Nếu bạn đã làm cha, mẹ tôi tha thiết mong bạn hãy đọc cuốn sách này. Nếu bạn chưa lập gia đình, tôi vẫn mong bạn sẽ đọc nó. Vì sao ư?
Trong cuộc sống, tôi đã không ít lần chợt nhận ra mình đã “đánh rơi” đâu đó một vài mối quan hệ, với bạn bè, và cả với gia đình. Thậm chí, có những mối quan hệ đã bị “đánh rơi” và phải “tìm lại” vài ba lần. Những lúc như vậy, tôi tự hỏi “phải làm sao?”.
Cũng như tôi, ông bố và cô con gái nhỏ trong câu chuyện này loay hoay tìm lại sự gắn kết trong mối quan hệ của họ. Cặp bố con – Haru và ông bố kỳ quoặc – đã trải nghiệm mối quan hệ của họ trong những cảm xúc e ngại, tò mò, thích thú, giận dữ, hối hận, cô đơn, cảm thông, yêu thương… Họ yêu thương nhau nhưng lại không giỏi thể hiện tình yêu của mình. Nên đi bên cạnh nhau, hai bố con không giống một cặp cha – con thông thường mà giống hai người bạn đồng hành hơi khắc khẩu, thích chơi khăm. Đây cũng là điều tôi thích ở câu chuyện. Không có những đối thoại mang tính dạy dỗ, không có những câu nói triết lý. Sau những khủng hoảng, giận dữ, họ tìm lại được sự bình lặng cho chính mình. Rồi từ từ thông cảm và yêu thương người kia hơn. Đến cuối cùng, cô bé Haru nhận ra ông bố tưng tưng kỳ quoặc của mình “đang toả sáng, theo một cách rất riêng”.
Đọc xong “Tôi bị bố bắt cóc” (Mitsuyo Kakuta, Alphabooks, 2015), tôi cũng mong rằng một ngày nào đó, khi con gái lớn lên, tôi và con sẽ có một chuyến bắt cóc như thế. Để được bình đẳng trải nghiệm mối quan hệ mẹ – con như cách Haru đã trải qua cùng với bố. Để được hiểu nhau hơn.
Hương Giang (Thành viên CLB Đọc sách cùng con)