Việc trẻ sợ hãi điều gì đó là chuyện bình thường. Hơn hết, sự lo lắng chính là điều kiện tự nhiên giúp chúng ta đối mặt với những thử thách mới và bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm.
Vào khoảng 2 tuổi, trẻ có thể sợ một vài thứ rất cụ thể như côn trùng, chó, bóng tối, hoặc thậm chí là cả máy hút bụi. Một vài trẻ khác có thể sợ không gian mới hoặc gặp gỡ người mới. Hầu hết nỗi sợ hãi của trẻ 2 tuổi sẽ vơi đi khi trẻ cảm thấy chính mình và môi trường xung quanh mình an toàn.
Bạn có thể làm gì để trẻ vượt qua nỗi sợ hãi?
Nhận biết nỗi sợ hãi của trẻ. Với người lớn, có thể nỗi sợ hãi ấy thật vô lý, nhưng với con trẻ, điều ấy là có thật. Cố gắng đừng cười khi trẻ nói với bạn rằng trẻ sợ tiếng nước toilet chảy hay tiếng còi. Hãy cho trẻ biết rằng bạn hiểu cảm giác khi mình sợ hãi điều gì đó. Nếu bạn thể hiện rằng mình cảm thấy an toàn và thoải mái, trẻ sẽ học được rằng sợ hãi không có gì là xấu hổ và đó là cách tốt nhất để “thanh toán” nỗi sợ hãi. Cố gắng khách quan hoá nỗi sợ hãi bằng cách khuyến khích trẻ nói về nó hoặc gọi tên điều đã làm trẻ sợ. Nỗi sợ hãi của trẻ sẽ không biến mất nếu bạn bỏ qua chúng.
Khách quan hoá nỗi sợ hãi bằng cách khuyến khích trẻ nói về nó hoặc gọi tên điều đã làm trẻ sợ. (ảnh in ternet)
Cố gắng thuyết phục trẻ rằng chẳng có lý do gì để sợ hãi là một sai lầm phổ biến của bố mẹ. Bạn sẽ chỉ làm cho trẻ buồn hơn nếu bạn nói “Không có gì. Chó sẽ không làm con đau. Chẳng có gì phải sợ cả”. Thay vào đó, hãy nói “Mẹ/Bố hiểu rằng chú chó khiến con thấy sợ hãi. Hãy cùng nhau đi qua con chó nhé! Nếu con không muốn, bố/mẹ sẽ nắm tay con khi chúng ta đi qua nó”.
Sử dụng những vật dụng đáng yêu. Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái nếu có thể cầm trên tay vật dụng xinh yêu mà trẻ thích, ví dụ như gấu bông. Những vật dụng như vậy có thể làm cho trẻ yên tâm, đặc biệt là trong lúc bạn mới chia tay trẻ ở nhà trẻ hoặc ban tối khi đi ngủ.
Những đồ vật thân thiết này cũng sẽ giúp trẻ dễ dàng vượt qua hơn khi gặp những “đầu mối” gây sợ hãi như tiếp xúc người mới biết, tham gia trò chơi nhóm, gặp bác sĩ. Vì vậy, hãy cho phép trẻ cầm đồ vật ấy. Trẻ sẽ không còn cần chúng vào khoảng 4 tuổi. Sau độ tuổi này, trẻ sẽ học được nhiều cách khác để vượt qua nỗi sợ hãi của mình.
Giải thích, minh hoạ và khám phá. Trẻ đang sợ hãi thỉnh thoảng có thể vượt qua nếu bạn đưa cho trẻ một ví dụ, một giải thích hợp lý về những gì đang làm trẻ lo lắng. Nếu trẻ sợ tiếng xe cứu thương, hãy giải thích cho trẻ rằng xe cấp cứu cần dùng âm lượng còi to như vậy để các xe khác tránh đường, kịp thời đưa người bệnh đến bệnh viện cứu chữa.
Với một vài trẻ 2 tuổi, một minh hoạ có thể có tác dụng. Trẻ 2 tuổi có thể sẽ thấy thoải mái hơn khi nhìn máy hút bụi có thể hút cát, vết bẩn nhưng không thể lấy đi của trẻ đồ chơi. Đi lại trong bóng tối có thể khiến cho buổi đêm trở nên huyền ảo hơn thay vì chỉ đem lại nỗi sợ. Nếu trẻ sợ đi cắt tóc, có thể để thợ cắt tóc thử cắt một vài đường nhỏ trên tóc bạn trước, để trẻ thấy rằng chú thợ cắt tóc sẽ không làm trẻ đau.
Nếu trẻ vẫn sợ từ lần gặp bác sĩ trước, ví dụ như khi đi tiêm phòng, không tô vẽ mọi thứ, nhưng cũng đừng chỉ tập trung vào những điều tiêu cực. Nhẹ nhàng nói với trẻ rằng có thể ban đầu con sẽ thấy nhói đau một chút, nhưng sẽ rất nhanh thôi, và sau đó cả hai mẹ con sẽ cùng chơi trò chơi. Điều quan trọng là bạn cần ở bên cạnh trẻ trong suốt quá trình bác sĩ khám chữa cho trẻ, cho trẻ thấy bạn – trẻ – bác sĩ là “đồng minh” của nhau và bạn không bỏ rơi trẻ.
Bạn có thể giúp trẻ học về những điều gây sợ hãi từ một khoảng cách an toàn. Trẻ có thể không sợ lễ hội Halloween nữa nếu trẻ được xem sách ảnh hay video về những bà phù thuỷ tốt bụng, những con ma đáng yêu hoặc những chú mèo đen thân thiện. Nếu trẻ sợ động vật, một chuyến đi đến vườn thú và xem những con vật dễ thương có thể là một giải pháp hay ho.
Cùng nhau giải quyết vấn đề. Nếu trẻ sợ bóng tối, hãy dùng đèn ngủ. Các “chiến lược” khác mà bạn có thể sử dụng để xua tan nỗi lo đến giờ đi ngủ của trẻ có thể là một vệ sĩ được thiết kế riêng cho trẻ, ví dụ như một con thú nhồi bông đáng yêu, bình xịt quái vật (nước trong chai xịt), hoặc một câu thần chú sẽ giúp xua đuổi những vị khách không mời mà đến. Thông qua một vài lần thử áp dụng, bạn và em bé của bạn sẽ chỉ ra được những gì có thể giúp trẻ cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh và kiểm soát mọi thứ xuất hiện vào ban đêm hoặc ban ngày. Quá trình ấy có thể mất vài tháng, thậm chí là cả năm, trước khi con bạn hoàn toàn vượt qua nỗi sợ hãi.
Thực hành thông qua trò chơi giả định. Nếu em bé của bạn rất sợ bác sĩ, bạn có thể chơi trò đóng vai với trẻ về những gì diễn ra trong phòng làm việc của bác sĩ (bộ dụng cụ bác sĩ sẽ là một lựa chọn tuyệt vời trong trường hợp này). Nếu con bạn rất sợ gặp người lạ mặt, hãy dùng búp bê và thú nhồi bông để chơi đùa cùng trẻ trước. Đó là một biện pháp khả thi. Nếu trẻ sợ bộ quần áo mà người đó đang mặc, hãy cố gắng ăn mặc giống nhân vật đó, cũng sẽ giúp trẻ xua tan sợ hãi.
Đừng chia sẻ với trẻ nỗi sợ của chính bạn. Nếu trẻ nhìn thấy những lần bạn sợ toát mồ hôi hột vì một con nhện trong phòng ngủ hay la hét ầm ĩ khi đến gặp nha sĩ, thì con bạn cũng sẽ sợ những điều ấy tương tự bạn. Vì vậy, hãy cố gắng vượt qua những nỗi sợ hãi của chính bạn hoặc tối thiểu là kìm nén, hạ thấp sự sợ hãi của mình xuống.
Tất nhiên, trong thực tế bạn cũng không hề muốn đến gặp nha sĩ một chút nào, tương tự trẻ, thì bạn cũng cần cho trẻ biết rằng bạn đến gặp bác sĩ nha khoa để giúp răng lợi luôn khoẻ. Giải thích như vậy sẽ giúp cho trẻ biết rằng trẻ không hề đơn độc, vì bạn cũng như trẻ, cũng học cách vượt qua những nỗi sợ hãi.
Nếu mọi thứ trở nên khó kiểm soát…
Nếu như nỗi sợ hãi của trẻ làm ảnh hưởng xấu đến các hoạt động hàng ngày bình thường của trẻ, ví dụ như trẻ nhất quyết không gội đầu vì sợ nước, trẻ khăng khăng đòi ở nhà vì sợ gặp phải một con chó. Hãy tìm gặp chuyên gia để được tư vấn thêm, đặc biệt là nếu sự sợ hãi ấy lớn dần theo thời gian. Rất có thể trẻ bị ám ảnh thực sự – một nỗi sợ hãi vô cớ nhưng rất dữ dội và dai dẳng.
Hiếu Nguyễn dịch (Tác giả: Sarah Henry Nguồn: Babycenter.com)