều nghĩ về bố của con Mận, về nỗi khổ của con Mận. Có lẽ tôi khóc vì đồng cảm, nhưng cũng khóc vì thấy được một con người tốt hơn của Thiều. Tôi cũng đã cười khi Thiều cười. Cười vì những suy nghĩ, tình cảm dễ thương, những hành động ngốc nghếch, những chiến thắng sung sướng tột cùng.
Nhưng câu chuyện len lỏi trong suốt “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khiến tôi xúc động nhất, chính là chuyện của 2 anh em Thiều và Tường. Tường dành cho anh một tình yêu bao dung, âu yếm, nhẫn nhịn, đầy hy sinh. Cậu lúc nào cũng thế, luôn chịu đòn thay anh. Không bao giờ phàn nàn. Chỉ lặng lẽ, nhẹ nhàng chấp nhận tất cả. Chỉ có sự bao la trong trái tim. Tường yêu Thiều nhiều tới mức có thể từ một cậu bé hiền lành như cục đất, trở nên ma mãnh và liều lĩnh. Có một câu nói của cậu khiến cho tôi nhớ mãi. Tường bảo, cậu chịu đòn quen rồi… Nghe mà xót xa. Tôi ngưỡng mộ Tường.
Thiều cũng yêu em, rất yêu, nhưng dường như chưa nhận ra điều đó, chưa nhận ra Tường đối với mình quan trọng nhường nào. Và vì còn trẻ con lắm, Thiều cũng không biết làm thế nào để thể hiện yêu thương của mình. Nó có quá nhiều chuyện khác để quan tâm, còn thằng Tường thì lúc nào cũng ở đó khi nó cần, như một điều hiển nhiên. Và như một điều hiển nhiên, nó không biết coi trọng. Thiều hay khiến em bị đau, bị đánh đòn.Tình yêu mà Thiều dành cho em vẫn còn một chút nhỏ nhen, một nhúm ích kỉ, chứ không như cái bao la của Tường.Tuy Tường vì Thiều mà bị đánh rất nhiều lần, nhưng lần đầu tiên Thiều đánh Tường đã khiến cho tất cả vô cùng, đau lòng. Anh đánh em, bằng chiếc gậy đánh chó to đùng gân guốc. Anh đánh em, không chỉ một nhát, mà nhiều, nhiều lắm, cả vào trái tim. Đau lắm. Chỉ vì sự ích kỉ, tính đa nghi, lòng ghen tức. Chỉ vì miếng thịt gà.Và gần như ngay lập tức, Thiều hối hận, nhưng đã quá muộn. Buồn làm sao, không thể làm cho thời gian chảy ngược. Chỉ biết đứng nhìn em đau quằn quại. Tôi có thể thấy những giọt nước mắt của Thiều, giọt nước mắt không hiện hữu, nhưng chảy thẳng vào trong tim. Khi ấy, tình cảm tự nhiên dâng trào, khiến nó thốt lên tiếng gọi “em” rất đỗi dịu dàng, gần gũi.
Em nó, Tường, vẫn luôn yêu anh, không hề thay đổi. Tường lo anh buồn vì mình, lo anh bị đánh vì mình. Trái tim em bao la đến vậy mà cứ đập nhịp nhàng trong cơ thể nhỏ bé, thân thương. Giọng em yếu ớt rằng đừng bảo cha mẹ là anh Thiều đánh, bảo là vì em không cẩn thận mà bị ngã từ trên cây.
Câu chuyện cho tôi cơ hội nhìn lại chính bản thân mình và cách thể hiện tình yêu của mình. Tôi yêu bố mẹ, em gái tôi. Vậy mà tôi thể hiện như tôi không hề yêu họ.Tôi đánh em tôi, tôi cãi bố mẹ tôi rất nhiều. Tôi làm họ đau lòng cũng rất nhiều. Những lúc đó, như có hàng vạn con quỷ xấu xa điên cuồng điều khiển trái tim và hành động của tôi, như trong tôi không hề có yêu thương. Tôi hối hận, tôi đau lòng, nhưng cũng giống như Thiều mà thôi, quá muộn. Tôi phải sửa lại chính mình. Cái đó thì chưa bao giờ, không bao giờ là quá muộn.
Đây là một cuốn truyện rất chân thực. Nó khiến người đọc thực sự sống trong từng trang sách, biến thành một trong những đứa trẻ hàng xóm, gần gũi, thân quen. Nó chứa đầy đủ những tình cảm, từ vui tột cùng, tới buồn xé ruột xé gan, từ tình bạn, tình làng xóm, tới tình yêu, tình cảm gia đình. Tất cả đều đặc biệt, đậm đà sắc màu của cuộc sống. Tất cả đối với tôi đều đáng nhớ, đáng để chép lại ra một tờ giấy, rồi nuốt sâu vào trong tim. Ngấu nghiến.
Cuốn sách này là một điều tuyệt diệu.
Vũ Hạnh Nhi (Lớp 10K Trường PTTH Chuyên Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội)