Tôi còn nhớ bài tập mà tôi từng giao cho nhiều bạn nhỏ trung học cơ sở trong khi học môn Kỹ năng sống – một bài tập đầu năm: có 1 triệu đồng tiền mừng tuổi, em sẽ tiêu vào những việc gì. Qua sơ đồ tư duy mà các em vẽ ra, ta có thể biết được bạn nào từng được cầm tiền, bạn nào hoàn toàn chưa được tin tưởng và giao việc mua bán những món hàng nho nhỏ cho gia đình. Nhìn vào đó, ta cũng có thể biết về kỹ năng hoạch định việc tiêu pha với một số tiền nhất định của các em, đồng thời hiểu được khả năng quan sát và mức độ quan tâm của các em đến các hoạt động hàng ngày của gia đình. Nhiều bạn biết được bố mẹ phải chi những khoản nào hàng ngày và ngày Tết, có bạn hoàn toàn không có khái niệm gì cả.
Với bạn đọc Mẹ và Bé, tôi đã từng chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc cho con tiền hay không và các vấn đề có thể nảy sinh xung quanh chuyện một đứa trẻ cầm tiền, có một khoản tiền riêng. Trong bài viết nhỏ lần này, tôi chỉ xin bàn về các phương pháp đề cập đến chủ đề TIỀN với con và cùng con rèn luyện kỹ năng quản lý đồng tiền hợp lý, sao cho đứa trẻ lớn lên không bị “ngố” trước việc tiêu tiền, mặt khác lại không có thái độ coi tiền là trên hết, hoặc ngược lại, tỏ ra coi thường đồng tiền.
Một số nguyên tắc cơ bản trong việc dạy con quản lý tiền bạc:
1. Sớm cho con biết về đồng tiền, chức năng và nguồn gốc của nó. Đồng tiền xuất hiện từ nhu cầu của con người, nhưng giá trị của đồng tiền thực ra chính là giá trị của sức lao động. Vì thế, việc dạy các con khái niệm về sức lao động và biết quý trọng sức lao động của con người, của bố mẹ… là việc cần thiết, trước khi chúng ta cho trẻ cầm tiền. Chỉ khi nào bạn cảm thấy thực sự con hiểu được điều này thì con bạn mới sẵn sàng cho việc tiêu tiền. Việc dạy con về sức lao động và mối liên quan giữa lao động, tiền bạc và nhu cầu, có thể bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ.
2. Khi trẻ đạt đến một trình độ nhất định trong việc giao lưu với cộng đồng, tập thể là ta bắt đầu nghĩ đến việc cho con một khoản tiền tiêu vặt. Thường thì ở độ tuổi cuối tiểu học (lớp 4, lớp 5) các bé đã có thể được giao một khoản tiền nho nhỏ để học tự quản lý. Việc cho trẻ tiền tiêu vặt để đáp ứng những nhu cầu nho nhỏ trong việc giao lưu bạn bè, chia sẻ tình cảm… là cần thiết, không sớm thì muộn. Nhiều bố mẹ cho rằng, mọi nhu cầu của con bố mẹ đều có thể đáp ứng, chỉ cần con nói ra. Thế nhưng, đến khi vấp phải các vấn đề phát sinh như con… lén lấy tiền của bố mẹ để khao bạn bè thì mới biết, có những nhu cầu nhỏ bé và chính đáng mà các con không dám nói với bố mẹ. Từ việc này dễ nảy sinh ra nhiều vấn đề khác lớn hơn. Tiền tiêu vặt tốt nhất là ban đầu cho hàng tuần, sau một thời gian thấy con đã quen giữ tiền mới cho hàng tháng. Từng bước một cho trẻ làm quen với việc tiêu tiền, giữ tiền. Mức độ “học” được việc này ở mỗi đứa trẻ là rất khác nhau. Bố mẹ cần quan sát để xác định được độ tuổi bắt đầu cho con tiền và những bước cho tiền từng tháng… tiếp theo.
3. Song song với việc cho con cầm tiền, chúng ta cần có ý thức chuẩn bị kỹ năng cho con làm chủ đồng tiền, kiểm soát được nhu cầu của mình, cân đối với số tiền mình có. Bố mẹ luôn kín đáo quan sát và có cách can thiệp nhẹ nhàng, hướng dẫn con để việc tiêu tiền cũng dạy cho con một giá trị sống nhất định.Kỹ năng làm chủ đồng tiền bao gồm:
Nhận biết được mệnh giá tiềnBiết cách giữ tiền không đánh rơi, mất. Biết những nguy hiểm có thể nảy sinh xung quanh việc cầm tiền và cách phòng tránh và tự bảo vệ mình.Biết cách ghi chép thu chiBiết cách nhìn giá tiền của một vật và cân đối với số tiền mình có xem có nên mua hay khôngBiết cách tính tiền trả lạiBiết cách hoạch định kế hoạch tiêu tiền, trong đó có 20% số tiền luôn được để dành đề phòng bất trắc chứ không tiêu hết sạch ngayBiết cách tiết kiệm những số tiền nhỏ, biết bỏ lợn, gom tiền nhỏ thành những món lớn hơn.Bắt đầu biết suy nghĩ đến nghề nghiệp tương lai, để kiếm tiền nuôi gia đình và để cống hiến cho xã hội
4. Luôn luôn có một THỎA THUẬN bằng văn bản trước khi bắt đầu cho con khoản tiền tiêu vặt, cùng con quy định món tiền này sẽ được trao cho con vào ngày nào hàng tuần hay hàng tháng, và món tiền này con được phép dùng vào những việc gì. Liệt kê những việc ấy một cách cụ thể. Chẳng hạn: món tiền tiêu vặt của con được đưa vào sáng thứ 2 hàng tuần, con có một cái hộp hoặc ví để giữ món tiền này. Con được phép dùng tiền này để mua nước uống, mua bim bim, mua kem, mua đồ ăn nếu chẳng may lỡ bữa, mua thiệp sinh nhật bạn, dùng để chữa xe đạp… Ngoài tất cả những gì đã liệt kê, con phải hỏi ý kiến bố mẹ. Trong thỏa thuận quy định cả việc ghi chép lại việc tiêu pha hoặc báo cáo lại với bố mẹ thế nào về việc tiêu pha của con trong vòng 1 tuần/1 tháng. Nếu bố mẹ thấy ổn, con biết cách dùng tiền, thì sau 3 đến 6 tháng, các con có thể được… lên lương! “Văn bản thỏa thuận” nói trên cần được ghi lại thành bảng to hoặc trên bìa to, có thể vẽ sơ đồ tư duy và luôn được nhắc nhở đến.
5. Không dè bỉu, chê bai, đánh mắng nếu con chưa nắm được cách tiêu tiền. Bạn có thể chờ đợi sự trưởng thành về tinh thần, trí tuệ của con để bắt đầu dạy con và kiên nhẫn cùng con học cách tiêu tiền. Những tín hiệu cho biết con chưa sẵn sàng cầm giữ tiền và tiêu tiền: Con để tiền lung tung, không biết ở đâu; con toàn quên lấy tiền trả lại; con thờ ơ khi bố mẹ đưa tiền, không cất đi, không đếm lại… Chúng ta sẽ đợi thêm nửa năm nữa, có thể mối quan tâm đến tiền của trẻ cũng đã khác.
6. Dù con có háo hức với việc tiêu pha như thế nào, thì việc luôn nhắc nhở con đến ý thức chia sẻ cộng đồng, kể cả khi chúng ta phải bớt lại một chút tiền của mình – là việc hợp lý, cần làm và làm một cách tự nhiên. Trong khi hướng dẫn con hoạch định tiêu pha, bố mẹ nên khen ngợi nếu con có dành một khoản tiền nhỏ để làm từ thiện hoặc mua quà cho mọi người. Đôi khi cần thảo luận hoặc hỏi dưới dạng câu hỏi tình huống “nếu… thì….”, chẳng hạn: “Nếu giả sử bố cần mượn con một chút tiền để nộp tiền nước cho nhà mình thì con thấy thế nào?”. “Nếu có hôm nào mẹ hết tiền, chưa thể đưa con tiền tiêu vặt thì con nghĩ sao?”. “Nếu cô đề nghị nộp tiền quỹ người nghèo thì mình nên nộp bao nhiêu? Tại sao không nên đưa tất cả số tiền con có? Con định nộp bao nhiêu tiền? Con nghĩ là với số tiền đó, con sẽ giúp gì được cho một người nghèo?’..v..v..
7. Trách nhiệm của một thành viên trong gia đình – là con – cần luôn được khẳng định. Con cần được tham gia vào những câu chuyện mua bán đồ đạc, chuẩn bị tiền đi du lịch cả gia đình, lên kế hoạch mua bán sao cho tiết kiệm nhất. Con cũng cần được biết những khoản chi tiêu của bố mẹ cho gia đình: tiền điện, nước, gas, tiền quà cáp họ hàng ngày lễ tết… Việc trẻ tham gia vào những hoạt động chung của gia đình, lên kế hoạch chi tiêu cho cả nhà chính là lúc bố mẹ dạy con các kỹ năng, đồng thời con tự rút ra được nhiều bài học mà không cần bố mẹ “rền rĩ” là phải tiêu nhiều lắm.. cho con. Nhiều cha mẹ quyết định trả tiền con khi con làm việc nhà. Theo tôi đó cũng là phương án thú vị mà người Do Thái rất hay dùng, tuy nhiên, cá nhân tôi, tôi lựa chọn việc nhấn mạnh trách nhiệm của thành viên với gia đình, không trả tiền làm việc nhà. Đấy là trách nhiệm, cũng là quyền lợi của các bạn nhỏ khi sống trong một cộng đồng.
8. Dần dà, khi va chạm với xã hội bên ngoài, trẻ sẽ nhận biết được “sức mạnh” của đồng tiền. Thế nhưng, để khỏi có những lệch lạc không cần thiết khi nói đến tiền với trẻ, cha mẹ hãy tìm cách cho con hiểu: Tiền rất đáng quý, rất cần, nhưng mà, tiền có thể thay thế được. Chẳng hạn, thay vì mua một món quà đắt tiền mừng sinh nhật mẹ, bố và con rủ nhau vào bếp nấu cơm, hoặc cắt dán trang trí nhà cửa để mẹ về thấy bất ngờ, viết tặng mẹ bài thơ, gom thật nhiều điểm tốt trong tháng đưa tặng mẹ… và rất nhiều cách lãng mạn khác. Trẻ cần tránh ý nghĩ lệch lạc là có tiền là mục đích cao nhất của con người.
Đó là một số nguyên tắc cần lưu ý khi dạy con làm quen với việc cầm và tiêu tiền. Để đảm bảo được những nguyên tắc trên, cũng cần có các bài tập nhỏ cho các bé hàng ngày, từ việc tự mua một món đồ, tính nhẩm số tiền giả lại sẽ nhận được cho đến việc lập kế hoạch làm một buổi liên hoan ngọt, mua bán ra sao, cái gì cần cái gì có thể tiết kiệm được..v.v..
Chúc các bố mẹ sẽ có một bạn nhỏ biết quán xuyến và hiểu được giá trị đích thực của đồng tiền.
TSGD Nguyễn Thụy Anh