Home / Bài Viết / Tôi khâm phục các bạn trong “Tuổi thơ dữ dội”

Tôi khâm phục các bạn trong “Tuổi thơ dữ dội”

 “Tuổi thơ dữ dội” là cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên tôi được đọc. Trước đó, trong “kho báu nhỏ” của tôi chỉ có những cuốn tiểu thuyết nước ngoài như “Kiêu hãnh và định kiến”, “Ba người lính ngự lâm”, “Đồi gió hú”…

Cuốn sách này là quà mẹ tặng tôi nhân dịp sinh nhật lần thứ 13. Tôi cầm lấy và đọc ngay, hầu như chẳng còn chú ý đến chiếc bánh ga-tô có trang trí những bông hoa kem mà ngày thường tôi rất thích. Đến nỗi, khi bị bố bắt đi ngủ, tôi phải chui vào chăn, bật đèn pin để đọc tiếp những trang sách còn thơm mùi giấy mới. Bởi lúc đó, tôi đã bị cuốn vào những câu chuyện kể về những người thiếu niên anh hùng chỉ hơn kém tôi vài ba tuổi nhưng đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân Pháp với một chuỗi chiến công rất li kì và vô cùng hấp dẫn.“Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán không phải là tập hồi ký mà nhân vật “tôi” – tác giả kể về những năm tháng chiến tranh chỉ có đạn bom, khói lửa. Cuốn sách còn là câu chuyện cảm động, mang một chút màu sắc cổ tích và thấm đẫm tình người, có thật trên đời, trong chiến tranh. Ở đó, những người bạn nhỏ – những chiến sĩ Vệ quốc Đoàn có một số phận, một tính cách khác nhau, như Mừng – người thiếu niên trinh sát có tâm hồn trong sáng, ngây thơ, hết lòng hiếu thảo tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ; Lượm – sứt, người bạn kiên cường trước những trận đòn roi tra tấn của kẻ thù, trước những khó khăn, gian khổ đến cùng cực trong ngục tù; hay như Quỳnh – sơn ca, cậu bạn mê nhạc, sinh ra trong một gia đình đại Việt gian, nhưng đã sớm có nhận thức đúng đắn đi theo Cách mạng, trở thành người nghệ sĩ đem tiếng hát, đem niềm vui đến cho những người lính…

Ảnh trong phim Tuổi thơ dữ dội. Nguồn: Internet.

Tôi đặc biệt xúc động khi đọc đến chi tiết cuối sách kể về sự hy sinh của Mừng và những lời trăng trối của em trước lúc ra đi: “Anh ơi, anh đừng nghĩ em là Việt gian nữa, anh hí”. Bởi em trong sáng và ngây thơ quá. Có lẽ Mừng không thể tưởng tượng, không thể hiểu vì sao người bạn Kim – điệu mà em ngưỡng mộ lại là tên Việt gian, đẩy (cậu) em vào một tai họa bi thảm, phải chịu nỗi oan “là điệp viên của giặc”. Để rồi sau này Mừng vĩnh vĩnh phải sống ở tuổi 13 để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Nhưng trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, em đã góp sức phá tan cuộc tấn công tổng lực của giặc vào chiến khu Hòa Mỹ.Dường như với chi tiết kết thúc ấy, câu chuyện của nhà văn Phùng Quán đã để lại trong lòng độc giả những suy nghĩ, cảm xúc về lịch sử đất nước, dân tộc với những người con nhỏ tuổi cường, bất khuất.

Qua những câu chuyện về những người bạn ấy, tôi thấy mình thật nhỏ bé và thua kém họ rất nhiều. Vì, dù đã 16 tuổi nhưng tôi vẫn hay tranh giành với em, chưa giúp đỡ được nhiều cho bố mẹ… không có gan như Mừng leo khắp các đỉnh cây cao trong thành phố tìm thuốc cho mẹ, không có sự gan dạ, mưu trí như Lượm khi đối đầu với bọn Tây và càng không có được sự lạc quan, yêu đời dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn, hiểm nguy như Tư – dát.Tôi thấy khâm phục, ngưỡng mộ lòng quyết tâm, kiên trì theo đuổi ước mơ về một tương lai tươi sáng của những chiến sĩ nhỏ tuổi nhưng chí lớn ấy.

Nguyễn Phương Thanh 

Lớp 10 P2 , trường THPT Trần Phú, Hà Nội 

Bài tham dự cuộc thi viết về Cuốn sách yêu thích của em do Phụ nữ thủ đô phát động

About DuongMy

Scroll To Top